Năng suất lao động trong nông nghiệp: Phải có nông dân chuyên nghiệp

Mai Thiên| 05/06/2022 09:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Sự dịch chuyển của lực lượng lao động từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ… đang dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp, nhất là lao động trẻ. Và năng suất lao động khu vực kinh tế nông nghiệp - nông thôn càng chưa tương xứng với sự phát triển chung của nền kinh tế, vốn đang có năng suất lao động thấp so với khu vực và trên thế giới.

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và lao động nông thôn

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, những yếu tố làm cho năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thấp là cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu, chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập; tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp chưa cao; còn một số "điểm nghẽn" về cải cách thể chế và thủ tục hành chính…

Như vậy, trong bức tranh NSLĐ chung của nền kinh tế, yếu tố lao động trong nông nghiệp là một vướng mắc. Cũng bởi thế, riêng lĩnh vực kinh tế nông nghiệp - nông thôn, NSLĐ lại càng là một vấn đề. Theo lý giải của các chuyên gia, nguyên nhân NSLĐ thấp là do quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, nền nông nghiệp Việt Nam chưa chuyển mình theo hướng nông nghiệp hiện đại gắn với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nông thôn vẫn còn nạn ô nhiễm môi trường, thiếu quy hoạch sản xuất đối với làng nghề, năng lực làm chủ của người nông dân vẫn còn hạn chế và thể chế chính sách vẫn còn có nhiều bất cập, làm cho năng suất lao động ở lĩnh vực này phát triển không cao, thậm chí còn kém phát triển.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 20 năm (2000-2020), lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang lâm nghiệp và thủy sản theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản. Nếu năm 2000, nông nghiệp chiếm tới 80,79% giá trị gia tăng của khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản (thủy sản chiếm 13,76%, lâm nghiệp chỉ chiếm 5,45%), thì năm 2010, nông nghiệp chỉ còn chiếm 78,27%, giảm 2,52 điểm phần trăm so với năm 2000; lâm nghiệp chiếm 3,55%, giảm 1,9 điểm phần trăm; thủy sản chiếm 18,18%, tăng 4,42 điểm phần trăm.

Đến năm 2020, nông nghiệp chiếm 72,84%, giảm 5,43 điểm phần trăm so với năm 2010 và giảm 7,95 điểm phần trăm so với năm 2000; lâm nghiệp chiếm 4,82%, tăng 1,27 điểm phần trăm so với năm 2010 và giảm 0,63 điểm phần trăm so với năm 2000; thủy sản chiếm 22,34%, tăng 4,16 điểm phần trăm so với năm 2010 và tăng 8,59 điểm phần trăm so với năm 2000.

Năng suất lao động khu vực nông nghiệp được quyết định bởi chất lượng đào tạo lao động nông thôn. Ảnh minh họa

Năng suất lao động khu vực nông nghiệp được quyết định bởi chất lượng đào tạo lao động nông thôn. Ảnh minh họa

Năng suất thấp vì chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp thấp, chưa có doanh nghiệp nông nghiệp lớn

Chính sách chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn gắn liền với quá trình công nghiệp hóa nền kinh tế, đồng thời đặt ra các vấn đề mới phát sinh của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đồng nghĩa với quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng của đất nông nghiệp.

Một bộ phận nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa không còn đất hoặc còn rất ít đất để sản xuất nông nghiệp, trong khi đó lại chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyển đổi nghề nghiệp, đặc biệt đối với những lao động đã lớn tuổi. Khu vực nông nghiệp - nông thôn vừa còn ít đất vừa chỉ còn lao động chất lượng thấp, năng suất kém.

Theo bà Dương Thị Diệp, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Khởi nghiệp: "Lao động trẻ ở nông thôn thoát ly khởi nông nghiệp rất cao, đa phần nông thôn chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Nguồn lao động tại chỗ trong lĩnh vực nông nghiệp khan hiếm trầm trọng, nhất là lao động nông nghiệp chất lượng cao".

Khu vực doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong nâng cao NSLĐ của toàn nền kinh tế, nhưng phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh, đang sử dụng công nghệ lạc hậu. Theo ông Phạm Mạnh Thùy, Trưởng ban Chiến lược Phát triển nhân lực và xã hội, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta còn thiếu những doanh nghiệp lớn. Mặc dù nước ta đã có nhiều chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, nhưng vẫn còn chưa tương xứng.

Để trở thành nông dân chuyên nghiệp

Năng suất lao động khu vực nông nghiệp được quyết định bởi chất lượng đào tạo lao động nông thôn. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã có Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2022-2025.

Trong đó, chú trọng hỗ trợ đào tạo hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để họ trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới. Góp phần nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo trên 55%, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 20%; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là đào tạo nghề cho 910.400 lao động nông thôn làm nông nghiệp, trong đó tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; đào tạo thí điểm để đưa lao động nông nghiệp đi xuất khẩu lao động theo diện hợp đồng; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người tham gia công tác quản lý, giảng dạy nghề nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có một nhóm là phát triển kinh tế nông thôn. Trong đó có nhóm 11 nội dung thành phần như chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, bao gồm hợp tác xã, kinh tế tập thể, sản phẩm OCOP, khởi nghiệp nông nghiệp và du lịch nông nghiệp… Qua đó kỳ vọng có nhiều việc làm ở nông thôn hơn, giúp "ly nông mà không ly hương".

"Các bạn trẻ không nhất thiết khởi nghiệp là phải về trồng, phải về nuôi mà chỉ sử dụng những sản phẩm của người dân, thông qua thế hệ trẻ tiếp cận nhanh nhạy với chuyển đổi số, nhanh nhạy với thị trường, tiếp cận với khoa học, kỹ thuật có thể tạo ra giá trị gia tăng", ông Hoan nhấn mạnh.

Hợp tác - liên kết, một trong những “chìa khóa” giúp nông dân trở nên chuyên nghiệp. Ảnh minh họa, nguồn: baodongthap.vn

Hợp tác - liên kết, một trong những “chìa khóa” giúp nông dân trở nên chuyên nghiệp. Ảnh minh họa, nguồn: baodongthap.vn

Theo nhiều chuyên gia, cần vừa xây dựng những giải pháp hỗ trợ phát điển sản xuất quy mô lớn để giữ chân lao động trẻ, vừa cần có cơ chế thu hút giới trẻ tinh hoa về phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cần phải có những người nông dân chuyên nghiệp thời đại mới. "Đó là những người nông dân có tư duy kinh tế, kiến thức tổng hợp về khoa học kĩ thuật, nông nghiệp, thị trường. Đó còn là những người nông dân biết sản xuất ra những sản phẩm hiệu quả, "bán cái mà thị trường cần", hiểu được giá trị của tinh thần hợp tác và liên kết.", bà Thơm nhấn mạnh.

Điều này cũng đã được đề cập tại Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đặt ra các yêu cầu: Cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp; giải quyết những vướng mắc, hạn chế trong vấn đề về vốn, chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề cho nông dân, thay đổi quy trình sản xuất đảm bảo đầu ra cho nông sản... Các chính sách hỗ trợ nông dân, nông nghiệp, nông thôn để xây dựng người nông dân chuyên nghiệp - phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại…

Nói về việc này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: "Hành trình tôi luyện người nông dân chuyên nghiệp là hành trình không có đích đến, không có điểm dừng vì tri thức nhân loại là một kho tàng vô tận. Không còn con đường nào khác, phải tri thức hóa người nông dân. Chúng ta phải là những người giúp người nông dân tri thức hóa bằng những câu chuyện đời thường, bắt đầu từ những bước đi đầu tiên, những vấn đề nhỏ nhất rồi mới đến vấn đề vĩ mô khác".

Nông dân chuyên nghiệp là yêu cầu tiên quyết để hình thành một nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Có như vậy, năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp mới được tăng lên./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Vượt qua hơn 1.000 doanh nghiệp, Bưu điện Việt Nam đạt giải Thương hiệu Quốc gia 2024
    Đây là lần thứ 2 liên tiếp Bưu điện Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng danh giá này bởi những thành tựu lớn trong lĩnh vực logistics, bưu chính chuyển phát tại Việt Nam và Quốc tế.
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • Người giữ bình yên nơi vùng cao
    Huyện Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất tỉnh, chiếm 56,92%, với địa hình rừng núi, giao thông đi lại khó khăn, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa đa dạng chính vì vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các bản làng luôn là nhiệm vụ được các cấp ủy Đảng quan tâm. Do đó, đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín luôn là đội ngũ nòng cốt góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.
  • Tuyên Quang: Kiên trì phương châm “mưa dầm thấm lâu” để nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng DTTS&MN
    Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, góp phần giúp các kiến thức pháp luật về mọi mặt của đời sống ngày một đến gần hơn với người dân (đặc biệt là vùng đồng bào DTTS&MN).
  • Malaysia gây “sốc” khi trao giấy phép mạng 5G thứ hai
    Câu chuyện 5G của Malaysia đã có một bước ngoặt bất ngờ khi cơ quan quản lý nước này trao giấy phép triển khai mạng 5G thứ hai cho nhà mạng nhỏ nhất của đất nước là U Mobile.
Đừng bỏ lỡ
Năng suất lao động trong nông nghiệp: Phải có nông dân chuyên nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO