Năm 2024, tuyển sinh đào tạo hơn 1000 nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết hiện đang có ưu tiên cho nhóm nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 01/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024…
Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, tiếp tục thảo luận về: i) Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; ii) Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. iii) Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; iv) Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng; v) Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại phiên thảo luận đã có 45 đại biểu (ĐB) phát biểu, 22 ĐB tranh luận, tập trung vào các nội dung phát triển KT-XH, trong đó có Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia; nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và ban hành các chính sách; cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính; giáo dục đào tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài; chú trọng công tác bảo vệ trẻ em… Bên cạnh đó, các ĐB cũng đưa ra các giải pháp, kiến nghị cụ thể.
Ưu tiên cho nhóm nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn
Phát biểu tại phiên họp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ ý kiến ĐB Quốc hội (ĐBQH) nêu tại phiên thảo luận, trong đó có việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngành GD&ĐT đã nhận thức rõ được trọng trách sứ mệnh của mình trong lĩnh vực này. Nhận chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT đã lên kế hoạch triển khai nhiệm vụ của mình. Hiện nay, cần có 50.000 - 100.000 nhân lực cho ngành bán dẫn, theo đó, có thể chia thành nhiều nhóm chuyên môn với trình độ, yêu cầu khác nhau, hiện đang có ưu tiên cho nhóm nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.
Theo Bộ trưởng, hiện nay có 35 cơ sở giáo dục đào tạo đại học của Việt Nam đang trực tiếp đào tạo lĩnh vực trực tiếp, hoặc gần với ngành này. Các nhân lực ngành công nghệ thông tin, điện tử, điện lạnh thì có thể tiến hành bổ túc, chuyển đổi để bổ sung thành nhân lực ngành bán dẫn. Các trường cũng đã tổ chức mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm thiết kế chương trình, tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Bộ trưởng nêu rõ, Bộ GD&ĐT cũng đã liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu để nắm bắt chính xác con số nhân lực cần thiết cho ngành bán dẫn. Trong năm 2024, sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, và các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7000 học viên. Các con số tuyển sinh sẽ tăng dần theo từng năm để đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành bán dẫn theo đúng kế hoạch đặt ra.
Bộ trưởng đề nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư để có đủ điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành quan trọng này.
Đẩy mạnh thực hiện chương trình CĐS quốc gia
Tham gia ý kiến tại phiên họp, ĐB Lý Thị Lan, Đoàn ĐBQH Hà Giang cho biết Chương trình CĐS quốc gia trong quá trình thực hiện đã tạo ra sự phát triển đột phá về công nghệ số. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư đã được tập trung triển khai với nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của dữ liệu.
Tuy nhiên, theo ĐB Lý Thị Lan, trong quá trình triển khai thực hiện CĐS ở địa phương đang gặp phải nhiều vướng mắc, bất cập, còn nhiều thiếu thốn về vật tư, thiết bị, nhân sự, công nghệ. Với các địa phương vùng sâu, vùng xa, nhiều người chưa có điện thoại di động, khả năng tiếp cận thông tin còn khó khăn.
ĐB cũng cho biết, việc triển khai hệ thống thông tin (HTTT) giữa trung ương và địa phương chưa đồng bộ, còn trùng lặp, dẫn đến trường hợp địa phương phải dừng triển khai để thay thế, nâng cấp, kết nối đồng bộ với trung ương. Có những HTTT dùng chung trong hệ thống chính trị nhưng mỗi nơi sử dụng một phần mềm khác nhau, gây lãng phí, chậm triển khai CĐS.
Để đẩy mạnh, triển khai một cách hiệu quả chương trình CĐS, ĐB Lý Thị Lan đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm từ thể chế, nhân lực số, kết nối các CSDL, quyết liệt triển khai HTTT CSDL quốc gia thống nhất từ trung ương đến địa phương, tích hợp các CSDL chuyên ngành, đảm bảo dữ liệu luôn đúng, đủ, sạch, sống theo thời gian thực.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, ĐB Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, tiến trình CĐS trong nước đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định doanh và xác thực điện tử phục vụ CĐS. Các CSDL về đất đai, tài chính, doanh nghiệp đang dần hoàn thiện, góp phần lớn trong việc đánh giá chính xác tình hình KT-XH của nước ta, điều tiết các chính sách vĩ mô liên quan.
Tuy nhiên, ĐB cũng cho biết, hiện nay tồn tại quá nhiều ứng dụng quản lý được các cơ quan, ban ngành triển khai đến người dân, như: VnID, VssID, Sổ sức khỏe điện tử… Các hình thức triển khai có thể là giới thiệu, khuyến khích, bắt buộc người dân tham gia. Vì mỗi lĩnh vực đều có phần mềm, ứng dụng riêng, nên quá trình tương tác, hướng dẫn ít nhiều gây phiền hà cho người dân, gây tình trạng quá tải phần mềm, ứng dụng. Một số phần mềm, ứng dụng vận hành không tốt, hiệu quả không cao, chỉ cài đặt mang tính số lượng, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân trong cuộc sống.
ĐB đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống kê, rà soát hiện nay có bao nhiêu phần mềm đang được xây dựng, đã được triển khai, có nguồn lực đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước. Cần đánh giá tính hiệu quả, thiết thực của các phần mềm ứng dụng này, đồng thời kiểm soát chặt chẽ để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, chỉ đạo xây dựng một phần mềm, ứng dụng thống nhất có khả năng tích hợp tất cả các nội dung quản lý nhà nước của các ngành, các lĩnh vực để người dân chỉ cần cài đặt một lần, sau đó cập nhật và sử dụng.
Ngoài ra, việc có quá nhiều phần mềm triển khai đến người dân khiến nhiều cơ quan, đơn vị lưu trữ, quản lý, khai thác thông tin công dân như địa chỉ, số điện thoại, nên việc quản lý, bảo mật các thông tin này cần hết sức được quan tâm. ĐB đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ và có các biện pháp cụ thể để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Tăng cường bảo vệ người dân trên không gian mạng
ĐB Trần Thị Thanh Hương, ĐBQH tỉnh An Giang quan tâm đến các giải pháp bảo vệ trẻ em, theo đó Nghị quyết số 121 của Quốc hội đặt ra yêu cầu kiềm chế và kéo giảm từ 5 - 7% các loại tội phạm xâm hại trẻ em, nhưng từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại đều có chiều hướng gia tăng.
ĐB đề xuất Quốc hội và Chính phủ một tăng cường chỉ đạo ưu tiên đảm bảo nguồn lực, chú trọng hơn nữa công tác giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa các tổ chức, nhất là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em được thực hiện một cách đồng bộ, thiết thực và hiệu quả hơn.
Đại biểu cũng đề nghị có giải pháp tăng cường bảo vệ người dân trên không gian mạng, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành chức năng có những biện pháp thiết thực, hiệu quả hơn để ngăn chặn tốt hơn với nạn lừa đảo trên điện thoại, trên Internet, mạng xã hội nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dung.
Xây dựng xã hội số, kinh tế số, Chính phủ số, vượt thoát bẫy thu nhập trung bình
Đóng góp ý kiến về tình hình KT-XH, ĐB Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành tựu lớn trong thời gian qua là nước ta đã chống chịu và vượt qua đại dịch COVID-19, vững vàng trước những biến động toàn cầu, để tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế.
ĐB cho biết, nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế đang được triển khai chậm, chưa mang lại thay đổi đáng kể về cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng, tiến độ xây dựng thể chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế được thực hiện chậm, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển.
ĐB cho rằng, để đạt được những mục tiêu đề ra, cần tham gia tích cực và sâu rộng vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải xây dựng xã hội số, kinh tế số, Chính phủ số, vượt thoát bẫy thu nhập trung bình và bẫy nợ công, thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ, thoát khỏi mô hình chủ yếu xuất khẩu tài nguyên, lao động gia công giá rẻ.
ĐB cho rằng, trong khi đang nỗ lực đồng hành với thế giới trong cuộc cách mạng số, nhiều nội dung trong thể chế, hạ tầng, nhân lực nước ta vẫn còn chưa đạt được tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật của nền công nghệ 2.0, 3.0. Chúng ta vẫn chưa có thể chế, hạ tầng nhân lực cơ bản của một quốc gia công nghiệp hóa.
ĐB cho rằng, cần quyết liệt “thanh toán những món nợ” về thể chế, hạ tầng, nhân lực của các giai đoạn phát triển trước mà chúng ta còn thiếu, việc này cũng quan trọng không kém các nỗ lực số hóa nền kinh tế./.