Năm 2023 kinh tế số hướng tới mục tiêu đóng góp trên 16% trong GDP
Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số ký Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban trong năm 2023 tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số sẽ hướng đến mục tiêu trên 16% trong GDP.
Cùng với xu thế phát triển của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xem đây là bước "đột phá" trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng, tốc độ phát triển kinh tế số nhanh; Có xu hướng số hóa, chuyển đổi, ứng dụng công nghệ số nhanh, rộng trên nhiều lĩnh vực.
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Các doanh nghiệp số Việt Nam tấn công mạnh mẽ thị trường nước ngoài. Doanh thu từ thị trường nước ngoài về viễn thông của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt 3 tỷ USD; Doanh thu của FPT về công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã đạt 1 tỷ USD.
Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số được ban hành nhằm cụ thể hóa mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025, 30% GDP vào năm 2030 bằng 5 mục tiêu phát triển, 9 nhiệm vụ phát triển nền móng, 8 ngành, lĩnh vực phát triển của kinh tế số, 8 giải pháp trọng tâm, đồng thời cụ thể hóa 180 nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức triển khai. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số, xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia.
Tại thời điểm trình ban hành mới có khoảng 14 quốc gia trên thế giới (chiếm 7%) ban hành chiến lược. Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tham khảo quốc tế một cách có chọn lọc, kết hợp với thực tiễn Việt Nam để xác định tường minh khái niệm về kinh tế số, xã hội số. Đây là điều kiện tiên quyết cho việc thống nhất hành động, thúc đẩy phát triển, quản lý, đo lường, giám sát.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm quán triệt, nhanh chóng cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển đất nước, định hướng cho phát triển ngành công nghiệp công nghệ số là ngành công nghiệp nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chiến lược kinh tế số khẳng định kinh tế số là động lực tăng trưởng mới, là sự chuyển đổi từ 80% kinh tế số dựa trên ICT thành 80% là dựa trên kinh tế số ngành, là sự nhấn mạnh vai trò của các nền tảng số Việt Nam, là sự thay đổi thể chế để chấp nhận các mô hình kinh doanh mới. Năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu. Đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân; Là công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ ngành và địa phương; là mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; Là an toàn dữ liệu. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cầm nhịp về năm dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu...
Trong vấn đề phát triển kinh tế số, kế hoạch hành động của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số đặt mục tiêu phấn đấu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP trên 16%. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ trên 8,5%. 100% bộ, ngành, địa phương ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số thuộc phạm vi quản lý. 100% bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, y tế thuộc phạm vi quản lý. Trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số, trên 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số.
Về xã hội số, Kế hoạch đặt chỉ tiêu tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh trên 80%. Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng trên 85%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử trên 30%. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác trên 75%. Tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa trên 30%. Tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử trên 80%. Phấn đấu tỷ lệ hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin trên 80%. Tỷ lệ hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ trên 30%. Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng có sử dụng giải pháp an toàn thông tin mạng cơ bản đạt trên 10%.
Năm 2023 là Năm Dữ liệu số quốc gia, tập trung vào thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng. Cụ thể, phấn đấu 100% bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục. 100% bộ, ngành, địa phương cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (NDXP/LGSP). Trên 30% bộ, ngành, địa phương triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% bộ, ngành, địa phương triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Kế hoạch đặt chỉ tiêu 100% bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến. 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử. Trong đó, 30% thanh toán trực tuyến trên cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công; 60% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; 50% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa.