Ngày 9/7/2018, Bộ TTTT tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác TTTT 6 tháng đầu năm và triển khai Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2018. Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn đã chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ TTTT, đại diện Văn phòng Chính phủ, các đơn vị, DN, Sở TTTT. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 67 điểm cầu trên cả nước.
Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn phát biểu kết luận hội nghị
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn đã yêu cầu tập trung một số công việc cụ thể như sau:
Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực TTTT, đáp ứng về yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, nhất là đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, kiềm chế lạm phát. “Rà soát lại các thủ tục hành chính, điều kiện cấp phép, cắt giảm các điều kiện, thủ tục, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN hoạt động trong lĩnh vực TTTT phát triển mạnh mẽ và bền vững. Việc cắt giảm các thủ tục phải đảm bảo đúng pháp luật”.
Tập trung xây dựng các chính sách nhằm quản lý thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, thúc đẩy phát triển thuê bao di động trả sau, hạn chế SIM rác. Triển khai đề án cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao. Tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, mua bán lưu thông SIM di động sai quy định. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng biện pháp quản lý việc sử dụng thẻ cào điện thoại theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với cơ quan thông tấn, báo chí, hoạt động thông tin điện tử, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền toàn diện về kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng; công tác đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; công tác phòng chống tham nhũng; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch. Thực hiện tốt Luật báo chí và định hướng Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT và thực hiện Ban điều hành Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số. Nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi bổ sung Luật CNTT. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy việc triển khai Chương trình mục tiêu về CNTT; Chương trình phát triển ngành CNTT giai đoạn 2020, tầm nhìn 2025; các khu công nghiệp CNTT tập trung. Thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Thực hiện tốt việc nâng cao chỉ số đánh giá về chính phủ điện tử (CPĐT) của Liên hợp quốc đối với 3 nhóm chỉ số: dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực.
Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng. Hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức giám sát và ứng phó kịp thời trước các nguy cơ tấn công mạng. Tích cực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ATTT và tuyên truyền để nâng cao nhận thức… Đảm bảo an toàn hệ thống Internet và hệ thống tên miền quốc gia.
Triển khai tốt hoạt động của Ủy ban tần số vô tuyến điện quốc gia. Tập trung triển khai giai đoạn 3 của Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020.
Về lĩnh vực bưu chính, triển khai áp dụng mã bưu chính quốc gia mới. Tích cực triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích và về mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; Tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách phát huy hiệu quả Điểm Bưu điện - Văn hóa xã.
Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế. Tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động hợp tác qua đó nâng cao vị thế Việt Nam trong các tổ chức quốc tế.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trên tất cả các lĩnh vực TTTT.
Triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện tiết kiệm, cải cách hành chính và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực thi nhiệm vụ. Phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc của các sở TTTT để thực hiện tốt, có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực TTTT.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Để hoàn thành nhiệm vụ, chương trình công tác năm 2018 như đã đề ra, các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong toàn Ngành cần tiếp tục quán triệt, chỉ đạo, động viên toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tiếp tục phát huy phong trào thi đua, sáng tạo, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm chính trị, an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia”.
Một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực TTTT 6 tháng đầu năm
Bộ TTTT đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ. Các đơn vị, DN trong ngành TTTT tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đóng góp quan trọng về các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng của cả nước. Công tác thông tin, tuyên truyền đã phản ánh toàn diện về văn hóa, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước; tăng cường cung cấp các thông tin phòng, chống tham nhũng; đấu tranh phản bác các thông tin sai trái; ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu, độc hại.
Toàn cảnh Hội nghị
Trong công tác cải cách hành chính, Bộ TTTT đã vươn lên đứng thứ 2/19 trong Bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Bộ TTTT đã tích cực sắp xếp, định hướng các cơ quan báo chí thực hiện theo tinh thần Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Bản thân Bộ TTTT nghiêm túc đi đầu trong việc thực hiện Quy hoạch thông qua việc tiến hành sáp nhập 3 cơ quan tạp chí, 3 cơ quan báo chí trực thuộc Bộ, đảm bảo đúng quy hoạch chỉ còn 1 báo, 1 tạp chí.
Bộ TTTT tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, làm việc với đại diện của Facebook và Google yêu cầu giải quyết các đề nghị của Bộ TTTT trong việc ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội một cách hiệu quả hơn, tăng cường hợp tác trong vấn đề an toàn, an ninh thông tin. Tính đến hết tháng 6 năm 2018, Google đã chặn bỏ gần 6700/7800 video clip khỏi YouTube, 6 kênh bị chặn hoàn toàn; Facebook đã xem xét gỡ bỏ gần 1000 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.
Bộ TTTT cũng đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi mã mạng viễn thông, đồng thời cũng giải thích, cung cấp đầy đủ thông tin để người sử dụng hiểu rõ sự cần thiết của việc này nhằm phục vụ sự phát triển lâu dài của thị trường viễn thông, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế số. Bộ TTTT đã chỉ đạo các DN cung cấp dịch vụ viễn thông giảm giá cước kết nối cuộc gọi giữa hai mạng di động từ ngày 1/5/2018 theo quy định tại Thông tư số 48 ban hành năm 2018 của Bộ.
Bộ TTTT đã chỉ đạo các DN viễn thông tập trung thực hiện việc bổ sung đăng ký thông tin cá nhân thuê bao di động trả trước nhằm bảo đảm thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, hạn chế tình trạng SIM rác, tin nhắn rác.
Việc Bộ TTTT nỗ lực triển khai Đề án số hóa truyền hình cũng được các tổ chức trong khu vực và thế giới đánh giá cao. Trong khu vực, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tiến hành số hóa truyền hình mặt đất, với khoảng một nửa dân số cả nước thực hiện được xem các chương trình thông qua loại hình này. Bộ TTTT cũng đã ban hành mã bưu chính quốc gia và chỉ đạo triển khai áp dụng trên toàn quốc.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã biểu dương, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của toàn Ngành TTTT, của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các địa phương, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao. Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước của Bộ trong các lĩnh vực BCVT, CNTT, Báo chí, Xuất bản, Phát thanh truyền hình… đã được thực hiện tốt với nhiều thành tựu nổi bật, đáng ghi nhận.