Nhật Bản thành cường quốc công nghệ nhờ giải các "bài toán" trong nước

Du Lam| 30/08/2021 09:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Vì sao Nhật Bản lại có thể trở thành một cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới? Câu trả lời vừa đơn giản, lại vừa phức tạp.

Trước khi tàu cao tốc Hikari No.1, di chuyển từ Tokyo tới Osaka – hai thành phố lớn nhát Nhật Bản – mất gần 7 tiếng. Song, với tốc độ lên tới 210 km/giờ, đoàn tàu cao tốc đầu tiên trên thế giới đã giảm hành trình xuống còn 4 tiếng. Ngày nay, nhờ tiến bộ công nghệ, chuyến đi chỉ còn hơn 2 tiếng và sẽ sớm chỉ còn khoảng 1 tiếng.

Tàu cao tốc, máy tính bỏ túi, máy nghe nhạc Walkman, đèn LED xanh, người máy Android… chỉ là 5 trong số các phát minh nổi tiếng của xứ sở mặt trời mọc. Mọi tiến bộ công nghệ mà Nhật Bản đạt được đều là giải pháp cho một vấn đề nào đó mà quốc gia và dân số đang gặp phải. Nhật Bản là một trong các nước đầu tiên nhận thức được sức mạnh thật sự của công nghệ và tận hưởng các lợi ích của nó. Vì thế, nước này đã đầu tư vào đổi mới công nghệ từ rất sớm. Điều đó biến Nhật Bản trở thành một trong các cường quốc công nghệ hàng đầu với nhiều tên tuổi vang danh thế giới.

Nhật Bản tiến bộ từ khi nào?

Thành tựu của Nhật Bản ngày nay thực tế xuất phát từ năm 1868, thời Minh Trị. Mục tiêu của họ là ngang hàng với bất kỳ nước châu Âu nào về công nghệ. Khi đất nước mở cửa, các ý tưởng mới tràn ngập, là niềm cảm hứng cho mọi người bắt đầu hành trình sáng tạo. Đó chính là khởi nguồn cho sự bùng nổ trong lĩnh vực công nghệ sau này.

Nhật Bản thành cường quốc công nghệ nhờ giải các ‘bài toán’ trong nước - Ảnh 1.

Nhật Bản là quê hương của nhiều phát minh trên thế giới.

Sau Thế chiến II, chủ nghĩa tư bản công nghiệp được Nhà nước bảo trợ tạo ra môi trường bền vững cho các ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Chính phủ đốc thúc, hỗ trợ doanh nghiệp các dự án đổi mới. Lúc này, lĩnh vực công nghiệp là trọng tâm, không chỉ ở sản phẩm cuối mà cả công nghệ, kỹ thuật đằng sau sản phẩm. Máy tính và bán dẫn là một phần quan trọng của cuộc cách mạng điện tử. Do được vay tiền từ Nhà nước với lãi suất vô cùng thấp, công ty hướng đến tăng trưởng thay vì lợi nhuận. Nhật Bản chuyển hướng ưu tiên sang các sản phẩm giá rẻ, không như Mỹ đổ tiền vào hệ thống vũ khí và hàng không. Có thể nói, chính phủ có vai trò rất lớn trong định hướng sản xuất công nghiệp trong nước, thông qua Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế (MITI).

Một yếu tố khác không thể không kể đến chương trình giảng dạy dựa trên STEM trong các trường đại học. Các trường đại học Nhật Bản muốn đào tạo nhiều cử nhân STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) nhất có thể. Những tân cử nhân này đóng góp rất lớn tới công cuộc phát triển của đất nước. Họ luôn chứng minh được năng lực khoa học, toán học trong số 37 nước thành viên OECD. Nguyên nhân dẫn tới thành công ấy là chính phủ duy trì tỉ lệ đáng kể GDP cho giáo dục. So với nước láng giềng Trung Quốc, người Nhật Bản tỏ ra vượt trội hơn cả về giáo dục lẫn sự quen thuộc với công nghệ. 93,3% người dân Nhật dùng công nghệ, trong khi tại Trung Quốc là dưới 53,1%. Nhật Bản cũng sở hữu một vài trường đại học tốt nhất thế giới.

Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc tới vai trò của Mỹ trên hành trình trở thành cường quốc công nghệ của Nhật Bản. Hiệp ước Hợp tác và an ninh tương hỗ được ký năm 1960 giữa chính phủ hai nước mở đường cho hàng hóa Nhật Bản tiến vào thị trường Mỹ. Với vốn đầu tư từ Mỹ, doanh nghiệp Nhật Bản có thể xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp nặng. Nó giúp Nhật Bản ở vào vị trí thuận lợi khi người tiêu dùng Mỹ bắt đầu quan tâm hơn đến thiết bị điện tử.

Thời kỳ đầu, đồ điện tử Nhật Bản rẻ, chất lượng không ổn định, giống với hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, họ không ngừng đổi mới và cải tiến trên các sản phẩm đã có. Chẳng hạn, họ biến máy fax cồng kềnh, chậm chạp trở nên đơn giản, gọn nhẹ và nhanh nhẹn hơn. Rất nhanh chóng, các thương hiệu như Panasonic, Sony, Nintendo trở thành thương hiệu quốc dân nhờ sản phẩm chất lượng cao, đáng tin cậy. Mỹ chấp nhận hàng công nghệ Nhật Bản thúc đẩy kinh tế Nhật Bản ở cả cấp độ vi mô lẫn vĩ mô. Chính phủ Mỹ cung cấp nguồn lực, xóa bỏ các quy định xuất khẩu, nhập khẩu phức tạp đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Tận dụng lợi thế này, doanh nghiệp Nhật Bản đã phát triển nền kinh tế đẳng cấp thế giới trong chính đất nước của mình.

Giải bài toán hạ tầng, nhân lực, biến đổi khí hậu

Nhật Bản thành cường quốc công nghệ nhờ giải các ‘bài toán’ trong nước - Ảnh 2.

Shinkansen giảm thời gian di chuyển giữa các thành phố Nhật Bản.

Tàu cao tốc (shinkansen) đầu tiên trên toàn cầu được xây dựng tại Nhật Bản. Tuyến đường sắt nối Tokyo và Osaka khánh thành năm 1964, giảm đáng kể thời gian di chuyển. Từ đó tới nay, đoàn tàu chuyên chở khoảng 10 tỷ lượt khách và chưa gặp phải bất kỳ tai nạn, va chạm nghiêm trọng nào. Hơn nữa, độ trễ trung bình là 36 giây. Shinkansen không chỉ là biểu tượng nổi bật của sáng tạo công nghệ Nhật Bản mà còn mang đến lợi ích to lớn cho nền kinh tế đất nước. Khi chỉ 20% diện tích Nhật Bản có thể sinh sống được, tàu cao tốc là phương tiện tuyệt vời giúp người lao động sống tại khu vực xa xôi đi lại thuận tiện đến các khu đô thị như Tokyo chỉ mất vài giờ. Ngoài ra, một lợi ích khác là du lịch bùng nổ. Du khách có xu hướng muốn ghé thăm những khu vực chưa phát triển, thúc đẩy kinh tế địa phương.

Vài năm qua, robot trở thành giải pháp “phải có” cho tình trạng thiếu hụt lao động kinh niên của Nhật Bản. Dân số giảm nhanh, ảnh hưởng tới thị trường lao động. Các nghiên cứu cho thấy 49% việc làm trong nước ngày nay có thể tự động hóa. Tự động hóa đã định nghĩa lại sức lao động và phong cách làm việc trong một số ngành, dịch vụ. Dù vài nước lo lắng tự động hóa lao động sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế, với Nhật Bản, đây là điều cần thiết. Nó giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn, năng suất hơn. Chẳng hạn, những công việc sản xuất lặp lại hay bê vác vật liệu nặng tại công trường không còn làm khó nhân viên được nữa nhờ vào các cánh tay robot. Hơn nữa, tự động hóa với robot và AI giúp cải thiện chất lượng sản phẩm, cho phép doanh nghiệp đi trước đối thủ. Sự tiến bộ không ngừng của robot và AI kích thích kinh tế đất nước, tăng thu nhập cho người lao động, tăng sản lượng.

Ngày nay, mọi quốc gia đều phải đối mặt với các vấn đề môi trường nghiêm trọng. Từ trái đất nóng lên, ô nhiễm không khí đến thời tiết cực đoan, tất cả đều ảnh hưởng đến toàn thế giới. Những thách thức mà Nhật Bản gặp phải đã thúc đẩy họ tìm kiếm giải pháp bằng sáng tạo công nghệ. Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên đưa ra quy định và cách tiếp cận nhằm giải quyết các vấn đề môi trường. Để giảm ô nhiễm, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người dân, xe chạy xăng không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải bị cấm lưu thông. Tự động hóa được sử dụng trong sản xuất xe điện, xe hybrid – các loại xe xả thải thấp. Công nghiệp xây dựng với sự giúp sức từ tự động hóa, robot đã cải thiện đáng kể về năng suất. Các hệ thống xây dựng tự động hóa được phát triển tại nhiều doanh nghiệp trong nước nhằm tăng tốc quá trình xây dựng, sẵn sàng đối phó với thảm họa như động đất, sóng thần.

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2021 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, từ 2021 trở đi Bộ TT&TT sẽ công bố những bài toán lớn ra xã hội nhằm kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp chung tay, góp sức cùng đưa ra lời giải. Khẳng định TT&TT sẽ là Ngành tiên phong dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia, dùng công nghệ để giải các bài toán của đất nước nhằm hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc, Bộ trưởng nhấn mạnh: Ngành TT&TT sẽ phát triển trên đôi cánh của sức mạnh tinh thần và công nghệ. Trong đó, báo chí truyền thông là tạo nên khát vọng tinh thần và phần còn lại là do công nghệ, mà chủ yếu là công nghệ số. Từ đôi cánh ấy sẽ góp phần đưa Việt Nam bay lên, đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 khi đất nước tròn 100 năm thành lập./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhật Bản thành cường quốc công nghệ nhờ giải các "bài toán" trong nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO