Nhật Bản hướng tới một xã hội không tiền mặt với hệ thống trả lương số

Ngọc Diệp| 06/10/2022 18:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị triển khai một hệ thống trả lương kỹ thuật số cho các doanh nghiệp (DN) - mà không cần thông qua tài khoản ngân hàng - vào mùa xuân năm 2023.

Bằng cách thúc đẩy hệ thống này, cho phép các DN trả lương cho người lao động thông qua các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh, chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ giải quyết được các vấn đề phức tạp mà người lao động nước ngoài phải đối mặt tại Nhật Bản, đồng thời mở rộng thị trường dịch vụ tài chính và thúc đẩy tăng trưởng.

Nhật Bản cho phép các DN trả lương qua ứng dụng thanh toán

Nhằm hướng tới một xã hội không tiền mặt, chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ cho phép các DN trả lương vào các tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt.

Các kế hoạch, đã nhận được sự đồng thuận rộng rãi tại cuộc họp của Hội đồng Chính sách Lao động của Bộ Lao động vào ngày 13/9, đi kèm với các điều kiện như đặt giới hạn 1 triệu yên trên số dư của các tài khoản đó. Trọng tâm sẽ là liệu có thể đảm bảo quyền riêng tư và an toàn của hệ thống hay không.

Luật tiêu chuẩn lao động của Nhật Bản quy định người sử dụng lao động phải trả toàn bộ tiền lương bằng tiền mặt. Nhưng các DN được phép trả lương vào tài khoản tại ngân hàng và các tổ chức tài chính khác. Vì vậy, để cho phép các DN thực hiện thanh toán tiền lương kỹ thuật số, Bộ có kế hoạch sửa đổi các sắc lệnh liên quan trước thời điểm cuối tháng 3/2023.

Theo Bộ Lao động Nhật Bản, tính đến cuối tháng 8/2022, có 85 nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền đã được đăng ký tại Nhật Bản. Bộ này sẽ chỉ định các nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền đáp ứng các tiêu chí của mình như là những người được ủy quyền xử lý các khoản thanh toán tiền lương kỹ thuật số từ các DN cho người lao động. Trong số những ứng dụng thanh toán di động, PayPay và Rakuten Pay nổi lên như một sự lựa chọn hàng đầu của người dân Nhật Bản trong vài năm trở lại đây.

Theo kế hoạch của Bộ Lao động, khi các DN thực hiện thanh toán lương kỹ thuật số vượt quá giới hạn 1 triệu yên, phần lương vượt quá số tiền này sẽ phải được trả ngay trong ngày vào tài khoản ngân hàng của người lao động hoặc được chuyển cho họ bằng các phương thức khác mà được chỉ định trước. Mặt khác, người nhận lương theo phương thức này có thể rút tiền mặt miễn phí ít nhất một lần/tháng từ máy ATM.

Các nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền được yêu cầu đảm bảo quỹ trong trường hợp họ phá sản. Trong trường hợp đó, toàn bộ số tiền sẽ được hoàn trả thông qua một tổ chức bảo lãnh tín dụng.

Các DN được yêu cầu phải có được sự đồng thuận của nhân viên trước khi thực hiện thanh toán tiền lương kỹ thuật số. Phương thức trả lương thông thường vào tài khoản ngân hàng vẫn sẽ được duy trì.

Tầm nhìn không tiền mặt ở Nhật Bản

Những lợi ích tiềm năng của việc trả lương kỹ thuật số là đáng kể. Nó làm giảm các khoản phí hành chính liên quan đến các khoản thanh toán theo bảng lương và giúp người lao động nước ngoài, những người thường gặp khó khăn trong việc mở tài khoản ngân hàng. Các DN cũng có thể gián tiếp cung cấp các phúc lợi khác cho nhân viên của mình như hoàn tiền và thưởng điểm khi sử dụng thanh toán bằng mã QR và thanh toán bằng tiền điện tử.

Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát trên 247 công ty được thực hiện bởi Works Human Intelligence, nhà phát triển hàng đầu về hệ thống nhân sự tích hợp cho khách hàng DN, các DN vẫn chưa sẵn sàng áp dụng một hệ thống trả lương kỹ thuật số: chưa đến 30% DN đang cân nhắc hoặc sẽ xem xét triển khai phương thức này. Cuộc khảo sát cho thấy hệ thống và chi phí vận hành cũng như tăng số giờ làm việc của nhân viên là những rào cản chính.

Năm 2018, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản đã công bố "Tầm nhìn không dùng tiền mặt", trong đó đề xuất các giải pháp để Nhật Bản trở thành một xã hội không dùng tiền mặt với mục tiêu tăng giao dịch không dùng tiền mặt lên 40% vào năm 2025 và có thể là 80% trong tương lai. Việc này cũng nhằm giúp giải quyết các vấn đề như thiếu hụt lao động, phục hồi khu vực và cải thiện năng suất.

Nhật Bản hướng tới một xã hội không tiền mặt với hệ thống trả lương kỹ thuật số - Ảnh 1.

Bảng chỉ dẫn các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt có thể được sử dụng tại một cửa hàng tiện lợi ở Tokyo

Hội đồng xúc tiến không dùng tiền mặt cũng được thành lập vào năm 2018 để hỗ trợ sáng kiến này trong các ngành vì một xã hội không dùng tiền mặt. Là một trong những quốc gia hiện đại nhất thế giới, đây là điều kiện thuận lợi cho thanh toán không dùng tiền mặt hay thanh toán điện tử phát triển, nhưng thực tế tại Nhật Bản, thanh toán không dùng tiền mặt vẫn tăng trưởng nhưng lại chậm hơn nhiều so với các quốc gia phát triển khác. Theo lộ trình, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ở Nhật Bản đã tăng từ 13,2% năm 2010 lên 32,5% năm 2021. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp hơn so với các nước châu Á khác: Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore đều có tỷ lệ này cao hơn lần lượt ở mức 93,6%, 83% và 60,4% vào năm 2020.

Mặc dù có động lực rõ ràng đối với thanh toán không dùng tiền mặt nhưng Nhật Bản cũng phải đối mặt với những thách thức quan, bao gồm cả các yếu tố văn hoá. Nhiều người dân Nhật Bản có thể cảm thấy thoải mái hơn khi mang theo tiền mặt trong người. Tuy nhiên, nếu nhìn vào mặt khác của vấn đề, Nhật Bản có dân số già, do đó việc thuyết phục người tiêu dùng ở đây thử các công nghệ mới trở nên khó khăn hơn.

Gần đây, Nhật Bản đã nới lỏng các hạn chế nhập cảnh COVID-19 và mở cửa trở lại đón khách du lịch nhằm kỳ vọng gia tăng những lợi ích kinh tế mà du lịch có thể mang lại. Có những lo ngại rằng việc thiếu các lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt có thể là rào cản đối với chi tiêu của khách du lịch quốc tế. Khách du lịch nước ngoài đã quen với sự tiện lợi của việc thanh toán không dùng tiền mặt, do đó Nhật Bản cần phải đẩy nhanh quá trình này để khai thác các cơ hội kinh tế mang lại./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Nhật Bản hướng tới một xã hội không tiền mặt với hệ thống trả lương số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO