NEAC đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chữ ký số và xác thực điện tử
Trong thời đại chuyển đổi số, việc phát triển hệ thống chữ ký số (CKS) và xác thực điện tử không chỉ là ưu tiên mà còn là bước quan trọng để thúc đẩy sự tiện lợi và bảo mật trong giao dịch điện tử (GDĐT).
Trong bối cảnh này, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT đã đặt ra mục tiêu đẩy mạnh hợp tác quốc tế để có thể trao đổi, chia sẻ cũng như học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế
Theo đó, NEAC định hướng phát triển đầy đủ các hoạt động hợp tác quốc tế, không chỉ dừng lại ở hợp tác song phương, Trung tâm còn chú trọng vào việc xây dựng mối quan hệ đa phương với các đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy tạo điều kiện cũng như môi trường để các bên cùng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức, học hỏi lẫn nhau, từ đó nâng cao cả chất lượng và tiêu chuẩn của các hệ thống chứng thực điện tử.
Cụ thể, tháng 5/2023, NEAC đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị tập huấn kinh nghiệm quốc tế về triển khai dịch vụ chứng thực CKS và dịch vụ tin cậy với sự tham dự của các chuyên gia quốc tế đầu ngành trong lĩnh vực hạ tầng khóa công khai (PKI) đến từ Hiệp hội Hạ tầng khóa công khai châu Á (APKIC) và các chuyên gia từ Ấn Độ, Hàn Quốc.
Nội dung chính của Hội nghị nhằm đào tạo, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế cho đội ngũ cán bộ của NEAC và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng của Việt Nam các vấn đề về pháp lý, chính sách, công nghệ, quy trình, việc đảm bảo an toàn an ninh trong triển khai dịch vụ chứng thực CKS và dịch vụ tin cậy.
Bên cạnh đó, NEAC cũng thường xuyên trao đổi về chính sách, quy trình và nghiệp vụ quản lý trong lĩnh vực GDĐT, chứng thực điện tử và CKS với các cơ quan quản lý nhà nước của các nước trong lĩnh vực này như Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Ấn Độ, Nga, Đức, Phần Lan…
Hiện nay, NEAC đang phối hợp cùng Cơ quan An toàn Internet Hàn Quốc (KISA) triển khai dự án tư vấn phát triển Hệ thống PKI quốc gia của Việt Nam nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý Root CA của Việt Nam, đẩy mạnh chất lượng dịch vụ, tăng cường sự kết nối và liên thông giữa các hệ thống CA công cộng và các cơ quan, tổ chức nhằm gia tăng môi trường áp dụng CKS tại Việt Nam.
Ngoài ra, NEAC cũng tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, thực hiện công tác làm việc song phương với Trung tâm Internet Quốc gia Lào (LANIC). Tháng 9/2023, NEAC đã tổ chức 01 đoàn đi tổ chức tập huấn cho cán bộ Lào về chứng thực điện tử và CKS tại Thủ đô Viêng Chăn.
Đồng thời, NEAC cũng tiếp nhận 02 cán bộ LANIC sang đào tạo trực tiếp tại Việt Nam trong thời gian 03 tháng. Nội dung đào tạo bao gồm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực CKS, thông qua đợt tập huấn, phía Lào có điều kiện thăm quan thực tế và trao đổi, học hỏi về mô hình kỹ thuật, kinh nghiệm và quy trình triển khai dịch vụ chứng thực CKS tại Việt Nam để có thể tiếp thu và áp dụng tại Lào.
Tháng 10 vừa qua, NEAC cũng đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (NNBA) và kết hợp với các chuyên gia Hàn Quốc trong lĩnh vực xác thực điện tử và CKS tổ chức thành công Hội thảo chuyên đề về Vai trò của CKS trong giao dịch thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Hội thảo chuyên đề nhằm tăng cường, thúc đẩy việc sử dụng CKS cá nhân trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, cung cấp và hỗ trợ thông tin đến các thành viên Hiệp hội Ngân hàng, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp cùng toàn thể các đại biểu tham dự về tính cấp thiết của việc ứng dụng CKS trong lĩnh vực thanh toán điện tử dựa trên kinh nghiệm và những thành tựu của Hàn Quốc đã đạt được trong lĩnh vực này.
Đặc biệt, sau quá trình tiến hành các thủ tục cần thiết, ngày 18/10/2023, NEAC đã chính thức được kết nạp trở thành thành viên của APKIC.
Trước đó, tháng 06/2023, Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phê duyệt Đề án xin gia nhập APKIC của NEAC. Việc gia nhập APKIC sẽ đem lại cho NEAC các cơ hội hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế với khu vực và thế giới trong lĩnh vực PKI.
Theo đó, NEAC có thể cùng các nước/tổ chức thành viên APKIC điều phối các chính sách và công nghệ PKI xuyên biên giới, phát triển các tiêu chuẩn công nghệ PKI, tăng cường hợp tác với các hệ thống/chính sách/tiêu chuẩn PKI ở châu Mỹ và châu Âu. Đồng thời, gia nhập APKIC, NEAC có thể tăng cơ hội hợp tác với các nước thành viên và đối tác tiến tới việc công nhận CKS giữa các nước thành viên.
Gần đây nhất, ngày 5/12/2023, đoàn công tác Bộ TT&TT, trong đó có đại diện của NEAC cũng đã có buổi làm việc với Bộ Khoa học, Đổi mới và Công nghệ Anh (DSIT) cùng các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp (DN) để trao đổi về kinh nghiệm triển khai CKS và dịch vụ tin cậy.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn đã làm việc với một số tổ chức cung cấp dịch vụ CKS, giải pháp bảo mật CKS cho các DN và cá nhân, các dịch vụ tin cậy.
Trong quá trình xây dựng Luật GDĐT (2023), Ban soạn thảo đã tham khảo, nghiên cứu và xây dựng Luật dựa trên các tiêu chuẩn, quy định của châu Âu, đặc biệt là các nội dung liên quan đến dịch vụ tin cậy (e-IDAS).
NEAC nhận thấy việc nghiên cứu, lý giải những điều kiện áp dụng đối với dịch vụ tin cậy và tinh chỉnh phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đảm bảo tính an toàn, bảo mật cũng như xây dựng hệ thống thông tin để quản lý, khai thác và phát triển hạ tầng chứng thực điện tử quốc gia theo đúng tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, việc tiếp tục học tập kinh nghiệm triển khai thực tế dịch vụ này tại một số nước châu Âu là cần thiết, đặc biệt là phục vụ việc xây dựng Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy mà NEAC đang được giao chủ trì.
Ngoài ra, chuyến công tác cũng mở ra cơ hội hợp tác cụ thể giữa NEAC và các cơ quan quản lý về lĩnh vực chứng thực CKS/dịch vụ tin cậy, các doanh nghiệp/tổ chức cung cấp dịch vụ tại các quốc gia trong khuôn khổ Vương quốc Anh.
Định hướng trong thời gian tới
Theo NEAC, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai các đoàn công tác đi làm việc, học hỏi, khảo sát kinh nghiệm về xác thực điện tử, CKS, GDĐT và dịch vụ tin cậy ở các quốc gia trên thế giới.
Đồng thời, tiếp tục các hoạt động thường niên với LANIC và KISA; Tham gia tích cực vào các hoạt động thường niên của APKIC; Tăng cường đẩy mạnh các hoạt động song phương với các quốc gia châu Âu để học hỏi kinh nghiệm về dịch vụ tin cậy và các dịch vụ liên quan đến giao dịch điện tử.
Ngoài ra, NEAC cũng đang khởi động dự án đưa chứng thư CKS Root CA Việt Nam vào trình duyệt của Microsoft và nghiên cứu khả năng tham gia Khung công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia về PKI và CKA do Ấn Độ đề xuất./.