Nhà nước đóng vai trò quan trọng nhất trong hệ sinh thái ĐMST mở
Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở, nhà nước đóng vai trò quan trọng nhất, vì là nơi tạo ra các hành lang pháp lý cho các chủ thể khác phát triển cũng như giúp các nhà khoa học, công ty khởi nghiệp (startup) được giải bài toán của khu vực công.
Cách tiếp cận mới của ĐMST mở
Theo ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn ĐMST Quốc gia, để xác định tầm quan trọng của hệ sinh thái ĐMST mở thì cần phải xác định chủ thể và giá trị của nó. Đó có thể là những đơn vị đang gặp những bài toán khó như tập đoàn, DN lớn. Để rồi, khi ĐMST mở giải quyết được vấn đề thì những đơn vị đó sẽ mang lại rất nhiều giá trị cho cộng đồng, cho phát triển kinh tế xã hội.
Cụ thể, đứng dưới góc độ của các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn, vấn đề họ cần giải quyết là làm sao để có hiệu suất làm việc tốt nhất, giảm thiểu những khâu không cần thiết, giảm rủi ro hay giá thành sản phẩm… Khi vấn đề này được giải quyết thì có lợi đầu tiên là DN. Sau đó, nó sẽ tác động đến những thành phần khác ở bên ngoài như xã hội, khách hàng (người dùng hoặc đối tác).
Ngoài ra, không chỉ các DN mà ngay cả chính phủ cũng sẽ được hưởng lợi từ hệ sinh thái ĐMST mở. Theo đó, thay vì tìm kiếm giải pháp tại đâu đó hoặc kinh nghiệm của nước khác để giải quyết vấn đề, cơ quan quản lý có thể đưa bài toán ra để cho các nhà khoa học trong nuớc hoặc các sáng kiến có thể giải quyết.
“Điều đó sẽ giúp mang lại giá trị rất nhiều cho cộng đồng, cho các nhà khoa học vì đã giúp tối ưu nguồn lực, tăng thêm tính sáng tạo thay vì bó khung trong suy nghĩ phải tự giải quyết thì có thể tiếp cận các nguồn lực từ bên ngoài”, ông Thắng chia sẻ.
Ông Thắng cho rằng, lợi thế của ĐMST mở là làm sao để tối ưu được toàn bộ nguồn lực của xã hội về tri thức, công nghệ... như các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà nghiên cứu hoặc các DN khởi nghiệp
Hiện nay, Việt Nam đang học kinh nghiệm của một số nước khác, đó là tìm ra các giải pháp liên quan đến các vấn đề từ các bên liên quan bao gồm tập đoàn, DN lớn, xã hội hay thậm chí từ phía chính phủ. Bởi vì, ngay cả chính phủ và các địa phương cũng có rất nhiều bài toán cần giải quyết liên quan đến khu vực công, chiến lược phát triển, các thực trạng thực tế cần giải pháp cụ thể. Từ đó, công ty khởi nghiệp, các nhà khoa học… sẽ tập trung giải quyết các vấn đề, các bài toán đó.
“Đây có thể là cách tiếp cận rất mới, nó sẽ là phương pháp mà ta có thể tối ưu được tất cả các nguồn lực, đặc biệt từ viện nghiên cứu và các trường đại học cũng như của các bạn trẻ, các bạn DN khởi nghiệp ĐMST”, ông Thắng khẳng định.
Vai trò của nhà nước trong việc tạo hành lang pháp lý để hệ sinh thái thực sự “mở”
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng cố vấn ĐMST Quốc gia, các chủ thể chính trong hệ sinh thái bao gồm: Nhà nước; nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường học; đơn vị kết nối. Trong đó, vai trò của nhà nước rất quan trọng trong việc tạo ra những hành lang pháp lý để hệ sinh thái phát triển. Ví dụ ở khu vực công, thay vì phải đấu thầu, tìm kiếm những người đủ năng lực để giải quyết vấn đề thì có thể đưa ra rộng rãi để tìm tất cả các đối tượng có thể làm được, kể cả DN khởi nghiệp, miễn họ đủ năng lực, đủ giải pháp. Để làm được điều này, nhà nước cần đưa ra những sáng kiến, hành lang pháp lý tốt nhất để hệ sinh thái ĐMST thực sự “mở”.
Ông Thắng khẳng định, với hệ sinh thái ĐMST mở, vai trò của nhà nước vẫn quan trọng nhất, bởi đây là đơn vị sẽ đưa ra những sáng kiến, giải pháp hành lang pháp lý tốt nhất từ chính sách hỗ trợ liên quan đến đào tạo nâng cao kiến thức. Chưa kể, để giải quyết vấn đề ở địa phương hay của khu vực công, nếu nhà nước không có cơ chế hành lang pháp lý thì sẽ không ai dám thực hiện vì thường phải thông qua đấu thầu hoặc các công nghệ được kiểm chứng, trong khi ĐMST thường là thử nghiệm.
“Vì vậy, điều đầu tiên, nhà nước cần có một hàng lang pháp lý thật tốt để các bên tham gia ĐMST được tự do sáng tạo, thử nghiệm”, ông Thắng nói.
Khi được hỏi về chủ thể năng động nhất trong hệ sinh thái ĐMST mở hiện nay, ông Thắng cho rằng, còn quá sớm để đánh giá vì Việt Nam đang trong quá trình hình thành và chưa có nhiều mô hình thực sự thành công.
Cần sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương
Để thúc đẩy ĐMST mở, ông Thắng cho rằng, đầu tiên cần sự vào cuộc của lãnh đạo cao nhất từ các Bộ ngành, địa phương. Vì nếu thực sự nhà nước không vào cuộc thì sẽ không có được các hoạt động liên quan đến cấp cao, như việc thúc đẩy từ trên xuống đối với ĐMST mở. Khi đó, hệ sinh thái sẽ tốn rất nhiều nguồn lực và thời gian để triển khai các hoạt động từ dưới lên.
Tiếp theo, các đơn vị trong hệ sinh thái cũng cần thực hiện rất nhiều công việc để đưa tinh thần ĐMST mở (thông qua đào tạo, tổ chức sự kiện, diễn đàn) tới những người tham gia giúp họ hiểu hơn.
Một giải pháp khác là phải làm sao để startup có được môi trường tốt nhất để phát triển. Khác với bán giải pháp trên thị trường, việc giải quyết một vấn đề của các chủ thể trong hệ sinh thái ĐMST mở, nhất là cơ quan nhà nước, cần rất nhiều yếu tố liên quan như cơ chế, thể chế để các startup có thể tiếp cận nguồn lực này.
Bên cạnh đó, cũng cần có giải pháp hỗ trợ cho các nhà khoa học, startup có thêm nguồn lực khi tham gia vào hệ sinh thái ĐMST mở cũng như các hoạt động liên quan đến sáng kiến cho các nhà đầu tư, những tập đoàn mà họ sẵn sàng đầu tư cho các DN khởi nghiệp ĐMST, các nhà khoa học để hoàn thiện giải pháp đó.
Khi được hỏi vì sao các cơ chế chính sách rất khó ban hành và thực thi ở thời điểm hiện tại, theo ông Thắng, một trong số lý do đó là các đơn vị liên quan vẫn chưa thực sự tiếp cận với tư duy ĐMST, chấp nhận sáng kiến hay thậm chí cả rủi ro, thách thức để tìm kiếm những giải pháp phù hợp. Ví dụ, với một bài toán nào đó mà chỉ tìm kiếm những DN có tên tuổi, đã được kiểm chứng thì vô tình đã không trao cơ hội cho những DN còn lại, không cho họ cơ hội để phát triển, trong khi có thể những giải pháp này lại sáng tạo, đột phá, phù hợp hơn.
Những thông tin về xu hướng thị trường và ĐMST mới nhất giúp DN bứt phá trong năm 2023 hiện đã có trong Báo cáo Hệ sinh thái ĐMST Mở Việt Nam năm 2022 có thể đọc tại đây: http://ldp.to/OI22-News
Báo cáo được thực hiện bởi Nền tảng kết nối ĐMST BambuUP, dưới sự bảo trợ của Cục Phát triển thị trường & DN Khoa học và Công nghệ (NATEC) - Bộ Khoa học và Công nghệ./.