Truyền thông

Nhập đề về “báo chí kiến tạo”

Nguyễn Văn Bá, Tổng biên tập Báo VietnamNet 23/01/2023 19:46

Có thể coi “báo chí kiến tạo” là việc báo chí trở về với giá trị cốt lõi của mình.

capture.jpg
Tổng Biên tập Báo VietnamNet Nguyễn Văn Bá

Phản biện xã hội là nhu cầu khách quan của xã hội, xã hội càng tiến bộ thì càng cần phản biện xã hội. Một trong những công cụ để người dân thực hiện phản biện xã hội là báo chí. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, có vẻ như báo chí đang bị cuốn hút bởi những thông tin tiêu cực. (Xin nói rõ, ở đây chúng ta chỉ bàn về những thông tin chính xác chứ không bàn về tin giả - fake news). Rõ ràng công chúng thấy có sự mất cân đối ở đây. Liều lượng thông tin tiêu cực quá nhiều tạo nên bức tranh xã hội không tươi sáng, chưa phản ánh thực tế cuộc sống.

Thưa quý vị, “thiên kiến tiêu cực” có thể hiểu là là xu hướng báo chí (và cả người đọc nữa) không chỉ ghi nhận các kích thích tiêu cực dễ dàng hơn mà còn chú ý vào những sự kiện này. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tin tức tiêu cực có nhiều khả năng được coi là trung thực hơn. Vì thông tin tiêu cực thu hút sự chú ý nhiều hơn, nó cũng có thể được coi là có giá trị cao hơn. Đây có thể là lý do tại sao “tin xấu” dường như thu hút nhiều sự chú ý hơn. Thậm chí nhiều cơ quan báo chí còn đưa "view" thành một chỉ tiêu đối với phóng viên, là tiêu chuẩn để đánh giá năng lực của người làm báo.

BÁO CHÍ KIẾN TẠO

Chiến lược chuyển đổi số báo chí với định hướng là xây dựng các nền tảng số dùng chung cho báo chí, cũng như chuyển đổi mô hình làm báo, mô hình kinh doanh, phân phối nội dung trên không gian mạng, sự chuyển đổi từ đưa tin ai, làm gì, ở đâu và khi nào thành giải pháp nhiều hơn, phân tích nhiều hơn và sâu hơn, dữ liệu nhiều hơn và xác thực hơn, góc nhìn toàn diện hơn, kể câu chuyện sinh động và thú vị hơn, nhằm tạo ra nhiều hơn giá trị cho độc giả. Và đây là cách để báo chí khác biệt với các mạng xã hội và đề cao các giá trị cốt lõi của báo chí.

(Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí của Thủ tướng Chính phủ - ngày 17/6/2022)

Trên thế giới, “báo chí kiến tạo” (báo chí giải pháp, báo chí xây dựng, báo chí truyền cảm hứng...) có thể được coi là một phản ứng đối với tình trạng lá cải, giật gân và thiên kiến tiêu cực ngày càng gia tăng của các phương tiện truyền thông ngày nay. Đó là cách tiếp cận nhằm mục đích cung cấp cho công chúng một bức tranh công bằng, chính xác và có bối cảnh về thực tiễn, mà không quá nhấn mạnh vào tiêu cực và những gì đang xảy ra.

Tại buổi gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2022), Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Chúng ta cần một nền báo chí thúc đẩy xã hội cùng suy nghĩ để mang lại giải pháp, chứ không chỉ là một lực lượng báo chí chỉ biết đưa tin và bình phẩm không mang tính xây dựng. Báo chí bình phẩm thì người dân cũng sẽ bình phẩm, báo chí giải pháp thì người dân cũng sẽ tìm giải pháp”.

Báo chí giải pháp - báo chí kiến tạo có xa lạ với báo chí Việt Nam hay không? Tôi cho là không. Nhiều tờ báo, bằng những hoạt động của mình đã góp phần đưa ra giải pháp cho các cơ quan chức năng hoặc thu thập những giải pháp từ người dân để chuyển đến cơ quan chức năng. Có thể kể đến cuộc thi hiến kế “TP. HCM nâng tầm quốc tế” mà báo Tuổi trẻ từng tổ chức hay cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” của báo Người Lao động. Chuỗi các buổi tọa đàm trực tuyến trên Báo điện tử Chính phủ cũng thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, độc giả, cung cấp nhiều giải pháp, ý tưởng cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cũng như chính quyền các cấp.

Hay một tờ báo địa phương như Báo Nghệ An cũng có những loạt bài viết theo khuynh hướng “Báo chí kiến tạo”. Báo đã có loạt bài về dự án Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân tại thị xã Cửa Lò. Trong những bài viết này, bên cạnh chỉ rõ những sai phạm của chủ đầu tư, Báo Nghệ An cũng “hiến kế” với các cơ quan chức năng của tỉnh để tạo sự hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư và địa phương.

Như vậy có thể thấy, có thể coi “báo chí kiến tạo” là việc báo chí trở về với giá trị cốt lõi của mình. Tuy nhiên, do là khuynh hướng mới nên có thể còn nhiều băn khoăn: “Báo chí kiến tạo” thực chất là gì, áp dụng ở Việt Nam ra sao khi điều kiện của chúng ta có những đặc điểm riêng. Rồi thì làm sao để hạn chế thông tin tiêu cực trên báo. Liều lượng như thế nào là đủ..../.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2023)

Bài liên quan
  • Báo chí kiến tạo để trở lại giá trị cốt lõi
    Ngày 21/12, Tạp chí Thông tin và Truyền thông (TT&TT) - Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo khoa học “Báo chí kiến tạo" đã đưa ra những gợi mở về báo chí kiến tạo cho các cơ quan báo chí Việt Nam; cách thức hạn chế khuynh hướng thông tin tiêu cực trong báo chí và giải pháp để báo chí lấy lại niềm tin của công chúng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhập đề về “báo chí kiến tạo”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO