Truyền thông

Nhà văn Hiệu Constant và cuốn sách "Kiều bào với Trường Sa”

Ngọc Anh 27/10/2023 09:26

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong dòng giới thiệu cuốn truyện ký “Kiều bào với Trường Sa” của nữ nhà văn Việt kiều Pháp Hiệu Constant đã viết: “Thêm một cột mốc chủ quyền cắm cho quần đảo Trường Sa”.

kieu_bao_voi_truong_sa_fify.jpg
Bìa cuốn sách "Kiều bào với Trường Sa".

Năm 2018, nhà văn người Việt hiện đang sinh sống tại Paris (Pháp) Hiệu Constant có mặt trong Đoàn công tác số 10 gồm 70 kiều bào sinh sống ở nhiều nước trên thế giới ra thăm Trường Sa. Và phải mất 3 năm sau, năm 2021, chị mới xuất bản cuốn truyện ký "Kiều bào với Trường Sa" dày 185 trang ghi lại xúc cảm của chuyến đi không thể nào quên được.

Chị kể: “Sau hải trình 10 ngày lênh đênh trên biển, đoàn công tác số 10 trên con tàu KN 491 đã trở thành một gia đình đặc biệt, nơi ấy đầy ắp tình yêu quê hương, biển đảo, tràn ngập tiếng cười, và nhất là sự xúc động, rất nhiều xúc động mà đôi khi không thể nói được bằng lời. Với một nhà văn như tôi thì khi ấy mọi câu chữ cũng trở nên vô duyên hoặc không thể diễn tả hết được những trạng thái tình cảm”.

Mở đầu cuốn sách bằng “Trữ tình ngoại đề”, Hiệu Constant kể về mối nhân duyên với người lính hải quân thủa còn thơ bé, với biển, đảo, với những áng văn thơ về Trường Sa của những nhà văn đàn anh mà chị hằng ngưỡng mộ là nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà thơ Hữu Thỉnh. Nhà văn tự nhận mình là người ghi lại những gì mắt thấy, chép lại những kỷ niệm của chuyến đi thông qua chính lời kể của các kiều bào. Để rồi, từng trang viết là cảm nhận của những người con xa về vùng đất Việt, đồng bào Việt.

Phần “Trường Sa – Một lần là mãi mãi” của cuốn sách cho chúng ta gặp một Trường Sa mới, Trường Sa của ngày hôm nay. Trên đảo có chùa, có trường học, bệnh xá. Nhiều đảo đã có điện, có sóng truyền hình, đài phát thanh và điện thoại di động. Bất cứ lúc nào, các chiến sĩ cũng có thể gặp được người thân. Hay những Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn, Cô Lin, Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Đông, Trường Sa, nhà giàn DK1/18… những hòn đảo nổi, đảo chìm của Trường Sa không còn xa cách nữa. Ở phần “Những ngôi chùa ở Trường Sa – Cột mốc tâm linh” viết về những công trình được xây dựng trên đảo đang khẳng định rõ Trường Sa mãi mãi là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam.

hieu_constant_mayj.jpg
Nhà văn Hiệu Constant chụp ảnh trong chuyến đi.

Từng câu chuyện trong truyện ký thật mà rất tình cảm, giàu cảm xúc. “Đây là những tư liệu rất quý cho chúng ta biết vẻ đẹp của quân và dân Trường Sa, những người đang bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió.” – nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét.

Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã dành những lời rất đẹp: “Chúng ta lại có thêm một cột mốc chủ quyền mà nhà văn Hiệu Constant cắm cho quần đảo Trường Sa”.

Nhà văn Hiệu Constant kể: Thực ra từ lâu tôi đã quan tâm đến Trường Sa và gắng tìm hiểu nhiều về quần đảo này. Kể từ gần chục năm trở về đây tại Paris có rất nhiều các cuộc hội thảo hoặc các sự kiện liên quan đến Trường Sa. Mỗi khi có những sự kiện như vậy, tôi cố gắng đến tham dự nhiều nhất có thể và cố gắng ghi lại những nhận xét của mình, hoặc là cố gắng trao đổi nhiều với các diễn giả hoặc với những người đã từng đi đến Trường Sa về chẳng hạn.

Cho đến năm 2018 khi nhận được thông tin tôi sẽ có mặt trong danh sách đoàn đại biểu được về nước đi thăm và tặng quà các chiến sỹ và các hộ dân tại một số đảo trên quần đảo Trường Sa, thì tôi rất vui. Và chỉ trong lúc sắm sửa va li hành lý để về nước thì ý tưởng viết một cuốn sách về Trường Sa mới hình thành. Khi đó thì nó chỉ lờ mờ trong đầu. Tôi gắng mang cuốn sổ thật dày, máy ảnh có dung lượng cao để chụp thật nhiều ảnh và tôi cũng còn mang theo cả mấy cái điện thoại để có thể phỏng vấn nhanh một ai đó chẳng hạn khi bất chợt cần.

Về đến Cam Ranh tôi đã gặp gỡ tất cả các anh chị em kiều bào trở về từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Và khi trò chuyện với họ thì ý tưởng viết sách mới hiện lên rõ nét hơn trong tôi. Trong suốt chuyến đi đó tôi đã gắng quan sát thật nhiều, thật chi tiết từng nơi mà mình đã đặt chân đến đây, chụp thật nhiều ảnh, trò chuyện với thật nhiều người, ghi nhận những sắc thái và tình cảm của họ. Bởi viết một bài báo thì nhẹ nhàng và đơn giản hơn, nhưng mà khi viết một cuốn sách thì cần rất nhiều yếu tố, đa dạng, đầy đủ các khía cạnh.

Trường Sa thì mênh mông lắm mà tôi cũng mới chỉ đến được 10 hòn đảo và một nhà giàn thôi. Và hơn nữa, cuốn sách hơn 200 trang thì không thể nói hết được.

Nhưng trên hết, tôi gắng nêu những đặc điểm của mỗi nơi như con người, cảnh vật, cuộc sống, hình ảnh kiêu hùng của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam dũng cảm, kiên trung luôn giữ vững tinh thần để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, của đất nước. Và cả mối quan hệ quân và dân trên những hòn đảo, trường học dành cho các cháu nhỏ có cha mẹ là các chủ hộ dân trên đảo nữa. Những ngôi chùa như là những cột mốc tâm linh vv..., tức là rất là khá đầy đủ. Ngoài ra tôi cũng nêu một số hoạt động của kiều bào Pháp hướng về Trường Sa.

ts3-1626409195928.jpg.jpg
Nhà văn Hiệu Constant chụp ảnh tại Cột mốc chủ quyền trên đảo.

Tóm lại là đọc cuốn sách nhỏ của tôi, ai mà đã từng đi Trường Sa rồi thì sẽ có thể giữ lại được những kỷ niệm của mình được đóng khung trong các con chữ. Còn ai mà chưa đến Trường Sa thì sẽ có thể ít nhiều khám phá được vùng biển thiêng liêng này trong một cuốn truyện ký liền mạch như vậy.

Đối với kiều bào chúng tôi được đặt chân đến trên quần đảo Trường Sa thì đều trở thành những ký ức sâu đậm khó phai trong đời mình. Với cá nhân tôi, thì có lẽ hai sự kiện ghi dấu ấn nhất mà cho đến tận bây giờ đã mấy năm trôi qua mà những hình ảnh đó, những âm thanh ấy vẫn luôn hiển hiện và văng vẳng trong đầu tôi.

Thứ nhất là khi đoàn làm lễ tưởng niệm và tri ân các cán bộ chiến sỹ đã hy sinh vì biển đảo Việt Nam và nhất là 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma, phải nói là rất xúc động. Toàn đoàn đã tập trung trên bãi đáp trực thăng của tàu để làm lễ giữa biển trời mênh mang. Toàn đoàn mấy trăm người im phăng phắc, không gian thì thoang thoảng mùi hương trầm và chỉ có văng vẳng tiếng nhạc lễ thôi. Sau đó chuẩn đô đốc đọc lời tri ân đối với các chiến sĩ. Giọng chuẩn đô đốc nghẹn ngào, còn các đại biểu thì cố kìm những tiếng nức nở.

Thứ hai là đêm mà đoàn chúng tôi rời đảo Trường Sa lớn. Có lẽ sẽ không một ai quên được, những tiếng hát vang còn văng vẳng và lời từ biệt vọng lên từ dưới tàu là "Kiều bào yêu Trường Sa" và từ phía đảo là "Trường Sa yêu kiều bào", cứ lưu luyến như thế. Những cánh tay vẫy. Và cả những giọt nước mắt trên những khuôn mặt đang cười.

Nhà văn Hiệu Constant tốt nghiệp ngành tiếng Pháp của Khoa Tiếng nước ngoài, trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội và chuyên ngành Văn học so sánh, Đại học Paris Sorbonne IV, sinh sống và làm việc tại Paris từ 1998.

Là dịch giả của gần 70 tác phẩm dịch Pháp - Việt & Việt - Pháp, chị cũng là tác giả viết tiểu thuyết, truyện ký, truyện ngắn… và là đại diện của một số tập đoàn xuất bản Pháp tại Việt Nam. Ngoài ra chị còn là cộng tác viên của nhiều báo chí trong nước.

Một số tác phẩm tiêu biểu:

- Côn trùng (tiểu thuyết)

- Đường vắng (tiểu thuyết)

- Đời du học (tiểu thuyết)

- À bientôt… Hẹn gặp lại (tiểu thuyết)

- Kiều bào với Trường Sa (Truyện ký)

- Nắng cuối chiều (Tập truyện ngắn)…

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Hiệu Constant và cuốn sách "Kiều bào với Trường Sa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO