Cùng với xu thế phát triển xanh, ngành vận tải điện hiện cũng đứng trước những yêu cầu phải chuyển đổi, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn để “phát triển xanh”, giảm thiểu tác hại đến môi trường.
Ngành vận tải biển hiện vẫn đang có mức độ ô nhiễm môi trường khá đáng kể, khí thải nhà kính lớn khiến khí hậu toàn cầu nóng lên, gây biến đổi khí hậu. Ngoài ra, dân số toàn cầu ngày càng tăng cũng khiến nhu cầu giao thương hàng hóa tăng vọt, từ đó tạo áp lực cho ngành vận tải. Vì vậy, các công ty vận tải lớn cần tìm biện pháp điều tiết khí thải ra không khí bằng cách sử dụng công nghệ xanh, giúp giảm thiểu tác động đến môi trường.
Nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), cũng như Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon, khí metan trong lĩnh vực hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai nhiều nỗ lực để xây dựng Kế hoạch.
Tại COP26, Việt Nam là một trong số 150 quốc gia đã có những cam kết mạnh mẽ về việc đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030. Nhiều cam kết khác cũng được Việt Nam tham gia như cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu…
Đứng trước những nhiệm vụ mới đặt ra, ngành vận tải biển phải đạt mức cân bằng carbon vào năm 2050. Như vậy, ngành vận tải biển cần tính đến sử dụng tàu không phát thải, đó là lựa chọn ưu thế và cạnh tranh của ngành này để đạt các mục tiêu đề ra. Ngành vận tải biển quốc tế đã đặt ra đạt mục tiêu nguồn năng lượng không phát thải chiếm 5% vào năm 2030.
Trên thế giới, để đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, ngành giao thông vận tải phải thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, bằng cách chuyển đổi các loại phương tiện, thiết bị giao thông vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu sinh học, hydrogen, amoniac, xăng tổng hợp, …; phát triển giao thông công cộng.
Ngày hàng hải thế giới 2022: Công nghệ mới cho ngành vận tải biển được xanh hơn
Ngày 29/9/2022 vừa qua là Ngày Hàng hải thế giới. Chủ đề của năm nay là “Công nghệ mới cho ngành vận tải biển được xanh hơn”. Với chủ đề này, các doanh nghiệp vận tải biển được kêu gọi và khuyến khích để tìm ra các giải pháp giúp cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm khí thải carbon, từ đó góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu, hướng đến ngành vận tải hàng hải sử dụng công nghệ xanh.
Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, cũng đã có văn bản gửi các doanh nghiệp hàng hải và thuyền viên, khuyến khích các giải pháp xanh cho ngành vận tải biển.
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam năm 2022, cho biết hậu quả của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới lĩnh vực hàng hải nói chung và vận tải biển nói riêng, đặc biệt là sự cố gián đoạn chuỗi cung ứng vận chuyển hàng hóa toàn cầu.
Tuy vậy, ngành vận tải biển đã nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động để chuỗi cung ứng được thông suốt và an toàn, đảm bảo vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo thống kê, lượng hàng vận tải biển quốc tế từ đầu năm đến nay tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Hoàng Hồng Giang cũng nhìn nhận, xu hướng công nghệ xanh đang trở thành xu thế phổ biến trong ngành vận tải biển hiện nay khi hội nhập quốc tế.
Với chủ đề “Công nghệ mới cho ngành vận tải biển được xanh hơn - New technologies for greener shipping” của Ngày Hàng hải thế giới (29/9/2022), Cục Hàng hải Việt Nam đã kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp hàng hải góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như tác động của biến đổi khí hậu, dần dần hướng đến một ngành “vận tải xanh”.
Quyết định 876/QĐ-TTg đã phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Hiện nay, Cục Hàng hải đang xây dựng tiêu chuẩn cơ sở về tiêu chí cảng xanh, dự kiến trình phê duyệt vào cuối năm 2022. Với việc ban hành tiêu chuẩn này, nhiều người kỳ vọng sẽ tạo ra tư duy mới trong hoạt động vận hành, khai thác cảng biển.
Các tiêu chí của tiêu chuẩn sẽ bám vào tiêu chuẩn cảng xanh của khối APEC và có thêm một số điểm phù hợp với Việt Nam như sử dụng năng lượng là các nhiên liệu sạch hoặc sử dụng các thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh cho ngành hàng hải
Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, trong giai đoạn năm 2022 - 2030, các doanh nghiệp vận tải hàng hải được khuyến khích chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới, đầu tư bổ sung và cảng hiện hữu.
Sau đó, trong giai đoạn 2031 - 2050, các doanh nghiệp sẽ có hướng chuyển đổi cụ thể hơn, để tiến tới từ năm 2050, tất cả các phương tiện, trang thiết bị tại cảng, các thiết bị báo hiệu hàng hải sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương.
Đây cũng là lộ trình mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26).
Được biết, một số doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đã bắt đầu tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh cho hoạt động vận tải biển, như xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý năng lượng hiệu quả theo yêu cầu của Tổ chức Hàng hải Thế giới (IMO); các tàu đều được đăng kiểm phê duyệt bản Kế hoạch quản lý năng lượng hiệu quả (SEEMP), lựa chọn sử dụng dầu có hàm lượng lưu huỳnh không vượt quá 0,5% và tại các vùng đặc biệt không vượt quá 0,1%....
Nâng cao chất lượng nhân lực ngành hàng hải để sẵn sàng chuyển đổi xanh
Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam đã ban hành Kế hoạch chi tiết về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan trong lĩnh vực hàng hải. Mục tiêu của kế hoạch nhằm phát triển hệ thống giao thông hàng hải xanh hướng tới mục tiêu góp phần phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Ngoài những giải pháp sử dụng năng lượng xanh đối với tàu, thuyền, ngành vận tải biển cũng có những nỗ lực thực hiện các tiêu chí về “cảng xanh” tại các cảng biển Việt Nam. Cùng với đó, các chính sách sẽ được xây dựng, ban hành để khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hàng hải đầu tư, phát triển chuyển đổi năng lượng xanh.
Theo đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam, các tổ chức vận tải cần phát triển hợp lý các phương thức vận tải; tăng cường kết nối các phương thức vận tải kết hợp dịch vụ hậu cần chất lượng cao, từ đó giảm hệ số phương tiện chạy không cũng như giảm ùn tắc hàng hóa trong hoạt động vận tải biển và chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.
Các đơn vị, tổ chức cảng biển thực hiện nghiên cứu và phát triển công nghệ để ứng dụng và chuyển giao sang các loại công nghệ xanh, ứng dụng năng lượng xanh, kết cấu hạ tầng xanh, giúp giảm phát thải khí nhà kính và cung ứng năng lượng xanh.
Ngoài ra, ngành vận tải hàng hải cũng đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh trong quản lý, điều hành các lĩnh vực trong ngành hàng hải. Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, vấn đề nguồn nhân lực cần được chú trọng phát triển, đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực ngành hàng hải, để có thể sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, quản lý, khai thác, vận hành phương tiện, hạ tầng hàng hải công nghệ mới không phát thải khí nhà kính./.