Người dùng mua đồ ăn qua nền tảng trực tuyến tăng gấp đôi sau đại dịch

Minh Thiện| 29/04/2022 08:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Quý 1 năm 2022 chứng kiến lượng đơn hàng đặt qua nền tảng đặt món trực tuyến GoFood tăng hơn gấp đôi, với số lượng người dùng lần đầu tiên đặt món trên GoFood tăng 94% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng lượng người dùng nền tảng đặt món trực tuyến tăng mạnh, đặc biệt là người dùng mới

Kể từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vào Quý 2 năm 2021, Gojek đã hỗ trợ một số lượng kỷ lục nhà hàng dịch chuyển lên hoạt động trên nền tảng đặt món trực tuyến GoFood. Trung bình mỗi tháng có hàng nghìn nhà hàng mới gia nhập GoFood. Phần lớn các nhà hàng này đăng ký thành công trên GoFood qua hình thức đăng ký trực tuyến.

Mới đây, Gojek đã công bố một số thông tin, số liệu về sự thay đổi thói quen ăn uống và đặt đồ ăn trực tuyến trên nền tảng GoFood của Gojek trong Quý 1 năm 2022. Số liệu mới nhất từ GoFood Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (HCM) và Hà Nội cho thấy có sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể trong xu hướng người dân sử dụng dịch vụ đặt đồ ăn qua ứng dụng, với lượng đơn hàng đặt qua GoFood tăng gấp đôi trong 3 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, trước khi làn sóng COVID-19 thứ tư bùng nổ.

Người dùng mua đồ ăn qua nền tảng trực tuyến nhiều hơn sau đại dịch - Ảnh 1.

So với cùng kỳ năm 2021, trong Quý 1 năm 2022, lượng người dùng đặt món trên nền tảng GoFood tăng gần gấp đôi, với tốc độ tăng trưởng ở Hà Nội lên tới 220%. Trong số đó, lượng người dùng mới tăng mạnh ở cả 2 thành phố, đạt hơn 160% ở Hà Nội và 80% tại TP. HCM. Gojek cũng ghi nhận lượng đơn hàng trên GoFood tăng hơn gấp đôi trong ba tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước, trong đó lượng đơn hàng ở Hà Nội bứt phá với mức nhân hơn 4 lần.

Nhận định về xu hướng này, bà Lê Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc GoFood của Gojek Việt Nam, cho biết: "Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi lớn trong thói quen tiêu dùng của người dân, với ngày càng nhiều người chuyển dịch sang sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, bao gồm các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến. Sự dịch chuyển này, bên cạnh việc tích cực thanh toán không tiền mặt, tiếp tục được duy trì ngay cả trong giai đoạn bình thường mới, thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của người tiêu dùng đối với an toàn sức khỏe và sự tiện lợi."

Người dùng mua đồ ăn qua nền tảng trực tuyến nhiều hơn sau đại dịch - Ảnh 2.

Tài xế Gofood đang lấy đồ ăn từ nhà hàng bán qua nền tảng trực tuyến

Người dùng tăng cường đặt đồ ăn sáng và giảm tần suất đặt đồ ăn khuya

Tần suất đặt món trực tuyến trong giai đoạn 3 tháng đầu năm 2022 tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong số hàng triệu người dùng Gojek, trung bình mỗi khách hàng cứ 5 ngày lại đặt 1 đơn đồ ăn GoFood trong Quý 1 năm 2022.

So với 3 tháng đầu năm 2021, Quý 1 năm 2022 ghi nhận lượng đơn đặt hàng vào bữa sáng tăng cao nhất (2,5 lần), tiếp đến là bữa xế, bữa trưa và bữa tối - đều ở mức trên dưới tăng gấp đôi. Các đơn hàng cho bữa khuya tăng trưởng với tốc độ chậm nhất, nhưng vẫn đạt mức hơn 30%.

Về tỷ trọng các bữa ăn, bữa xế, bữa trưa và bữa tối là ba bữa ăn được đặt trực tuyến nhiều nhất, với mỗi bữa ăn chiếm trên dưới 1/4 tổng số lượng đơn hàng trong ngày.

Xu hướng ăn vặt tiếp tục được duy trì.

Trà sữa tiếp tục dẫn đầu danh mục đồ uống được đặt hàng nhiều nhất trên GoFood tại cả Hà Nội và TP. HCM trong năm 2022. Trà hương liệu các loại và sữa chua trân châu lần lượt giữ vị trí số 2 và 3 ở cả 2 thành phố. Đặc biệt, lần đầu tiên cà phê sữa đá (nâu đá) lọt vào danh sách các đồ uống được đặt hàng nhiều nhất trên GoFood tại cả TP. HCM và Hà Nội.

Đa số các món ăn được đặt nhiều nhất trên nền tảng GoFood là các món thuần Việt, như cơm gà, gỏi cuốn, bún, mì, v.v. Một dữ liệu thú vị là món bún đậu, vốn được coi là món ăn của miền Bắc, lại đứng đầu danh sách GoFood tại TP. HCM trong 3 tháng đầu năm 2022, trong khi món ăn được ưa chuộng nhất tại Hà Nội là món nem nướng Nha Trang, kế đến là bún đậu và bún bò Nam Bộ.

Các combo và đồ ăn trẻ em được đặt ngày càng nhiều hơn trên nền tảng trực tuyến GoFood. Các combo đồ ăn thức uống được đặt nhiều hơn 2,5 lần vào Quý 1 năm 2022 so với cùng kỳ năm trước, cho thấy người dùng có xu hướng ăn cùng nhau nhiều hơn.

Người dùng mua đồ ăn qua nền tảng trực tuyến nhiều hơn sau đại dịch - Ảnh 3.

Tài xế trên đường giao đồ ăn

Bà Lê Nguyễn Ngọc Dung cho biết thêm: "Việc hiểu rõ xu hướng tiêu dùng ẩm thực giữ vai trò vô cùng quan trọng, cho phép Gojek đáp ứng tốt hơn nhu cầu thay đổi của người dùng, đồng thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời và phù hợp cho các thành viên trong hệ sinh thái. Ngoài nỗ lực đa dạng các lựa chọn món ăn trên nền tảng GoFood, chúng tôi không ngừng tìm kiếm các giải pháp nhằm giúp kết nối hiệu quả các đối tác kinh doanh với khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng trong việc đặt món ăn phục vụ nhu cầu hàng ngày."

Từ tháng 5/2021, Gojek khởi động chương trình "Để không ai bị bỏ lại phía sau - Mùa 2", giúp đào tạo kỹ năng nghề và kiến thức chuyên môn cho người thân các đối tác tài xế của Gojek và hỗ trợ họ khởi nghiệp kinh doanh ẩm thực trên nền tảng đặt món trực tuyến GoFood. Gojek cũng triển khai chương trình "Vùng Freeship, quán còn mở mình còn freeship" và "Vùng Freeship mở ra, tiếp lửa cho mọi nhà" nhằm kích cầu, giúp các nhà hàng có thêm khách hàng và cải thiện doanh số trong giai đoạn khó khăn.

Đến nay, Gojek đang kết nối hơn 200 nghìn đối tác tài xế xe 2 bánh và hàng chục nghìn nhà hàng với hàng triệu khách hàng. GoFood là một trong những nền tảng giao nhận đồ ăn hàng đầu tại thị trường Việt Nam, cung cấp hàng triệu món ăn theo yêu cầu./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Người dùng mua đồ ăn qua nền tảng trực tuyến tăng gấp đôi sau đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO