Truyền thông

Ngoại giao văn hóa: Cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới

Quỳnh Trang 15:02 10/09/2024

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam đã coi việc xây dựng, quảng bá hình ảnh như một chiến lược sức mạnh mềm quan trọng nhằm nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Ngoại giao văn hoá phục vụ phát triển bền vững

Hoạt động ngoại giao bao gồm ba trụ cột chính: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa. Tuy nhiên, ngoại giao văn hóa đôi khi chưa được nhìn nhận đúng với vai trò và vị trí, dù trong thời gian gần đây, ngoại giao văn hóa đã dần khẳng định vai trò thiết yếu trong sự phát triển của đất nước, trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy quan hệ quốc tế.

Ngoại giao văn hóa được hiểu đơn giản là việc thúc đẩy quan hệ quốc tế thông qua các giá trị văn hóa. Bằng cách giới thiệu những truyền thống, di sản và tinh hoa văn hóa độc đáo của Việt Nam đến bạn bè quốc tế, chúng ta có thể xây dựng và phát triển mối quan hệ đối ngoại với các quốc gia trên thế giới. Khi văn hóa Việt "quyến rũ" và "thuyết phục" các quốc gia khác thì từ đó Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn, tạo ra sức hút mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế. Chính từ tình cảm và sự yêu mến dành cho văn hóa Việt Nam, các quốc gia sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, hỗ trợ cùng phát triển.

Ngoài ra, ngoại giao văn hóa còn là một cơ hội rất lớn để thu hút du khách quốc tế, giúp phát triển ngành du lịch - được coi là “ngành công nghiệp không khói”, mang lại nguồn thu nhập ổn định và bền vững. Du lịch và ngoại giao văn hóa cùng hỗ trợ lẫn nhau, đóng vai trò là nền tảng cho hai trụ cột còn lại là ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa thông qua việc xúc tiến du lịch ở các thị trường tiềm năng trên thế giới, có thể thấy rõ rằng xúc tiến du lịch là minh chứng sống động cho ngoại giao văn hóa.

Việt Nam đã được nhiều tổ chức du lịch, các tạp chí uy tín và du khách quốc tế đánh giá cao, trở thành một trong những điểm đến văn hóa hấp dẫn nhất khu vực châu Á. Thông qua việc giới thiệu các di sản văn hóa, phong tục tập quán và cảnh quan thiên nhiên độc đáo, Việt Nam không chỉ thu hút du khách mà còn tạo dựng mối quan hệ ngoại giao bền vững với các quốc gia, từ đó củng cố vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Ngoại giao văn hóa không chỉ dừng lại ở các sự kiện hay hoạt động quy mô lớn mà cần được chú trọng từ những hành động nhỏ nhất của mỗi cá nhân khi ra nước ngoài. Ví dụ, đối với học sinh, sinh viên du học, hay người lao động xuất khẩu, việc tập huấn, dặn dò về tác phong, thái độ và lối sống là vô cùng cần thiết. Những người này không chỉ đại diện cho bản thân mà còn là đại sứ văn hóa của Việt Nam, giúp bạn bè quốc tế hiểu và yêu mến con người, văn hóa và truyền thống tốt đẹp của đất nước.

Những trường hợp vi phạm pháp luật hoặc hành xử không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, văn minh ở nước ngoài có thể gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam trong mắt quốc tế, làm suy yếu nỗ lực xây dựng chiến lược ngoại giao văn hóa của quốc gia. Do đó, ngoại giao văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Ngoại giao mà là trách nhiệm của mỗi công dân tại Việt Nam hoặc đang sinh sống, học tập hay du lịch ở nước ngoài, góp phần quảng bá và bảo vệ hình ảnh đất nước.

Ngoại giao văn hóa - tăng cường vị thế quốc tế của Việt Nam. Ảnh minh họa

Xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam song song phát triển văn hóa đất nước

Vụ Ngoại giao Văn hóa đã chủ động và đổi mới trong việc triển khai Đề án do Ban Bí thư phê duyệt nhằm tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất - trên trường quốc tế. Những nỗ lực này không chỉ tôn vinh trí tuệ, phẩm chất và lý tưởng cao đẹp của người Việt Nam mà còn đóng góp vào việc nâng cao hình ảnh đất nước. Năm 2023, Vụ Ngoại giao Văn hóa đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng và khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Saint Petersburg (Nga) và đổi tên Công viên Hòa Bình tại thủ đô Havana (Cuba) thành Công viên Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO đã có những đóng góp quan trọng trong việc tăng cường quan hệ song phương, xây dựng lòng tin thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa cấp cao. Những sáng kiến sáng tạo như Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài đã giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị với các đối tác, phát triển sức mạnh mềm và nâng cao thương hiệu quốc gia. Những hình ảnh ấn tượng như Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thưởng trà và đàm đạo cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hay Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng thư pháp với thông điệp “Chân thành, Tình cảm, Tin cậy” cho Thủ tướng Nhật Bản là những dấu ấn ngoại giao văn hóa đầy ý nghĩa.

Một trong những thành tựu nổi bật của Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO là việc vận động thành công các hồ sơ đề cử, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường thương hiệu quốc gia và thúc đẩy du lịch. Đặc biệt, trong chiến lược ngoại giao văn hóa, mục tiêu đạt được 60 di sản và danh hiệu UNESCO đến năm 2030 đã vượt chỉ tiêu với tổng số 67 danh hiệu.

Lần đầu tiên trong 48 năm gia nhập UNESCO, Việt Nam đã tham gia và phát huy vai trò thành viên tại 5/7 cơ chế điều hành then chốt nhất của tổ chức. Năm 2023, Việt Nam trúng cử vào Ủy ban Di sản Thế giới 2023-2027 với số phiếu cao (121/170), đứng đầu trong số các ứng cử viên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo nên “hiện tượng Việt Nam” tại UNESCO.

Một thành tựu nổi bật khác là vào cuối tháng 10/2023, Tổng Giám đốc UNESCO đã chính thức công nhận Đà Lạt và Hội An là hai thành phố sáng tạo, tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là kết quả xuất sắc từ việc triển khai Đề án của Chính phủ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chỉ đạo và Cục Hợp tác quốc tế triển khai, thực hiện đề án tại các địa phương. Sau khi Hà Nội được công nhận là thành phố sáng tạo đầu tiên trong lĩnh vực thiết kế vào năm 2019, Hội An cũng đã được công nhận trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, và Đà Lạt được vinh danh là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc. Như vậy, đến nay Việt Nam đã có ba thành phố được công nhận là thành phố sáng tạo của UNESCO.

Bên cạnh việc quảng bá văn hóa, thông qua hoạt động ngoại giao văn hóa, Việt Nam còn tiếp thu được các tinh hoa và giá trị văn hóa từ các nước trên thế giới, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa đa dạng và giàu bản sắc của dân tộc. Năm 2023, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các trung tâm văn hóa nước ngoài của Việt Nam và các cơ quan ngoại giao tổ chức nhiều sự kiện giao lưu văn hóa nghệ thuật với quốc tế. Điển hình như dự án công diễn vở opera “Công nữ Anio”- một dự án có sự hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam và nhà sáng tạo Nhật Bản trong một thời gian dài, hay chương trình âm nhạc “Hoàng tử bé” và live show “Huế the Light”, nơi kết hợp công nghệ âm thanh, ánh sáng và âm nhạc, đã mang lan toả những nét văn hóa độc đáo các nước đến với khán giả Việt Nam.

Ngoài ra, các hoạt động giao lưu văn hóa với các nước láng giềng cũng ghi dấu ấn mạnh mẽ, như Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam được tổ chức tại Đồng Tháp và Sóc Trăng, hay Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam diễn ra ở Hà Nội và Ninh Bình, đều góp phần thúc đẩy tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.

Sắp tới, vào tháng 10/2024, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam sẽ phối hợp với UNESCO Paris và tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị lần thứ 8 các công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự kiện này dự kiến sẽ thu hút khoảng 400 khách quốc tế, bao gồm lãnh đạo UNESCO, các đại sứ, chuyên gia và đại diện từ những địa phương sở hữu công viên địa chất của 44 quốc gia trong khu vực. Đây có thể được coi là hoạt động ngoại giao văn hóa quy mô lớn nhất mà Việt Nam đăng cai tổ chức trong năm 2024.

Việt Nam đạt được những thành tựu nổi bật trong ngoại giao văn hoá. Ảnh minh họa

Phát huy tối đa vai trò của ngoại giao văn hoá

Để quảng bá hiệu quả hình ảnh đất nước, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, trước tiên cần tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 và Chiến lược văn hóa đối ngoại đến năm 2030. Đồng thời, cần xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ việc quảng bá nghệ thuật quốc gia và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ra nước ngoài.

Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các quốc gia, thực hiện đa dạng các hình thức quảng bá văn hóa, trên cơ sở đưa các quan hệ quốc tế về văn hoá đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao vừa năng động, sáng tạo, vừa giàu năng lực và nhiệt huyết.

Việc củng cố tổ chức bộ máy của ngành, đặc biệt là các cơ quan đại diện của nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, là vô cùng quan trọng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc,” nên mọi thành tựu đều bắt đầu từ yếu tố con người. Cần kịp thời tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội các chế độ và chính sách hợp lý cho ngành ngoại giao vì hiện nay, chúng ta vẫn thiếu những ưu đãi đặc thù, nhất là các chính sách về thu hút nhân tài và hỗ trợ cán bộ ngoại giao công tác dài hạn ở nước ngoài.

Tích cực đề xuất tổ chức nhiều hoạt động văn hóa ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các thị trường du lịch tiềm năng; chú trọng đến việc xúc tiến du lịch, nhất là du lịch văn hóa, sẽ giúp nâng cao hình ảnh đất nước; quan tâm đến công tác tập huấn ngoại giao văn hóa và văn hóa ngoại giao cho công chức, lãnh đạo các ngành, và các tỉnh thành để nâng cao hiệu quả công tác.

Ngoài ra, cần phát huy tài năng và tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc quảng bá văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối hiệu quả để giới thiệu hình ảnh và giá trị văn hóa Việt Nam. Xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam và trung tâm dịch thuật ở nước ngoài; góp phần quan trọng vào công tác quảng bá văn hóa.

Tất cả những nỗ lực này cần sự chung tay của toàn xã hội, của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Làm được điều đó, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của hoạt động quảng bá văn hóa, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc./.

Bài liên quan
  • Truyền thông giáo dục tài chính trong thời đại kỷ nguyên số
    Cùng với hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng công nghệ thanh toán ngày càng hiện đại, truyền thông giáo dục tài chính trở thành trụ cột không thể thiếu nhằm đưa dịch vụ tài chính ngân hàng đến gần hơn với đông đảo người dân.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngoại giao văn hóa: Cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO