Truyền thông

Việt Nam và cộng đồng ASEAN chung tay phát triển du lịch bền vững

Anh Minh 21:11 14/11/2023

Lãnh đạo các quốc gia ASEAN cam kết tăng cường hợp tác, tạo điều kiện trao đổi những điều tốt nhất và tận dụng cơ hội nhằm đạt các mục tiêu chung về phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy trải nghiệm du lịch liền mạch trong vùng đất ASEAN.

Để thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh trong khu vực, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch và Giao thông Vận tải ASEAN đã được tổ chức theo hình thức kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp ngày 10/11 tại thành phố Luang Prabang (Lào), trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải ASEAN lần thứ 29. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cùng nhóm công tác đoàn Việt Nam đã tham dự Hội nghị.

Thúc đẩy các hoạt động giao thông và du lịch bền vững

Theo nội dung Hội nghị, ngành công nghiệp du lịch tiếp tục được kết nối trở lại sau đại dịch COVID-19, cùng với sự phục hồi kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN, sẽ tạo ra nhu cầu đi lại mạnh mẽ hơn. Năng lực và khả năng kết nối của giao thông vận tải đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các điểm đến, đặc biệt là ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và trải nghiệm tổng thể của du khách.

Phục hồi ngành Du lịch là điều quan trọng trong chiến lược phục hồi kinh tế của ASEAN, nhất là khi du lịch có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế với 14,3% GDP của khu vực và chiếm 13,7% tổng số việc làm trong khu vực. Hiện nay, khi cuộc khủng hoảng đại dịch đã tương đối được kiểm soát, du lịch đang chứng tỏ là một thành phần quan trọng không chỉ đối với sự phục hồi kinh tế của khu vực mà còn đối với sự thịnh vượng kinh tế trong tương lai của khu vực.

dsc00899-scaled-2-.jpg
Hội nghị Bộ trưởng Du lịch và Giao thông Vận tải ASEAN đã được tổ chức theo hình thức kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp. (Ảnh: ASEAN.org)

Lãnh đạo các quốc gia ASEAN đã cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác, tạo điều kiện trao đổi những điều kiện tốt nhất của các bên cũng như áp dụng các biện pháp khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội để phát triển du lịch. Đại hội nhất trí rằng sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa ngành du lịch và vận tải là điều rất cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu chung về phát triển du lịch bền vững, tăng cường kết nối và thúc đẩy trải nghiệm du lịch liền mạch trong vùng đất ASEAN.

Theo trang Asean.org, cuộc họp nhấn mạnh hai ngành du lịch và ngành giao thông vận tải cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ để tìm ra cách tiếp cận khả thi hơn, thúc đẩy ngành du lịch và tạo ra một nền tảng hành động mang tính hội nhập hơn cho các quốc gia thành viên.

Các quốc gia thành viên ASEAN đều thừa nhận trách nhiệm chung của họ trong việc bảo vệ môi trường và hỗ trợ mục tiêu hướng tới lượng phát thải ròng bằng 0 toàn cầu. Các bên sẽ tích cực thúc đẩy các hoạt động giao thông và du lịch bền vững, cả ở mức độ cấp khu vực và quốc gia.

Khuyến khích sử dụng nhiều hơn các phương thức vận tải thân thiện với môi trường, giới thiệu du lịch sinh thái, áp dụng các hướng dẫn phát triển bền vững cho lĩnh vực vận tải và du lịch trong ASEAN.

Đến năm 2025, ASEAN sẽ là một điểm đến du lịch chất lượng

Ngoài ra, công tác tăng cường hợp tác với các bên liên quan sẽ được đẩy mạnh, trong đó có khuyến khích quan hệ đối tác công-tư như kết nối với các đại lý du lịch, các nhà điều hành tour du lịch, các hãng hàng không và các nhà cung cấp dịch vụ vận tải để chia sẻ kiến thức và trao đổi các phương pháp hay nhất để tận dụng cơ hội quảng bá và tiếp thị khu vực như một điểm đến duy nhất, cũng như quảng bá thương hiệu du lịch ASEAN “Điểm đến cho mọi ước mơ” vì lợi ích chung.

Vấn đề sử dụng công nghệ cũng được các lãnh đạo du lịch và giao thông vận tải của các quốc gia ASEAN đề cập đến, nhằm nâng cao chất lượng du lịch thông qua cơ sở dữ liệu. Chẳng hạn như các bên sẽ trao đổi dữ liệu có chất lượng để giải quyết những khoảng trống thông tin. Từ đó giúp các quốc gia nắm bắt và ra quyết định hiệu quả dựa trên dữ liệu.

Tuyên bố chung của Hội nghị đưa ra, du lịch là phương tiện để đạt được sự phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Cuộc họp đã nhất trí thành lập Nhóm công tác đặc biệt bao gồm các đại diện được chỉ định từ các Cơ quan Du lịch Quốc gia (NTO) ASEAN và Hội nghị quan chức cấp cao Giao thông Vận tải (STOM) ASEAN, để tạo điều kiện đối thoại với các cơ quan liên quan, đảm bảo một cách tiếp cận có hệ thống, tích hợp và mạch lạc hơn, hướng tới thúc đẩy các chiến dịch quảng bá và thực thi du lịch bền vững.

image4-1657090456578.jpg
Phục hồi ngành Du lịch là điều quan trọng trong Chiến lược phục hồi kinh tế của ASEAN.

Theo tầm nhìn của "Kế hoạch Chiến lược du lịch ASEAN 2016-2025”, đến năm 2025, ASEAN sẽ là một điểm đến du lịch chất lượng, cung cấp trải nghiệm về một ASEAN đa dạng và độc đáo, với cam kết phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững, toàn diện và cân bằng, để góp phần đáng kể vào sự thịnh vượng về kinh tế - xã hội của người dân ASEAN" .

Ngoài ra, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là đóng góp GDP của ngành Du lịch ASEAN sẽ tăng từ 12% lên 15%; đóng góp về số lượng việc làm tăng từ 3,7% lên 7%; chi tiêu trung bình của khách du lịch quốc tế tăng từ 877 USD lên 1.500 USD; thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch quốc tế tăng từ 6,3 đêm lên 8 đêm. Số lượng đơn vị được nhận các giải thưởng theo các tiêu chuẩn ASEAN tăng từ 86 lên 300.

Để hiện thực hóa tầm nhìn, Chiến lược đã đề ra 02 định hướng lớn, bao gồm nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch ASEAN với tư cách là điểm đến chung và đảm bảo phát triển bền vững và toàn diện. Đối với Việt Nam, về cơ bản, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã thể hiện các nội dung tại Chiến lược phát triển du lịch ASEAN 2016-2025.

Là một thành viên của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã và đang chủ động tham gia vào quá trình hợp tác và phát triển du lịch trong khu vực. Với những nỗ lực và cam kết chung, Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đã tạo ra một sự hợp tác sâu rộng, nhằm khai thác tiềm năng của ngành Du lịch và xây dựng một vùng du lịch ASEAN hấp dẫn và bền vững.

Tháng 8/2023 vừa qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra chính sách thị thực mới, kéo dài thời hạn lưu trú cho các thị trường được Việt Nam miễn thị thực và chính thức áp dụng thị thực điện tử cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, kỳ vọng sẽ tạo điều kiện du lịch thông suốt hơn cho khách du lịch quốc tế.

Chủ động tham gia vào các hoạt động hợp tác du lịch của ASEAN, Việt Nam đã đồng ý với các biện pháp nhằm tăng cường quảng bá du lịch ASEAN trên thị trường quốc tế, như tổ chức triển lãm du lịch ASEAN và các sự kiện quan trọng khác. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tham gia vào việc phát triển các tuyến du lịch kết nối giữa các quốc gia ASEAN, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và khám phá vùng khu vực.

Bài liên quan
  • Đa dạng hóa các sản phẩm để phát triển du lịch bền vững
    Tại Việt Nam, chiến lược đa dạng hóa sản phẩm du lịch được thể hiện thông qua những hệ sinh thái du lịch đa dạng, đẳng cấp đang hình thành tại nhiều điểm đến, không chỉ thu hút du khách mà còn tạo nền tảng cho phát triển du lịch bền vững và hội nhập quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam và cộng đồng ASEAN chung tay phát triển du lịch bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO