Vai trò của báo chí, truyền thông với thúc đẩy bình đẳng giới trong môi trường số

04/12/2022 14:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Với hơn 800 cơ quan báo chí và gần 76 triệu người dùng mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay, báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc thay đổi và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới (BĐG).

Tóm tắt nội dung:

* Tác giả nêu một số nhận định về việc truyền thông về bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông:

- Truyền thông về bình đẳng giới trên các phương tiện truyền thông được đẩy mạnh trong thời gian qua.

- Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bài, các hình ảnh tiêu cực mang định kiến giới đối với phụ nữ: Phụ nữ gắn với bếp núc, gia đình, hình ảnh nữ lãnh đạo xuất hiện ít hơn nam, các nhà báo thường tìm và nhận ý kiến từ lãnh đạo nam hơn lãnh đạo nữ, xu hướng đổ lỗi cho phụ nữ trong các vụ bạo lực giới...

* Tác giả nêu các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới của báo chí, truyền thông

- Phát huy vai trò của cá nhân nhà báo.

- Tăng cường chất và lượng của tin bài về bình đẳng giới trên báo chí.

- Hoàn thiện hành lang pháp lý để điều chỉnh hành vi, thông tin về bình đẳng giới trên môi trường mạng.

Bài viết chủ yếu sử dụng phương pháp thu thập số liệu, phân tích và nghiên cứu định tính. Kết quả nghiên cứu cho thấy những chuyển biến tích cực cũng như hạn chế về BĐG trên các phương tiện truyền thông. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất những giải pháp góp phần thúc đẩy sự các tin, bài chuyển tải những thông điệp về BĐG.

Đặt vấn đề

BĐG là quan điểm xuyên suốt của Đảng từ khi ra đời đến nay. Ngay từ năm 1930 khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong “Chính cương vắn tắt của Đảng” đã nêu rõ: “Nam nữ bình quyền là một trong những nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam”. Kể từ đó, trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng đều khẳng định nhất quán quan điểm “bình quyền nam nữ”. 

Tại Việt Nam, với vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng, việc ghi nhận BĐG trong các văn kiện của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì từ đó sẽ được thể chế thành các quy phạm pháp luật, những cam kết với quốc tế cũng như được tuyên truyền sâu rộng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật BĐG do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam thực hiện năm 2020 nêu: “Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc thúc đẩy BĐG, chủ yếu nhờ vào cam kết mạnh mẽ của Chính phủ. Việt Nam ký kết nhiều văn kiện quốc tế về BĐG, quyền của phụ nữ và tăng quyền cho phụ nữ, trong đó có Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW)”. Theo báo cáo này, cùng với xây dựng và ban hành các quy định pháp luật, những điều ước về BĐG mà Việt Nam tham gia cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc hình thành khung chính sách pháp lý cho việc thúc đẩy BĐG và quyền phụ nữ. 

Đối với BĐG trong lĩnh vực truyền thông, năm 2014, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đưa ra Bộ Chỉ số về giới trong truyền thông (GSIM). Dựa trên khuôn khổ toàn cầu do UNESCO xây dựng. GSIM là một bộ gồm 6 chỉ số đánh giá trên hai phương diện: 1) BĐG và cân bằng trong các tổ chức truyền thông và 2) phản ánh về giới trong nội dung truyền thông.

Báo chí, truyền thông và vấn đề giới

Có thể thấy, các phương tiện truyền thông đại chúng với tư cách là một thiết chế xã hội giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội: cung cấp thông tin, giải trí và góp phần định hình các giá trị xã hội... Ở nước ta, báo chí là các phương tiện truyền thông đại chúng thiết yếu của tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và là diễn đàn của nhân dân. Trong môi trường số, báo chí có một vị trí đặc biệt bởi đây được xem như thông tin nguồn đáng tin cậy đối với truyền thông, mạng xã hội. Đặc biệt, báo chí có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ và BĐG. Các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông là những biện pháp hàng đầu nhằm thúc đẩy BĐG, đồng thời nếu truyền thông không tốt thì sẽ tạo nên khuôn mẫu giới và bất bình đẳng giới trong xã hội.

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật BÐG cũng đã khẳng định rằng, trong thời gian qua, các cơ quan thông tấn báo chí đã quan tâm thúc đẩy thực hiện BĐG. Truyền thông về BĐG trên các phương tiện truyền thông được đẩy mạnh trong thời gian qua. Hình ảnh người phụ nữ tự tin vươn lên, khẳng định mình trong công việc xuất hiện ngày càng nhiều, bên cạnh là hình ảnh người nam giới chia sẻ công việc gia đình. Tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động văn hóa và tiếp cận thông tin ngày càng cao hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bài, các hình ảnh tiêu cực mang định kiến giới đối với phụ nữ. Trong một số chương trình phát sóng trên truyền hình, tần suất nam giới được chọn làm khách mời nhiều hơn nữ giới. Ở những chương trình quảng cáo, nam giới vẫn luôn được nhìn nhận ở đặc tính nhanh nhẹn, mạnh mẽ và được đánh giá cao ở khả năng sáng tạo hơn khả năng chăm sóc con cái; được gắn với không gian lao động trí tuệ, giải trí có thu nhập cao hơn là không gian gia đình... Có những chương trình phụ nữ xuất hiện với tần suất lớn nhưng luôn ở những vị trí “tề gia nội trợ”, gắn với “bếp núc”, quẩn quanh trong không gian hẹp từ nhà ra chợ, siêu thị.... Xét về góc độ giới thì chính nó lại như ngầm “định vị” chỗ đứng, trách nhiệm của người phụ nữ là gia đình, là chăm lo cơm áo, tề gia nội trợ. Một số hoạt động còn nhấn mạnh thêm các khuôn mẫu về vai trò giới truyền thống của phụ nữ.

Trong Báo cáo tổng quan về BĐG ở Việt Nam năm 2021 do Cơ quan Liên Hợp Quốc về BĐG và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) thực hiện, đưa ra một nghiên cứu về 25 quảng cáo truyền hình được phát sóng trong ba kỳ nghỉ Tết (2013, 2014 và 2015) cho thấy các hình ảnh đại diện chủ đạo của phụ nữ là: (1) nấu ăn cho gia đình; (2) dạy dỗ và người chăm sóc con cái: (3) người chăm sóc các thành viên trong gia đình; (4) phục vụ chồng; (5) là người thực hiện các công việc nội trợ. Ngược lại, những người đàn ông trẻ được miêu tả là chuyên nghiệp, trong trang phục đi làm ngược lại với phụ nữ (ngay cả khi thực hiện cùng một công việc như nấu ăn/làm đầu bếp), và các nhân vật nam là những người duy nhất nhìn thẳng vào máy quay. Những sự mô tả này được coi là góp phần củng cố các chuẩn mực của Nho giáo trong các dịp nghỉ lễ truyền thống.

Cũng theo Báo cáo tổng quan về BĐG ở Việt Nam năm 2021 của UN Women, một nghiên cứu đưa ra trên phân tích 3.429 nguồn truyền thông về lãnh đạo trong năm 2015, nghiên cứu cho thấy phụ nữ làm lãnh đạo ít được mô tả trong đưa tin, bài (thậm chí ít hơn so với tỷ lệ làm lãnh đạo của họ). Các nhà lãnh đạo trong các cơ quan chính phủ là nữ xuất hiện trong 9,1% các bài báo, so với 90,2% về nam. Những nhận xét, bình luận về ngoại hình và sự quan tâm của họ đến gia đình là chủ đề phổ biến trong các câu chuyện về các nhà lãnh đạo nữ, trong khi nam giới được thể hiện là người quyết đoán và có quyền ra quyết định.

Các cuộc phỏng vấn với các nhà báo cho thấy thêm rằng họ tìm kiếm các nhà lãnh đạo nam để cho ý kiến về các vấn đề, vì nam giới được coi là có thẩm quyền và trình độ cao hơn, trong khi phụ nữ thường tỏ ra “cảm tính” trong các câu trả lời. Còn một phân tích về bạo lực trên cơ sở giới được thực hiện trên 100 bài báo từ 4 tờ báo điện tử về chủ đề bạo lực trên cơ sở giới, nhằm bộc lộ quan điểm tiềm thức và đưa ra thông điệp về bao lực. Phân tích đã xác nhận mức độ phổ biến của việc đổ lỗi cho nạn nhân, với các bài báo tập trung vào các trường hợp giật gân và mô tả hành vi của nạn nhân là khiêu khích (ví dụ như ăn mặc hở hang, không cho chồng uống rượu hoặc ngược đãi con cái).

Những dẫn chứng trên cho thấy tầm quan trọng của các cơ quan truyền thông trong việc thúc đẩy việc đăng tải cân bằng về nam và nữ, đồng thời đưa ra những cách đưa tin, bài mới thu hút độc giả mà không cần phải giật gân hay rập khuôn. Với sự gia tăng phổ biến của mạng xã hội tại Việt Nam và ước tính đến tháng 1/2021 có hơn 70 triệu người dùng Facebook, truyền thông trong môi trường số càng trở nên quan trọng trong việc thúc đẩy BĐG tới công chúng.

Vai trò của báo chí, truyền thông với thúc đẩy bình đẳng giới trong môi trường số - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Internet)

Giải pháp thúc đẩy BĐG của báo chí, truyền thông

Để báo chí truyền thông thúc đẩy BĐG tốt hơn trong môi trường số, theo tác giả, cần lưu tâm tới một số giải pháp sau:

Phát huy vai trò của cá nhân nhà báo

Sản phẩm báo chí tuy thuộc về một tập thể nhưng trong từng tác phẩm lại mang dấu ấn cá nhân rất rõ. Để chuyển tải những thông điệp BÐG và hạn chế tối đa những thông điệp ngầm vô hình trung tạo nên định kiến giới, khuôn mẫu giới, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đóng vai trò quan trọng. Khi các nhà báo được trang bị kiến thức về BĐG, có nhạy cảm giới thì trong mỗi tác phẩm báo chí, vấn đề “sạn” giới sẽ được kiểm soát và “nhặt” từ khi hình thành tác phẩm. Không chỉ vậy, thái độ, quan điểm của phóng viên, biên tập viên còn góp phần định hướng đối với truyền thông tới công chúng về BĐG.

Bên cạnh đó, trong đội ngũ những người làm báo, nhiều nhà báo cũng là người dẫn dắt/có ảnh hưởng (KOL) trên mạng xã hội. Những bài viết của họ trên báo chí cùng những phát ngôn của họ trên mạng xã hội sẽ có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Khảo sát được thực hiện tháng 11/2021 bởi Công ty CP GMO-Z.com RUNSYSTEM (Công ty có trụ sở tại Hà Nội, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất phần mềm, cung cấp các giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin) với 505 người tham gia, cho thấy: KOLs (người dẫn dắt/có ảnh hưởng đến dư luận) cho kết quả 30,69% người được hỏi thường xuyên bình luận vào những bài đăng của KOLs; 50,1% người được hỏi cho biết KOLs ảnh hưởng đến sự cố gắng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của họ; 48,51% cho rằng KOLs ảnh hưởng đến họ trong việc buông bỏ suy nghĩ tiêu cực, sống cởi mở, tích cực hơn.

Để đội ngũ làm báo thực hiện tốt hơn vai trò thúc đẩy BĐG, trước hết cần quan tâm bồi dưỡng kiến thức về BÐG trong chính đội ngũ báo chí.

Theo đó, vấn đề giới cần được nghiên cứu đưa vào trong chương trình đào tạo báo chí tại các trường đại học. Trong chương trình cần nêu lên những chủ đề cụ thể như “phụ nữ và tin tức” để qua đó trang bị những kiến thức về BĐG và định kiến giới trong sinh viên. Những kiến thức này sẽ mang lại những hiệu quả lâu dài cho phóng viên, biên tập viên báo chí tương lai. Giới và Truyền thông đại chúng cần được đưa vào Chương trình đào tạo cử nhân các ngành báo chí, truyền thông. Hiện học phần này mới chỉ được giảng dạy tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho sinh viên ngành Giới và Phát triển, và ngành Truyền thông đa phương tiện.

Thực hiện lồng ghép các quy định, hướng dẫn về giảm thiểu định kiến giới trong cẩm nang nghề báo, quy tắc tác nghiệp của các tòa soạn. Một khi trong tòa soạn có Bộ quy tắc về BĐG thì sẽ ít dần những bài viết mang tính đổ lỗi cho nạn nhân với các tít bài như: “Thanh tra kho bạc đánh vợ vỡ tim vì mặc váy ngắn đi ăn cưới”, “Chồng nóng tính, vợ càng phải mềm mỏng”... hay mang nặng định kiến như: “Phụ nữ không có năng khiếu, đừng cố cầm vô lăng”, “Phụ nữ ế không hạ tiêu chuẩn để lấy chồng”. Hoặc nội dung lập luận rằng “vũ khí tuyệt vời để khắc phục sự nóng nảy của người chồng chính là sự ngọt ngào, nhẹ nhàng của người vợ” hoặc những kiểu ví von trong diễn ngôn ở các tin, bài vô tình hạ thấp hình ảnh người phụ nữ như “tàu điện một ray như cô gái đẹp không làm được việc”, “nông sản Việt như cô gái đẹp chỉ ngồi ở nhà chờ người khác”.

Tăng cường chất và lượng của tin, bài về bình đẳng giới trên báo chí

Báo chí bên cạnh thông tin, phản ánh thì còn có vai trò dẫn dắt và định hướng. Trong môi trường số, mỗi tin, bài từ các trang báo thường được nhân bản lên hàng trăm, hàng ngàn tin bài trên các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội. Vì vậy, trong từng tòa soạn, khi bản thân các phóng viên, biên tập viên có kiến thức về BĐG thì nội dung chuyển tải trên các phương tiện truyền thông cũng sẽ từng bước bớt định kiến và tăng BĐG hơn. Qua đó, các hoạt động truyền thông của cơ quan báo chí sẽ có cơ hội lan tỏa rộng rãi trong môi trường số, tác động đến quan điểm, thái độ của cộng đồng dẫn đến kết quả làm thay đổi hành vi và thái độ về BĐG. Các khuôn mẫu giới về những công việc “phù hợp đối với trẻ em trai hay trẻ em gái; phù hợp với nữ giới hay nam giới sẽ giảm đi”.

Sự xuất hiện hình ảnh, chuyển tải thông điệp giữa nam và nữ trong các lĩnh vực sẽ trở nên cân bằng hơn. Ví dụ như tần suất xuất hiện trong các bài báo và bản tin giữa nữ giới và nam giới trên cương vị lãnh đạo sẽ cân bằng hơn không chỉ về số lượng mà còn trên cả các lĩnh vực nhân vật đề cập. Hình ảnh của những nữ lãnh đạo không nhất thiết cứ phải hoàn thành được vai trò kép là trách nhiệm trong gia đình của người phụ nữ truyền thống và công việc lãnh đạo của một phụ nữ hiện đại mới là những phụ nữ lý tưởng.

Tương tự như vậy, hình ảnh, vai trò, vị trí của phụ nữ và nam giới trong các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa giáo dục... cũng trở nên hài hòa hơn. Khi thông tin cân bằng thì sẽ tác động đến nhận thức của công chúng và dần hình thành những chuẩn mực mới trong xã hội. Có những vấn đề thuộc về suy nghĩ, quan điểm thì phải thay đổi từ nhận thức chứ không phải ở những quy định bắt buộc.

Trách nhiệm của truyền thông, mạng xã hội

Việc từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý trên môi trường mạng sẽ là cơ sở để lành mạnh hóa thông tin trên truyền thông, mạng xã hội. Tuy nhiên, để khiến cho những người tham gia thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử thì những phát biểu, hành vi không chuẩn mực trên không gian mạng xã hội cần phải dựa vào chế tài, thông qua luật pháp điều chỉnh. Các trang thông tin điện tử, mạng xã hội có một cộng đồng lớn nên những thông tin tích cực, cổ vũ cho BĐG nếu được đăng tải trên môi trường này sẽ lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng. 

Vì vậy, những nhà quản trị mạng nếu được trang bị kiến thức về BĐG sẽ góp phần quan trọng vào việc lan tỏa những thông tin tích cực về giới. Những thông điệp về giới trên truyền thông xã hội sẽ thúc đẩy sự tham gia chủ động và chung tay hành động của cộng đồng đối với công tác BĐG, thúc đẩy phát triển bền vững./.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2021). Báo cáo công tác báo chí năm 2021 và phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022.

2. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (2018). Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội & Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (2020), Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, NXB Hồng Đức

4. Bộ TT&TT (2014), Bộ chỉ số về giới trong truyền thông. Bộ TT&TT (2022), Báo cáo Sơ kết công tác TT&TT 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

5. Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women, 2021), Báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam. GMO-Z.com RUNSYSTEM (11/2021). Kết quả nghiên cứu Ảnh hưởng của KOLs.

6. Văn kiện Đảng Toàn tập (2002). Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, tập 2, tr2.

7. We Are Social and Hootsuite (2021). Kỹ thuật số 2021: Báo cáo tổng quan toàn cầu.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của báo chí, truyền thông với thúc đẩy bình đẳng giới trong môi trường số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO