Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

TC| 22/11/2022 14:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo khảo sát của Bộ Tư pháp, chỉ có 38% doanh nghiệp Việt Nam có bộ phận pháp chế, trong đó, chưa đến 50% doanh nghiệp có bộ phận pháp chế chuyên trách.

Dự thảo Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025" đang được các bộ, ngành, địa phương phản hồi tích cực. Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị nhằm tham khảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và hiệp hội để hoàn thiện tốt nhất Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành. Trong Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Đề án được Bộ Tư pháp tổ chức sáng 22/11, TS. Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho biết các hoạt động hỗ trợ pháp lý là hoàn toàn miễn phí và hướng tới mọi doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, tổ chức, quy mô kinh doanh hay lĩnh vực hoạt động.

Trọng tâm và định hướng của Dự thảo Đề án xác định các công tác hỗ trợ pháp lý như giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật; hỗ trợ các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại. Đề án sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp trong kinh doanh hội nhập quốc tế, đồng thời có chính sách hỗ trợ hiệu quả các hoạt động của doanh nghiệp theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia và thể hiện tính liên ngành, liên vùng.

Một số ý kiến của các đại biểu tham gia Hội thảo lấy ý kiến cho rằng việc thành lập một Cổng Thông tin điện tử quốc gia là rất cần thiết. Cổng Thông tin sẽ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt trong xu hướng doanh nghiệp có nhiều hoạt động kinh doanh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh, do nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa nắm bắt được các vấn đề pháp lý cũng như hoạt động hỗ trợ pháp lý miễn phí của Nhà nước. Hơn 70% doanh nghiệp tại Việt Nam hiện tại là những doanh nghiệp thuộc quy mô vừa và nhỏ. Công tác truyền thông rộng rãi sẽ giúp các doanh nghiệp nhận ra tính thiết thực, hiệu quả của Chương trình hỗ trợ pháp lý.

Theo khảo sát của Bộ Tư pháp trong hai năm 2021 và 2022, chỉ có 38% doanh nghiệp được hỏi có bộ phận pháp chế, trong đó, 44% doanh nghiệp có bộ phận pháp chế chuyên trách, và 56% là làm việc kiêm nhiệm. Công tác pháp chế vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức và bố trí nguồn lực phù hợp. Một phần nguyên nhân vì các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên chưa có đủ nhân sự, tài chính cho công tác pháp chế, mà chủ yếu tập trung vào sản xuất, kinh doanh.

Vì vậy, Đề án sớm được hoàn thiện về khung pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp sẽ phát huy nhiều hiệu quả. Đề án đặt ra mục tiêu 100% doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý khi có nhu cầu; 100% quy định pháp luật về doanh nghiệp được thông tin đầy đủ, kịp thời. Ngoài ra, các mô hình hỗ trợ pháp lý hiệu quả sẽ được xây dựng và nhân rộng trên toàn quốc. Doanh nghiệp sẽ được tăng cường tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật. Công tác hỗ trợ pháp lý sẽ ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả đồng thời xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố. Đề án cũng đặt ra cơ chế thu hút sự tham gia của các luật sư, luật gia, tư vấn viên pháp luật tham gia hỗ trợ công tác này…/.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO