Nền tảng "Make in Việt Nam" chỉ có thể chiếm lĩnh thị trường nếu được cho cơ hội sử dụng và hoàn thiện

Thế Phương| 03/06/2021 15:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhiều ý kiến cho rằng, người Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng giải quyết tốt nhất những "nỗi đau" của mình. Tuy nhiên, nền tảng "Make in Vietnam" chỉ có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước, vươn ra toàn cầu, nếu được cho một cơ hội để sử dụng và hoàn thiện.

Công nghệ số giúp giảm bớt khâu trung gian

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hạn chế tiếp xúc đông người để phòng chống dịch, cuộc họp giao ban trực tuyến tháng 6 của khối Công nghệ số, Bộ TT&TT đã được thực hiện qua nền tảng họp online "Make in Vietnam" netMeeting của NetNam. Phiên giao ban có sự tham dự của gần 500 cán bộ thuộc các đơn vị trong khối công nghệ số tại hơn 100 điểm cầu trên cả nước.

Trước đây, phần lớn các cuộc họp của một cơ quan, doanh nghiệp diễn ra dưới hình thức trực tiếp, thành phần giới hạn theo phân cấp về mô hình tổ chức. Giờ đây, chuyển sang hình thức họp trực tuyến, họp trực tiếp từ cấp lãnh đạo cao nhất đến từng chuyên viên. Công nghệ số đã tạo một cuộc cách mạng đột phá làm "phẳng hóa" sơ đồ tổ chức hình cây truyền thống, xóa nhòa các giới hạn, tạo ra môi trường làm việc số không có khoảng cách.

Nhiều cơ quan nhà nước tiên phong triển khai các nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới, cho phép người họp tham gia mọi lúc, mọi nơi, bằng thiết bị di động với chi phí không đáng kể thay vì sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình chi phí cao như trước kia. Công nghệ số giúp giảm bớt khâu trung gian, cơ quan nhà nước chỉ đạo điều hành, hành động nhanh hơn, kịp thời hơn.

Làm gì để nền tảng Make in Việt Nam không thất thế trên sân nhà?

Nhiều ý kiến cho rằng, trong hơn 1 năm qua, không ít giải pháp họp trực tuyến "Make in Vietnam" ra đời nhưng các trường học, doanh nghiệp vẫn có thói quen sử dụng các giải pháp ngoại như Zoom, Microsoft Teams hay Google Meet. Mặc dù các phần mềm Việt sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội, có tính cạnh tranh cao, hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt nhưng Zoom vẫn là lựa chọn hàng đầu, được truyền miệng giữa các người dùng với nhau, kể cả khi phần mềm này gặp những rắc rối liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, một hạt mầm tốt muốn trở thành cây cổ thụ xum xuê thì cần một mảnh đất tốt, đủ rộng và cần hàng triệu giọt sương, giọt mưa tưới tắm qua thời gian. Nền tảng "Make in Việt Nam" chỉ có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước, vươn ra toàn cầu, nếu người Việt Nam cho nó một cơ hội được sử dụng, cho nó một cơ hội được hoàn thiện.

Thị trường 100 triệu dân là mảnh đất tốt, đủ rộng, là tài sản lớn nhất của Việt Nam. Vì vậy, mỗi người sử dụng, mỗi ý kiến góp ý những điểm chưa tốt của nền tảng "Make in Vietnam", hãy là giọt sương, giọt mưa như vậy để một ngày chúng ta tự hào có những nền tảng "Make in Vietnam" đi ra thế giới.

Điều này không phải là không có sở cứ, năm 2013, với sự phổ biến thông qua truyền miệng của ứng dụng Viber, cùng lượng người dùng "khủng" của Facebook Messenger được tích hợp sẵn trên mạng xã hội Facebook, chưa kể đến là sự tham gia thị trường của các "ông lớn" đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc như Line, Kakao Talk,… ít ai tin một ứng dụng Việt như Zalo lại có thể làm nên chuyện, nhất là khi VNG từng "đập đi làm lại" nền tảng nhắn tin này.

Để rồi, sau khi đánh bại những nền tảng ngoại như Viber, Kakao Talk, Line, mới đây nhất trong năm 2020, theo báo cáo mới nhất của Adsota, Zalo đã "qua mặt" Facebook Messenger để trở thành nền tảng nhắn tin số 1 Việt Nam. Tại thời điểm năm 2016, khi chia sẻ về thành công của Zalo, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc của VNG từng cho rằng, Zalo bắt đầu với con số 0, chỉ với một khát vọng duy nhất là người Việt có thể làm ra được các sản phẩm tốt. Thành công của Zalo đến từ việc luôn luôn lắng nghe người dùng để cải tiến, hoàn thiện, từ đó có được một sản phẩm với chất lượng nhanh và ổn định.

Nền tảng

Bộ TT&TT họp trực tuyến bằng nền tảng netMeeting của Công ty CP NetNam

Người Việt Nam nỗ lực để giải quyết "nỗi đau" của mình

Có thể thấy, người Việt Nam có thể chưa giải quyết thật tốt bài toán thế giới nhưng hoàn toàn đủ khả năng giải quyết tốt nhất bài toán Việt Nam. Ở ngay tại đây, trên chính mảnh đất này, người Việt Nam đã làm được điều đó từ hàng ngàn đời nay. Điều đó là do chúng ta có văn hóa riêng, có thói quen riêng và có "nỗi đau" riêng mà không ai hiểu bằng chính chúng ta. Trong thời đại số này, người Việt Nam tiếp tục nỗ lực để giải quyết bài toán của mình.

Nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới là một ví dụ. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã triển khai nghiên cứu, phát triển và đưa vào phục vụ thị trường các nền tảng như Zavi của Zalo, eMeeting của AIC, netMeeting của NetNam hay giải pháp họp trực tuyến của CoMeet.

Được trực tiếp tham dự cuộc giao ban khối công nghệ số của Bộ TT&TT tháng 6 tại một trong các điểm cầu, theo ghi nhận của phóng viên, chất lượng giải pháp họp trực tuyến netMeeting của doanh nghiệp công nghệ Việt hoàn toàn không thua các sản phẩm của nước ngoài. Điều đó đã cho thấy, nền tảng "Make in Vietnam" hoàn toàn có thể đáp ứng tốt nhu cầu người dùng nếu được sử dụng, góp ý để hoàn thiện sản phẩm.

Nền tảng Việt Nam phục vụ người Việt Nam sẽ nhanh hơn, tốt hơn, vì chỉ sử dụng băng thông kết nối trong nước. Nền tảng Việt Nam được tùy biến để tăng cường an toàn, bảo mật. Cơ quan, tổ chức có thể linh hoạt triển khai trên hạ tầng của chính mình và tự mình kiểm soát, không sợ bị lộ, lọt thông tin cho bên thứ 3 mà mình không kiểm soát được. Cơ quan, tổ chức có thể chủ động phát triển hoặc thuê phát triển tiếp, "may đo" phục vụ nhu cầu của riêng mình. Đây là những điểm mà các nền tảng phổ biến trên thế giới không có lợi thế, và sẽ không bao giờ "may đo" chỉ để phục vụ thị trường Việt Nam./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng "Make in Việt Nam" chỉ có thể chiếm lĩnh thị trường nếu được cho cơ hội sử dụng và hoàn thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO