Nguy cơ gia tăng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng

PV| 30/10/2021 09:40
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại dịch COVID-19 bùng phát, việc học tập giải trí của nhiều trẻ gần như gắn chặt với máy tính và mạng Internet đã khiến gia tăng những vụ việc nhằm vào đối tượng là các em học sinh.

Mạng Internet tạo điều kiện giúp các em học tập, giải trí, giao lưu kết bạn. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích của Internet mang lại, việc trẻ em sử dụng Internet quá mức sẽ ảnh hưởng xấu tới mắt, sức khoẻ, hay khả năng gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng. Trẻ em thường là nạn nhân bị tấn công mất thông tin cá nhân, lừa đảo trên mạng, bị quấy rối trên mạng, vô tình kết bạn xấu, xem các ấn phẩm không phù hợp, đối mặt với các thông tin sai lệch, hay thậm chí cả các nguy cơ bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng…

Nguy cơ gia tăng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng - Ảnh 1.

Trẻ em đã và đang trở thành những "công dân số" từ rất sớm với việc sử dụng Internet ngày càng gia tăng.

Thống kê từ Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với đầu số điện thoại 111 tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi của phụ huynh phản ánh về việc gia đình cảm thấy lo lắng, lúng túng khi phát hiện ra con mình có truy cập vào những trang thông tin xấu, độc hại trong quá trình sử dụng máy tính để học trực tuyến tại nhà.

Nguyễn Trung Dũng, sinh năm 2008, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội vốn là đứa trẻ ngoan ngoãn, nghe lời, thích tập thể thao. Nhưng sau mấy tháng ở nhà học trực tuyến, cháu có vấn đề về sức khỏe tâm thần, thể lực sa sút, sụt cân…

Sau khi tìm hiểu, gia đình phát hiện Dũng thường xuyên truy cập vào một trang web "đen", sau đó còn bắt chước theo. Dũng kể khi tìm kiếm thông tin trên mạng thì cháu bỗng thấy một trang web có rất nhiều phim "người lớn" nhảy vào. Lần đầu cháu tắt luôn, nhưng khi trang web kia xuất hiện nhiều lần, khiến cháu tò mò ngồi xem. Lâu dần ngày nào cũng phải truy cập. Không chỉ truy cập trên máy tính mà cháu còn sử dụng cả điện thoại di động nữa…

Hoàng Mỹ Khanh, sinh năm 2010, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng khiến gia đình lo lắng. Khi học tại nhà, cháu sử dụng máy tính của mẹ để học trực tuyến và tìm kiếm thông tin, giải trí trên mạng xã hội. Khi mẹ Khanhtruy cập vào một folder trong máy, đã thấy nhiều hình ảnh cơ thể không mặc quần áo của con gái. Sau nhiều ngày dỗ dành thì con gái mới thú nhận tham gia cuộc thi "siêu mẫu nhí", với giải thưởng là nhiều đồ mỹ phẩm cùng số tiền mặt lên đến hàng chục triệu đồng. Một số tài khoản dụ dỗ Khanh dùng điện thoại chụp nhiều tư thế khác nhau các bộ phận trên cơ thể để gửi cho Ban tổ chức để dễ được lọt vào vòng trong hơn.

Lê Vân Anh là học sinh lớp 8 tại huyện Ba Vì, Hà Nội bị một đối tượng nam liên tục gọi điện qua Zalo yêu cầu Vân Anh phải tự quay clip, hình ảnh gợi cảm rồi gửi cho người này nếu không đối tượng sẽ cắt ghép ảnh khỏa thân rồi tung lên mạng xã hội. Quá sợ hãi nên cháu đã dùng điện thoại của mình quay clip, chụp ảnh nhạy cảm của mình rồi gửi cho tài khoản zalo đó. Đối tượng tiếp tục yêu cầu cháu phải quay và gửi clip, nhạy cảm khác. Khi nạn nhân không làm theo yêu cầu nữa thì đã đăng clip, ảnh nhạy cảm của Vân Anh lên mạng xã hội Facebook.

Một lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, mỗi năm cơ quan này tiếp nhận gần 2.000 vụ việc liên quan đến trẻ em, tuy nhiên trong đó số lượng vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng chiếm tỷ lệ lớn hơn.

Theo báo cáo của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội), trong quá trình học trực tuyến của trẻ, nhiều cha mẹ cho biết, con cái đã bị những đối tượng xấu gạ gẫm tham gia vào các cuộc thi sắc đẹp. Thể lệ tham dự là trẻ gửi những tấm ảnh chụp các bộ phận theo yêu cầu để kiểm tra xem trên người có vết sẹo không. Nhiều em đã làm theo yêu cầu, chụp và gửi ảnh mà không hề biết những tấm ảnh đó được sử dụng như thế nào, vào mục đích gì. Nhiều bức ảnhnhạy cảm này được chia sẻ cho các đối tượng sử dụng Internet.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) đã thống kê hiện này trên thế giới hiện có hơn 2,2 tỷ người dưới 18 tuổi đang truy cập Internet hàng ngày. Bình quân cứ ba người truy cập Internet, có một trẻ em. Kết quả thăm dò ý kiến trẻ em và thanh thiếu niên của UNICEF tại Việt Nam cho thấy có đến 1/5 số trẻ dược hỏi cho biết mình đã từng là nạn nhân của đe dọa trực tuyến trên mạng Internet.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được quy định trong Luật An ninh mạng 2018, song gia đình, nhà trường… phải là những "bức tường lửa" để giúp trẻ đứng vững trước những cám dỗ của thế giới mạng.

(Danh tính nạn nhân đã được thay đổi để đảm bảo giữ bí mật thông tin cá nhân.)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ gia tăng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO