Chuyển động ICT

Nhà mạng Hàn Quốc chạy đua xử lý sự cố mạng khi người dân tập trung đòi luận tội Tổng thống

QA 08/12/2024 15:02

Sự cố mạng và gián đoạn dịch vụ đã xảy ra ở các khu vực trọng điểm ở Seoul vào ngày 7/12, khi hàng nghìn người dân tràn ra đường trước cuộc bỏ phiếu luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol về scandal thiết quân luật tối ngày 3/12/2024.

bieu-tinh-o-seoul.png
Người dân tập trung tại Quốc hội khi các nhà lập pháp chuẩn bị bỏ phiếu về động thái luận tội Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Yeouido, phía tây Seoul, vào ngày 7/12. (Ảnh: Yonhap)

“Tôi không thể gửi bất kỳ tin nhắn nào trên KakaoTalk hoặc Telegram khi tôi đến trước Quốc hội. Kết nối của tôi đã được khôi phục khi tôi di chuyển ra xa tòa nhà Quốc hội hơn”, một người biểu tình cho biết.

Các phương tiện truyền thông tìm cách phát trực tiếp cuộc biểu tình trước Quốc hội cũng gặp khó khăn trong kết nối Internet.

Các công ty viễn thông cho biết, họ theo dõi chặt chẽ tình hình và đã chuẩn bị tăng cường công suất lưu lượng tại các khu vực đang diễn ra các cuộc biểu tình lớn, bao gồm các khu vực trọng điểm Yeouido và Gwanghwamun ở Seoul.

"Chúng tôi đã triển khai thêm các trạm phát sóng di động đến các khu vực đông người và đã cải thiện công suất lưu lượng. Chúng tôi sẵn sàng bổ sung thêm các trạm phát sóng di động trong trường hợp có nhiều người tập trung ở những khu vực này", một quan chức của nhà mạng SK Telecom cho biết.

Khi các cuộc biểu tình lớn được dự báo sẽ xảy ra sau động thái luận tội Tổng thống của đảng đối lập, các công ty viễn thông đã tăng cường các trạm phát sóng di động và tăng lưu lượng để xử lý tình trạng gia tăng sử dụng mạng ở các khu vực trọng điểm tại Seoul.

Hai nhà mạng là KT và LG Uplus cũng đã tăng cường hệ thống mạng trước thời điểm này, triển khai các trạm phát sóng di động ngoài các trạm khu vực để tăng cường vùng phủ sóng.

KT cho biết nhà mạng này đã thiết lập một phòng tình huống trung tâm tại Trung tâm Kiểm soát mạng Gwacheon ở khu vực Greater Seoul để theo dõi tình hình lưu lượng nói chung. Nhà mạng này cũng đã thiết lập các phòng tình huống tại 6 thành phố lớn và tiến hành kiểm tra các cơ sở mạng của mình tại các khu vực trọng điểm ở Seoul bao gồm Gwanghwamun, Yongsan và Yeouido.

"Chúng tôi theo dõi chặt chẽ tình hình và có kế hoạch tăng công suất trạm phá sóng di động nếu cần thiết. Chúng tôi sẽ thực hiện các bước để ngăn chặn tình trạng gián đoạn kết nối và mất điện", một quan chức trong ngành cho biết.

Naver và Kakao, những gã khổng lồ Internet của Hàn Quốc, đã tăng cường năng lực lưu lượng truy cập để ngăn chặn sự cố dịch vụ tái diễn khi dự đoán lưu lượng truy cập tăng đột biến liên quan đến việc luận tội Tổng thống.

Naver cho biết đã vào cuộc và triển khai thêm nhân sự để giám sát lưu lượng truy cập. Kakao cũng cho biết đã bảo đảm thêm máy chủ để xử lý lưu lượng truy cập và thiết lập các biện pháp ứng phó khẩn cấp.

Các cổng thông tin Naver và Kakao là Naver và Daum, cùng với các dịch vụ cộng đồng, đã bị gián đoạn vào cuối ngày 3/12 khi Tổng thống Yoon Suk Yeol đột ngột ban bố thiết quân luật. Naver và Kakao cho biết sự cố mất mạng là do lưu lượng truy cập tăng đột biến.

Naver, Kakao đóng băng trong trường hợp khẩn cấp?

Trước đó, Naver và Kakao, hai công ty Internet hàng đầu của quốc gia, đã gặp trục trặc trong nhiều giờ do lưu lượng truy cập tăng đột biến sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban hành thiết quân luật trong thời gian ngắn.

Sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol đưa ra tuyên bố thiết quân luật đột ngột lúc 10h23 tối ngày 3/12, nền tảng Naver Cafe dành cho các cuộc thảo luận cộng đồng đã gặp sự cố truy cập trên điện thoại thông minh, sự cố đã được giải quyết sau nửa đêm. Ngay cả sau khi việc truy cập trở lại bình thường, một số chức năng như đăng và chỉnh sửa bình luận vẫn bị gián đoạn cho đến khi được khôi phục hoàn toàn vào khoảng 1h20 sáng ngày 4/12.

“Chúng tôi không tìm thấy lý do nào cho lỗi truy cập này ngoài việc lưu lượng mạng tăng đột biến”, một nhân sự của Naver cho biết.

Naver News, nền tảng tin tức của Naver, cũng đã gặp sự cố tạm thời. “Do lưu lượng truy cập tăng đột biến, hệ thống bình luận tin tức đã chuyển sang chế độ khẩn cấp trong khoảng 20 phút bắt đầu từ 22h45 tối ngày 3/12 và bắt đầu hoạt động bình thường”, nhân viên này cho biết thêm.

Một số dịch vụ của Kakao, bao gồm cả cổng thông tin Daum, cũng gặp sự cố về khả năng truy cập, phần lớn bị ảnh hưởng bởi lưu lượng truy cập tăng đột biến.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, các nền tảng trực tuyến do Naver và Kakao điều hành cần phải tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp quốc gia vì được coi là kênh truyền thông duy nhất dành cho công chúng.

“Đêm 3/12, người dân đầu tiên đã vào Naver và Daum để xem tin tức. Điều đó có nghĩa là hai cổng thông tin này thực sự hoạt động như cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia”, Wi Jung-hyun, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Chung-Ang cho biết.

“Hai cổng thông tin được xem là kênh thông tin phổ biến nhưng cả hai đều thường xuyên gặp trục trặc dịch vụ trong các trường hợp khẩn cấp. Vấn đề này cần được xem xét nghiêm túc hơn và các công ty phải đầu tư vào việc ổn định dữ liệu để ngăn ngừa sự việc tái diễn, giống như Google đã làm”.

Cả Naver và Kakao đều đã nỗ lực để tăng cường năng lực máy chủ cũng như nâng cao khả năng ứng phó khẩn cấp thông qua đào tạo mô phỏng. Nhưng lưu lượng người dùng tăng đột biến thường dẫn đến trục trặc dịch vụ, gây lo lắng cho công chúng, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp.

Theo Naver, lưu lượng người dùng truy cập đã đạt đỉnh mới vào cuối ngày 3/12 sau tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol. Con số chính xác chưa được tiết lộ./.

Theo Korea heraldKore, Yohap
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tăng cường hợp tác số với ASEAN và các nước đối thoại
    Từ ngày 16-17/01/2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Số ASEAN lần thứ 5 (ADGMIN-5) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
  • Tết còn, còn cơ hội cho sách Tết
    Trong cuốn “Sách mùa xuân xem tết” do NXB Nhật Nam thư quán Dược Phòng xuất bản năm 1933, ở bài mở đầu với tiêu đề “Văn chương với mùa xuân” có viết về thú chơi tết của người Việt như sau: “Coi đó biết chơi xuân là thói quen của người mình, làm người không biết chơi xuân người ta cho là thiệt thòi nhiều lắm”.
  • Chống lại các cuộc tấn công AI bằng phòng thủ AI
    Những kẻ tấn công mạng đang sử dụng AI ngày càng nhiều để tiến hành các cuộc tấn công mạng nhanh hơn, diện rộng hơn và hiệu quả hơn. Do đó, điều quan trọng là các tổ chức phải phản ứng tương tự bằng cách khai thác AI trong các chiến lược phòng thủ an ninh mạng của họ.
  • Sáu nhóm giải pháp trọng tâm truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam
    Xây dựng và truyền thông chính sách về hình ảnh văn hóa đất nước và con người Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc và những thành tựu phát triển đất nước đến từng người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiện nay là nhiệm vụ chiến lược.
  • Hội chợ sách xuân Ất Tỵ: Tết tri thức-sum vầy
    Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025) và đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo và Công ty Cổ phần Phát triển Giải pháp Giáo dục Vivi Education tổ chức chương trình Hội chợ sách xuân 2025 với chủ đề "Tết tri thức - sum vầy".
Đừng bỏ lỡ
Nhà mạng Hàn Quốc chạy đua xử lý sự cố mạng khi người dân tập trung đòi luận tội Tổng thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO