Chuyển động ICT

‏Người xây dựng cộng đồng đào tạo AWS lớn nhất Đông Nam Á‏

Thế Phương 01/08/2024 18:35

‏Dù không phải công việc chính nhưng 4 năm qua, Nguyễn Gia Hưng vẫn miệt mài “vác tù và hàng tổng” xây dựng cộng đồng đào tạo AWS lớn nhất Đông Nam Á với hơn 39.000 thành viên, đào tạo miễn phí cho hơn 2.000 học viên.‏

‏Xây cộng đồng giúp đỡ các bạn trẻ tìm kiếm công việc phù hợp‏

‏Dù là thành viên có số thứ tự 10 tại Amazon Web Services (AWS) Việt Nam và sáng lập cộng đồng AWS Study Group với hơn 39.000 thành viên, nhưng ấn tượng đầu tiên khi gặp Nguyễn Gia Hưng - Giám đốc kỹ thuật tại AWS, phụ trách thị trường Hồ Chí Minh và Campuchia là trẻ hơn so với độ tuổi thực (Hưng sinh năm 1989). ‏

‏Chia sẻ về quá trình gia nhập AWS Việt Nam, Hưng cho biết bắt đầu tham gia AWS từ năm 2020 sau một quãng thời gian làm việc tại nhiều tổ chức khác nhau, trong đó lâu nhất là quãng thời gian 11 năm gắn bó với IBM. Cộng đồng AWS Study Group thì được Hưng xây dựng từ tháng 10/2020.‏

‏“Nhưng cơ duyên với AWS thì sớm hơn, khi ngay từ năm 2018, em đã là giảng viên chính thức của tập đoàn này”, Hưng chia sẻ thêm.‏

‏Lý do thành lập cộng đồng học tập về AWS, Hưng cho biết đã nhen nhóm ý định này từ trước đó, nhưng mãi đến khi vào AWS, với số lượng khách hàng khá lớn (40 - 50.000 khách hàng tại Việt Nam) cùng với nhu cầu nhân lực rất lớn nên đã quyết tâm bắt tay vào việc thành lập AWS Study Group để có thể giúp các sinh viên tìm kiếm công việc phù hợp cũng như để mọi thành viên đều có tinh thần thân thiện, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau và nhất là “không có ai nguy hiểm, giữ kiến thức cho riêng bản thân mình”. ‏

‏Đến hiện tại, Hưng và cộng đồng AWS Study Group đã đào tạo trực tiếp được khoảng hơn 2.000 bạn trong các chương trình “First Cloud Journey - Hành trình đầu tiên lên mây”. Trong số này, hơn 150 bạn đã kiếm được công việc ổn định thông qua lời giới thiệu của Hưng với các đối tác. Thậm chí, có không ít các bạn học viên còn tương đối thành công ở các đối tác lớn của AWS hay trở thành đồng nghiệp của Hưng.‏

Việc xây dựng cộng đồng không phải là công việc chính thức mà chỉ là niềm đam mê riêng của Hưng tại AWS Việt Nam. Tuy vậy, công việc “thêm” này cũng chiếm khoảng 1 - 2 giờ/ngày và khoảng 5 giờ cuối tuần trong suốt 4 năm qua, để tham gia các buổi "talk show", chương trình gặp gỡ (meetup) cho cộng đồng tại hơn 20 trường đại học, nhân rộng kiến thức điện toán đám mây (ĐTĐM) cho hơn 30.000 sinh viên, kiểm tra tiến độ học của các bạn học viên hay thiết kế, xây dựng nội dung mới…

nguyen-gia-hung.jpg
Nguyễn Gia Hưng: AWS Study Group có thể giúp đỡ các bạn sinh viên tìm kiếm công việc phù hợp liên quan đến ĐTĐM.

‏‏“Câu chuyện cân bằng cuộc sống và dành thời gian nhiều hơn cho gia đình vẫn là cái khó nhất của em và không thể toàn vẹn được. Nhất là khi hiện tại còn rất nhiều việc phải làm để hỗ trợ cộng đồng, vì chỉ có kiến thức là không đủ mà phải tạo cơ hội cho các bạn. Chỉ khi em xây dựng được đội ngũ lớn hơn thì mới có thể dành nhiều hơn thời gian cho gia đình. Nhưng may mắn là vợ em hiểu và thông cảm được cho niềm đam mê lớn của em”, Hưng bày tỏ.‏

‏Nói về lý do “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, Hưng cho biết, nếu như em thực sự muốn giúp đỡ cho các bạn trẻ thì phải là người trực tiếp “xông pha ra chiến trường” để làm việc thực tế với khách hàng. Chỉ khi đó mới biết khách hàng cần gì, đang thiếu nhân lực ra sao, để từ đó đúc kết được những kiến thức cốt lõi và đưa ra chương trình học phù hợp, vì ngành điện toán đám mây rất rộng, có nhiều nhánh khác nhau. ‏

‏Tập trung “đầu ra” đáp ứng nhu cầu thực tế, thay vì chỉ dạy thuần kiến thức‏

‏Tuy nhiên, trong suốt 4 năm thành lập cộng đồng, Hưng cũng đã gặp những thuận lợi nhất định. Đó là khi công nghệ và xu hướng chuyển dịch từ môi trường truyền thống lên môi trường ĐTĐM phát triển nhanh chóng. Tiêu biểu như với AWS, doanh thu của đơn vị này đã tăng hơn 10 lần trong 5 năm vừa qua và vẫn đang phát triển rất mạnh mẽ. Chưa kể, môi trường ĐTĐM có rất nhiều công việc liên quan như về dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), bảo mật, phát triển ứng dụng…

Thậm chí, có những công việc dù không nhắc gì đến ĐTĐM nhưng khi biết về "đám mây" (cloud) thì nó cũng là lợi thế cạnh tranh để dễ dàng trúng tuyển hơn. Hay là việc nhiều đơn vị nước ngoài cũng đang có xu hướng xây dựng trung tâm công nghệ (technical hub) tại Việt Nam và tuyển dụng nhiều kỹ sư người Việt.‏

‏Còn về khó khăn, nó cũng xuất phát từ thực tế, dù nhu cầu nhân lực rất lớn, nhưng để đào tạo ra được một kỹ sư đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp (DN) thì thường phải mất một năm trở lên, đó là phải dành rất là nhiều thời gian và tâm huyết để học tập và rèn luyện. Trong khi các chương trình đào tạo ở bên ngoài hay là các chương trình đào tạo online thì lại khá là ngắn, không đầy đủ, dẫn đến các bạn trẻ dù đã học xong, nhận được chứng chỉ mà vẫn chưa đi làm được. ‏

‏Vì vậy, các chương trình đào tạo miễn phí của cộng đồng AWS Study Group thường tập trung vào đầu ra (output), thay vì chỉ quy trình học kiến thức từng bước một - kiểm tra - cấp chứng chỉ, tức là sau 6 tháng, các bạn sẽ phải tự tìm tòi, nghiên cứu để viết được các bài viết kỹ thuật chuyên sâu, xây dựng được các giải pháp demo giải quyết nhu cầu thực sự của khách hàng, tạo được thương hiệu cá nhân trong ngành ĐTĐM và nhất là trình bày nó một cách đẹp đẽ…‏

‏“Chính vì những yêu cầu cao như vậy, tỷ lệ “tốt nghiệp” các khóa của cộng đồng bên em chỉ khoảng 10-15%. Đổi lại, các bạn sẽ được ưu tiên giới thiệu những công việc từ những khách hàng, đối tác của AWS và có thể giới thiệu cho họ những sản phẩm mà mình đã làm được”, Hưng bày tỏ.‏

‏“Các bạn học viên đã không ít lần “truyền lửa” để Hưng tiếp tục xây dựng cộng đồng”‏

‏Dù vậy, trong quá trình xây dựng cộng đồng, Hưng khẳng định không ít lần cảm thấy nản và muốn từ bỏ, nhất là khi khối lượng công việc chính ở AWS cũng đã rất nặng rồi. Điều này cũng xuất phát từ điểm yếu lớn nhất là dễ bị ảnh hưởng về mặt cảm xúc. Như khi dành quá nhiều tâm huyết vào xây dựng cộng đồng mà các thành viên không đáp ứng được, tỷ lệ rớt cao đã không ít lần khiến Hưng cảm thấy thất vọng, dù cho không phải ai cũng có sức học giống nhau.

Dù cho đây là điều không thể khác được, trong bối cảnh nhu cầu của thị trường luôn tăng, đòi hỏi học viên phải liên tục cập nhật kiến thức. Bởi vì, lượng kiến thức hiện nay đòi hỏi so với thời điểm năm 2020 phải nhiều hơn 5-6 lần thì mới tìm kiếm được công việc phù hợp. ‏

‏Để khắc phục điều này, Hưng cho biết, trong quá trình truyền đạt kiến thức cũng đã lắng nghe sức học của các bạn. Từ đó, thiết kế chương trình phù hợp với từng người, bằng cách chia ra làm nhiều bước nhỏ để ai cũng có thể tiếp thu được, để đối tượng nào cũng sẽ tìm được một cái gì đó có ích cho họ trong sự nghiệp của mình. Còn đối với các bạn học viên giỏi hơn thì cũng có những cái tài liệu nâng cao chuyên sâu hơn để không cảm thấy chán. ‏

‏Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc với các bạn trẻ, không ít trường hợp đã truyền lửa lại cho chính Hưng. Ví dụ trường hợp của một bạn học viên phải đi học nghĩa vụ quân sự trong 2 năm. Trong quãng thời gian ấy, bạn ý vẫn học CNTT bằng tài liệu trên giấy. ‏

‏“Chính điều này đã truyền cảm hứng cho em rằng, người ta đã tin tưởng mình như thế thì không thể bỏ cuộc được”, Hưng chia sẻ thêm.

nguyen-gia-hung-2(1).jpg
Nguyễn Gia Hưng và quá trình" truyền lửa" về ĐTĐM cho các bạn sinh viên

‏‏Khi được hỏi về kinh nghiệm lớn nhất sau 4 năm xây dựng AWS Study Group Việt Nam, Hưng cho rằng, đó là việc xây dựng cộng đồng thì phải làm sao thực sự mang lại lợi ích cho các thành viên, để làm sao không chỉ truyền đạt kiến thức đơn thuần mà còn để các bạn sống tốt hơn.

“Đó cũng là lý do tại sao em không chỉ xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tế nhất mà còn làm việc với các đối tác, khách hàng, thậm chí là tìm kiếm các cơ hội việc làm rồi chia sẻ với các học viện, rồi hỗ trợ các bạn trong quá trình phỏng vấn cũng như trong công việc sau này”, Hưng khẳng định. ‏

‏Cuối cùng, lời khuyên cho các bạn trẻ muốn theo ngành ĐTĐM, Hưng cho rằng, đó là cần học tập trung vào đầu ra để có thể xây dựng giải pháp giải quyết bài toán thực tế của DN. Còn về kiến thức thì cần nắm chắc những thứ cốt lõi và phải đầu tư cho nghề nghiệp của mình để làm lab, thực hành. Do những kiến thức cốt lõi giống như nội lực, nó càng mạnh thì các bạn theo xu hướng sẽ càng nhanh. ‏

‏“Vì tốc độ cập nhật của công nghệ quá nhanh, các bạn đừng nên đi một mình nếu không muốn “đi chậm”, nhà sáng lập cộng đồng AWS Study Group khẳng định./.‏

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
‏Người xây dựng cộng đồng đào tạo AWS lớn nhất Đông Nam Á‏
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO