Truyền thông

Nâng cao năng lực lao động khu vực ASEAN trong giai đoạn mới

P.V 13:10 30/11/2023

Với sự phát triển về kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, khu vực ASEAN cần tăng cường nỗ lực và hợp tác nhằm nâng cao khả năng đáp ứng của thị trường lao động cũng như năng suất, khả năng cạnh tranh và thích ứng của người lao động.

ASEAN chú trọng nâng cao năng suất lao động

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đến năm 2030, khoảng 59 triệu người sẽ bổ sung vào lực lượng lao động của ASEAN. Điều này có nghĩa là ASEAN sẽ sở hữu lực lượng lao động lớn thứ ba thế giới, chiếm 10% lực lượng lao động của toàn thế giới vào năm 2030, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khối này, 3 quốc gia chiếm tỷ trọng hơn 70% số lao động của ASEAN là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%).

Trong những năm qua, ASEAN đã tăng cường nỗ lực và hợp tác nhằm nâng cao khả năng đáp ứng của thị trường lao động cũng như năng suất, khả năng cạnh tranh, thích ứng của người lao động, hướng tới một cộng đồng bao trùm, bền vững và hướng tới tương lai. Các nước trong ASEAN đã chú trọng việc xây dựng, thúc đẩy, triển khai hiệu quả nhiều hình thức quan hệ đối tác về phát triển nguồn nhân lực như hợp tác công tư, hợp tác giữa các lĩnh vực liên ngành tại mỗi quốc gia, hợp tác ở cấp khu vực, hợp tác giữa ASEAN với các đối tác song phương và đa phương.

11.jpg
Đến năm 2030, khoảng 59 triệu người sẽ bổ sung vào lực lượng lao động của ASEAN.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 vào tháng 6/2020, các lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ các nước ASEAN đã ra Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay với nhiều nội dung đáng chú ý.

ASEAN cũng tăng cường thúc đẩy vai trò lãnh đạo của khu vực doanh nghiệp, ngành công nghiệp, các cơ sở giáo dục về phát triển nguồn nhân lực bằng cách thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa Chính phủ và khu vực tư nhân, đưa ra các ưu đãi, công nhận đối với các công ty đầu tư nguồn lực vào công tác đào tạo kỹ năng, thực tập, học nghề. Cải thiện khả năng tiếp cận, chất lượng thông tin thị trường lao động, trên cơ sở phù hợp, tiến tới một hệ thống thông tin thị trường lao động vững mạnh và mạch lạc

Nhiều nghiên cứu trong thời gian gần đây đã chỉ ra rằng, trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ bị thay thế bởi máy móc, trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ phải bổ sung kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu công việc. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ này ở ASEAN còn cao hơn: 56% việc làm trong 5 nước ASEAN có thể bị ảnh hưởng nặng, thậm chí thay thế bởi tự động hóa trong vài thập kỷ tới.

Trước thực tế trên, ASEAN xác định việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của khu vực. ASEAN rất chú trọng vấn đề này, đã có nhiều hoạt động, sáng kiến cụ thể để vượt qua thách thức nói trên. Đặc biệt, khu vực đã xây dựng Khung tham chiếu trình độ ASEAN, tạo ra các không gian giáo dục đại học để sinh viên các nước ASEAN có thể qua lại với nhau, đề cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển nói chung và phát triển nguồn nhân lực cao nói riêng.

Việt Nam phấn đấu vào Top 3 ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động

Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030, vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký phê duyệt tại Quyết định 1305/QĐ-TTg ngày 8/11/2023.

daynghe_yawa-09_46_52_127.jpg
Tăng cường đào tạo lao động để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường lao động.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chính.

Mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm, trong đó; tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7,0 - 7,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khu vực dịch vụ đạt 7,0 - 7,5%/năm.

Tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước trong giai đoạn 2023 - 2030. Phấn đấu nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2030.

Đặc biệt, nước ta sẽ thí điểm chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động trong một số lĩnh vực, địa phương. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của chương trình là thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động. Cụ thể, lựa chọn một số lĩnh vực, một số địa phương thực hiện thí điểm chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế; nghiên cứu, đề xuất việc thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm quốc tế và bảo đảm phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động về các yêu cầu, rào cản đối với cải thiện năng suất lao động và kiến nghị các giải pháp phù hợp.

Xây dựng chương trình truyền thông, phổ biến kiến thức về năng suất, cải tiến năng suất, kinh nghiệm điển hình cải tiến năng suất ở cấp quốc gia, cấp địa phương, cấp doanh nghiệp, cộng đồng.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực lao động khu vực ASEAN trong giai đoạn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO