Nhiều điểm mới trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV

04/03/2016 02:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã và đang được triển khai khẩn trương ở Trung ương và các địa phương.



Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Trả lời các cơ quan thông tấn báo chí ngày 3/3, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha nhận định so với các cuộc bầu cử trước, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 có nhiều điểm mới.

Cụ thể, quy định về Hội đồng Bầu cử quốc gia với 6 nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó hai nhiệm vụ hàng đầu là tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Quyền bầu cử đối với một số đối tượng đặc biệt cũng được quy định theo hướng dân chủ hơn. Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri (Luật Bầu cử năm 2011 quy định người đang bị tạm giam thì không được ghi tên vào danh sách cử tri)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Những quy định mới nêu trên đã giúp việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức bầu cử được thuận tiện, đồng bộ đúng luật.

Theo ông Nguyễn Văn Pha, hiện đang trong giai đoạn các cơ quan, tổ chức đơn vị qua Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất tiến hành giới thiệu người đại diện của cơ quan, tổ chức đơn vị mình ra ứng cử. Theo báo cáo nhanh của các địa phương cho thấy, các hoạt động đang được triển khai tốt. Chỉ có điểm vướng là thực tế rất phong phú nhưng Luật chưa thể điều chỉnh hết được. Điều này đòi hỏi các ngành, các cấp cần vận dụng sáng tạo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trên tinh thần dân chủ, khách quan, bình đẳng để phối hợp tổ chức tốt cuộc bầu cử.

Người tự ứng cử muốn lấy hồ sơ ứng cử có thể thực hiện bằng hai cách: trên website của Hội đồng Bầu cử Quốc gia hoặc đến Sở Nội vụ nơi thường trực của Ủy ban bầu cử các cấp tỉnh. Việc có được bộ hồ sơ ứng cử là việc hết sức bình thường. Điều quan trọng là người tự ứng cử nên cân nhắc, đối chiếu với những tiêu chuẩn của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định để xem mình có đủ điều kiện để ra ứng cử hay không.

Bảo đảm chất lượng đại biểu Quốc hội

Ông Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh việc đảm bảo chất lượng đại biểu Quốc hội phải được đặt lên hàng đầu trên cơ sở đảm bảo cơ cấu được phân bổ. Để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách là 114 đại biểu, tăng 15 người. Đây cũng là lộ trình để tăng dần tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách trong các nhiệm kỳ tiếp theo - có thể tăng dần đến 50% để trong số 500 đại biểu sẽ có đến 250 đại biểu Quốc hội chuyên trách. Vấn đề nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, nhằm xây dựng bộ máy Quốc hội mạnh, đủ tầm trí tuệ bàn việc nước, việc dân, đủ nhanh nhạy quyết đáp những việc hệ trọng của quốc gia.

Đối với một số ý kiến cho rằng số lượng đại biểu khối hành pháp trong Quốc hội vẫn nhiều (18 người), ông Nguyễn Văn Pha cho rằng đó là hợp lý vì 18 người trong khối Chính phủ, có 3 người trong khối các cơ quan báo chí, 5 người trong thường trực Chính phủ, còn 9 người trong 30 bộ, ngành. Hoạt động của Quốc hội Việt Nam chưa phải là chuyên trách 100% quá trình làm luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, vì vậy, nếu không có những người cơ quan hành pháp thì Quốc hội sẽ không có đủ thông tin để xây dựng luật sát thực tiễn.

Bên cạnh đó, trong quá trình quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, các đại biểu khối hành pháp có thể cung cấp thông tin từ điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành. Việc có khối hành pháp một cách hợp lý trong Quốc hội là cần thiết. Việc giảm các đại biểu khối hành pháp có thể giảm ở địa phương, như Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Giám đốc các Sở để tránh tối đa việc các đại biểu này bỏ công việc của địa phương cả tháng trời để họp Quốc hội.

Giám sát chặt chẽ việc vận động bầu cử

Đối với việc vận động bầu cử, ông Nguyễn Văn Pha nêu rõ việc này phải theo quy định của pháp luật về bầu cử. Theo quy định, chỉ có hai hình thức vận động bầu cử là qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng chính thống. Với hình thức vận động qua Hội nghị tiếp xúc cử tri, mỗi người ứng cử được dành thời lượng trình bày chương trình vận động bầu cử tương đương nhau.

Người ứng cử không được hứa những thứ không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình hoặc không thể làm được, không được dụ dỗ, cưỡng ép, mua chuộc cử tri... Việc vận động bầu cử qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng phải bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa những người ứng cử. Không có câu chuyện ai hơn ai trong vận động bầu cử.

Có thể trong cùng một đơn vị bầu cử có thể trùng giữa người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử Hội đồng nhân dân, ưu tiên cho người ứng cử đại biểu Quốc hội được nói nhiều hơn, vì người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đôi khi là người sản xuất giỏi ở cơ sở dưới thôn, sẽ rất yếu thế hơn lãnh đạo cấp cao. Tuy nhiên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có hướng dẫn để mọi người ứng cử đề bình đẳng như nhau - người dân bình thường cũng như Bộ trưởng.

Việc đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng phải bảo đảm bình đẳng, không ưu tiên Trung ương hay cấp tỉnh rồi coi nhẹ cấp địa phương. Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân không có quy định về nội dung này nhưng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khuyến khích theo kinh nghiệm của Thành phố Đà Nẵng trong nhiệm kỳ khóa XIII đã yêu cầu những người ứng cử đại biểu Quốc hội sau khi trúng cử phải nộp chương trình vận động bầu cử để theo dõi cả nhiệm kỳ có thực hiện hay không. Nếu các đại biểu Quốc hội làm được điều này rất đáng hoan nghênh bởi việc này xác định được ý thức trách nhiệm của đại biểu, tăng quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thay mặt cử tri và nhân dân giám sát đại biểu

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã có các quy định trong việc vận động bầu cử không được dùng tiền bạc vật chất hay những phương tiện khác để dụ dỗ cưỡng ép mua chuộc cử tri... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể sẽ giám sát chặt chẽ việc này, ông Nguyễn Văn Pha khẳng định.

Bình đẳng giữa người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử

Ông Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh việc bầu cử được tiến hành rất dân chủ. Quá trình bầu cử người tự ứng cử sau khi đã đầy đủ điều kiện cũng bình đẳng như những người được giới thiệu ứng cử, không có sự phân biệt. Qua quá trình giới thiệu, các địa phương phải giới thiệu ít nhất là số người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử tối thiểu gấp đôi đại biểu được bầu để đến Hiệp thương lần thứ 3 sẽ lựa chọn được đủ số dư là 2 người. Trong lựa chọn số đông như vậy, người tự ứng cử sẽ không phải vì không có cơ cấu mà bị loại ra.

Ông Pha khuyến nghị đối với người tự ứng cử cần thực sự nghiêm túc chứ không nên để thử xem dân chủ như thế nào, làm mất thời gian của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền. Vấn đề là người tự ứng cử phải xác định có đủ tiêu chuẩn theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và trúng cử có đủ điều kiện làm như mình đã hứa hay không.

Ngoài ra, Nghị quyết số 1134/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ''quy định chi tiết, hướng dẫn về việc tổ chức Hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầy cử bổ sung'' đã có quy định về Hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú, với đối tượng tham gia là những người dân quen biết người về người giới thiệu ứng cử. Nơi cư trú rất nhiều người tự ứng cử trượt vì bản thân người đó không gương mẫu tại nơi mình sinh sống. Việc ý kiến cử tri nơi cư trú không phải là cuộc bầu cử, chỉ là nơi thể hiện sự tín nhiệm thôi.

Theo quan niệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khi người tự ứng cử không gương mẫu, không được tín nhiệm ở nơi cư trú thì không thể đại diện cho cử tri cả nước, của tỉnh được, vì vậy Mặt trận sẽ không thể đưa vào danh sách chính thức. Vì vậy, những người tự ứng cử phải hết sức nghiêm túc nếu cảm thấy mình đủ tiêu chuẩn hãy ứng cử chứ đừng làm theo phép thử để mất thời gian cả hai phía, ông Pha nêu ý kiến./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Nhiều điểm mới trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO