Nhiều chính sách thiết thực, hiệu quả đã đến được với người có công

Bình Minh| 28/07/2022 09:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Gần 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng, trên 9,2 triệu người có công được hoàn thành xác nhận; 994.626 đối tượng thuộc lĩnh vực người có công khó khăn do dịch bệnh COVID-19 được hỗ trợ khoảng 1.483 tỷ đồng; 98,6% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú... là những thông tin đáng chú ý trong rất nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước đã đến được với thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Nhiều chính sách thiết thực, hiệu quả đã đến được với người có công - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thăm hỏi tặng quà gia đình thương binh Nguyễn Công Túy ở tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Sở TT&TT Phú Thọ.)

Gần 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu chính sách, kể từ khi Sắc lệnh 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/2/1947 "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ" đến nay, những quan điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ đã được Đảng, Nhà nước ta cụ thể hóa thành các chính sách, pháp luật ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng (sau đây gọi là người có công) và hiện tại được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, thực hiện thống nhất trong cả nước. Từ đó, góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp về chính trị, kinh tế xã hội và sự đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân và bản thân người có công với cách mạng, đồng thời, nâng cao nhận thức của toàn xã hội cùng với Nhà nước chăm lo cho người có công với cách mạng, phát huy truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc trong thời kỳ mới.

Sau 75 năm thực hiện, các chính sách, chế độ ưu đãi người có công đã được nghiên cứu bổ sung và điều chỉnh phù hợp với thực tế. Theo đó, các chế độ ưu đãi được thực hiện đa dạng gồm: trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác như: hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, hỗ trợ, cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn kinh doanh hoặc miễn giảm thuế.

Người có công tùy từng đối tượng có các chính sách chăm sóc đặc thù như: Chính sách trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương từ 81% trở lên sống ở gia đình... và được chăm sóc với nhiều hình thức đa dạng như tại gia đình, cơ sở y tế, trung tâm nuôi dưỡng, điều người dưỡng người có công...

Mức chuẩn để xác định mức trợ cấp ưu đãi với người có công năm 2012 là 1.110.000 đồng; từ năm 2019 đến nay mức chuẩn là 1.624.000 đồng (cao hơn mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng). Hiện nay có gần 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tạo cơ sở để thực hiện triển khai chi trả hỗ trợ kịp thời, đầy đủ cho 994.626 đối tượng thuộc lĩnh vực người có công với kinh phí khoảng 1.483 tỷ đồng.

Xác nhận được trên 9,2 triệu người có công

Trong công tác xác nhận, công nhận người có công với cách mạng được triển khai chặt chẽ, công khai, minh bạch, các cơ quan chức năng, huy động trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đến nay, toàn quốc đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công. Trong đó, gần 9.000 người hoạt động cách mạng trước 1/1/1945; 16.500 người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945; gần 1,2 triệu liệt sĩ và gần 500 nghìn thân nhân liệt sĩ; trên 139 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; gần 1.300 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; gần 600 nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; gần 185 nghìn bệnh binh; gần 320 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 1.897.000 người có công giúp đỡ cách mạng; gần 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế...

Theo đánh giá của các chuyên gia, công tác rà soát, giải quyết các hồ sơ tồn đọng đã được chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đúng quy trình, chặt chẽ, bài bản, trong đó từ năm 2016-2021, các cơ quan chức năng đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bằng Tổ quốc ghi công đối với 4.200 liệt sĩ, cấp đổi lại hơn 90.000 bằng Tổ quốc ghi công. Những hồ sơ không đủ điều kiện đã được kết luận và giải thích rõ cho đối tượng, để tránh xảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại.

Đảm bảo người có công được tiếp cận thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất, lẫn tinh thần

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, công tác chăm sóc đời sống gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng cũng được các cơ quan chức năng thực hiện đầy trách nhiệm. Thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, bằng nhiều việc làm đầy trách nhiệm, nghĩa tình.

Nhiều chính sách đến được với người có công, chỉ tiêu mức sống của đối tượng chính sách này có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú (tăng dần từ 98% năm 2017, đến 98,6% vào năm 2021).

Các chính sách về nhà ở, quỹ đền ơn đáp nghĩa khác cũng đến với người có công kịp thời bằng các con số hết sức cụ thể như: Đã thẩm tra 393.707 hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở, cấp ngân sách Trung ương khoảng 10.654 tỷ đồng; vận động khoảng 4.900 tỷ đồng cho Quỹ Đền ơn đáp nghĩa...

Bên cạnh những chính sách "trợ lực" cho đối tượng người có công, thì nhiều ý kiến đều đồng tình đánh giá, với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công đã vợt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập... góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước, ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là các công dân kiểu mẫu, là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo.

Đối với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", nhiều chính sách cũng được các ngành, các cấp và địa phương triển khai đồng bộ. Một số hoạt động đáng chú ý như: Nhà nước đầu tư nâng cấp các trung tâm giám định ADN; các hoạt động điều tra, thu thập thông tin liệt sĩ; xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ. Nhất là quy hoạch, đầu tư, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công ngày càng được chú trọng. Dự kiến giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, mục tiêu hình thành cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; đảm bảo người có công được tiếp cận thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất, lẫn tinh thần...

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định trong những năm tới, tiếp tục: "Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân...". Để phát huy được những kết quả thành tích đạt được trong 75 năm qua, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Nâng cao nhận thức về thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố đảm bảo thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước...

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhiều chính sách thiết thực, hiệu quả đã đến được với người có công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO