Nạn kêu cứu “ảo” trên các ứng dụng cứu trợ: Chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ

Thế Phương| 15/09/2021 15:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo đại diện SOSmap và Zalo Connect, mặc dù tình trạng kêu cứu "ảo" có diễn ra nhưng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong số các hoàn cảnh gặp khó khăn thực sự.

Nạn kêu cứu "ảo" làm mất thời gian, công sức của người giúp đỡ

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc ra đời các ứng dụng cứu trợ người dân như SOSmap, Zalo Connect... đã chứng minh được hiệu quả trong việc kết nối những mạnh thường quân lại gần hơn với người đang cần giúp đỡ các nhu yếu phẩm, lương thực, thiết bị y tế...

Mặc dù vậy, một số người lại truy cập vào các ứng dụng này để "đùa cợt" như đăng yêu cầu cần hỗ trợ bia rượu, đồ nhậu, món ăn đắt tiền… hay có người còn tận dụng để quảng cáo như "Mong mọi người giúp đỡ em gạo ST25, trứng cá hồi, thịt bò Kobe,... Thậm chí, có người sau khi nhận được đồ cứu trợ lại lên mạng xã hội để "chê bai" đồ của các mạnh thường quân giúp đỡ mình. 

 "Những yêu cầu "ảo" như vậy làm tốn thời gian và công sức của người muốn làm việc tốt, trong khi người thực sự cần hỗ trợ thì lại chưa được giúp đỡ", chị Minh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

Chị Minh kể lại, do được truyền thông thường xuyên nhắc đến nên chị đã thử lên ứng dụng SOSmap để mong muốn được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong thời gian giãn cách. "Dù họ nói cần lương thực và nhu yếu phẩm, nhưng khi tôi gọi điện thì họ lại bảo không muốn nhận đồ mà muốn nhận tiền, thậm chí số tiền khá lớn. Trong 10 trường hợp tôi liên hệ gần đây thì có không ít các trường hợp như vậy", chị Minh kể.

Mặc dù có thể những người này đang gặp khó khăn, nhưng chị Minh cho rằng, lẽ ra họ nên chia sẻ ngay từ đầu trên ứng dụng để ai có thể giúp đỡ được thì gọi điện, sẽ đỡ mất thời gian của cả hai bên.

Tương tự, anh Long (Cầu Giấy, Hà Nội), cũng gặp phải tình trạng kêu cứu "ảo" trên nền tảng Zalo Connect. "Có những trường hợp đăng yêu cầu giúp đỡ, tôi đã chuẩn bị đồ và đến nơi thì họ nói không cần nữa. Việc này đã làm mất nhiều thời gian, công sức của tôi, khi mà việc di chuyển trong thời gian giãn cách xã hội không phải là một việc dễ dàng", anh Long chia sẻ.

Bên cạnh đó, cũng có một số người gặp phải tình huống, khi thấy có người đăng yêu cầu giúp đỡ, nhưng đến nơi hoặc gọi điện thì đã được giúp đỡ trên nền tảng khác rồi. "Tôi gặp không ít những trường hợp như vậy", anh Nam (Hoàn Kiếm Hà Nội) nói.

Nạn kêu cứu “ảo” trên các ứng dụng cứu trợ: Chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ - Ảnh 1.

Các trường hợp cần giúp đỡ trên SOSmap đều được xác minh, sàng lọc thông tin qua tổng đài, hệ thống eKYC để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ đến đúng người cần được hỗ trợ.

Đều có cơ chế kiểm duyệt và tình trạng kêu cứu "ảo" chỉ là số ít

Trước tình trạng kêu cứu "ảo" này, các ứng dụng cứu trợ như SOSmap hay Zalo Connect cũng đã có những giải pháp nhất định, ông Phạm Thanh Vi, người sáng lập (founder) ứng dụng SOSMap, ngay từ khi ra đời, nền tảng này đã xây dựng một đội tổng đài viên để tiếp nhận cũng như xác minh thông tin của người cần cho và nhận. "Mặc dù cũng có những tình trạng kêu cứu "ảo" nhưng hầu hết yêu cầu gửi lên hệ thống đều là từ người cần hỗ trợ thực sự", ông Vi chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, SOSmap cũng đã triển khai hệ thống eKYC (xác thực người dùng" để hạn chế tình trạng này.

Ông Đoàn Quốc Anh, Giám đốc sản phẩm Zalo, phụ trách Zalo Connect cho biết, khi xây dựng tính năng cho nền tảng này, đội ngũ phát triển cũng đồng thời xây dựng các cơ chế kiểm duyệt để đảm bảo tính xác thực của các yêu cầu. Ban đầu, số lượng các yêu cầu gửi về rất nhiều vì vậy việc xác minh tốn rất nhiều nguồn lực. Sau đó, Zalo Connect đã triển khai nhiều phương pháp, để có thể tự sàng lọc những hành vi, những từ khóa,... trong yêu cầu người dùng gửi về là có chất lượng hay không. 

"Chúng tôi còn có các đội ngũ sàng lọc những yêu cầu cần đến sự kiểm duyệt của con người. Hiện tại chúng tôi khá tự tin về mức độ kiểm soát tính chân thực của các yêu cầu", ông Quốc Anh bày tỏ.

Tuy nhiên ông Quốc Anh cũng nhấn mạnh, Zalo Connect là tính năng kết nối, giúp những người cần giúp đỡ và những người muốn giúp đỡ có thể gặp nhau dễ dàng hơn. Vì vậy, đội ngũ phát triển sẽ không can thiệp quá sâu vào việc vận hành, nghĩa là khi người khó khăn và người muốn giúp đỡ gặp nhau trên nền tảng họ có thể có nhiều cách thức để xác minh vì ở cùng nhau trong một khu vực địa lý, hoặc có thể thông qua việc trao đổi với nhau, chụp hình, quay phim,...

Ngoài ra, trong quá trình vận hành, đội ngũ phát triển nhận thấy rất nhiều phản hồi rằng họ đã được nhiều người giúp đỡ trên Zalo Connect và muốn xin xóa các yêu cầu để nhường cho người khác. "Điều đó đã thúc giục chúng tôi nhanh chóng bổ sung thêm các tính năng để xác nhận các trường hợp đã giúp đỡ. Trong tình hình khó khăn này, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều hành động đẹp đẽ từ cả người cần giúp lẫn người đi giúp. Những người xấu chỉ là một bộ phận thiểu số và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hạn chế các trường hợp này", ông Quốc Anh khẳng định.

Chia sẻ trong toạ đàm trực tuyến "Kết nối trong đại dịch" được tổ chức gần đây, trước câu hỏi ngăn chặn tin giả trên các hội nhóm tự phát và giúp các nhà hảo tâm xác minh trước tình trạng kêu cứu "ảo", Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, với bất cứ nền tảng, ứng dụng hay bất cứ thứ gì khác trong xã hội, bên cạnh các mặt tốt thì cũng có thể bị lợi dụng. "Thời gian qua, chúng tôi cũng ghi nhận một số trường hợp như vậy, nhưng không nhiều, ước tính chỉ dưới 3%", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, từ góc độ cơ quan chức năng khi phát hiện ra đều có phân loại để có xử lý phù hợp, nâng cao niềm tin của mọi người khi tham gia vào. Ví dụ cũng có những lời kêu cứu ảo. Khi xử lý, các ứng dụng sẽ có những phân loại, những lọc sơ bộ ra để sao cho tỷ lệ đó ngày càng ít đi. "Gần đây, tôi thấy trên các nền tảng mà chúng tôi theo dõi, các hiện tượng này không có dấu hiệu gia tăng hay có thể trở thành một xu hướng phổ biến", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm.

Còn theo quan sát của ông Nguyễn Đình Quân - Kỹ sư quản lý dự án, Tập đoàn Thyssenkrupp Industrial Solution AG, chuyện này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cả ở các nước khác cũng có. Do đó, ông Quân thấy cần có quy định rõ ràng của pháp luật, đồng thời ràng buộc các nhà phát triển nền tảng cần có sự chịu trách nhiệm nếu nền tảng của mình phát tán những thông tin không đúng. 

"Cần có những công cụ để người dùng báo cáo, từ đó để các nhà phát triển ứng dụng có phản ứng ngay để xóa bỏ các thông tin như vậy, hoặc chuyển cho cơ quan chức năng", ông Quân nói.

Không chỉ hỗ trợ về thực phẩm, cả 2 nền tảng SOSmap và Zalo Connect cho biết sẽ triển khai thêm việc hỗ trợ các em học sinh về dụng cụ học tập như sách giáo khoa, thiết bị thông minh….trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Phạm Thanh Vi, SOSmap sẽ hỗ trợ Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện thuộc TPHCM trên nền tảng để thực hiện Chương trình Quỹ mua sách giáo khoa cho trẻ em ở Nhà Bè và Cần Giờ (HCM) và một số huyện xã ở các tỉnh phía Nam cũng như đang phát triển tính năng campaign (chương trình) để các đơn vị có thể tự tạo các hoạt động quyên góp các nội dung hỗ trợ khác cho người dân như: máy tính cũ, smartphone cũ… cho các em học sinh gặp khó khăn về thiết bị học tập trực tuyến.

Nạn kêu cứu “ảo” trên các ứng dụng cứu trợ: Chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ - Ảnh 3.

Cần có những công cụ để người dùng báo cáo, từ đó các nhà phát triển ứng dụng có phản ứng ngay để xóa bỏ các thông tin kêu cứu "ảo" . (Ảnh:VOV)

Tận dụng thế mạnh công nghệ vào việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân gặp khó khăn

Cũng theo ông Quốc Anh, sau khi Zalo Connect được giới thiệu, nền tảng đã nhận được sự ủng hộ lớn từ Bộ TT&TT, Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 Quốc gia và các cơ quan quản lý tại các tỉnh/thành. "Một số địa phương đã sử dụng thông tin từ Zalo Connect để lên kế hoạch giúp đỡ và hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong dịch bệnh Covid-10", ông Quốc Anh nói.

Đội ngũ phát triển Zalo Connect mong muốn có thể tận dụng những thế mạnh về công nghệ của Zalo để hỗ trợ, kết nối người dùng đặc biệt là trong những như thiên tai/ thảm họa/dịch bệnh.

Zalo Connect là tính năng dựa trên ý tưởng cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau, cùng vượt qua những tình huống khẩn cấp và bất khả kháng như thiên tai/thảm họa/dịch bệnh. Rất nhiều người đã chia sẻ niềm vui khi được giúp đỡ những người xung quanh và cũng có rất nhiều người đã được giúp đỡ nhờ Zalo Connect. Đây cũng là niềm vui của những người làm sản phẩm. "Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người khó khăn được giúp đỡ thông qua Zalo Connect trong thời gian tới", ông Quốc Anh nói.

Còn theo ông Vi, sau khi được ra mắt, SOSmap đã kết nối với các đơn vị như Liên hiệp Thanh niên HCM, Phụ nữ TP. Thủ Đức, Quận 7… cũng như các nhóm từ thiện, mạnh thường quân để hỗ trợ người dân gặp khó khăn. "Thời gian đầu, việc ứng dụng công nghệ mới trong việc cứu trợ, giúp đỡ người dân gặp khó khăn cho các thành viên cũng tốn một chút thời gian để có thể sử dụng được tốt", ông Vi chia sẻ.

Trước việc có nhiều ứng dụng cứu trợ người dân, đại diện cả Zalo Connect và SOSmap đều cho rằng, điều này sẽ giúp có nhiều kênh để hỗ trợ cho người dân. Hiện số lượng người khó khăn đang cần được trợ giúp là rất nhiều và có nhiều hoàn cảnh cần sư giúp đỡ khẩn cấp nên tôi nghĩ trong thời gian này nên có nhiều cách thức để người dân có thể tìm được sự hỗ trợ kịp thời. "Tuy nhiên, việc này cũng dẫn đến tình trạng thông tin chưa đồng nhất, dẫn đến việc từ thiện bị chồng chéo và khiến cho tình trạng kêu cứu "ảo" vẫn sẽ còn tiếp diễn", ông Vi chia sẻ thêm.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Vi, là do thiếu sự đồng bộ giữa các ứng dụng hoặc nếu có cũng chỉ ở mức độ nhỏ khiến thông tin bị nhiễu khá nhiều. Vì vậy, cần phải xây dựng tốt các quy định dành cho việc làm từ thiện, như việc tạo cơ chế mở và hỗ trợ cho các khởi nghiệp công nghệ.

Khi được hỏi về việc mỗi thời điểm như đợt bão lũ miền Trung hay dịch Covid-19 cũng đều có những ứng dụng cứu trợ người dân khác nhau thay vì một nền tảng duy nhất, ông Quốc Anh cho rằng, mỗi đợt thiên tai/thảm hoạ/dịch bệnh đều có những tính chất rất khác nhau. Chẳng hạn như đợt bão lũ miền Trung thì người dân có thể di chuyển, đi lại được không bị hạn chế về tiếp xúc nên mọi người vẫn có thể giúp đỡ nhau được. Trong khi đó tính chất của dịch Covid-19 là tránh tiếp xúc, ngoài ra các địa phương lại đang giãn cách… nên cách tiếp cận để xây dựng tính năng giúp đỡ cũng phải khác biệt.

"Khi xây dựng tính năng phải phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thực tế và tính chất của từng đợt thiên tai/hiểm họa để có ứng dụng phù hợp. Sau mỗi lần như vậy thì đội ngũ phát triển sẽ có thêm kinh nghiệm, hiểu biết, đặc biệt là sự thấu cảm hơn với người dùng, với các hoàn cảnh khó khăn để làm ra tính năng tốt hơn cho những lần sau", ông Quốc Anh nói.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, những nền tảng có nhiều người sử dụng sẽ phát huy được ý nghĩa lớn trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh. Như Zalo, hàng tháng có 65 triệu người dùng. Khi phát triển Zalo Connect, chúng tôi thấy đã thể hiện được hiệu quả. Trong 15 ngày triển khai đã ghi nhận khoảng 320.000 lượt đề nghị trợ giúp. Tiện lợi ở chỗ, nếu cần trợ giúp, người dân có thể đưa lên nền tảng và những người ở gần mình nhất, nếu có tấm lòng, năng lực giúp đỡ, thông qua nền tảng này có thể phát hiện được ra những người cần giúp đỡ.

Hay như tổng đài 1022 mà TP HCM thời gian qua triển khai, có một nhánh hỗ trợ người dân. Sau khi triển khai, mỗi ngày nhận khoảng 15 - 20.000 lượt gọi đề nghị trợ giúp từ các khu phong tỏa. Có thể thấy các nền tảng như vậy đã phát huy được hiệu quả trong thời gian vừa rồi, và chúng ta sẽ cần đẩy mạnh các giải pháp này hơn nữa trong thời gian tới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nạn kêu cứu “ảo” trên các ứng dụng cứu trợ: Chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO