Truyền thông

Truyền thông giáo dục tài chính trong thời đại kỷ nguyên số

Quỳnh Trang 10:44 05/09/2024

Cùng với hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng công nghệ thanh toán ngày càng hiện đại, truyền thông giáo dục tài chính trở thành trụ cột không thể thiếu nhằm đưa dịch vụ tài chính ngân hàng đến gần hơn với đông đảo người dân.

Thông qua truyền thông giáo dục tài chính sẽ góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, giúp giảm thiểu rủi ro, từ đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Tầm quan trọng của truyền thông giáo dục tài chính

Nhiều người dân hiện vẫn chưa có đủ hiểu biết và kiến thức về các sản phẩm tài chính cùng những rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng; phần lớn các cá nhân chưa nắm vững cách lập kế hoạch ngân sách cho tương lai và thiếu hiệu quả trong việc đưa ra các quyết định quản lý tài chính cá nhân. Thực tế này cho thấy việc triển khai giáo dục tài chính rộng rãi trong cộng đồng là vô cùng cấp thiết. Cùng với đó, đảm bảo an toàn cho các hệ thống công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ ngân hàng là một nhiệm vụ thường xuyên và liên tục của ngành Ngân hàng. Đặc biệt, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu khách hàng không chỉ là trách nhiệm của các ngân hàng mà còn của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng khi sử dụng dịch vụ.

Công nghệ 4.0 mang lại nhiều cơ hội cho các ngân hàng, tuy nhiên cũng tạo ra những thách thức lớn khi tội phạm công nghệ cao ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp. Khi các ngân hàng gia tăng hàng rào bảo mật, tội phạm sẽ tìm cách tấn công vào những sơ hở và sự bất cẩn của người dùng. Do đó, việc truyền thông giáo dục tài chính cho người dân trở nên vô cùng cấp thiết. Nếu người dân được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng tài chính, họ có khả năng hạn chế rủi ro liên quan đến các giao dịch tài chính, từ đó giảm thiểu nguy cơ rủi ro cho xã hội và tiết kiệm chi phí cho cộng đồng; giúp bảo vệ quyền lợi của từng cá nhân, góp phần xây dựng một cộng đồng tài chính bền vững và an toàn hơn. Giáo dục tài chính không chỉ giúp nâng cao nhận thức và kiến thức về các sản phẩm tài chính, mà còn hỗ trợ người dân phát triển kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, đóng góp đáng kể vào quá trình thúc đẩy tài chính toàn diện trong thời đại công nghệ số.

Để thực hiện hiệu quả, hoạt động truyền thông giáo dục tài chính cần phải được đánh giá dựa trên cơ sở khách quan và khoa học, đảm bảo rằng “không ai bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính”. Các giải pháp được đề xuất phải có mục tiêu rõ ràng, tính khả thi cao và có thể lượng hóa kết quả hoạt động, đảm bảo rằng các chiến lược truyền thông giáo dục tài chính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu quả thực sự và đóng góp tích cực vào việc phát triển hệ thống tài chính bền vững và công bằng.

Truyền thông giáo dục tài chính là một nhiệm vụ quan trọng.

Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã và đang hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất các chương trình như gameshow "Tiền khéo Tiền khôn", "Đồng tiền thông thái" trong chuyên mục Chào buổi sáng, và chương trình "Tay hòm chìa khóa". Các chương trình sử dụng đồ họa trực quan để minh họa thông tin và quy trình thực hiện các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, cũng như thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).

Đặc biệt, NHNN đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, kết hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng Fanpage Giáo dục tài chính (đã được xác minh tích xanh), thu hút đông đảo lượt theo dõi và sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Quyền Linh, Thanh Hương, Anh Đức. Thông qua các tiểu phẩm, video clip, hình ảnh, và sơ đồ hóa giúp việc truyền đạt các kiến thức về tài chính ngân hàng trở nên đơn giản, dễ hiểu, và dễ nhớ. Nội dung bao gồm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM, cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo của tội phạm công nghệ, hướng dẫn người dân cách sử dụng dịch vụ ngân hàng và các kỹ năng về an ninh, an toàn, bảo mật trong TTKDTM nói riêng và dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số nói chung.

Các chương trình truyền thông giáo dục tài chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai trong thời gian qua đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, nhận được sự đánh giá cao từ nhiều tầng lớp công chúng nhờ tính thiết thực, hấp dẫn và sáng tạo. Thông qua những chương trình này, nhận thức và thói quen của người dân đối với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã có sự thay đổi rõ rệt, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Ngoài ra, NHNN còn phối hợp với các cơ quan báo chí để truyền thông giáo dục tài chính qua các bài viết, phóng sự, tổ chức chương trình “Ngày không tiền mặt” cùng Báo Tuổi trẻ và xây dựng chuyên mục “Tư vấn Tài chính” trên báo Đầu tư. NHNN cũng phối hợp với các trường học tổ chức các cuộc thi như “Hiểu đúng về tiền” và “Hiểu biết về tài chính” dành cho học sinh, sinh viên. Chuỗi Chương trình Giáo dục tài chính do Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước tổ chức nhằm giúp học sinh, sinh viên trên toàn quốc sớm tiếp cận và nâng cao hiểu biết về tài chính ngân hàng. Trước đó, chương trình đã được triển khai tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Tuyên Quang, Thanh Hóa… thu hút sự tham gia của hơn 10.000 học sinh, sinh viên.

Theo Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước, truyền thông giáo dục tài chính cho người dân là một xu hướng chung của Ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới. Mục tiêu là tăng cường tính minh bạch thông tin, nâng cao hiểu biết về tài chính, và minh bạch hóa pháp luật cho người dân. Trên toàn cầu, giáo dục tài chính, đặc biệt là cho giới trẻ, được chú trọng ngay từ khi còn nhỏ.

Thông qua các chia sẻ từ chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước và các nội dung thi thực tế, cuộc thi đã mang đến cho học sinh, sinh viên những kiến thức bổ ích và lý thú về lịch sử đồng tiền Việt Nam, giá trị của tiền, các hình thức thanh toán, cũng như những lưu ý khi thanh toán không dùng tiền mặt. Các kiến thức này được trình bày một cách sinh động, đơn giản, dễ hiểu và có sức lan tỏa rộng rãi. Qua đó, các em học sinh không chỉ sớm tiếp cận với những kiến thức cơ bản về tài chính, như cách chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, đầu tư; mà còn hiểu biết thêm về tiền, lịch sử đồng tiền Việt Nam, và cách ứng xử đúng đắn với tiền bạc. Điều này giúp các em biết quý trọng giá trị sức lao động, nhận thức được những thông điệp về tình yêu lao động, lòng nhân văn và nhân ái.

1.jpg
Ảnh minh họa

Đẩy mạnh sáng tạo, đổi mới cách thức truyền thông giáo dục tài chính

Để thúc đẩy TTKDTM một cách an toàn, bảo mật và hiện thực hóa các mục tiêu của tài chính toàn diện, bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ truyền thông, NHNN Việt Nam chia sẻ về định hướng truyền thông trong thời gian tới của NHNN. Trên cơ sở kết quả từ các hoạt động truyền thông giáo dục tài chính đã triển khai và kết quả khảo sát, NHNN sẽ tập trung vào các mục tiêu sau:

Nâng cao nhận thức của cộng đồng, từ đó thay đổi thói quen, hành vi và phương thức sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu chi phí xã hội mà còn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng. Đặc biệt, truyền thông sẽ hướng tới các đối tượng như người dân ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn, giới trẻ, và các nhóm yếu thế trong xã hội.

Về nội dung, NHNN sẽ tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đặc biệt là trong việc thúc đẩy TTKDTM và tài chính toàn diện.

Về hình thức, NHNN định hướng đa dạng hóa các phương tiện truyền thông, tăng cường phát sóng trên truyền hình và đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng mạng xã hội. Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục đổi mới cách thức truyền thông để bắt kịp với các xu hướng truyền thông mới trên thế giới, cũng như các phương thức truyền thông hiện đại mà công chúng quan tâm và sử dụng rộng rãi. Truyền thông giáo dục tài chính sẽ được đẩy mạnh trong hệ thống giáo dục phổ thông và đại học trên toàn quốc, nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức tài chính cho thế hệ trẻ.

Bà Lê Thị Thúy Sen cho biết thêm: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đổi mới, sáng tạo cách thức truyền thông, đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội, trên Fanpage Giáo dục tài chính, đặc biệt xây dựng website về giáo dục tài chính với những kiến thức từ đơn giản đến chuyên sâu về tài chính ngân hàng, trong đó có các dịch vụ TTKDTM hiện đại, qua đó lan tỏa kiến thức tài chính ngân hàng tới cộng đồng”./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông giáo dục tài chính trong thời đại kỷ nguyên số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO