Nâng tầm giải thưởng Make in Viet Nam "ít nhưng hiếm"
Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” bắt đầu từ năm 2020. Sau 3 năm Giải thưởng được tổ chức thành công, các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) công nghệ số cho rằng cần đổi mới và hiệu quả, thiết thực hơn nữa.
Thúc đẩy phát triển DN công nghệ số, sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam
“Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và DN công nghệ số Việt Nam là để Make in Viet Nam” là một chủ trương, định hướng sáng tạo lớn để khơi dậy nội lực, khát vọng của đất nước phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4. Sau hơn 3 năm kể từ ngày hiệu triệu hàng chục nghìn DN công nghệ số theo chiến lược Make in Viet Nam vào tháng 5/2019 đã tạo một luồng sinh khí mới, năng lượng tích cực cho cộng đồng chuyên gia, DN công nghệ số trong công cuộc đổi mới lần 2 - chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
Ngày 14/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển DN công nghệ số Việt Nam. Triển khai nhiệm vụ được giao, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” bắt đầu từ năm 2020. Đây là Giải thưởng mang tầm quốc gia, lần đầu tiên được tổ chức để tôn vinh các sản phẩm công nghệ số do người Việt Nam, DN Việt Nam thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, năm 2020 số lượng giải thưởng được trao là 14 (5 giải Nhất, 5 giải Nhì, 4 giải Ba); năm 2021 có 60 giải thưởng (trong đó có 4 giải Vàng, 4 giải Bạc, 4 giải Đồng và 48 Top 10); năm 2022 có 52 giải thưởng (trong đó có 4 giải Vàng, 4 giải Bạc, 4 giải Đồng và 40 Top 10).
Tổng kết qua 3 mùa giải, tại Hội nghị sơ kết 03 năm triển khai Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam ngày 11/5, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông, Bộ TT&TT cho biết công tác tổ chức, triển khai Giải thưởng được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch và đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra theo quy chế và mục tiêu thúc đẩy phát triển DN công nghệ số, sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam.
Các hoạt động hỗ trợ sản phẩm sau khi đạt giải đã được Bộ TT&TT thực hiện tốt như DN tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm sản phẩm CNTT-TT bên lề Diễn đàn quốc gia về phát triển DN công nghệ số hàng năm; phát hành ấn phẩm Top 10 Giải thưởng Make in Viet Nam gửi các bộ, ngành, địa phương tham khảo.
Các DN được tham gia các sự kiện kết nối cung cầu tại một số địa phương, được hỗ trợ, tư vấn các sản phẩm tham gia Chương trình thương hiệu quốc gia và được giới thiệu, đề cử các sản phẩm đạt giải tham gia Giải thưởng trong và ngoài nước (Giải thưởng Chất lượng Việt Nam, Giải thưởng CNTT khu vực...).
Việc đưa ra các hạng mục giải thưởng theo mục đích sử dụng (chính phủ số, kinh tế số, xã hội số…) giúp DN thuận lợi hơn trong việc xác định, lựa chọn Hạng mục dự thi.
Tuy nhiên, theo ông Tuyên, một thách thức đặt ra là DN vừa và nhỏ chưa “mặn mà” với Giải thưởng vì còn tập trung vào thương mại hóa các sản phẩm đã phát triển chứ không làm sản phẩm mới liên tục. Giải thưởng chỉ vinh danh các sản phẩm nên cũng hạn chế nhiều DN có các giải pháp, dịch vụ CNTT tham gia.
Nâng tầm sản phẩm Make in Viet Nam
Theo các chuyên gia, DN công nghệ số, để các mùa giải tiếp theo thành công, cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ. Ông Nguyễn Thành Hưng, Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Trưởng Ban Giám khảo (BGK) mùa giải 2022 cho biết Giải thưởng Make in Viet Nam là chủ trương lớn của Chính phủ, vì vậy cần phải suy nghĩ làm sao để giải thưởng tương xứng với kỳ vọng.
Theo đó, ông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh “Make in Viet Nam phải khác với giải thưởng khác, các sản phẩm nhận giải thưởng cần liên kết hợp tác với nhau như nền tảng học mãi đã liên kết với nền tảng thanh toán của MISA. Điều này thúc đẩy sự cộng sinh các DN tạo nên hệ sinh thái”.
Ông Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng trường CNTT và truyền thông, Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, thành viên BGK đề xuất cần dán tem cho sản phẩm Make in Viet Nam. Theo đó, các DN có sản phẩm hào hứng và từ đó quảng bá được sản phẩm.
Ông Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thành viên BGK cho biết ngay trong quá trình chấm giải qua các năm, Giải thưởng mong muốn thúc đẩy phong trào khởi nghiệp CNTT, công nghệ số, thu hút nhiều sản phẩm nên cần đẩy mạnh quảng bá.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINISA), Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ số - Make in Việt Nam. DN không nên chạy đua về số lượng, cần làm từ bước đầu tiên, nhỏ bé nhưng chắc chắn để tiến đến vĩ đại.
Ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud, công ty thành viên Tập đoàn FPT đề xuất, giải thưởng Make in Việt Nam cần tạo nên cảm xúc, niềm tự hào và thể hiện sự hữu dụng, điểm ưu việt so với sản phẩm nước ngoài. Bộ TT&TT cũng cần quy tụ các DN công nghệ hàng đầu, có các sản phẩm thành công bên cạnh việc vinh danh sản phẩm nhỏ lẻ để tạo nên cộng đồng cùng xây dựng bộ giải pháp hoàn chỉnh.
Từ góc nhìn khởi nghiệp, đại diện Base.vn cho biết, giải thưởng không giúp mang sản phẩm đến tay khách hàng song hỗ trợ rất nhiều về việc xây dựng hình ảnh, tạo uy tín cho sản phẩm và DN. Bên cạnh đó, cần có tiêu chí rõ ràng cho giải thưởng, tôn vinh công nghệ độc đáo, thể hiện ý nghĩa Make in Việt Nam, đặc biệt là tính hữu ích sản phẩm mang lại cho cộng đồng, làm chủ công nghệ lõi.
Đồng quan điểm, đại diện của MISA cho rằng cần tiếp tục đưa giải thưởng đi vào cuộc sống, người dùng. MISA đề nghị hỗ trợ DN nguồn lực tài chính, thuế làm sản phẩm Make in Viet Nam. Công tác truyền thông cần xuyên suốt trong quá trình đưa sản phẩm đến người dân, cần có chuyên gia hỗ trợ người dùng sử dụng cũng như hỗ trợ tư vấn DN đưa sản phẩm ra nước ngoài.
Đại diện Trung tâm Thông tin, Tạp chí TT&TT của Bộ TT&TT cho rằng việc truyền thông Giải thưởng, các sản phẩm Make in Viet Nam rất quan trọng và cần sự chung tay, vào cuộc của chính các DN công nghệ số.
Giải thưởng năm sau phải tốt hơn năm trước
Trước các trao đổi ý kiến của BGK, các đơn vị, DN tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng khẳng định trong 3 năm qua, bộ phận thường trực bao gồm thường trực Ban Tổ chức, BGK Giải thưởng đã làm rất tốt công việc.
Thứ trưởng cũng thống nhất và đề nghị: “Giải thưởng năm sau phải tốt hơn năm trước, “không được phú quý giật lùi” nên trách nhiệm của Giải thưởng năm 2023 rất là thách thức khi phải làm tốt hơn. Làm như những gì Giải thưởng năm trước đã làm thì đi ngang và thậm chí kém đi”.
Theo Thứ trưởng, Giải thưởng Make in Viet Nam là giải thưởng quốc gia nên cần đặt Giải thưởng này dưới sự bảo trợ của Uỷ ban CĐS Quốc gia, cần có sự tham gia của một số bộ, ngành để Giải thưởng nhận được sự quan tâm, công nhận chung của các bộ, ngành.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: “Ý nghĩa đầu tiên Giải thưởng Make in Viet Nam là gợi lên sự tự hào. Sự tự hào là phải đến từ sự làm chủ công nghệ, sản phẩm, là mồ hôi nước mắt của các DN và phải danh giá. Theo đó, số lượng giải thưởng ít và hiếm. Giải thưởng cần phải gắn với với ngày CĐS Quốc gia là ngày 10/10. Ngoài danh giá, tự hào thì Giải thưởng Make in Viet Nam phải trở thành thương hiệu quốc gia để đi ra nước ngoài. Thương hiệu quốc gia là sự đau đáu của nhiều thế hệ doanh nhân, giải bài toán Việt Nam và đi ra quốc tế”.
Thứ trưởng cũng chỉ đạo có 3 nội dung phải làm đến cùng, đó là: Khi đã trao giải rồi thì phải đồng hành, chăm sóc kết quả; phải truyền thông, lập kế hoạch theo tháng; có kế hoạch bài bản để đưa DN Việt Nam vào danh sách được quốc tế công nhận như danh sách sản phẩm của Gartner.
Thứ trưởng cũng mong muốn tôn vinh quốc gia phải tạo được sự xúc động. Các hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực TT&TT cũng xem xét có thể đề cử để gắn với giải thưởng./.