Đây là kết quả do một nghiên cứu mới của Furry, một nền tảng phân tích dành cho nhà phát triển di động thuộc Oath, đưa ra. Báo cáo nghiên cứu có tiêu đề “State of Mobile” sử dụng dữ liệu được lấy từ hơn 940.000 ứng dụng trên 2,1 tỷ thiết bị toàn cầu, trong đó 14.500 ứng dụng và 217 triệu thiết bị từ các nước Đông Nam Á trong năm 2018.
Cụ thể, thương mại di động được xác định là phân khúc tăng trưởng lớn nhất trong năm 2018, trước đó trong năm 2017 việc sử dụng ứng dụng mua sắm trên thiết bị di động đã tăng 240%. Tiếp theo là các ứng dụng sức khỏe và thể dục (170%), các ứng dụng kinh doanh và tài chính (102%). Nghiên cứu cũng cho thấy việc sử dụng tin nhắn và truyền thông xã hội giảm nhẹ 2%.
Trên mặt trận thiết bị di động, thị phần Apple đã giảm xuống còn 12% từ 20% trong năm 2017. Ngược lại, thị phần Samsung tăng nhẹ từ 28% lên 30%. Trong khi đó, thị phần của các thương hiệu Trung Quốc Oppo và Xiaomi đã tăng lần lượt 3% và 4% tại thị trường Đông Nam Á.
Nghiên cứu cũng cho thấy các thiết bị phablet (thiết bị lai giữa máy tính bảng và điện thoại thông minh) đặc biệt phổ biến ở Đông Nam Á, với gần 3/4 (73%) thiết bị được sử dụng tại khu vực này là điện thoại di động màn hình lớn. Mặc dù phablet là phân khúc điện thoại di động phát triển nhanh nhất trên toàn cầu nhưng việc sử dụng tại khu vực này đang vượt xa tốc độ tăng trưởng ở Hoa Kỳ, nơi thị phần phablet là 48%.
Theo Giám đốc điều hành Rico Chan của Oath ở Hồng Kông, Nhật Bản và Đông Nam Á, mức độ cạnh tranh giữa các ứng dụng di động đã rất quyết liệt ở Đông Nam Á, mặc dù tốc độ tăng trưởng toàn cầu giảm, điều đó có thể báo hiệu sự chín muồi của thị trường, bão hòa hoặc đơn giản là sự kết thúc của cơn sốt ứng dụng.
"Các nhà bán lẻ cần xem xét tốc độ tăng trưởng của thương mại di động và làm việc với các nhà phát triển ứng dụng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Người dùng hiện xem điện thoại của họ không chỉ là một công cụ để chụp ảnh và bắt kịp với các tiêu đề tin tức", Giám đốc điều hành Rico cho biết.