Ngăn chặn các quan điểm sai trái thù địch trên MXH ở Việt Nam hiện nay

31/07/2022 14:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Bước vào thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), sự phát triển của hệ thống thông tin như vệ tinh, cáp quang và Internet đã giúp cho việc chuyển tải nhiều kênh thông tin tới các khu vực trên thế giới được dễ dàng và tiện lợi. Trong đó, mạng xã hội (MXH) đã trở thành một phần không nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người dân trên thế giới.

Tại Việt Nam, MXH ngày càng trở nên gần gũi và thân thuộc, đi vào từng ngõ ngách trong đời sống của nhiều giai, tầng trong xã hội. Do đó, việc xác định nội dung và chủ thể nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên MXH là vấn đề cấp bách đặt ra ở nước ta trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. 

Mặt trái của MXH ở Việt Nam hiện nay

Không ai có thể phủ nhận sự ra đời của MXH đã đem lại nhiều tiện ích trong đời sống vật chất và tinh thần cho mọi giai, tầng của xã hội. Bởi MXH là một ứng dụng giúp kết nối, liên kết người dùng ở bất cứ đâu, là bất kỳ ai thông qua dịch vụ Internet, giúp họ có thể chia sẻ những sở thích và trao đổi những thông tin cần thiết với nhau, không phân biệt giới tính, độ tuổi, vùng miền, quốc gia dân tộc... Các dịch vụ, ứng dụng của MXH còn cho phép người dùng chia sẻ thông tin qua tin nhắn, gọi điện trực tuyến (miễn phí). Có thể nói, MXH là một trong những sản phẩm khoa học trí tuệ của con người trong thời đại bùng nổ CNTT.

Hiện nay, có rất nhiều loại hình MXH khác nhau. Tại Việt Nam, các MXH bắt đầu du nhập từ những năm 2000 dưới hình thức các trang nhật ký điện tử (blog). Đến nay, có khoảng 270 MXH được cấp giấy phép hoạt động với khoảng 35 triệu người dùng, chiếm 37% dân số. Trung bình mỗi ngày người Việt Nam vào MXH hơn 2 giờ. Đối tượng sử dụng mạng Internet thường xuyên nhất là nhóm lứa tuổi từ 15-40 tuổi. Nhóm đối tượng này chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lao động (1). 

Ở Việt Nam, có thể kể đến một số MXH được người dùng sử dụng nhiều nhất như Facebook, YouTube, Zalo, Twitter, Instagram... Kết quả của một cuộc khảo sát gần đây của công ty Asia Plus với hơn 600 người trong độ tuổi 18-39 đã cho thấy mạng Facebook và Zalo là hai MXH đứng đầu về tỷ lệ người dùng ở nước ta hiện nay. Kế tiếp là các MXH khác như Instagram, Twitter và LINE.

Dù có những tiện ích, tuy nhiên, mặt trái của MXH trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng hiện nay là những điều đáng báo động. MXH là nơi để mọi người có thể “sống ảo” nhưng dần dần “tưởng thật”, là mảnh đất màu mỡ để các tội phạm công nghệ cao có thể sống “cộng sinh”, đây là nơi để những kẻ bất chính có thể trục lợi về kinh tế và đây cũng là nơi để các thế lực thù địch thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình... 

Hậu quả mặt trái của MXH để lại nhiều hệ lụy phức tạp cả về vật chất và tinh thần, thậm chí phải trả giá bằng cả tính mạng con người, tương lai của cả thế hệ và sự ổn định chính trị - xã hội của cả một quốc gia dân tộc. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả trên, trong đó phải kể đến việc mất an ninh mạng, mất kiểm soát trong sử dụng của cộng đồng mạng, thiếu bản lĩnh, thiếu lập trường chính trị khi bị dẫn dụ bởi các trang “mạng đen”... 

Có thể đơn cử một vài vụ việc điển hình đã diễn ra trong thời gian gần đây: “website cảng hàng không bị tin tặc tấn công ảnh hưởng tới hoạt động điều hành bay và đe dọa an toàn bay; tài khoản ngân hàng của khách hàng bị đột nhập và rút hết tiền; sử dụng MXH để đăng, phát thông tin sai trái, bịa đặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức...” (2). 

Trước thực trạng đó, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục” (3).

Nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên MXH ở Việt Nam hiện nay

Ngay từ khi thành thành lập Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin - hệ tư tưởng của giai cấp công nhân làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Do đó, Cương lĩnh tháng 2 năm 1930 đã chỉ rõ mục tiêu cách mạng Việt Nam "chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để tới xã hội cộng sản” (4). Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII năm 1991, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” (5). Điều này, cũng đã được khẳng định trong Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội Việt Nam qua các thời kỳ. 

Đến Hiến pháp năm 2013, trong Điều 4 cũng đã quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. 

Đây là sự thể hiện ý chí và nguyện vọng của dân tộc Việt Nam về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn ngay từ đầu. Đồng thời, cũng khẳng vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, đây lại là điều mà các thế lực thù địch luôn xuyên tạc, bôi nhọ hòng làm phai nhạt lý tưởng cách mạng của quần chúng nhân dân, kích động, gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta thông qua các trang MXH với nhiều hình thức khác nhau. 

Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên MXH ở Việt Nam hiện nay gắn với các nội dung chủ yếu sau:

Một là, Bảo vệ các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa duy vật lịch sử mà hạt nhân là học thuyết về hình thái kinh tế xã hội; học thuyết về giá trị thặng dư và học thuyết về sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân. Tiếp tục khẳng định giá trị và ý nghĩa của những nguyên lý đó trong thời đại ngày nay.

Hai là, Bảo vệ các quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho quá trình cách mạng Việt Nam. Tiếp tục khẳng định giá trị và ý nghĩa của những quan điểm, tư tưởng đó trong thời đại ngày nay.

Ba là, Bổ sung, phát triển các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay - Thời đại toàn cầu hóa và kinh tế tri thức. Tiếp tục khẳng định, dù lịch sử có thay đổi nhưng xu thế tất yếu của thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Bốn là, Bảo vệ các quan điểm, đường lối, cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam về kiên định lấy chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động; về con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội không qua tư bản chủ nghĩa; về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Năm là, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Sáu là: Bảo vệ những thành quả của cách mạng Việt Nam (cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa) do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam dày công xây đắp; đặc biệt là, bảo vệ những thành quả của công cuộc đổi mới đất nước với quá trình “đẩy mạnh mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức” (6).

Bảy là, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ vùng trời, vùng biển và sự toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác với các nước láng giềng và các nước trong khu vực; bảo vệ mối quan hệ quốc tế trong sáng với tất cả các nước trên thế giới.

Tám là, Phê phán, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, bóp méo, xuyên tạc của các thế lực thù địch; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Các chủ thể bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên MXH ở Việt Nam hiện nay

Trước mặt trái và hậu quả của MXH, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên MXH ở Việt Nam hiện nay là việc làm thường xuyên và lâu dài, là trách nhiệm chung của các bộ phận cấu thành trong hệ thống chính trị (Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các tổ chức đoàn thể - chính trị xã hội) và của từng công dân. Căn cứ vào phạm vi về nội dung có thể xác định các chủ thể chính tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên MXH ở Việt Nam hiện nay. Các chủ thể này có thể đấu tranh trực tiếp hoặc gián tiếp với nhiều mức độ khác nhau.

Thứ nhất: Các trang mạng chính thống của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở Việt Nam hiện nay

Các trang mạng chính thống của cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở Việt Nam hiện nay như: http://www.dangcongsan. vn; http://www.tuyengiao.vn; http://baochinhphu. vn; https://vcnet.vn; https://vnexpress.net; http:// tapchimattran.vn; https://dantri.com.vn/; https:// www.nhandan.com.vn... là những chủ thể quan trọng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên MXH ở Việt Nam hiện nay. 

Bởi vì, đối với nhân dân, đối với cộng đồng mạng, đây là tiếng nói, là phát ngôn chính thống của Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội được pháp luật thừa nhận. Trên các trang mạng này thường xuyên cập nhật các bài viết tuyên truyền các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; chuyển tải nhanh các thông tin về tình hình kinh tế, chính trị - xã hội trong và ngoài nước; các bài viết phê phán các quan điểm sai trái, thù địch trên MXH có luận điểm, luận cứ sắc bén, có minh chứng thực tiễn mang tính thuyết phục... Đây là chủ thể đấu tranh trực diện bảo vệ nền tảng của Đảng.

Thứ hai: Báo chí nói chung, các nhà báo có tầm ảnh hưởng, các nhà làm công tác tư tưởng, tuyên truyền đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nhà khoa học nghiên cứu các vấn đề chính trị - xã hội.

Ngăn chặn các quan điểm sai trái thù địch trên MXH ở Việt Nam hiện nay - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Bên cạnh các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, báo chí nói chung các nhà báo đại diện cho các cơ quan truyền thông đại chúng có uy tín và tầm ảnh hưởng, các nhà làm công tác tư tưởng, giới khoa học nghiên cứu các vấn đề chính trị - xã hội cũng là một trong những chủ thể quan trọng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên MXH ở Việt Nam hiện nay. Các chủ thể này có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng dư luận, thông qua các bài báo được đăng tải trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng và các MXH có uy tín, cũng như trên các trang mạng cá nhân. Họ là những người có kinh nghiệm chuyên sâu trong công tác chuyên môn, trong công tác tuyên truyền cũng như dẫn dắt và định hướng dư luận. 

Nghị quyết số 16-NQ/TW này 01/08/2007 đã xác định: “Báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu công cuộc đổi mới. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng” (7).

Thứ ba: Những trang mạng cá nhân của những người có uy tín, những người nổi tiếng trong xã hội

Những người có uy tín, những người nổi tiếng trong xã hội thường được sự chú ý của dư luận xã hội và của cộng đồng mạng. Do đó, họ có sức ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng mạng. Mọi thông điệp, mọi bài viết của họ đều được cộng đồng mạng quan tâm và chia sẻ. Do đó, nếu phát huy được vai trò của họ và tranh thủ được họ thì đây sẽ là một trong những chủ thể không kém phần quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên MXH ở Việt Nam hiện nay. Chủ thể này có thể tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bằng các hình thức gián tiếp thông qua việc bình luận thể hiện các quan điểm, chính kiến cá nhân theo đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, chia sẻ thông tin của các cơ quan truyền thông đại chúng chính thống...

Thứ tư: Đội ngũ cán bộ, Đảng viên; sinh viên, học sinh những cộng đồng thường xuyên sử dụng MXH 

Đội ngũ cán bộ, Đảng viên là những người đã được trang bị lý luận Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm chắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đa phần làm việc gắn với môi trường MXH. Do đó, với đội ngũ này, nếu nhận thức đúng về MXH và có ý thức trong việc sử dụng mạng sẽ là lực lượng quan trọng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên MXH ở Việt Nam hiện nay. Mức độ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ này cũng rất đa dạng và linh hoạt tùy vào điều kiện và công việc cá nhân của từng chủ thể có thể góp tiếng nói của mình trên MXH.

Ngăn chặn các quan điểm sai trái thù địch trên MXH ở Việt Nam hiện nay - Ảnh 2.

Ảnh: daidoanket.vn

Sinh viên, học sinh là lớp người trẻ, nguồn lực quan trọng cho quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội. Họ là những cộng đồng xã hội thường xuyên tương tác qua các MXH. Nếu làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các quan điểm đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến chủ thể này, giúp học hiểu đúng và trúng nền tảng tư tưởng của Đảng thì họ sẽ là một trong các chủ thể có lực lượng đông đảo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên MXH hữu hiệu nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, mỗi chủ thể góp một việc làm đẹp: chia sẻ, ủng hộ một hành động đẹp, một việc làm tử tế... cũng tạo nên sự lan tỏa trong cộng đồng và xã hội. 

Một số giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên MXH ở Việt Nam hiện nay 

Ngoài các giải pháp mang tính kỹ thuật chống lại các mạng máy tính ma (máy tính kết nối Internet bị hack, nhiễm virus máy tính...) và giải pháp mang tính pháp lý của Luật An ninh mạng. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên MXH ở Việt Nam hiện nay cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, Đối với các trang mạng chính thống của Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cần phải tiếp tục đổi mới về nội dung và hình thức cho phong phú, sinh động, cập nhật thông tin và có sức hấp dẫn đối với cộng đồng mạng. Nhất là đối với các vấn đề chính trị - xã hội, các thông tin trên các mạng này phải đi trước một bước so với các trang mạng khác để định hướng dư luận. 

Trên các trang này, ngoài các bài viết chính luận, phê phán cần có xen kẽ các bài viết bàn về các vấn đề văn hóa, gia đình và xã hội..., có như vậy mới vừa thu hút được cộng đồng mạng, đồng thời vừa có tính linh hoạt, mềm dẻo. Cần làm mới kết cấu giao diện và phong phú hơn góc trao đổi, bình luận của cộng đồng mạng. Có thể có ý kiến trái chiều nhưng phải có định hướng dư luận. Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại cho các trang mạng điện tử chính thống.

Hai là, đối với các nhà báo, các nhà làm công tác tư tưởng, các nhà lý luận chính trị phải thường xuyên định hướng dư luận khi có các bài viết xuyên tạc, bóp méo nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam như đăng các bài viết phê phán vạch trần sự bôi nhọ, xuyên tạc để cộng đồng mạng hiểu đúng bản chất nền tảng, tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia bình luận định hướng dư luận.

Ba là, các đơn vị có chức năng cần đưa nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên MXH ở Việt Nam hiện nay thành các chuyên đề tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong đó có các trang MXH.

Bốn là, tổ chức tuyên truyền, giáo dục trực tiếp cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là các đối tượng thường xuyên gắn trực tiếp với MXH: cán bộ, Đảng viên, học sinh, sinh viên về Luật

An ninh mạng, có văn hóa ứng xử trên MXH, có ý thức và bản lĩnh chính trị vững vàng khi tham gia MXH để họ có được “sức đề kháng” và tự tạo được “bức tường lửa” chống lại các thông tin độc hại.

Năm là, thông qua các loại hình văn hóa, văn nghệ lồng ghép vào chương trình các nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên MXH. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của những người có uy tín, những người nổi tiếng thông qua các trang mạng cá nhân để họ tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên MXH với nhiều cách thức khác nhau.

Sáu là, Xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về Luật An ninh mạng; cần có cơ chế pháp lý trong việc đăng bài, duyệt bài, xóa bài, xóa bình luận nếu vi phạm qui định về an ninh mạng.

Như vậy, trên cơ sở xác định được nội dung, chủ thể và các giải pháp đồng bộ sẽ góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên MXH, từng bước trang bị thế giới quan duy vật biện chứng, nhân sinh quan, giá trị quan của con người mới xã hội chủ nghĩa trong quá trình tích cực vàCchủ động hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

1. Theo Dương Thế Công: “Mạng xã hội, mặt tích cực và tiêu cực, những vấn đề đặt ra cho công tác bảo đảm an ninh trật tự”, theo: https:// conganquangbinh.gov.vn, cập nhật19/08/2018).

2. Nguyễn Hoàng Minh, “Tìm hiểu về luật an ninh mạng và những hành vi bị cấm khi luật có hiệu lực từ ngày1/1/2019”, theo http://www.hcmuc. edu.vn, đăng ngày 30-07-2018

3.Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,Tập 1, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021,tr.146.

4. 5. Nguyễn Trọng Phúc (chủ biên): Các đại hội đại biểu toàn quốc và hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1930- 2006), Nxb Chính trị quốc gia, H.2006, tr.18, tr.506

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Văn phòng Trung ương Đảng. H.2016, tr.90.

7.Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành trung ương khóa X, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007,tr.49

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7 năm 2022)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn các quan điểm sai trái thù địch trên MXH ở Việt Nam hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO