Tin giả đang lan tràn trên mạng xã hội
Bên cạnh những lợi ích mang lại, thì sự phổ biến của mạng xã hội ra đã tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát triển. Thực tế, trong những năm qua, không chỉ tại Việt Nam, mà trên hầu hết các quốc gia trên thế giới, tin giả đang hoành hành.
Tin giả (fake news) được hiểu là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung, được khuếch tán trên Internet và các phương tiện truyền thông. Một điều tệ hại là những thông tin sai lệch có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin thật trên các dịch vụ truyền thông xã hội. Đây là một thực trạng đáng báo động, khiến các nhà chức trách, cơ quan thực thi pháp luật gặp nhiều khó khăn.
Trong khoảng vài năm trở lại đây, có hàng trăm tin giả xuất hiện trên báo chí ở Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều cá nhân, tổ chức và đời sống xã hội nói chung. Tin giả xuất hiện trên mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Mặc dù các cơ quan báo chí đều có quy trình kiểm chứng nguồn tin, trải qua nhiều bước kiểm duyệt, nhưng tin giả vẫn lọt qua hàng rào bảo vệ để hiện diện trên báo.
Có thể kể đến những vụ tin giả tiêu biểu trên báo chí như: Vụ siêu xe dưới gầm giường ở Cần Thơ (thực chất là xe mô hình); Vụ nữ tài xế lái xe Lexus đâm chết nạn nhân ở ngã tư Hàng Xanh (TP Hồ Chí Minh) được báo chí đưa tin là Giám đốc ngân hàng nhưng thực tế không phải; Vụ nam sinh lớp 10 và cô giáo vào nhà nghỉ ở Bình Thuận mà nam sinh bị báo chí đưa lên báo thực chất không phải là nhân vật chính...
Điều đáng nói, nhiều tin giả xuất hiện trên báo chí thời gian qua có nguyên nhân do phóng viên, nhà báo khai thác nguồn tin từ mạng xã hội, trang tin điện tử tổng hợp, trích dẫn các nguồn tin không chính thống, không rõ nguồn gốc...
Tin giả có nhiều mục đích khác nhau, có thể câu khách/view/like; tuyên truyền, định hướng dư luận. Thao tác chia sẻ một thông tin trên mạng xã hội chỉ mất vài giây, nhưng phát tán tin giả, tin chưa kiểm chứng lại có thể gây hậu quả khôn lường và người tung tin giả có thể bị xử lý, thậm chí là hình sự.
Cụ thể, theo Nghị định 15/2020 của Chính phủ, người tung/chia sẻ tin giả sẽ bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật. Riêng hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt đến 30 triệu đồng.
Hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao các mức xử phạt
Giữa năm 2019, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời chất vấn Quốc hội về câu chuyện tin xấu, độc trên mạng xã hội. Theo ông, đây là câu chuyện mang tính toàn cầu, không chỉ riêng nước ta mà cả thế giới đang phải đối diện.
Có nhiều giải pháp để ngăn chặn, tuy nhiên, yếu tố đầu tiên cần có là hành lang pháp lý. Bộ trưởng cho biết, hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý là Luật An ninh mạng, nhưng các quốc gia đều có quy định riêng về xử lý tin rác, tin giả. Chẳng hạn, Singapore đã có luật về xử lý tin giả với chế tài xử lý rất mạnh. Người tung tin có thể bị phạt hàng triệu USD, có thể đi tù. Người đứng đầu mạng xã hội tung tin giả cũng vậy.
Chỉ một thời gian ngắn sau, tháng 2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử". Đây chính là cơ sở pháp lý cho việc phòng, chống thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, đồng thời là yếu tố môi trường quan trọng góp phần xây dựng văn hóa mạng.
Nghị định 15/2020/NĐ-CP ra đời để thay thế cho Nghị định 174/2013/NĐ-CP, trong đó có những thay đổi về mức xử phạt đối với hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Theo đó, Điều 101, quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
Các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn cũng bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên. Các mức phạt này cao hơn nhiều so với các quy định trước đó sẽ giúp răn đe các hành vi sai trái tung tin giả trên môi trường mạng.
Một số kỹ năng để phân biệt tin giả trên môi trường Internet
Mặc dù hành lang pháp lý đã được hoàn thiện hơn, tuy nhiên, một vấn đề quan trọng trong phòng chống tin giả là phải giáo dục nâng cao nhận thức sống trong không gian mạng. Mọi người khi tham gia mạng cần có kỹ năng cơ bản nhất để lọc thông tin, giúp chính bản thân mình không bị tin giả đánh lừa. Một số kỹ năng cơ bản cần lưu ý:
- Cần xem xét kỹ tiêu đề, tìm kiếm các thông tin đặc thù như tên sự kiện, tên nhân vật… trên mạng để đối chiếu với các trang báo uy tín, qua đó phân biệt rõ tin thật hay không. Thông thường tin giả sẽ có tiêu đề hấp dẫn, giật gân, chủ đề đang được cộng đồng quan tâm để tăng tỉ lệ tương tác, like hoặc có thể có mục đích xấu.
- Đối với hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội, trước khi chia sẻ, cần tìm kiếm ảnh liên quan trong tin bằng cách sử dụng chức năng tìm kiếm hình ảnh của Google: Click chuột phải vào tấm hình cảm thấy đáng ngờ và chọn "Search Google for image" để xác định bức ảnh sử dụng trong tin bài có đúng thời điểm xảy ra sự kiện không, các tin giả thông thường lấy ảnh cũ, có tính gây sốc để tăng khả năng tương tác và chia sẻ lan truyền thông tin.
- Một kỹ năng khác cần biết là kiểm tra ngày tháng: người đưa tin bài có thể lấy tin cũ share lại, cùng ngày/tháng nhưng khác năm, gây hiểu lầm. Do đó cần nhìn kỹ ngày tháng năm của thông tin.
- Đối với bài viết có kèm theo đường link từ một trang nào đó, cần kiểm tra mức độ tin cậy của đường dẫn, liên kết bằng cách xem tên miền đầy đủ để xác định mức độ tin cậy. Các đường link có đuôi .vn được nhà nước quản lý sẽ tin cậy hơn tên miền .it, .tk, .info, .su không được kiểm soát.
Suy cho cùng, thông tin giả mạo sẽ không thể lừa được ai và không thể gây hạ cho xã hội nếu mỗi chúng ta đủ kỹ năng phân biệt thông tin nào là giả, thông tin nào là thật. Do vậy, bên cạnh các chính sách quản lý của nhà nước, mỗi người dân, khi tham gia vào môi trường Internet hãy tự trang bị cho mình các kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành một công dân mạng có ý thức.