Nhiều ĐH tuyển sinh ngành Vi mạch bán dẫn năm 2024, lương SV ra trường gần 220 triệu đồng/năm sau thuế
Đứng trước những tiềm năng nghề nghiệp rộng mở của ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành và chuyên ngành liên quan đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhiều thí sinh và phụ huynh.
Trong năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) thông báo mở ngành đào tạo vi mạch bán dẫn (VMBD) như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội và TP.HCM, ĐH CMC, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội,..
Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành Thiết kế vi mạch (TKVM) trong ngành đào tạo Kỹ thuật Điện tử Viễn thông và ngành Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano được ĐH mở mới năm 2023, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành bán dẫn. Các chương trình này sẽ tập trung vào cung cấp nhân lực chất lượng cao, chuyên gia, trong lĩnh vực TKVM và sản xuất - đóng gói - kiểm tra vi mạch.
Trong khi đó, ĐH Quốc gia Hà Nội đã giao cho trường ĐH Công nghệ triển khai các kế hoạch đào tạo, nghiên cứu khoa học tập trung vào những lĩnh vực có liên quan tới công nghiệp bán dẫn/chip bán dẫn. Trường ĐH Công nghệ đã triển các chương trình đào tạo định hướng về bán dẫn và vi mạch với các chương trình đào tạo như: Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật Máy tính, Công nghệ Kỹ thuật Cơ Điện tử…
Trường ĐH CMC đã mở ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, với TKVM là định hướng đào tạo chính. Trường ĐH này đã thành lập một phòng thí nghiệm TKVM (IC Design lab) với trang thiết bị do hãng Synopsys cung cấp bản quyền nhằm phục vụ quá trình đào tạo.
Tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, chuyên ngành Vi mạch bán dẫn nằm trong ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử, tập trung đào tạo về công nghệ bán dẫn, thiết kế hệ thống VLSI (VLSI design), đồ án thiết kế hệ thống số, thiết kế vi mạch số, TKVM tương tự, cơ sở công nghệ đóng gói và dải mạch,...
Trường ĐH CNTT (ĐH Quốc gia TP.HCM) chính thức tuyển sinh ngành TKVM trong năm 2024 với 150 chỉ tiêu. Ngành TKVM tại trường ĐH CNTT được cải tiến từ ngành Kỹ thuật máy tính cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Cơ hội việc làm ngành vi mạch bán dẫn
Theo ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam, ngành công nghiệp chip bán dẫn có thu nhập hấp dẫn, tăng đều hằng năm. Trong đó, kỹ sư TKVM mới ra trường thu nhập sau thuế gần 220 triệu đồng/năm, với những người làm việc kinh nghiệm lâu năm thu nhập từ 1,3 đến 1,5 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho người học ngành bán dẫn không hề nhỏ. TS. Đặng Minh Tuấn, trưởng khoa Vi điện tử và Viễn thông, trường ĐH CMC cho việc thiếu cơ hội thực tập, ứng dụng kiến thức vào thực tế sẽ gây nhiều khó khăn cho sinh viên khi mới ra trường. Vì vậy, rất cần sự phối hợp của các trường ĐH với doanh nghiệp (DN) khi đào tạo VMBD.
“Đối với trường ĐH, chúng tôi nằm trong hệ sinh thái viện - trường - DN. Các sinh viên (SV) sẽ có cơ hội được thực hành, thực tập tại Viện nghiên cứu Ứng dụng công nghệ CMC ATI và Tập đoàn Công nghệ CMC. Từ đó mở ra cho SV cơ hội được cọ xát với những dự án thực tế tại DN”, TS. Đặng Minh Tuấn cho biết.
Ngành công nghệ bán dẫn bao gồm các lĩnh vực chính như TKVM, sản xuất bán dẫn, kiểm thử và đóng gói. Các SV sau khi tốt nghiệp ngành này có thể làm việc tại các vị trí như kỹ sư sản xuất, kỹ sư kiểm tra và chất lượng, kỹ sư phân tích và mô phỏng, chuyên gia vật liệu bán dẫn,...
Năm 2024, trường ĐH CMC (mã trường CMC) tuyển sinh 1.350 chỉ tiêu cho 8 ngành đào tạo: CNTT, Khoa học Máy tính, Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Quản trị Kinh doanh, Marketing, Ngôn ngữ Hàn Quốc và Ngôn ngữ Nhật với 5 phương thức xét tuyển:
- Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
- Xét tuyển bằng học bạ.
- Xét tuyển kết hợp học bạ với chứng chỉ quốc tế.
- Xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế.
- Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT và theo đề án tuyển sinh của trường ĐH CMC./.