Nền tảng cửa khẩu số - đột phá trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Lạng Sơn
Với lưu lượng hơn 700.000 lượt phương tiện chở hàng hóa XNK qua các cửa khẩu mỗi năm và ngày càng gia tăng mạnh đã gây áp lực lớn đến khả năng thông quan hàng hóa. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) XNK phải khai báo và thực hiện các thủ tục XNK bằng bản kê giấy; mỗi lực lượng chức năng lại sử dụng các phần mềm riêng biệt, không liên thông với nhau,... dẫn tới gây lãng phí thời gian và công sức của DN cũng như các lực lượng chức năng, thiếu sự chặt chẽ trong công tác quản lý, đồng thời các DN XNK phải gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với các lực lượng chức năng cũng tạo nhiều kẽ hở, dễ phát sinh những tiêu cực.
Mặc dù các lực lượng chức năng, các DN bến bãi tại cửa khẩu đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, tác nghiệp, song các hệ thống này rời rạc, không có sự liên thông, gắn kết với nhau. Đây cũng là hạn chế lớn nhất gây ảnh hưởng tới tốc độ thông quan hàng hóa qua khu vực cửa khẩu.
Bên cạnh đó, do sử dụng nhiều hệ thống phần mềm thiếu tính tổng thể, không đồng bộ tại khu vực cửa khẩu nên công tác quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá toàn bộ hoạt động của khu vực cửa khẩu gặp rất nhiều khó khăn, thiếu sự thống nhất về thông tin, có nguy cơ phát sinh nhiều vấn đề không minh bạch.
Trước những bất cập đó, Lạng Sơn đã chọn chuyển đổi số (CĐS) khu vực cửa khẩu làm mục tiêu đột phá trong công cuộc CĐS của tỉnh, đồng thời cũng là thực hiện 1 trong 5 trụ cột CĐS theo Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về CĐS tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó tập trung phát triển Nền tảng cửa khẩu số nhằm phát triển nhanh, bền vững kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tạo môi trường thông quan XNK hàng hóa thuận lợi.
Mô hình kiểu mẫu về cửa khẩu số, thúc đẩy XNK phát triển
Ngay sau khi tiếp nhận yêu cầu phát triển nền tảng cửa khẩu số, VNPT IT khu vực 4 thuộc Công ty CNTT VNPT (VNPT IT) đã khẩn trương khảo sát yêu cầu. Tuy nhiên, là sản phẩm đầu tiên chưa có trên thị trường nên đây là thách thức lớn đối với nhóm triển khai.
"Bài toán về xây dựng nền tảng cửa khẩu số thực sự là một thách thức, vì các cửa khẩu chưa có sản phẩm nào có thể quản lý được đầy đủ tất cả các quy trình về nhập khẩu, xuất khẩu đang triển khai, đang chạy thực tế ở trên các cửa khẩu. Vì vậy, khi nhóm dự án bắt đầu nghiên cứu các bài toán về mặt nghiệp vụ và cùng phối hợp khảo sát với VNPT tại Lạng Sơn đã tiến hành phân tích và đánh giá. Thực sự sức ép tiến độ triển khai sản phẩm rất gấp, đặc biệt theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh Lạng Sơn, cửa khẩu số nằm trong lộ trình CĐS của tỉnh, thế nên sức ép phải nhanh chóng đưa sản phẩm vào triển khai thực tế được cũng là thách thức rất lớn cho nhóm dự án", ông Bùi Đình Thuận, Giám đốc Trung tâm VNPT IT khu vực 4 chia sẻ.
Không chỉ chịu sức ép về thời gian gấp gáp, nhóm dự án còn gặp vô vàn khó khăn ngay từ những ngày đầu tiếp nhận yêu cầu. Theo ông Bùi Đình Thuận, khó khăn đầu tiên là bài toán nghiệp vụ của khách hàng đưa ra. Thực sự nghiệp vụ triển khai đáp ứng các quy trình XNK tại cửa khẩu cũng rất phức tạp và làm sao phải đáp ứng được toàn bộ các yêu cầu của các lực lượng chức năng như là bên hải quan, bên biên phòng, bên y tế cũng như DN tham gia vào vận hành tại cửa khẩu. Đây cũng là thách thức rất lớn để phân tích và số hóa được các cái quy trình nghiệp vụ trên phần mềm.
Thứ hai là về nguồn nhân sự, nguồn nhân sự của trung tâm có độ tuổi bình quân 29 tuổi và có rất nhiều bạn trẻ mới ra trường, chỉ có một, hai năm kinh nghiệm nên khi tham gia vào dự án với những công nghệ mới và kỹ thuật mới thì giai đoạn đầu cũng có rất nhiều bỡ ngỡ.
Mặt khác, trong quá trình triển khai, rất nhiều yêu cầu sửa đổi hay yêu cầu mới phát sinh đòi hỏi phải làm gấp, bàn giao ngay trong ngày nhưng dưới sự chỉ đạo rất sát sao từ lãnh đạo Tập đoàn, Công ty VNPT IT, Trung tâm VNPT IT khu vực 4, anh em nhóm dự án đã nỗ lực, quyết tâm, nghiên cứu và hoàn thiện được những cái hạng mục khó để bàn giao sản phẩm đúng tiến độ.
Sau 8 tháng gấp rút triển khai xây dựng, nền tảng cửa khẩu số đã chính thức được triển khai phục vụ tại hai cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh từ tháng 02/2022. Đây đã là nền tảng cửa khẩu số duy nhất giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước.
Theo đó, từ tháng 02/2022, tất cả các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, đại lý hải quan, DN XNK, DN bến bãi đã thống nhất sử dụng Nền tảng cửa khẩu số, khai báo và xử lý thông tin trực tuyến khi thực hiện hoạt động XNK qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh (bao gồm cả xe hàng đã vào bến bãi cửa khẩu).
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, những ngày đầu triển khai, DN khai báo thông tin mất khoảng 15 - 30 phút, nhưng hiện nay, thời gian khai thông tin của DN nhanh, chỉ mất khoảng từ 2 - 5 phút. Đến nay, Nền tảng cửa khẩu số đã vận hành ổn định, các DN đã thành thạo khai báo thông tin trực tuyến. Đã có hơn 80 nghìn phương tiện nhập và gần 50 nghìn phương tiện xuất qua Nền tảng cửa khẩu số, góp phần giảm thiểu thời gian, công sức của DN, các lực lượng chức năng tác nghiệp tại cửa khẩu.
Nền tảng cửa khẩu số sử dụng công nghệ hiện đại đã giúp các lực lượng chức năng và các DN XNK thực hiện các hoạt động trên một nền tảng số duy nhất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động XNK; giúp minh bạch hóa, hạn chế các tiêu cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động XNK; đảm bảo tính liên tục trong các hoạt động tại cửa khẩu. Nhờ đó giúp nâng cao năng lực thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Theo ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Lạng Sơn đã thực hiện CĐS trong thông quan hàng hóa để nâng cao tốc độ thông quan cũng như cung cấp dữ liệu để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước và đồng thời cũng tạo ra sự minh bạch, thông thoáng cải cách hành chính trong XNK hàng hóa ở khu vực biên giới.
Đến thời điểm hiện tại, quy trình nghiệp vụ của các lực lượng quản lý tại 2 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đã cơ bản đồng bộ trên Nền tảng cửa khẩu số và thông suốt khi kết nối. Thành công đó đã tạo bước đột phá trong CĐS của tỉnh Lạng Sơn, tạo đà cho kinh tế cửa khẩu phát triển nhanh và bền vững, đồng thời trở thành mô hình kiểu mẫu về cửa khẩu số trong cả nước.
Tại lễ trao Giải thưởng CĐS Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2022, tại hạng mục cơ quan Nhà nước CĐS xuất sắc, UBND tỉnh Lạng Sơn đã được vinh danh với sản phẩm/giải pháp là nền tảng cửa khẩu số. Giải thưởng được xướng tên cũng là lúc cả nhóm phát triển Nền tảng cửa khẩu số và Trung tâm VNPT-IT khu vực 4 vỡ òa trong vui sướng.
Trải qua thời gian phát triển, hiện nhóm dự án đang dốc sức phát triển lên phiên bản 2.0 khắc phục những bất cập, cải thiện hiệu năng so với phiên bản 1.0 để đáp ứng nhu cầu triển khai diện rộng. Trung tâm VNPT IT khu vực 4 đang phối hợp với VNPT Lào Cai, VNPT Quảng Ninh, VNPT Kon Tum, Tây Ninh, Quảng Trị, Cao Bằng, Hà Giang và một số tỉnh, thành khác giới thiệu triển khai nền tảng cửa khẩu số và hiện tại đang triển khai thí điểm tại Lào Cai./.