Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các "nhà máy thông minh" hay "nhà máy số", nhưng đồng thời, cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn cho người làm báo, và cả những người đào tạo báo chí.
Báo chí là công cụ sắc bén của nhà chính trị
Trong Hiến pháp năm 2013, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước đã được hiến định, và bổ sung thêm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội XIII đặt ra là vấn đề kiểm soát quyền lực với quyết tâm "Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn chặn sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương".
Có thể nói, trong thời kỳ CMCN lần thứ 4, báo chí đóng góp một phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Trước xu thế phát triển của báo chí đa phương tiện, một nhà báo cần hội tụ nhiều kĩ năng, làm được nhiều việc, không chỉ viết báo, mà còn có thể có nhiều kỹ năng khác của phóng viên báo điện tử, báo phát thanh và truyền hình,... Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chỉ kiến thức chuyên môn là chưa đủ. Người làm báo con cần năng lực ngoại ngữ, kỹ năng làm chủ công nghệ, xử lý thông tin.
Thực tế, nhiều nhà báo còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn này. Do năng lực ngoại ngữ, kỹ năng khai thác, biên dịch hạn chế, nên việc cập nhật trữ lượng thông tin lớn đến từ trong và ngoài nước còn chậm, ảnh hưởng lớn đến việc tuyên truyền với công chúng trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, để báo chí phát huy nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đòi hỏi người làm báo phải am hiểu và nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Song hiện nay, phải nhìn thẳng vào sự thật là không ít nhà báo chưa tích cực học tập lý luận chính trị, chưa trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, ngại va chạm thực tiễn, né tránh những vấn đề gai góc.
Sức mạnh của báo chí là ở thông tin, nhưng có không ít nhà báo lợi dụng sức mạnh của truyền thông để "lộ, lọt" những thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước. Một số nhà báo đưa tin thiếu sự kiểm chứng, chạy theo tâm lý nhất thời của đám đông; vội vàng, cẩu thả trong cách giật tít, câu view, câu like, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, gây bức xúc dư luận, làm tổn hại đến uy tín, danh dự, hình ảnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đẩy câu chuyện, sự kiện đi quá xa so với mục tiêu, ý định ban đầu, nhất là trên diễn đàn không gian mạng xã hội, tạo cớ cho kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.
Những hạn chế, bất cập trên là những rào cản, ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay, không chỉ đối với báo chí Hà Nội nói riêng mà là cả nước nói chung.
Từ thực tế nêu trên, PGS. TS. Ngô Văn Giá - Giảng viên cao cấp của Khoa Viết văn, Báo chí - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, vấn đặt ra với các cơ sở đào tạo báo chí là làm thế nào để đổi mới chương trình đào tạo, đảm bảo đầu ra sinh viên vừa có tri thức và kỹ năng, vừa biết nhiều thứ nhưng lại chuyên sâu, đáp ứng các tiêu chuẩn làm việc của các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, bảo đảm an ninh tư tưởng thời kỳ CMCN 4.0.
Báo chí giám sát, phản biện và luôn đồng hành với sự phát triển đi lên của Thủ đô
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, an sinh, Hà Nội đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân với sự ủng hộ của các cơ quan báo chí. Nhờ đó, thành phố đã kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế được rủi ro, đồng thời quan tâm, hỗ trợ các tỉnh, thành trong nước, thậm chí hỗ trợ cả các nước bạn Lào, Campuchia...
Nhờ các biện pháp tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ, Hà Nội đã phục hồi mạnh về kinh tế ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Bên cạnh sự quan tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, cũng phải kể đến các cơ quan báo chí trung ương, thành phố và cả nước đã luôn đồng hành, ủng hộ các chủ trương của thành phố, chia sẻ với Hà Nội trong những lúc khó khăn nhất.
Các cơ quan báo chí tại Hà Nội đã luôn đồng hành, vào cuộc quyết liệt trong việc giám sát, phản biện và luôn quan tâm, chia sẻ với những khó khăn của thành phố, đồng hành cùng sự phát triển đi lên của Thủ đô.
Bên cạnh hoạt động chuyên môn, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức, phát động nhiều phong trào thi đua, hoạt động ý nghĩa với các cơ quan báo chí và người làm báo để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Nhằm thắt chặt hơn mối quan hệ với báo chí, thời gian tới, Thành ủy Hà Nội sẽ có văn bản chỉ đạo các cơ quan thành phố, các quận, huyện, thị xã trên tinh thần phải thật cởi mở, vừa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, vừa kịp thời tiếp nhận ý kiến báo chí nêu./.