Truyền thông

Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị

CT 15/12/2024 15:27

Tối 14/12, tại thành phố Đông Hà, đã diễn ra Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024. Ngày hội năm nay có chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam: Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển vì một Thế giới hòa bình”.

Ngày hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức, có sự tham gia của 16 tỉnh, thành phố gồm: Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Trị.

Đoàn Quảng Trị thể hiện phần trình diễn “Lời chúc phúc Aza” trích đoạn Lễ cúng Ariêu Aza của đồng bào Pa Kô tỉnh Quảng Trị.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), Trưởng ban Chỉ đạo ngày hội Trịnh Thị Thủy cho biết, trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.

Khắc ghi lời căn dặn của Bác, trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc Việt Nam luôn phát huy tinh thần đại đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định: Bên cạnh những giá trị văn hóa chung, mỗi dân tộc có bản sắc riêng, được sản sinh từ truyền thống lịch sử, từ cảnh quan thiên nhiên, môi trường cư trú... từ đó, hình thành nên những giá trị văn hóa đặc sắc trong ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, nghệ thuật dân gian, mối quan hệ ứng xử, tín ngưỡng truyền thống và nhiều phương thức biểu đạt khác, góp phần làm nên nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng.

Trích đoạn Lễ cúng Ariêu Aza của đồng bào Pa Kô tỉnh Quảng Trị.

Theo ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban tổ chức ngày hội, người Vân Kiều, Pa Kô ở Quảng Trị vinh dự được mang họ Hồ của Bác. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô luôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, cùng đoàn kết đấu tranh giữ nước, góp sức giành độc lập, tự do cho dân tộc. Trong cuộc sống, lao động và sản xuất hiện nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng người Vân Kiều, Pa Kô luôn đoàn kết, chung sức, sát cánh bên nhau, đồng lòng, hợp sức xây dựng đời sống mới.

Ngày hội Văn hóa các Dân tộc Việt Nam năm 2024 được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn về vai trò quan trọng của mỗi dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, truyền đến thế hệ trẻ trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Đây cũng là cơ hội để tỉnh Quảng Trị quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa du lịch của mảnh đất và con người Quảng Trị với bạn bè, du khách trong và ngoài nước, gắn công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững.

“Tôi hy vọng, những hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phong phú, hấp dẫn mà các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đem đến. Ngày hội sẽ là những bông hoa tươi góp phần làm rạng rỡ bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em trong vườn hoa văn hóa nghệ thuật của nước nhà với tinh thần đoàn kết, tự tin, vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của đất nước” - ông Hoàng Nam nói.

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển vì một thế giới hòa bình” và sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đồng bào các dân tộc, Ngày hội diễn ra nhiều hoạt động với nội dung phong phú, đặc sắc như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng và Trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương; Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương và Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực dân tộc truyền thống; Thi đấu các môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian dân tộc.

Ấn tượng trang phục truyền thống và những khúc ca từ đại ngàn
Phần trình diễn văn hóa của đoàn tỉnh Đắk Lắk.

Các đoàn cũng tham gia thi kỹ năng du lịch cộng đồng, kỹ năng chào đón khách, kỹ năng thuyết minh, giới thiệu điểm đến du lịch cộng đồng của địa phương. Ngoài ra, Ngày hội còn có hoạt động trưng bày ảnh “Các dân tộc thiểu số Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển đất nước”; Triển lãm “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam”.

Ngày hội không chỉ mang ý nghĩa của một sự kiện văn hóa, mà quan trọng hơn còn là dịp để các chủ thể văn hóa, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng các dân tộc được tham gia giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tự giới thiệu những nét đẹp trong văn hóa của dân tộc mình, lan toả niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, từng cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO