Nền tảng số xuyên biên giới và tác động tới DN chuyển phát

Hoàng Linh| 25/04/2022 07:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong những năm gần đây, thương mại số xuyên biên giới phát triển nhanh chóng với ngày càng nhiều nền tảng số và mô hình kinh doanh mới. Với xu thế đó, bưu chính trở thành nền tảng hậu cần cho thương mại số, là công cụ thực thi cho thương mại điện tử (TMĐT), vì vậy, các doanh nghiệp (DN) bưu chính lại là đối tượng liên đới.

Hoạt động củanền tảng thương mại số xuyên biên giới diễn ra mạnh mẽ

Tại hội nghị phổ biến một số quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính mới đây do Bộ TT&TT tổ chức, ông Vũ Chí Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính - Bộ TT&TT cho biết hiện nay, hoạt động của các tập đoàn thương mại nước ngoài cung cấp các hoạt động thương mại số xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ.

Các nền tảng thương mại sốxuyên biên giới (nền tảng xuyên biên giới) đang ngày càng mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đâyxuất phát từ những cải tiến trong công nghệ, sự xuất hiện của các sản phẩm số và mô hình kinh doanh mới, các hình thức tương tác mới, tạo ra rất nhiều lợi thế trong kinh doanh, cho phép mở rộng quy mô nhanh chóng và ít tốn kém, đang ngày càng tác động lớn đến các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và đặt ra các vấn đề đáng lưu ý về quản lý nhà nước.

Thương mại số bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, từ thuê phòng ở nước ngoài thông qua ứng dụng điện thoại di động, đặt mua trực tuyến một món đồ trang sức từ nghệ nhân trên khắp thế giới, lấy dữ liệu vệ tinh về định vị cá nhân khách hàng để khai thác hoặc một DN bán lẻ bổ sung nguồn hàng từ một nhà cung cấp nước ngoài thông qua giao tiếp tự động trên nền tảng trực tuyến. 

Nền tảng số xuyên biên giới và tác động tới DN chuyển phát - Ảnh 1.

Mô hình thương mại số xuyên biên giới (Nguồn: researchgate.net)

Người bán (người cung cấp dịch vụ) sử dụng các nền tảng trực tuyến để bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ; người mua (người nhận dịch vụ) sử dụng các nền tảng trực tuyến để đặt hàng, nhận dịch vụ và các bên thứ ba sử dụng để kết thúc các giao dịch xuyên biên giới.

Với xu thế bùng nổ của thương mại số hiện nay, bưu chính trở thành nền tảng hậu cần cho thương mại số, là công cụ thực thi cho TMĐT, vì vậy, các DN bưu chính lại là đối tượng liên đới.

Nền tảng số xuyên biên giới và tác động tới DN chuyển phát - Ảnh 2.

Ví dụ về hệ thống hoàn tất đơn hàng (Nguồn: Vụ Bưu chính)

Một số thách thức đối với DN bưu chính

Tính đến thời điểm hiện nay, thị trường bưu chính Việt Nam có trên 700 DN bưu chính đang hoạt động hợp pháp. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh đang rất khó kiểm soát.

Về nguyên tắc, ôngVũ Chí Kiên cho biết DN bưu chính phải thực hiện quyền kiểm tra bưu gửi đã quy định trong Điều 29 Luật Bưu chính. Tuy nhiên, khi TMĐT bùng nổ, với hàng tỉ gói kiện cần được chuyển phát nhanh thì việc kiểm tra "chấp nhận" hàng hóa gửi đối với các nhân viên tại bưu cục là không khả thi. Chỉ có vài DN lớn mới có các hệ thống chia chọn, hệ thống soi chiếu còn đa số các DN kiểm đếm bằng mắt, bằng tay.Nếu như yêu cầu các nhân viên bưu chính phân biệt hàng giả, hàng cấm thì thực sự không thể.

Nghị định số 25/2022/NĐ-CPsửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính, sẽ có hiệu lực từ 01/06/2022. Theo đó, Nghị định có quy định chặt chẽ hơn về điều kiện kinh doanh và sử dụng dịch vụ bưu chính, cấp phép và thu hồi giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính, công khai giá cước, quy định khuyến mãi, quy định về dịch vụ bưu chính, về người gửi, người nhận và liên quan đến bưu gửi. 

Tuy nhiên, ôngVũ Chí Kiên cho biết những giải pháp đưa ra chủ yếu gói gọn trong phạm vi ngành bưu chính, còn trên thực tế, ngành bưu chính như là cánh tay nối dài của thương mại số.

Trong quá trình thực hiện thanh tra, xử lý vi phạm, ôngVũ Chí Kiên cho biết Thanh tra Bộ TT&TT và Vụ Bưu chính gặp phải rất nhiều vấn đề phát sinh, thách thức công tác quản lý đến từ những mô hình kinh doanh và công nghệ mới, nổi bật nhất là vấn đề thương mại số (bao gồm cả TMĐT và hậu cần điện tử), mô hình kinh doanh nhượng quyền, mô hình DN công nghệ sử dụng nền tảng chia sẻ...

"Đa phần các DN này được hậu thuẫn bởi các tập đoàn rất mạnh của nước ngoài. Mặc dù công tác thanh tra, phát hiện vi phạm chỉ thực hiện trên là một phần rất nhỏ trong chuỗi cung ứng hàng hóa TMĐT nhưng đã phát hiện khá nhiều bất cập, phát sinh nhiều rủi ro, gây mất an toàn an ninh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị xã hội", ông Kiên cho hay.

DN bưu chính cần tập trung đầu tư chuyên sâu cho công nghệ, hạ tầng và nghiệp vụ

Để kiểm soát gian lận thương mại, các hành vi gây mất an toàn an ninh qua môi trường kinh doanh số Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho biết cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành Công an, Tài chính, Công thương, Vận tải, TT&TT.

Trong thời gian tới, để từng bước kiểm soát hiệu quả các vi phạm trên, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp vềđịnh hướng xây dựng chính sách, kỹ thuật, công nghệ, thanh tra nhưphát triển một hệ thống chấm điểm công dân, hay còn gọi là hệ thống tính điểm tín dụng xã hội (Social Credit System - SCS).Bộ TT&TT cũngcần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống mã địa chỉ số cho bưu chính.

Nền tảng số xuyên biên giới và tác động tới DN chuyển phát - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, các bộ ngành cần phối hợp để xây dựng một hệ thống đường trục vận tải đa phương thức, vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, toàn quốc.

Theo phân tích của ông Vũ Chí Kiên, hệ thống chuỗi cung ứng nói chung gồm 3 dòng chảy:dòng hàng hóa (physical flow), dòng thông tin (information flow), dòng tiền (monetary flow). Hiện nay, chúng ta quá chú trọng vào xác định "tang chứng", vật chứng. Tuy nhiên, dòng chảy thông tin và tiền mới là yếu tố tiềm ẩn, điều phối dòng chảy vật chất, là bản sao của dòng chảy vật chất trên không gian số.

Vì vậy, "không chỉ có ngành Công an, mà ngành TT&TT cũng như các bộ, ngành khác cũng cần có chuẩn bị để thực hiện "thanh tra số", phát hiện những dấu hiệu vi phạm trên không gian số. Một mặt có thể nghiên cứu, yêu cầu các DN hoạt động kinh doanh xuyên biên giới phải để lại những điểm "check point" để cơ quan chức năng giám sát, mặt khác Bộ Công An, Bộ TT&TT và các bộ, ngành cùng nhau phối hợp xây dựng hệ thống lắng nghe, giám sát mạng xã hội và không gian mạng, thu thập những "chứng cứ", dấu hiệu hành vi vi phạm", ông Vũ Chí Kiên nhấn mạnh.

Với xu thế phát triển TMĐT mạnh mẽ như hiện nay, ông Kiên cũng cho rằng bên cạnh tiềm năng, nhiều thách thức đặt ra cho các DN bưu chính chuyển phát để tránh bị lợi dụng là cầu nối trung chuyển hàng hóa, tài liệu vi phạm pháp pháp luật thì việc tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực bưu chính là điều quan trọng nhất.

Đồng thời, DN bưu chính cần tập trung đầu tư chuyên sâu công nghệ, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, trang bị đầy đủ kiến thức, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên, kiểm soát viên, đặc biệt là nhân viên bưu tá để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường quản lý hoạt động bưu chính, chuyển phát đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng, sử dụng dịch vụ bưu chính.

Thúc đẩy nền tảng số Việt Nam để đảm bảo phát triển kinh tế số - xã hội số

Việt Nam là nước nằm trong nhóm 15 quốc gia lớn nhất trên không gian mạng với trên 75 triệu người sử dụng Internet/100 triệu dân. Hằng ngày, người dùng tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ. Dữ liệu này đang bị thu thập, phân tích để sinh lợi cho các nền tảng xuyên biên giới. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế - xã hội mà còn là vấn đề an ninh quốc gia.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) đã chỉ đạo năm 2022 lấy người dân là trung tâm. Bộ TT&TT hướng dẫn định hướng đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam.Sử dụng nền tảng số quốc gia được xem là điểm mấu chốt để vừa phát triển kinh tế số và xã hội số, vừa bảo đảm chủ quyền số quốc gia.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng mới đây đã cho biết điểm cốt lõi, độc đáo và khác biệt của Việt Nam trong phát triển kinh tế số và xã hội số là đưa hoạt động của người dân, DN lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Đây là tinh thần xuyên suốt của Chiến lượcquốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Chính phủ banhành theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022. Chiến lược đã nêu tên 54 nền tảng số cụ thể. Trong đó, năm 2022 này xác định 35 nền tảng số ưu tiên triển khai trước.

Việt Nam có 100 triệu dân, 9 triệu hộ nông dân, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 1 triệu DN, 70.000 nhà máy sản xuất, 44.000 trường học, 14.000 cơ sở y tế, 3000 DN vận tải.Điểm đột phá là phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ nhu cầu riêng, nhu cầu đặc thù của người dân Việt Nam, của DN Việt Nam.

Hiện nay, hai DN bưu chính lớn của Việt Nam là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) và Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) đang sở hữu hai sàn TMĐT lớn là Postmart.vn và voso.vn. Postmart đạt xấp xỉ 50.000 lượt truy cập website/tháng, xếp hạng 274. Sàn voso.vn hiện có số lượt truy cập website trung bình là 109.000 lượt/tháng, xếp hạng thứ 43.

Nền tảng số xuyên biên giới và tác động tới DN chuyển phát - Ảnh 4.

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước với đối tượng quản lý quý I năm 2022 mớiđây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đề nghị tập trung thúc đẩy 2 sàn TMĐT của 2 DN bưu chính "phải đi theo hướng lấy nông thôn bao vây thành thị. Đây là cơ hội duy nhất để có sàn TMĐT Việt Nam.Nền tảng địa chỉ số cũng phải có người dùng".

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh: "Sử dụng nền tảng số Việt Nam thì dữ liệu ở tại Việt Nam và không bị lạm dụng. Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu. Dữ liệu số giống như đất đai, một loại đất đai mới. Càng nhiều dữ liệu thì càng nhiều đất đai. Canh tác trên đất đai này bằng công nghệ số sẽ tạo ra giá trị"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng số xuyên biên giới và tác động tới DN chuyển phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO