Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành thư viện. Ảnh: VGP
100% nhân sự có khả năng làm việc trực tuyến trên các nền tảng số
Theo đó, mục tiêu cụ thể của Bộ VHTTDL đến năm 2025, lãnh đạo các cấp, các ngành trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ nhận thức sâu sắc về chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp thuộc Bộ hàng năm được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số. Cùng với đó, 100% công chức, viên chức chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số và được đánh giá trực tuyến kết quả đào tạo qua Hệ thống đánh giá, sát hạch chuẩn kỹ năng số quốc gia.
Cũng đến mốc thời gian năm 2025, Bộ sẽ xây dựng được mạng lưới chuyển đổi số đến tận cấp cơ sở với đội ngũ thành viên được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình chuyển đổi số của Bộ. Nghiên cứu, đề xuất thí điểm triển khai tại một số cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ VHTTDL mô hình "Giáo dục đại học số" do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Đáng chú ý đến giai đoạn 5 năm sau đó, Bộ VHTTDL mở rộng phạm vi triển khai theo mô hình "Giáo dục đại học số" tới tối thiểu 50% các trường đại học thuộc Bộ. Đồng thời, 100% cán bộ và công chức có khả năng làm việc trực tuyến trên các nền tảng số của Chính phủ và của Bộ cung cấp.
Nâng cao nhận thức đến phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số
Để đạt được các mục tiêu cụ thể trên, Bộ VHTTDL xác định rõ các nhiệm vụ. Trong đó, về nâng cao nhận thức chuyển đổi số, nhiệm vụ được xác định: Tham gia triển khai chiến dịch truyền thông số trải rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về chuyển đổi số theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; thiết lập, duy trì nội dung, đưa tin, viết bài về chuyển đổi số tại chuyên mục chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Sản xuất các nội dung tin bài, ảnh, video, clip tạo xu thế về chuyển đổi số để đăng, phát trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, báo điện tử, tạp chí điện tử thuộc Bộ. Song song đó, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các cuộc triển lãm, trưng bày lưu động về sản phẩm số, giải pháp số, các thành tựu về chuyển đổi số của Việt Nam; lồng ghép nội dung về chuyển đổi số trong các cuộc triển lãm, giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa, du lịch Việt Nam ở nước ngoài; các cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số, báo chí viết về chuyển đổi số.
Các nhiệm vụ đi kèm khác sẽ được triển khai như: Tuyên truyền; chia sẻ kinh nghiệm cũng như nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong chuyển đổi số.
Trong nhiệm vụ về phổ cập kỹ năng chuyển đổi số, Bộ VHTTDL xác định việc tổ chức các chương trình đào tạo, đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Tiếp đó, về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, sẽ có các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, công nghệ số cho đội ngũ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác tham mưu chuyển đổi số của Bộ VHTTDL. Lựa chọn và cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, công nghệ số, kỹ năng tổng hợp, phân tích dữ liệu số để hỗ trợ ra quyết định phù hợp theo chuyên môn, ngành nghề, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học, sau đại học thuộc Bộ xem xét, đề xuất mở thêm chuyên ngành đào tạo hoặc cập nhật, bổ sung nội dung đào tạo về chuyển đổi số trong lĩnh vực, ngành, nghề của mình. Song hành với thúc đẩy triển khai mạng lưới hệ thống thư viện điện tử, các nền tảng tài nguyên giáo dục mở…
Ba nhóm giải pháp chuyển đổi số
Đi cùng với với các nhóm nhiệm vụ trên, ngành VHTTDL cũng xác định rõ ba nhóm giải pháp về: Cơ chế, chính sách; giải pháp hỗ trợ triển khai và giải pháp về cơ chế tài chính.
Tại nhóm cơ chế, chính sách, giải pháp tập trung nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, triển khai đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên trách và trực tiếp triển khai chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị. Áp dụng hình thức khen thưởng đột xuất và kịp thời cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc Bộ có ý tưởng, sáng kiến, cách làm đột phá, sáng tạo trong chuyển đổi số, giúp mang lại hiệu quả cao trong hoạt động của cơ quan, tổ chức và lợi ích cho cộng đồng.
Trong khi đó, tại nhóm hỗ trợ triển khai, giải pháp đặt trọng tâm truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong thực hiện chuyển đổi số tại Bộ VHTTDL.
Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các hình thức hợp tác; hàng năm tổ chức đánh giá, xếp hạng mức độ triển khai chuyển đổi số; tăng cường đầu tư trang thiết bị, công nghệ hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan đơn vị được ổn định và bảo đảm an toàn, an ninh mạng…Cùng với đó, nhiều ưu tiên về cơ chế tài chính để hỗ trợ chuyển đổi số.
Với các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ đã được xác định rõ, Bộ VHTTDL cũng phân công "rõ người, rõ việc" và "rõ thời gian hoàn thành" bằng danh mục "nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" để từng bước cụ thể hóa các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể về chuyển đổi số.
Kế hoạch tuyên truyền Ngày Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL năm 2022 mới được ban hành với mục đích tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong ngành VHTTDL và gia đình. Chủ đề của Kế hoạch là "Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân" sẽ được triển khai trong tháng 10/2022. Các hoạt động hưởng ứng tập trung vào phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thúc đẩy, quảng bá toàn dân tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, làm cho người dân được thụ hưởng các kết quả do chuyển đổi số mang lại. Hoạt động tuyên truyền về Ngày Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL năm 2022 được triển khai thông qua việc tổ chức lan truyền thông điệp Ngày Chuyển đổi số quốc gia trên môi trường số; tổ chức thông tin, tuyên truyền về Ngày Chuyển đổi số quốc gia thông qua các chuyên đề, chuyên mục, phóng sự, hội nghị, tọa đàm, trình chiếu phim tư liệu về lịch sử phát triển công nghệ thông tin Việt Nam, đưa tin về các hoạt động hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia… |