Nâng cao nhận thức về an toàn thông tin: Mũi vaccine phòng ngừa rủi ro trên không gian số cho toàn dân

28/06/2021 09:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng công nghệ và kết nối toàn cầu, khi các giao dịch, trao đổi của con người đang dần được số hóa thì các rủi ro, mối nguy hại trên không gian mạng đối với người dùng trở thành những thách thức được chính phủ các nước đặc biệt quan tâm.

Việc ứng dụng các tiện ích công nghệ phục vụ cuộc sống trở nên phổ biến, mang theo nguy cơ gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao, mất an toàn thông tin (ATTT) cá nhân, lộ bí mật đời tư, tiềm ẩn các vấn đề bất ổn xã hội.

Theo ghi nhận của Cục ATTT, trong 5 tháng đầu năm 2021 đã có 2.197 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (682 cuộc Phishing, 346 cuộc Deface, 1.169 cuộc Malware), tăng 6,34% so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2020. Tính riêng trong tháng 05/2021, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet là 1.047.218 địa chỉ, tăng 6,66% so với tháng 04/2021. Các cuộc tấn công này có thể bắt nguồn từ một mắt xích nhỏ nhất là hành vi của người sử dụng dẫn đến mất an toàn cả hệ thống.

Bên cạnh đó, việc nhận thức về các mối hiểm họa trên không gian mạng (đặc biệt là về an toàn thông tin) của công dân Việt Nam còn hạn chế, dẫn tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng xấu có thể thực hiện các hành vi phạm tội thông qua các kỹ thuật đơn giản, gây hệ quả trực tiếp tới cá nhân, hệ thống thông tin, làm ảnh hưởng tới hệ thống hoạt động của cơ quan, tổ chức.

Việt Nam, đang được Đảng và Nhà nước nỗ lực đẩy mạnh phát triển, công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử được nâng lên một tầm cao mới, ngày càng nhiều đề án, dự án lớn về đô thị thông minh được triển khai, các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia xuất hiện ngày càng nhiều. Cùng với đó đông đảo các lực lượng trong xã hội tham gia ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc, cuộc sống hàng ngày; Học sinh, sinh viên sử dụng Internet và các thiết bị thông minh cho mục đích giải trí, học tập ngày càng trở lên phổ biến.

Để tạo dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, tích cực góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số, hoàn thành các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đề ra một cách bền vững thì điều kiện tiên quyết là phải nâng cao nhận thức về an toàn thông tin của người sử dụng.

Nâng cao nhận thức về an toàn thông tin: Mũi vaccine phòng ngừa rủi ro trên không gian số cho toàn dân - Ảnh 1.

Nâng cao nhận thức về ATTT - vấn đề chung của thế giới trên không gian số

Trên thế giới, nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo đảm an toàn thông tin luôn luôn là nhiệm vụ được các nước quan tâm, thực hiện bên cạnh các giải pháp kỹ thuật. Theo nghiên cứu, rà soát của Bộ TT&TT, các nước trên thế giới thường triển khai tuyên truyền thông qua các chiến dịch và với nội dung cụ thể, bên cạnh đó là các hình thức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn kỹ năng cơ bản đảm bảo an toàn thông tin tại các cơ sở giáo dục. Cấu trúc cơ bản gồm 03 phần là chiến lược, chương trình thực thi và phát triển nội dung. Các nội dung tuyên truyền được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau kết hợp giữa hình thức tuyên truyền truyền thống và hiện đại dựa trên sự phát triển của khoa học và công nghệ.

Một số chiến dịch được đầu tư kinh phí cao và được phối hợp thực hiện đồng bộ với nhiều chiến dịch khác nhằm mục đích đạt được hiệu quả cao nhất trong việc trang bị các kiến thức cơ bản và nhận thức của người sử dụng về an toàn thông tin. Về cơ bản, các chiến dịch nâng cao nhận thức của các nước khá đa dạng về hình thức lẫn nội dung khi được thực hiện nhắm đến nhiều đối tượng và độ tuổi trải dài từ trẻ em cho đến người lớn tuổi với các nội dung khác nhau.

Chiến dịch của các nước có nhiều nhóm đối tượng hướng tới khá đa dạng từ lứa tuổi cho đến nghề nghiệp. Cụ thể, đối với nội dung bảo vệ thông tin cá nhân, đây là nội dung không chỉ được phổ biến đến những người dùng trưởng thành mà còn được các nước chú trọng đến đối tượng học sinh, vị thành niên. Điển hình, chiến dịch Netcity[1] tại Thụy Sĩ đã tập trung phân phát đến tận tay học sinh sử dụng xe bus của nhà trường những gói tài liệu phổ biến về việc bảo vệ thông tin cá nhân của mình khi sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin trong đời sống. 

Ngoài ra, gói tài liệu được phân phát còn bao gồm các trò chơi điện tử tương tác, các câu hỏi với mục đích giáo dục học sinh cách sử dụng trang thông tin điện tử an toàn trên mạng Internet. Các học sinh hoàn thành các trò chơi và câu hỏi được cấp chứng chỉ hoàn tất để khích lệ tinh thần và thu hút sự chú ý của các học sinh khác.

Trong một chiến dịch khác tại NewZealand - Netsafe2, đối tượng được tuyên truyền trải rộng trên nhiều lĩnh vực như các đối tượng thuộc nhà nước, đơn vị giáo dục, doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp hay đối tượng bố mẹ và người trẻ tuổi. Cho đến nay, Netsafe vẫn được tiến hành với các nội dung tuyên truyền về các nguy cơ đến từ các thông tin tải về từ Internet, các trang web giả mạo, bảo vệ mật khẩu hay sao lưu các dữ liệu quan trọng. Bên cạnh đó, phương thức chủ yếu của chiến dịch này là sử dụng các câu chuyện hoạt hình để truyền tải thông điệp cũng như các hướng dẫn trực tuyến để đảm bảo an toàn thông tin.

Ngoài ra, đối tượng bố mẹ thường được tập trung tuyên truyền vì đây là đối tượng có thể giúp bảo vệ các thành viên khác trong gia đình cũng như có sự ảnh hưởng lớn đến các hành vi của con cái trong gia đình. Cụ thể, trong chiến dịch InMyDay3, NewZealand đã tập trung vào việc giúp các ông bố, bà mẹ hiểu được môi trường Internet đối với trẻ em.

Theo đó, các bậc cha mẹ cần hiểu được rằng thay vì gặp mặt các bạn bè mới tại trường học trong đời sống thực tế, trẻ em còn có thể trò chuyện, tán gẫu và làm quen với bạn mới thông qua Internet và sẽ đối mặt với các nguy cơ bị lợi dụng, lộ lọt thông tin cá nhân hay bị lạm dụng. Do đó, các ông bố, bà mẹ cần hiểu rõ những nguy cơ mà trẻ em có thể đối mặt trên mạng Internet cũng tương tự như tại trường học và cuộc sống thực tế để có sự chuẩn bị và giáo dục hợp lý cho trẻ em trong gia đình.

Một trong những cường quốc về công nghệ thông tin tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Nhật Bản đã thực hiện các Kế hoạch 03 năm với những mục tiêu cho các kỳ hạn. Nhật Bản áp dụng Kế hoạch 3 năm lần thứ 4 (2018 - 2020) tập trung vào giới trẻ, học sinh, sinh viên và giáo dục trong nhà trường.

Gần đây nhất, trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia cũng đang xây dựng kế hoạch nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh mạng với việc phác họa vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan. Kế hoạch của Malaysia nhằm thúc đẩy nhận thức và bảo mật không gian mạng, nuôi dưỡng và nâng cao nhận thức của người dùng Internet và phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên và phụ huynh.

Cũng trong khu vực Đông Nam Á, Singapore là quốc gia hàng đầu trong khu vực và trên thế giới về an toàn, an ninh mạng. Hàng năm, Singapore tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức về an toàn, ninh mạng để củng cố thông điệp nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dùng cá nhân. Trong chiến dịch, các chương trình biểu diễn lưu động được tổ chức và quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội hay trên báo chí với sự tham gia của đa dạng các thành phần từ các doanh nghiệp viễn thông, người nổi tiếng,… Bên cạnh đó, các cuộc thi tìm hiểu, trò chơi giúp nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cũng được tổ chức.

Giai đoạn 5 năm lần thứ nhất của Việt Nam (2015 - 2020)

Ngày 19 tháng 06 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 893/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin đến năm 2020. Đây là bước khởi đầu quan trọng của công cuộc nâng cao nhận thức toàn dân về an toàn không gian mạng. Ngay sau khi được phê duyệt, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai Quyết định của Thủ tướng. Sau 5 năm nhìn lại, Đề án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tính đến hết năm 2020, Bộ TT&TT đã tổ chức xây dựng và xuất bản 38.000 cuốn cẩm nang và sổ tay an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, 70.000 tờ rơi, tờ gấp, áp phích tuyên truyền về an toàn thông tin để gửi tới các bộ và cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân, Sở TT&TT của 63 tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan. Các xuất bản này đem tới cho độc giả những thông tin về tình hình an toàn thông tin tại Việt Nam, trên thế giới, thông tin về những chính sách mới được ban hành, số liệu đánh giá tình hình an toàn thông tin tại Việt Nam, và đặc biệt là các thông tin cảnh báo, chia sẻ kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin.

Ngoài hình thức bản in, Bộ TT&TT cũng phát hành qua hình thức điện tử, đăng tải trên website của Bộ TT&TT và Cục ATTT. Hàng năm, Bộ TT&TT thường xuyên xây dựng các Báo cáo An toàn thông Định kỳ hàng năm, Bộ TT&TT tiến hành sản xuất các phóng sự về an toàn thông tin nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo đảm an toàn thông tin được phát sóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên các kênh sóng của Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và trên các phương tiện khác.

Ngoài ra, các bài viết nghiên cứu, chuyên đề, tin bài, ảnh, video clip và các cuộc tọa đàm trực tuyến được triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang báo điện tử, thu hút được hơn 50 triệu số lượng đọc giả quan tâm, tạo hiệu ứng trong xã hội. Cùng với đó, Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về tuyên truyền, tập huấn công tác bảo đảm an toàn thông tin trong cơ quan tổ chức nhằm hướng tới đối tượng là tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn cả nước.

Đối với công tác tuyên truyền tại các cơ sở giáo dục đã tạo được một số chuyển biến nhất định. Hàng năm, cuộc thi quốc gia "Sinh viên với An toàn thông tin" được tổ chức với mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh những tài năng trẻ, đẩy mạnh phong trào học tập, nghiên cứu, tăng cường trao đổi giữa sinh viên ngành an toàn thông tin các trường đại học, học viện trong cả nước. Trong năm 2019, Cuộc thi "Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2019" được tổ chức với sự góp mặt các đội Việt Nam và các đội trong khu vực Đông Nam Á.

Năm 2018, cuộc thi an toàn thông tin quy mô quốc tế do Việt Nam tổ chức WhiteHat Grand Prix 2018 đã thu hút được 720 đội tham gia đến từ 79 quốc gia trên toàn thế giới, qua các năm, trình độ các thí sinh ngày càng được nâng cao. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo lồng ghép nội dung về an toàn thông tin trong chương trình dạy môn Tin học hiện hành và chương trình tin học phổ thông mới.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường kỹ năng công nghệ thông tin cho giới trẻ hội nhập và phát triển - YouthSpark Digital Inclusion" từ năm 2016 đã chỉ đạo khảo sát, xây dựng giáo trình và tổ chức triển khai giảng dạy thí điểm chương trình ngoại khóa tin học cho học sinh phổ thông các vùng khó khăn. Tính đến hiện tại đã đưa vào giảng dạy ngoại khóa thí điểm nội dung mạng xã hội và các ứng dụng Internet, an toàn khi sử dụng Internet cho hơn 50.000 học sinh tại hơn 400 trường trung học cơ sở, phổ thông dân tộc nội trú ở các khu vực khó khăn tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nhiều hoạt động khác như tổ chức các tọa đàm an toàn khi sử dụng Internet, giải thưởng nữ sinh công nghệ thông tin, giờ lập trình, diễn đàn sáng tạo… cũng đã được tổ chức, lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về an toàn thông tin cho học sinh, sinh viên các nhà trường và cộng đồng.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo đảm an toàn thông tin đã được Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí quan tâm, thực hiện thường xuyên. Các nội dung tuyên truyền được thể hiện đa dạng, dưới nhiều hình thức khác nhau. Tiêu biểu là VTV với việc tuyên truyền qua các tin, bài trong bản tin Thời sự, bản tin Chuyển động 24h, Cuộc sống thường ngày và các chuyên mục, chuyên đề chuyên sâu. 

Bên cạnh đó, VTV cũng mở chuyên trang, chuyên mục "Không gian số" nhằm giới thiệu, tuyên truyền về các hoạt động an toàn thông tin bao gồm các sự kiện; cảnh báo các nguy cơ, sự cố về mất an toàn thông tin; các kỹ năng nhận biết và giải pháp bảo đảm an toàn thông. Đài tiếng nói Việt Nam cũng là đơn vị tích cực thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về an toàn thông tin. VOV đã thực hiện các chương trình, nội dung phát sóng trên kênh VOV1 và VOV5.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng đã thực hiện các hoạt động tuyên truyền tại các hệ thống thông tin cơ sở như Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Trị, Gia Lai… một số hoạt động được thực hiện như: Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, đội ngũ kỹ thuật làm công tác CNTT và ATTT; mời các chuyên gia, báo cáo viên trong lĩnh vực an toàn thông tin về trao đổi, thảo luận tại các hội thảo, hội nghị nhằm nâng cao kỹ năng, nhận thức cho đội ngũ cán bộ trong công tác bảo đảm an toàn thông tin; phổ biến các nội dung về ATTT thông qua các hội nghị, hội thảo hàng năm do chính đơn vị tổ chức.

Trong giai đoạn vừa qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đã triển khai các hoạt động như: Chỉ đạo các tỉnh, thành đoàn phối hợp với Sở TT&TT tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp "Phát triển và ứng dụng CNTT trong công tác Đoàn" và phong trào thanh thiếu niên theo từng giai đoạn với nhiều nội dung như: Phát triển nguồn nhân lực trẻ công nghệ thông tin; khuyến khích thanh thiếu niên tham gia hoạt động nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực CNTT, ATTT,… Thực hiện lồng ghép nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thông tin vào các hoạt động của Đoàn thanh niên các cấp.

Bên cạnh các hoạt động triển khai trong nước, Bộ TT&TT đã phối hợp với Cơ quan chiến lược và sẵn sàng ứng phó sự cố ATTT quốc gia Nhật Bản (NISC) tổ chức Hội nghị hợp tác quốc tế về nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATTT. Hội nghị đã đem đến những kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, chính sách xây dựng, tổ chức hoạt động tuyên truyền từ kinh nghiệm của các chuyên gia an toàn thông tin từ Nhật Bản.

Định hướng giai đoạn 5 năm lần thứ 2 (2021-2025)

Ngày 23/11/2020, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án "Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về ATTT giai đoạn 2021 - 2025" nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm ATTT trên không gian mạng, qua đó tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình S, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững.

Bên cạnh những nội dung tuyên truyền trước đây, trong giai đoạn này, Bộ TT&TT đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đổi mới bằng một số hình thức tuyên truyền mới ví dụ như: Thiết kế các poster, tài liệu hướng dẫn nhưng được tuyên truyền trên các mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến thay vì hình thức in ấn như trước. Giai đoạn này tập trung vào những hình thức, nội dung tuyên truyền mới đáp ứng sự thay đổi, phát triển của công nghệ, xu hướng sử dụng của các đối tượng và khắc phục các tồn tại, hạn chế của các hình thức tuyên truyền trước đây.

Ngày nay, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có xu hướng sử dụng các mạng xã hội để tương tác, giải trí và kinh doanh, do đó việc triển khai tuyên truyền trên các mạng xã hội, phương tiện truyền thông đại chúng sẽ tiếp cận được một lượng rất lớn người sử dụng. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới dùng để quảng bá, tuyên truyền. Có thể kể đến việc thiết lập và phát triển các trang (tài khoản/kênh) trên các nền tảng mạng xã hội; để tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin; lan truyền những kiến thức, hành động, thông tin tích cực, định hướng, điều hướng thông tin cho người dùng tránh ảnh hưởng của thông tin xấu độc; kết nối đa kênh, đa nền tảng. Kết hợp với việc sản xuất các nội dung tin bài, ảnh, video, clip tạo xu thế,… để đăng, phát trên các trang mạng xã hội, các kênh, nền tảng khác nhau và trên phương tiện truyền thông đại chúng…

Một định hướng quan trọng khác là xây dựng các chiến dịch tuyên truyền lớn, cụ thể nhằm tạo ra được sức lan tỏa rộng rãi tới toàn xã hội với sự tham gia của một lượng lớn các tổ chức, doanh nghiệp dưới sự điều phối của Bộ TT&TT, trải rộng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội cùng với sự tham gia của người nổi tiếng, các ngôi sao giải trí,… Đây là cách thức được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Việc huy động sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, công nghệ thông tin, các mạng xã hội trong nước cũng được tập trung chú trọng. Sự tham gia của các doanh nghiệp này vào công tác tuyên truyền sẽ tạo được một nguồn lực lớn, lan tỏa rộng khắp tới người sử dụng.

Bên cạnh đó, việc làm chủ trên 90% sản phẩm an toàn thông tin trọng yếu cũng là cơ hội tốt để thực hiện tuyên truyền ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin trong nước. Đây cũng là chủ trương của Chính phủ trong việc phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin, tạo ra thị trường an toàn thông tin lớn đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo tiềm lực cho ATTT trong nước, góp phần bảo đảm an toàn thông tin, cho các tổ chức, cá nhân.

Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức được xác định là nhiệm vụ của tất cả các Bộ ngành, địa phương nhằm tạo ra nguồn lực tuyên truyền mạnh mẽ hơn, rộng hơn tới các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức. Ngoài việc tham gia, phối hợp với Bộ TT&TT triển khai các nội dung của Đề án, các bộ ngành, địa phương sẽ có trách nhiệm xây dựng các kế hoạch, bố trí kinh phí và triển khai tuyên truyền riêng.

Ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm như trong giai đoạn trước, Đề án lần này sẽ bổ sung, tăng cường thêm nhiệm vụ tuyên truyền các kỹ năng cơ bản cho người sử dụng. Với mỗi người sử dụng ngoài việc nhận thức được các mối đe dọa trên không gian mạng thì điều cần thiết là trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản để sử dụng các thiết bị, ứng dụng ngày càng thông minh hơn và cũng tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn.

Để củng cố hạ tầng cho các hoạt động tuyên truyền và nâng cao nhận thức của toàn dân, Bộ TT&TT cũng định hướng tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống kỹ thuật phục vụ công tác tuyên truyền. Việc thiết lập các hệ thống kỹ thuật, công nghệ sẽ giúp công tác tuyên truyền chủ động và hiệu quả hơn, phát huy tối đa ưu thế của các hình thức tuyên truyền mới, đưa ra được các giải pháp cập nhật và linh hoạt, bao gồm một số nhiệm vụ cụ thể: Đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác tuyên truyền; Đầu tư thiết lập hệ thống lắng nghe, phát hiện sớm xu hướng trên không gian mạng sử dụng công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo qua đó nắm bắt được xu hướng thông tin từ đó có các định hướng, điều hướng thông tin, tuyên truyền cho người dùng tránh ảnh hưởng của thông tin xấu độc, sai sự thật; Đầu tư hệ thống truyền thông, tuyên truyền chủ động trên không gian mạng theo hướng dựa trên công nghệ thay vì dựa trên con người.

Kết hợp với việc tuyên truyền rộng rãi là hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức tại các cơ sở giáo dục. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài giúp tạo dựng một thế hệ mới có tư duy và sử dụng hiệu quả, tích cực, an toàn trên không gian mạng. Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn học sinh tương tác an toàn, sáng tạo trên không gian mạng, trong giai đoạn 5 năm lần thứ 2, Bộ TT&TT cũng sẽ bổ sung nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục khả năng tự đọc tin, phân biệt được nội dung an toàn có thể tiếp cận và loại bỏ những nội dung, thông tin sai lệch, thông tin xấu độc.

Thay cho lời kết

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo đảm an toàn thông tin là yếu tố then chốt, đặc biệt quan trọng bên cạnh các giải pháp kỹ thuật. Trong an toàn thông tin yếu tố con người được xác định là yếu tố quan trọng nhất, dù trang bị hệ thống thiết bị kỹ thuật tốt, quy trình đầy đủ, nhưng nhận thức và nhân lực chuyên môn không đảm bảo thì hệ thống vẫn đối mặt với nguy cơ lớn bị tấn công mạng. Mỗi cá nhân khi tham gia vào không gian mạng đều cần được tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ mất an toàn thông tin và các kỹ năng cơ bản đảm ATTT trên không gian mạng, các chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước về ATTT. Đây là việc cần làm thường xuyên, liên tục để xây dựng một không gian mạng an toàn, góp phần nâng cao năng lực quốc gia về an toàn, an ninh mạng.

Nâng cao nhận thức về an toàn thông tin trên không gian số là liều vaccine hiệu quả đối với toàn dân để mỗi tế bào của xã hội có thể tự đề kháng đối với các mối hiểm họa trên không gian mạng, góp phần bảo vệ sự thịnh vượng của quốc gia trên không gian mạng, xây dựng một không gian số an toàn, lành mạnh và hiệu quả cho công cuộc phát triển kinh tế số, xã hội số toàn diện của Việt Nam. 

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2021)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao nhận thức về an toàn thông tin: Mũi vaccine phòng ngừa rủi ro trên không gian số cho toàn dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO