Dịch vụ công trực tuyến phải toàn trình, thực chất
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp trực tiếp nhiều kiến nghị, vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp (DN) công nghệ, cơ quan báo chí tại Chương trình lãnh đạo Bộ TT&TT với Giám đốc Sở TT&TT, cơ quan báo chí, xuất bản và hội, hiệp hội, DN trong lĩnh vực TT&TT.
Ngày 28/12/2023, Bộ TT&TT đã tổ chức Chương trình lãnh đạo Bộ TT&TT làm việc với Giám đốc Sở TT&TT, cơ quan báo chí, xuất bản và hội, hiệp hội, DN trong lĩnh vực TT&TT. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các Thứ trưởng Bộ TT&TT và 130 đại biểu cấp trưởng các đơn vị, các cơ quan báo chí, xuất bản trong ngành TT&TT đã tham dự.
Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số (CĐS) từ Trung ương đến địa phương
Chương trình buổi trao đổi, hỏi đáp, trả lời các kiến nghị, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Để chuẩn bị cho buổi làm việc này, từ ngày 10/12 - 17/12, hệ thống của Văn phòng Bộ TT&TT đã tiếp nhận 336 kiến nghị và đến nay chỉ còn 31 kiến nghị chưa được trả lời, 13 kiến nghị đã được trả lời nhưng đề nghị tiếp tục được làm rõ.
Là người đầu tiên phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã báo cáo đề dẫn một số nội dung. Theo đó, Thứ trưởng cho biết thời gian vừa qua, nhiều đơn vị gặp vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ, biên chế, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo tháo gỡ và mới đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về CĐS từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
“CĐS là việc mới, bao gồm cả CĐS Ngành, CĐS lĩnh vực như CĐS báo chí, xuất bản, không chỉ đơn thuần là câu chuyện CNTT. Tinh thần CĐS là việc mới và vì vậy, việc mới nên là các bộ, ngành, địa phương phải cân đối biên chế cho các địa phương có nhiều việc mới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng trao đổi các đầu mối liên hệ về các nội dung liên quan tới tài chính, đơn giá, định mức, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp cho CNTT, sửa đổi văn bản hướng dẫn xác định giá trị phần mềm.
Về văn bản hướng dẫn xác định giá trị phần mềm, Thứ trưởng cho biết Bộ TT&TT đã hoàn thành toàn bộ các khâu để xin ý kiến, sửa đổi văn bản số 2589. Cục CĐS Quốc gia sẽ gửi văn bản xin ý kiến 63 Sở TT&TT, DN một lần nữa trước khi ban hành trong tháng 1/2024.
Ít nhất 70% hồ sơ của người dân được xử lý trực tuyến toàn trình
Tại hội nghị, ông Vũ Anh Dũng, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Điện Biên đã nêu một số trăn trở về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) bởi DVCTT là dịch vụ cơ bản, là yếu tố quan trọng của CĐS nói chung và nội dung chính về chính quyền điện tử.
Theo Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Điện Biên, vẫn còn một số thủ tục rườm rà khi người dân thực hiện DVCTT như sử dụng DVCTT vẫn phải thực hiện các thủ tục quét các văn bản. Việc sử dụng các dịch vụ của Chính phủ, địa phương còn rất khó. “Một người có trình độ để tìm hiểu các thủ tục DVCTT còn khó chứ chưa nói người dân bình thường. Để giải quyết vấn đề này các tổ CNSCĐ phải có sự tham gia của các bên”.
Về nội dung này, một số Sở TT&TT như Đà Nẵng, Thái Nguyên đã chia sẻ kinh nghiệm.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện số hồ sơ của người dân, DN được xử lý trực tuyến vẫn thấp. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nghiên cứu thành lập nhóm công tác thúc đẩy việc này.
Theo Bộ trưởng, “CĐS, thúc đẩy DVCTT nên xem xét việc bắt buộc. Nếu không bắt buộc thì không ai làm. Có hai ví dụ điển hình để nói việc bắt buộc là tốt: Đầu tiên, kinh nghiệm của một số nước cách đây 15 năm là giảm biên chế trước khi ứng dụng CNTT và vì thế thúc đẩy ứng dụng CNTT. Thứ hai là khi COVID-19 xảy ra toàn bộ thế giới CĐS trong 3 ngày”.
Bộ trưởng nhấn mạnh Bộ TT&TT sẽ tuyên bố DVCTT Việt Nam năm 2024 toàn trình, thực chất. Toàn trình là người dân làm dịch vụ công từ nhà, thực chất là ít nhất 70% hồ sơ của người dân được xử lý trực tuyến toàn trình.
Theo Bộ trưởng, “niềm tin để chúng ta làm được việc này là đã có một số DVCTT toàn trình được thực hiện bởi người dân ở mức 95% trong năm 2023. Và điều đó tạo niềm tin là chúng ta có thể làm DVCTT toàn trình thực chất trong năm 2024 để kết thúc giai đoạn Chính phủ điện tử, để Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn chính phủ số”.
Cũng về lĩnh vực CĐS, Bộ trưởng cũng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng về việc kiến trúc Chính phủ điện tử cũng phải hướng tới kiến trúc chính phủ số thay vì lựa chọn tiến hoá từ từ, từ chính quyền điện tử sang chính quyền số.
Trước đó, ông Nguyễn Tử Quảng, Tập đoàn BKAV cho biết kiến trúc chính phủ số cần đáp ứng các định hướng của Bộ hướng vào nền tảng, tập trung vào dữ liệu (data centric). Các nền tảng phải là nền tảng no-code, low-code. Đây đều là theo xu hướng của thế giới.
Không phát triển hạ tầng số không có kinh tế số
Nêu một số công việc của DN viễn thông trong năm 2024, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết năm 2024, Viettel cũng như các DN viễn thông khác như Vinaphone, MobiFone thực hiện rất nhiều chương trình trọng điểm mà trực tiếp Bộ TT&TT điều hành. DN rất mong muốn các Sở TT&TT đồng hành một số chương trình trọng điểm như đến tháng 9/2024, Bộ TT&TT đã có một kế hoạch là tắt sóng 2G. “Đây là một thông điệp ngắn nhưng triển khai công việc rất là lớn. Đầu tiên là triển khai hạ tầng”.
Ông Tào Đức Thắng cho biết, hiện nay, vùng phủ sóng 4G để bù cho 2G thì một số tỉnh, thành phố cơ bản đáp ứng tương đương nhưng nhiều tỉnh, thành đặc biệt các tỉnh vùng núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nguyên thì tỷ lệ phủ sóng 4G so với 2G còn rất là xa. “Chúng tôi cũng đặt ra một chương trình đến trước tháng 9/2024, hoàn toàn phủ sóng 4G tương đương 2G bởi có như vậy mới tắt được sóng 2G. Viettel còn triển khai chục ngàn trạm phát sóng nữa và mong các địa phương trong quá trình triển khai việc này, chắc chắn sẽ có những vướng mắc. Ví dụ, phát triển các trạm phát sóng mới sẽ có những khiếu kiện và mong có sự đồng hành của các Sở TT&TT”.
Tiếp theo, ông Tào Đức Thắng nói: Có sóng 4G rồi thì ngoài chuyện nhà mạng làm được những việc phủ sóng, các dịch vụ, giá cước là các điều kiện cần nhưng điều kiện đủ vẫn là nhu cầu của người dân là chưa cấp thiết, chưa muốn chuyển.
“Giải pháp là rất mong các Sở TT&TT giúp nhà mạng bằng việc chỉ đạo tổ CĐSCĐ đến tận gia đình người dân thuyết phục và hỗ trợ cài đặt các tài khoản số trên smartphone để người dân có thể sử dụng các ứng dụng trên smartphone. Có tài khoản trên smartphone, việc cài đặt, sử dụng các ứng dụng như VTVGo, TV360… không hề phức tạp”.
Đối với các ý kiến của người đứng đầu Viettel cũng là ý kiến chung của các DN viễn thông về phát triển hạ tầng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hạ tầng viễn thông, hạ tầng số là một trong những hạ tầng quan trọng của một địa phương, chẳng khác gì hạ tầng giao thông, đường xá, chỉ khác là hạ tầng viễn thông, hạ tầng số địa phương không phải bỏ tiền.
“Nếu không hỗ trợ phát triển hạ tầng số thì địa phương không phát triển được. Phát triển kinh tế số phải dựa trên hạ tầng số. Hạ tầng số do DN hăng hái làm thì địa phương phải hỗ trợ, coi như việc của nhà mình”.
Đà Nẵng tiên phong đi đầu tắt sóng 2G
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết việc tổ chức chương trình làm việc theo cách này sẽ được Bộ TT&TT triển khai sớm hơn trong năm sau.
Bộ trưởng cũng lưu ý lại một số việc cần triển khai trong thời gian tới. Theo đó, về định mức kinh tế kỹ thuật, có 3 văn bản cần thực hiện phải cố gắng hoàn thành trong quý I và đầu quý II năm 2024. Bộ trưởng giao các Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Bùi Hoàng Phương chỉ đạo việc này.
Về bản quyền báo chí trong đó có bản quyền của VTV khi đơn vị này bị xâm phạm khá nhiều, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm làm việc với các đơn vị liên quan và sắp xếp làm việc với Bộ Công an để có hình thức xử lý nghiêm các vi phạm.
“Báo chí đã rất khó khăn và trong luật đã xác định báo chí là sản phẩm có được bảo vệ bản quyền. Trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ/CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP cũng lần đần đầu tiên có quy định về bảo vệ bản quyền báo chí”.
Bộ trưởng cũng giao Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm tiếp tục có các buổi làm việc về nội dung hội đồng quản lý cơ quan báo chí. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng chủ trì làm việc với một số đài truyền hình lớn về đo lường báo chí.
Bộ trưởng chỉ đạo về công tác tự chủ một phần của báo chí và nội dung này Bộ trưởng giao Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng được giao đánh giá về nền tảng số trong nước đã triển khai 2 năm để xem xét việc hỗ trợ trong quý I năm 2024.
Về kiến nghị của Đà Nẵng tắt sóng 2G sớm hơn so với cả nước, dự kiến vào tháng 6/2024, Bộ trưởng giao các nhà mạng có công văn đồng ý trong ngày 28/12 và xem xét trợ giá cho smartphone ở mức cơ bản.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Đà Nẵng xung phong thí điểm tắt 2G là việc khuyến khích và cảm ơn Đà Nẵng vì tiên phong đi đầu. Bộ trưởng cũng giao Thứ trưởng Phạm Đức Long chỉ đạo các nhà mạng phối hợp, làm tốt việc này./.