Diễn đàn

Tìm kiếm không gian mới phải là việc thường xuyên và liên tục của VNPT

Hoàng Linh 12:05 22/12/2023

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh VNPT cần thường xuyên, liên tục tìm kiếm không gian mới. VNPT cũng cần đầu tư đi trước về xây dựng hạ tầng số để tạo nền tảng cho phát triển đất nước, phát triển kinh tế số (KTS).

Ngày 21/12/2023, tại Hà Nội, Tập đoàn VNPT đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2024. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (DN) Nguyễn Hoàng Anh đã tham dự và có phát biểu chỉ đạo.

Những chuyển dịch quan trọng của ngành TT&TT

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh VNPT đã có những chuyển đổi quan trọng, đã có chiều hướng đi lên nhưng vẫn chưa thấy sự bứt phá, chưa thấy những đường hướng chiến lược, những quyết tâm chiến lược để mở ra được một giai đoạn phát triển mới.

bo-truong-nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: VNPT luôn nhớ là nghề của mình là nghề hạ tầng, sức mạnh của VNPT là sức mạnh hạ tầng và trách nhiệm của mình với đất nước là trách nhiệm hạ tầng.

Theo Bộ trưởng, đất nước phát triển thì phải dựa vào không gian mới, không gian phát triển mới thì chủ yếu là không gian số. Không gian mới thì cần hạ tầng mới. Đó là hạ tầng số. Các nhà mạng chủ chốt, trong đó có VNPT, cần đầu tư đi trước về xây dựng hạ tầng số để tạo nền tảng cho phát triển đất nước, phát triển KTS.

Bộ trưởng lấy ví dụ như các dịch vụ truyền thống như là thoại, SMS đã từng chiếm gần như 100% doanh thu di động của nhà mạng thì cơ bản sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng dưới 10%. “Những dịch vụ truyền thống này của VNPT vẫn đang chiếm tới 40% thì phải chuẩn bị là nó sẽ giảm xuống dưới 10%. Nếu không có không gian mới thì VNPT sẽ nguy hiểm”, Bộ trưởng lưu ý.

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng lưu ý 5 vấn đề để VNPT quan tâm. Thứ nhất là những chuẩn bị của Ngành TT&TT.

Theo Bộ trưởng, 10 năm, 20 năm, 30 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng trong công cuộc đổi mới lần thứ hai của Ngành, từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ CNTT sang công nghệ số, từ ứng dụng CNTT sang CĐS, từ tự động hoá sang thông minh hoá, sang AI, từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số.

Công nghệ số đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản và nhân tài số thành nguồn lực cơ bản. Đổi mới sáng tạo số trở thành động lực cơ bản của phát triển. “Đây là định hướng lớn của Ngành. VNPT nhận thức sâu sắc, nắm chắc nó như kim chỉ nam, như ngôi sao dẫn lối. Người đứng đầu VNPT thì càng phải nắm chắc để dẫn dắt một tập đoàn lớn, một tập đoàn quan trọng lớn của đất nước. Chuyển đổi thường là việc khó nhất của một tổ chức. Tổ chức càng lớn thì càng khó và đây là việc của người đứng đầu”.

Thứ hai là về khái niệm hạ tầng số của Việt Nam. Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như là dịch vụ, ví dụ như là VTVGo mà VNPT đang tham gia xây dựng.

Hạ tầng số Việt Nam thì dung lượng phải siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững. Ngành TT&TT phải xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng số phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước, thúc đẩy CĐS quốc gia, phát triển KTS, xã hội số.

“VNPT luôn nhớ là nghề của mình là nghề hạ tầng, sức mạnh của VNPT là sức mạnh hạ tầng và trách nhiệm của mình với đất nước là trách nhiệm hạ tầng. Lợi thế cạnh tranh chính của VNPT là hạ tầng và sứ mệnh của VNPT là sứ mệnh hạ tầng để người khác, DN khác đứng trên vai mình mà kinh doanh, chứ không phải một mình mình đứng trên vai mình”.

toan-canh-tong-ket-vnpt-2023.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Năm 2024 là năm thương mại hoá 5G trên phạm vi toàn quốc

Thứ ba, Bộ trưởng đề cập về triển khai 5G và cách kinh doanh 5G. “Năm 2024 là năm thương mại hoá 5G trên phạm vi toàn quốc. VNPT hãy lập kế hoạch để phủ sóng toàn quốc ngay trong năm 2024 và hãy sử dụng 5G SA tức là hãy sử dụng công nghệ 5G không cần đi qua giai đoạn trung gian 4,5G”.

Bộ trưởng cho rằng nột nhà mạng muốn phát triển bền vững thì mỗi năm phải đầu tư 15 - 20% doanh thu cho mạng lưới. Với VNPT thì mỗi năm phải đầu tư xung quanh 10.000 tỷ đồng. “Các DN hạ tầng vì lợi nhuận mà không đầu tư vì không đầu tư là chết. Đấy là quy luật của những DN hạ tầng, đặc biệt viễn thông. Các nhà mạng Việt Nam những năm gần đây đầu tư ít nên chất lượng mạng lưới chưa tốt”.

Khi triển khai 5G, Bộ trưởng cho biết Bộ TT&TT sẽ công bố tiêu chuẩn. Tốc độ thấp nhất là 50Mb/s và trung bình phải đạt 100Mb/s là ít nhất. Một mạng di động chất lượng tốt, tức là dung lượng lớn, phủ sóng sâu, đó là phủ sóng vào trong nhà thì 1000 người dân phải có 1 trạm phát sóng (BTS). Mạng di động tốt nhất của Việt Nam hiện nay thì 2000 người dân mới có 1 trạm phát sóng, tức là có 50.000 trạm phát sóng. Vinaphone của VNPT còn phải đầu tư nhiều hơn nữa để có một mạng di động chất lượng tốt, dung lượng lớn, tốc độ cao và phủ sóng sâu.

Kinh doanh 2G, 3G, 4G chủ yếu là B2C, là kinh doanh những dịch vụ mà người dân đã biết, nhà mạng không phải đầu tư nhiều cho phát triển các dịch vụ mới nhưng 5G B2B sẽ là chính. Nhà mạng phải sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên công nghệ 5G để bán cho DN, để CĐS các DN, để CĐS các ngành công nghiệp.

VNPT cần thành lập đơn vị AI, có trách nhiệm phát triển ứng dụng số, CĐS các ngành

Chủ đề năm 2024 của Bộ TT&TT là phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển KTS, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.

Theo Bộ trưởng, phát triển KTS thì quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng CĐS cho các Ngành. Người làm việc này là các nhà mạng, các DN công nghệ số. Phát triển ứng dụng số cho các Ngành thì cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Viet Nam. Các nhà mạng, các DN công nghệ số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

“VNPT hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số giúp CĐS, phát triển KTS cho các ngành và các lĩnh vực và đây cũng chính là quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá (CNH-HĐH) đất nước. VNPT từ nay có một sứ mệnh mới là CNH-HĐH đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, CĐS cho các ngành, lĩnh vực, các DN khác”.

“VNPT làm 5G và các ứng dụng công nghiệp 5G cũng chính là góp phần tăng năng suất lao động cho quốc gia. 5G cũng sẽ thúc đẩy phát triển IoT. VNPT phải phát triển các ứng dụng làm bùng nổ IoT ở việt Nam và bùng nổ IoT chính là CĐS, chính là tăng năng suất lao động”.

Thứ tư là về làm chủ công nghệ AI và cung cấp nó như là một dịch vụ phát triển các ứng dụng AI. Theo Bộ trưởng, AI là công nghệ chính và quan trọng nhất của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4. Nó sẽ giống như động cơ hơi nước, giống như điện, máy tính của các cuộc cách mạng trước đây, tức là một loại công nghệ có tính phổ cập và ứng dụng trong mọi ngành và trách nhiệm phổ cập này phải thuộc về các nhà mạng.

Bộ trưởng lưu ý: “Năm 2024 là năm phát triển AI, nhất là AI diện hẹp tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực, tức là các AI công nghiệp và cung cấp AI như là dịch vụ. AI diện hẹp là AI chuyên biệt, tập trung và do người dùng tạo ra”.

Theo đó, VNPT phải thành lập ngay 1 đơn vị phát triển AI, đưa AI vào mọi lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn. “Đưa AI vào điều hành, khai thác mạng lưới, vào phát triển mọi sản phẩm dịch vụ của Tập đoàn, đặc biệt dùng AI để sáng tạo các sản phẩm mới nhất là B2B. Không những vậy VNPT phải nắm chắc công nghệ AI để có thể nhận và giải quyết những bài toán lớn của quốc gia”.

Thứ năm là về hạ tầng tính toán được gọi là computing utility. VNPT phải trở thành nhà cung cấp hạ tầng tính toán, dịch vụ cloud hàng đầu. IDC và cloud là hạ tầng viễn thông mới, là một trong những thành phần quan trọng nhất của hạ tầng số. Chỉ 6 năm nữa, tức là vào năm 2030, doanh thu từ IDC, cloud, hạ tầng tính toán sẽ lớn hơn viễn thông rất nhiều và không chỉ rất nhiều mà rất nhiều lần.

Thứ sáu là công nghiệp bán dẫn và điện tử viễn thông. Năm 2024 cũng là năm đầu tiên chúng ta cũng thực hiện chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn. Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng và không chỉ có như vậy, nó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia 30 - 50 năm tới.

Theo Bộ trưởng, lợi thế căn bản nhất của chúng ta là người Việt Nam có gen về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học) mà STEM là căn bản của công nghệ bán dẫn, thiết kế chip.

Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà như thiết bị viễn thông, thiết bị điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp… nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử, AI, IoT. Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp CĐS. Công nghiệp CĐS là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn.

VNPT muốn phát triển lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử, công nghiệp viễn thông thì phải có tầm nhìn lớn hơn và quyết tâm lớn hơn. Ngành công nghiệp điện tử đang lớn gấp 3 lần ngành viễn thông. Ngành công nghiệp CĐS lớn hơn 20 lần ngành Viễn thông, Bộ trưởng lưu ý.

Tìm kiếm không gian mới phải là việc thường xuyên và liên tục của VNPT

Bộ trưởng cũng chia sẻ với VNPT: Cái gì tốt cũng không tốt mãi. Cái gì là chính rồi cũng không còn là chính nữa. Cái gì thành công rồi cũng sẽ không mãi không thành công. Kinh nghiệm ngày hôm qua thì lại là trở ngại cho ngày hôm nay. Bởi vậy tìm kiếm không gian mới phải là việc thường xuyên và liên tục của VNPT.

Bộ trưởng cho rằng VNPT cần chi 2% - 3% doanh thu cho R&D để tìm hướng đi mới, tìm kiếm và thử nghiệm không gian mới để sáng tạo các ứng dụng mới, các sản phẩm, dịch vụ mới để đảm bảo cho VNPT một tương lai. VNPT phải đặt mục tiêu tăng trưởng trên 10% mỗi năm và đi tìm cách thực hiện.

Cuối cùng, theo Bộ trưởng, một mục tiêu đặt ra cho tương lai mà đã biết kế hoạch thực hiện thì đó không phải là mục tiêu thách thức. Nếu mục tiêu đặt ra chưa biết làm thế nào thì đó là một mục tiêu thách thức. VNPT hãy mạnh mẽ hơn nữa trong các quyết tâm chiến lược, vừa là để phát triển chính mình, vừa là để góp phần phát triển đất nước. Hãy nhận lấy trách nhiệm xây dựng hạ tầng phát triển Việt Nam, phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.

"Hãy luôn ghi nhớ và tự hào VNPT là DN hạ tầng quốc gia và đặc biệt là DN xây dựng hạ tầng mới cho sự phát triển mới của đất nước. Đó là KTS”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Những kết quả đáng ghi nhận của VNPT năm 2023

Với tinh thần vượt mọi thách thức, quyết liệt đổi mới sáng tạo cùng sự đồng tâm, hiệp lực, toàn thể CBCNV Tập đoàn VNPT đã vượt qua một năm 2023 đầy khó khăn để tạo nên sự thay đổi về chất và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao với nhiều dấu ấn ghi nhận.

ong-to-dung-thai.jpg
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch HĐTV VNPT thông tin một số kết quả nổi bật

Cụ thể, năm 2023, tổng doanh thu Tập đoàn đạt 54.856 tỷ đồng, bằng 102,14% so với cùng kỳ, đạt 98,2% kế hoạch. Lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 4.468 tỷ đồng, đạt 100,8% kế hoạch, bằng 100,7% so với cùng kỳ. Trong đó lợi nhuận Công ty mẹ là 2.824 tỷ đồng, đạt 101,4% kế hoạch, bằng 100,1% so với cùng kỳ. VNPT nộp ngân sách nhà nước 3.849 tỷ đồng, đạt 112,7% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn đạt 6%. VNPT luôn đảm bảo 100% việc làm và thu nhập ổn định ở mức khá cho người lao động trong mặt bằng chung của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.

Với chiến lược trở thành Tập đoàn công nghệ, Tập đoàn VNPT đã và đang tập trung phát triển hạ tầng số, danh mục các dịch vụ số đặc biệt thông qua đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực CNTT.

Năm 2023 cũng là năm VNPT bội thu về giải thưởng với gần 50 giải trong nước và quốc tế cho các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp, trong đó đa số là các nền tảng và giải pháp CNTT phục vụ CĐS.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT chia sẻ sau những thành công mà VNPT đã đạt khi triển khai các dự án CĐS lớn của Chính phủ trong thời gian qua và gần đây nhất là dự án Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư… uy tín, thương hiệu của VNPT trong lĩnh vực CĐS đã được nâng cao.

ong-huynh-quang-liem.jpg
Ông Huỳnh Quang Liêm: Năm 2024, Tập đoàn VNPT sẽ tối ưu hóa nguồn lực, thay đổi toàn diện hơn nữa, sáng tạo hơn nữa.

Nhờ đó, trong năm 2023, VNPT tiếp tục nhận được sự tin tưởng của các bộ/ngành và địa phương khi chọn VNPT làm đối tác trong triển khai CĐS. Điển hình như, thỏa thuận hợp tác chiến lược với Bộ Công an đã đánh dấu sự tham gia chính thức của VNPT trong các dự án CĐS lĩnh vực quản lý Dân cư quốc gia. Tiếp đó, VNPT cũng đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lựa chọn làm đối tác trong thực hiện CĐS ngành Kiểm sát nhân dân.

Trong năm, VNPT đã tiếp tục được Bộ Công an chọn làm đối tác triển khai dự án “Bổ sung, nâng cấp phần cứng, phần mềm cho hệ thống Dân cư và hệ thống căn cước công dân tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ triển khai Đề án 06/CP”. Dự án án mang về cho VNPT 248 tỷ đồng.

Sau khi triển khai thành công CSDL quốc gia về cán bộ công chức viên chức, tháng 03/2023, VNPT đã thúc đẩy triển khai phần mềm VNPT CCVC 3.0 tại các Bộ/ngành/địa phương. Sau 09 tháng, sản phẩm VNPT CCVC 3.0 đã triển khai cho 42 tỉnh/thành phố, 21 bộ ban ngành, quản lý 1,6 triệu CBCCVC trên toàn quốc, chiếm thị phần 66%. Sản phẩm giúp các Bộ, ngành, địa phương CĐS toàn diện lĩnh vực quản trị nhân lực trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp kết nối thông suốt hồ sơ cán bộ công chức viên chức của Bộ/ngành/địa phương với CSDL quốc gia về CBCCVC.

“Đây là những dự án có tiềm năng, mang tính dẫn dắt để giúp VNPT khẳng định thêm vị thế trong thực hiện chiến lược dẫn dắt CĐS quốc gia”, ông Huỳnh Quang Liêm nhấn mạnh.

Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm chia sẻ, năm 2024, Tập đoàn VNPT sẽ tối ưu hóa nguồn lực, thay đổi toàn diện hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, nghiên cứu ứng dụng thêm nhiều công nghệ mới để tạo ra các các sản phẩm số mới giúp VNPT tăng năng lực cạnh tranh, khẳng định những bước đi vững chắc của VNPT trong thời gian tới./.

Bài liên quan
  • Trở thành quốc gia phát triển nhờ vào ngành công nghiệp điện tử
    Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Không có một quốc gia nào trở thành nước phát triển mà không có ngành công nghiệp điện tử. Thiết bị loT và chip bán dẫn là những cấu thành mới nhưng trọng yếu của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam”.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tăng cường hợp tác số với ASEAN và các nước đối thoại
    Từ ngày 16-17/01/2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Số ASEAN lần thứ 5 (ADGMIN-5) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
  • Sáu nhóm giải pháp trọng tâm truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam
    Xây dựng và truyền thông chính sách về hình ảnh văn hóa đất nước và con người Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc và những thành tựu phát triển đất nước đến từng người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiện nay là nhiệm vụ chiến lược.
  • Hội chợ sách xuân Ất Tỵ: Tết tri thức-sum vầy
    Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025) và đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo và Công ty Cổ phần Phát triển Giải pháp Giáo dục Vivi Education tổ chức chương trình Hội chợ sách xuân 2025 với chủ đề "Tết tri thức - sum vầy".
  • FPT hợp tác cùng Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển lĩnh vực bán dẫn và AI
    FPT đã ký kết hợp tác cùng Sở TT&TT TP Đà Nẵng với mục tiêu đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ và nguồn lực trong ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), đưa Đà Nẵng trở thành một trong những “địa hạt” công nghệ tại Việt Nam.‏
  • Ngã rẽ nào cho TikTok?
    TikTok, mạng xã hội với 170 triệu người dùng tại Mỹ, đang đứng trước ngã rẽ đầy bất định khi hạn chót ngày 19/1 của đạo luật yêu cầu ByteDance, công ty mẹ, thoái vốn khỏi nền tảng này đang đến gần.
Đừng bỏ lỡ
Tìm kiếm không gian mới phải là việc thường xuyên và liên tục của VNPT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO