Ngành VHTT&DL chuyển đổi số để vươn tới công dân toàn cầu

Hoàng Linh| 26/10/2022 11:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng đề nghị hoạt động chuyển đổi số (CĐS) ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tập trung ưu tiên triển khai các nền tảng số dùng chung trong phạm vi toàn ngành, toàn quốc tại "Hội nghị - Hội thảo CĐS của ngành VHTT&DL" ngày 26/10.

Hội nghị - Hội thảo có sự tham dự của hơn 120 đại biểu là đại diện các cơ quan thuộc Bộ VHTT&DL, Bộ TT&TT, các bộ, ban ngành, các Sở VHTT&DL, Sở VHTT, Sở Du lịch thuộc 63 tỉnh, thành trong cả nước. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương, kiêm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo CĐS của Bộ VHTT&DL và Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về CĐS chủ trì hội nghị - hội thảo.

Ba nền tảng số quan trọng để ngành VHTT&DL thúc đẩy CĐS

Phát biểu tại hội nghị - hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết ngành VHTT&DL sở hữu lợi thế đặc biệt so với những ngành khác của Việt Nam về quy mô thị trường vì ngành VHTT&DL không chỉ phục vụ cho 100 triệu người dân Việt Nam mà còn có cơ hội để phục vụ gần 8 tỷ khách hàng tiềm năng năng trên toàn thế giới. Vì vậy, Bộ TT&TT nhấn mạnh CĐS ngành VHTT&DL là hết sức cần thiết để Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội đó, đặc biệt là thông qua CĐS, công nghệ số để cung cấp những dịch vụ và trải nghiệm văn hóa du lịch ngày một tốt hơn, cá thể hóa cho từng du khách trong nước và nước ngoài.

Ngành VHTT&DL chuyển đổi số để vươn tới công dân toàn cầu - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: ngành VHTT&DL không chỉ phục vụ cho 100 triệu người dân Việt Nam mà còn có cơ hội để phục vụ gần 8 tỷ khách hàng tiềm năng

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình CĐS quốc gia. Các chiến lược của Chính phủ về chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã được ban hành, theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: "Lát cắt quan trọng và nhất quán trong tất cả các chiến lược quốc gia về CĐS mà Chính phủ đã ban hành,đó là Việt Nam xác định nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy CĐS trong các ngành, lĩnh vực. Bộ TT&TT đã ban hành chương trình thúc đẩy và sử dụng các nền tảng số quốc gia. Đồng thời, xác định năm 2022 là năm đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp (DN) lên trên môi trường số bằng các nền tảng số xuất sắc của Việt Nam".

Thứ trưởng đề nghị hoạt động CĐS ngành VHTT&DL tập trung ưu tiên triển khai các nền tảng số dùng chung trong phạm vi toàn ngành, toàn quốc, trong đó có 3 nền tảng số quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong các chương trình, chiến lược quốc gia và trong kế hoạch năm 2022 của Uỷ ban Quốc gia về CĐS. Nền tảng số đầu tiên là nền tảng số quản trị và kinh doanh du lịch cung cấp một hạ tầng mới cho hàng triệu DN lữ hành, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú và cơ sở du lịch trên toàn quốc.

Theo Thứ trưởng, nếu như trước đây ứng dụng CNTT là mỗi một cơ quan, tổ chức triển khai một hệ thống thông tin riêng lẻ, độc lập thì nay chúng ta có thể sử dụng một nền tảng dùng chung giống như điện, nước. Nếu như trước đây mỗi một hệ thống thông tin giải quyết một nhiệm vụ du lịch cụ thể thì nay nền tảng du lịch số sẽ cung cấp đầy đủ các tính năng quản trị cơ bản, kết nối các bên liên quan cho cả hệ sinh thái, cung cấp dịch vụ và mang đến cho du khách trải nghiệm du lịch số toàn trình từ đầu đến cuối và thông suốt. Nền tảng số cũng làm thay đổi mô hình đầu tư, quản trị, vận hành hạ tầng ứng dụng công nghệ, đặc biệt là bảo đảm an toàn thông tin.

"Nền tảng số được cung cấp như là một dịch vụ giống như điện, nước, dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, tối ưu hóa đầu tư, đặc biệt là đối với các cơ sở lữ hành, cơ sở du lịch nhỏ và vừa trong lĩnh vực này. Với việc sử dụng nền tảng số, các DN có thể tập trung nguồn lực để phát triển các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, thay vì phải dành nguồn lực cho công nghệ", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nền tảng số thứ hai nền tảng dữ liệu số du lịch. Theo Thứ trưởng, CĐS là thay đổi cách làm, dựa trên công nghệ số và dữ liệu số. "Trước đây chúng ta làm thế nào thì bây giờ làm khác đi nhờ vào dữ liệu và công nghệ số. Vì vậy, dữ liệu là yếu tố đầu vào quan trọng trong đổi mới mô hình hoạt động, cung cấp dịch vụ, từ đó hình thành các hệ sinh thái du lịch thông minh".

Cũng theo chia sẻ của Thứ trưởng, nền tảng dữ liệu số cho ngành du lịch được kỳ vọng là cung cấp những thông tin, tài nguyên du lịch đã được số hoá, dữ liệu số về các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và thị trường du lịch Việt Nam. Cơ quan nhà nước thì đóng vai trò quan trọng trong xây dựng dữ liệu mở và mở dữ liệu để các DN du lịch có thể tối ưu hoá, cải thiện chất lượng dịch vụ và đưa ra các gói ưu đãi cho khách du lịch. Trong kỷ nguyên số, cũng cần đặc biệt lưu ý vai trò của du khách trong việc bổ sung, cập nhật thông tin dữ liệu thông qua việc tương tác một cách tự nhiên với các ứng dụng du lịch số, phát huy sức mạnh cộng đồng. Có như vậy, dữ liệu mới đáp ứng được các tiêu chí về đúng, đủ, sạch, sống. Dữ liệu mới có giá trị để phân tích, dự báo và hoạch định chính sách.

Nền tảng số thứ ba là nền tảng mô hình hóa đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số. Theo Thứ trưởng, CĐS là đưa các hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số. CĐS ngành VHTT&DL là thúc đẩy số hóa các di sản văn hóa hướng tới mục tiêu mỗi di sản của Việt Nam đều có hiện diện số và hình thành bản đồ di sản số để người dân, du khách có thể thuận lợi, truy cập trên môi trường số. Công nghệ thực tế ảo cũng cho phép tổ chức tour du lịch trải nghiệm trực tuyến từ xa để người dân trên toàn thế giới chưa có điều kiện đến Việt Nam nhưng vẫn có thể tiếp cận, trải nghiệm các giá trị văn hóa Việt Nam không khoảng cách, không có giới hạn về mặt ngôn ngữ.

"Đây cũng là thực hiện sứ mệnh của Ngành là bảo tồn di sản và đưa các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ngành VHTT&DL thực hiện sứ mệnh chuyển đổi số để vươn tới 8 tỷ người dân - Ảnh 2.

Hội nghị - hội thảo diễn ra trực tiếp và trực tuyến

6 kết quả CĐS ban đầu của ngành VHTT&DL

Nhấn mạnh vai trò của CĐS, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương cho biết công cuộc CĐS được xác định là 1 trong 3 giải pháp đột phá chiến lược để xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. CĐS đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình CĐS. Thủ tướng Chính phủ đã có những quyết định thành lập Uỷ ban Quốc gia về CĐS do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và tại các bộ ngành, địa phương đã hình thành các Ban chỉ đạo CĐS cũng do người đứng đầu làm trưởng ban.

Ngành VHTT&DL chuyển đổi số để vươn tới công dân toàn cầu - Ảnh 3.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: CĐS ngành VHTT&DL đã đạt được những kết quả tích cực

Thứ trưởng nhấn mạnh: "CĐS là một chủ trương, cũng như là yêu cầu cấp thiết, xu thế. Không đứng ngoài xu thế đó, trong thời gian qua, Bộ VHTT&DL, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ VHTT&DL, đặc biệt Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Trưởng ban chỉ đạo CĐS Bộ VHTT&DL đã quan tâm, chỉ đạo ban hành nhiều văn bản triển khai nhiệm vụ CĐS. Gần đây nhất, hưởng ứng ngày CĐS quốc gia 10/10, Bộ VHTT&DL đã ban hành Quyết định số 2431/QĐ-BTTTT ngày 3/10/2022 về kế hoạch tuyên truyền ngày CĐS ngành TTVH&DL".

Về kết quả CĐS ngành VHTT&DL trong thời gian qua, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết ngành đã đạt được những kết quả tích cực: (1) nhận thức về hành động về CĐS của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực; (2) việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm, chỉ đạo đáp ứng kịp thời nhu cầu CĐS và xây dựng chính phủ số; (3) hạ tầng số được tăng cường đầu tư, tập trung triển khai nền tảng số dùng chung trong ngành VHTT&DL như nền tảng bảo tàng số, nền tảng quản trị kinh doanh và du lịch; (4) dịch vụ công trực tuyến (DVCTTT) phục vụ người dân, DN được triển khai ngày càng hiệu quả, tăng mức độ hài lòng với các dịch vụ công ích; (5) công tác đảm bảo an toàn an ninh luôn được chú trọng; (6) nguồn lực dành cho CĐS được quan tâm, tăng cường, đặc biệt là kinh phí cho CĐS, phục vụ công tác chuyên môn như triển khai các hệ thống ứng dụng, lập cơ sở dữ liệu, duy trì, vận hành, tuyên truyền và đào tạo được tăng lên hàng năm

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng cho biết nhìn tổng thể và so sánh với các mục tiêu cũng như yêu cầu đề ra, kết quả đạt được chưa đồng đều ở các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, nhiều chỉ tiêu đạt được còn thấp so với mục tiêu đề ra đến năm 2025. Theo đó, hội nghị - hội thảo là dịp để các cơ quan, đơn vị trao đổi kinh nghiệm, bài học thực tiễn để thúc đẩy CĐS trong Ngành.

Một số hiện trạng CĐS của ngành VHTT&DL

Trung tâm CNTT - Bộ VHTT&DL là cơ quan thường trực về CĐS của Bộ VHTT&DL và được lãnh đạo Bộ giao là đầu mối tổ chức hội nghị - hội thảo đã nhận được gần 40 tham luận công phu, tâm huyết về CĐS thuộc tất cả các lĩnh vực của Bộ VHTT&DL, từ văn hóa di sản, bảo tàng, điện ảnh, bản quyền đến thể thao, du lịch và vấn đề an toàn, an ninh thông tin trong CĐS.

Được chuẩn bị kỹ lưỡng, tâm huyết, khoa học từ thực tiễn đã và đang diễn ra trong cuộc sống, các tham luận đã cung cấp một bức tranh tổng thể về hiện trạng của CĐS trong ngành VHTT&DL.

Thứ nhất, tất cả các đơn vị tham luận đều bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi vì vấn đề số hóa đã được Lãnh đạo Bộ VHTT&DL quan tâm chỉ đạo từ rất sớm, ngay khi Chính phủ điện tử (CPĐT) được triển khai.

Thứ hai, trong một thời gian ngắn, các hoạt động CĐS trong ngành VHTT&DL đã được triển khai thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là trong các lĩnh vực du lịch, di sản, bảo tồn, bảo tàng…

Thứ ba, những thành công bước đầu của việc triển khai CĐS đã có tác động rất rõ ràng, thiết thực trong thực tiễn hoạt động của ngành VHTT&DL, đặc biệt là trong thời gian thử thách của đại dịch COVID-19. Hàng ngàn lượt khách tham quan ngồi tại nhà trong mùa giãn cách nhưng vẫn có thể xem được nhiều triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thậm chí là "đi" du lịch tham quan Kinh thành Huế chỉ bằng các cú nhấp chuột. Hay khi thực hiện "ai ở đâu ở yên đó" người dân vẫn có thể thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ nổi tiếng của ngành Văn hóa biểu diễn trực tuyến, hoặc được hướng dẫn các bài tập thể dục trực tuyến tại gia đình đơn giản, hiệu quả, dễ hiểu của ngành thể thao...

Thứ tư, trên cơ sở Kiến trúc CPĐT phiên bản 2.0, các nền tảng số, hệ thống thông tin và dữ liệu số đã và đang được Bộ VHTT&DL thực hiện đầu tư, từng bước hoàn thiện môi trường làm việc số cho người lao động thuộc Bộ. Các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã và đang từng bước chuyển đổi sang môi trường số. Các hệ thống cung cấp DVCTT kết nối hệ thống Một cửa điện tử của Bộ; hệ thống thư điện tử; chữ ký số… đang được triển khai mạnh mẽ tại Bộ; đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống thông tin…

Các tham luận cũng nêu lên một số hạn chế cũng như những khó khăn và bày tỏ mong muốn Bộ VHTT&DL cùng các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc CĐS trong ngành VHTT&DL.

Nhằm phục vụ phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã có nhiều chỉ đạo liên quan tới CĐS của ngành, đồng thời ký ban hành Chương trình CĐS của Bộ VHTT&DL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 3611/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2021 với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ VHTT&DL và hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN; đổi mới hoạt động, sản xuất, dịch vụ của các DN, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực VHTT&DL và gia đình; xây dựng phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai hướng tới kinh tế số và xã hội số.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Giám đốc Trung tâm CNTT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo CĐS của Bộ VHTT&DL, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo CĐS của Bộ VHTT&DL, đơn vị đầu mối kết nối với Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT và các bộ, ban, ngành về CĐS, Trung tâm CNTT luôn chủ động cập nhật tình hình, tham mưu cho lãnh đạo Bộ về chiến lược, kế hoạch CĐS theo giai đoạn và kế hoạch CĐS hàng năm của Bộ, đồng thời Trung tâm luôn đồng hành, phối hợp và hỗ trợ các đơn vị thuộc Bộ trong quá trình triển khai nhiệm vụ CĐS.

Tại hội nghị - hội thảo, Bộ VHTT&DL cũng khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ. Đây là hệ thống thông tin thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu báo cáo và cung cấp số liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ kết nối tới Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Hệ thống được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm ứng dụng CNTT vào công tác quản lý nhà nước về chế độ báo cáo của Bộ một cách thuận tiện, nhanh chóng.

Hệ thống được triển khai cũng nhằm hỗ trợ các cơ quan, các đơn vị thuộc Bộ, các Sở VHTT&DL 63 tỉnh, thành phố thực hiện cập nhật, tổng hợp số liệu báo cáo thống kê theo các biểu mẫu của đơn vị trực tiếp trên phần mềm./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành VHTT&DL chuyển đổi số để vươn tới công dân toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO