Truyền thông

Người giữ bình yên nơi vùng cao

Đỗ Thêu 05/11/2024 10:00

Huyện Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất tỉnh, chiếm 56,92%, với địa hình rừng núi, giao thông đi lại khó khăn, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa đa dạng chính vì vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các bản làng luôn là nhiệm vụ được các cấp ủy Đảng quan tâm. Do đó, đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín luôn là đội ngũ nòng cốt góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.

Phát huy vai trò của người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm gần đây, trên địa bàn huyện Sơn Động đã phát triển đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín vững mạnh, nhiều tấm gương tiêu biểu trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời đội ngũ người uy tín hết lòng chia sẻ với người dân những mô hình sản xuất để cùng phát triển kinh tế.

Ông Chu Đức Hào, sinh năm 1950, thôn Đồng Cảy, xã Đại Sơn là một “chiến sĩ” tích cực trên mặt trận bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn minh cư trú.

1.jpg
Ông Chu Đức Hào (người đứng hàng hai, thứ năm từ trái sang) chụp ảnh cùng 40 đại biểu dự Đại hội đại biểu các DTTS huyện Sơn Động, năm 2024.

Ông Chu Đức Hào, một người chiến sĩ cách mạng, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1976 ông chuyển ngành về làm việc tại Phòng Tài chính sau đó chuyển sang phòng Nông nghiệp, phòng Xây dựng rồi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Sơn Động, năm 2010 ông về hưu nhưng với tình yêu quê hương, người lính Cụ Hồ năm xưa lại tiếp tục cống hiến vì sự bình yên của bản làng.

Quê hương Sơn Động của ông có đông đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan, San Chí, Dao, và một bộ phận nhỏ các dân tộc khác như Thái, Sán Dìu,… cùng sinh sống. Đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa như Hữu Sản, An Lạc, Vân Sơn, Dương Hưu, Tây Yên Tử, Giáo Liêm, Phúc Sơn, Đại Sơn…

Các xã này có địa bàn xa xôi hiểm trở, đồng bào DTTS sinh sống rải rác nên việc tuyên truyền vận động nhân dân hiểu và thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Hiểu được những khó khăn đó, ông Chu Đức Hào luôn trăn trở tìm ra những hướng đi, hướng tiếp cận người dân làm sao gần gũi nhất để hiểu được tâm tư của họ từ đó mới có thể tuyên truyền phổ biến pháp luật, các chính sách của Đảng và Nhà nước đạt hiệu quả được. Nhưng để làm tốt được điều này thì việc phát triển kinh tế là một việc vô cùng quan trọng. Cũng như bao gia đình khác trên vùng đất còn nhiều khó khăn này, ông Hào phải vất vả cùng gia đình lo toan cái ăn, cái mặc hằng ngày. Do biết cách làm ăn nên gia đình ông không còn đói nghèo nữa.

Ông Hào chia sẻ “Mình phải biết cách làm ăn, và phải có sản phẩm tốt, đời sống ấm no mới nói và bà con mới nghe được. Ông mà nghèo, mà khổ hoặc gia đình ông mà có người vi phạm pháp luật, còn hủ tục thì không nói được ai đâu. Không nói ra nhưng bà con mình biết hết đấy, ai nói được, làm được, ai thật sự giúp được mình thì bà con không ngại đâu. Đồng bào DTTS số ở đây rất hòa thuận, chịu thương chịu khó và thật thà lắm. Bà con chỉ nghe và tin những gì mình thấy thôi”.

Nói như vậy cũng đúng, trước khi trở thành người có uy tín, ông Hào đã mày mò tự học, tìm hiểu trên sách, báo, đài các cách làm hiệu quả, cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi ở nhiều địa phương khác nhau để áp dụng cho gia đình và điều kiện tại địa phương.

2.jpg
Ông Chu Đức Hào chăm sóc vườn cây của gia đình.

Cũng không biết từ khi nào ông trở thành người tuyên truyền, vận động giữ gìn an ninh trật tự ở nơi mình sống. “Nó đến như một điều tự nhiên phải đến. Mình nói nhiều về làm kinh tế, có xen vào cả những vấn đề về pháp luật của nhà nước, về những hủ tục… Cái gì đúng ta làm, sai ta bỏ. Bỏ không được ngay thì dần dần, bỏ cái xấu to, hại nhiều trước. Vì có chấp hành pháp luật, có bỏ hủ tục mới có thể phát triển kinh tế được”.

Trong những lần đến với bà con chia sẻ cách làm ăn, ông Hào đều “tranh thủ” lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nói trực tiếp vấn đề có khi không hiệu quả bằng cách nói gián tiếp, ví dụ như việc bà con đi xe máy dưới trời nắng thôi, đội mũ bảo hiểm vào nó tốt cho cái đầu, vừa không bị nắng vừa an toàn. Hay như việc lái xe thì không uống rượu, bia. Bà con mình uống rượu vào, không làm chủ được tốc độ, đi xe nó cũng không thẳng nữa. Lỡ bị ngã hoặc va chạm thì là có hại rồi. Đó, cái gì hại ta tránh đi. Nói vậy bà con hiểu, dần dần là nhớ thôi.

Sự góp sức của ông Hào đã góp phần không nhỏ trong ổn định an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Ông đã kịp thời phát hiện, cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng cho các ngành chức năng trong công tác điều tra, xử lý vi phạm. Tích cực tham gia cùng Chính quyền địa phương trong việc đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật; truyền đạo trái phép; tham gia giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; quản lý, giáo dục đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; tích cực vận động con cháu trong gia đình không sa vào các tệ nạn xã hội, ma túy, không vi phạm pháp luật, không nghe và tin theo luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ xấu...

Từ những đóng góp của ông trong việc thực hiện và tuyên truyền về đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đến nay diện mạo Đại Sơn ngày thêm đổi mới, cuộc sống người dân đủ đầy hơn, nhiều ngôi nhà ngói đỏ được mọc lên tô điểm thêm cho xanh non của núi đồi Đại Sơn. Và nhất là thế hệ trẻ Đại Sơn hôm nay tránh xa những tệ nạn xã hội, nhiều bạn chọn đi học nghề làm việc tại các khu công nghiệp, nhiều bạn tốt nghiệp đại học có được nguồn thu nhập ổn định phụ giúp gia đình và luôn ý thức giữ gìn an ninh trật tự, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Cơn bão số 3 vừa qua tràn vào các tỉnh phía Bắc, huyện Sơn Động cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, toàn bộ nhà cửa, hoa màu, một số vật nuôi chìm trong biển nước. Hằng năm, vào thời điểm này người dân nơi đây đang tích cực chăm sóc hoa màu để chờ đón vụ thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán nhưng chỉ một đêm thôi số hoa màu đã không còn. Đứng trước khó khăn của người dân, ông Chu Đức Hào đã tạm gác lại việc nhà tham gia cùng các đoàn trong huyện đến từng nhà dân động viên, chia sẻ và hướng dẫn bà con cứu lấy những cây còn có khả năng phục hồi để chăm sóc, vun trồng cho cây tiếp tục trổ bông, kết trái. Và sự nỗ lực đó không phụ lòng người, sau 2 tháng khi cơn bão số 3 đi qua những cây, con trong vườn nhà người dân Đại Sơn lại xanh tốt.

Những việc làm thiết thực của ông Chu Đức Hào trong vai trò người có uy tín tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương rất đáng trân trọng và cần nhân rộng. Sự góp sức của người có uy tín đã góp phần rất lớn trong việc củng cố xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, lưu giữ và phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị trên quê hương Đại Sơn. Với những đóng góp của ông Chu Đức Hào cho quê hương, năm 2024, ông lại lần nữa vinh dự được đi dự Đại hội Dân tộc thiểu số cấp huyện, tới đây ông sẽ đi dự Đại hội cấp tỉnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Người giữ bình yên nơi vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO