Chuyển đổi số

Nhiều thách thức và giải pháp tiếp cận tài chính xanh tại Việt Nam

NK 19:48 29/05/2024

Theo các chuyên gia, dù nhu cầu với nguồn tài chính xanh là rất lớn, nhưng các doanh nghiệp (DN) Việt cũng đứng trước nhiều thách thức như mức độ nhận thức còn hạn chế, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao...

Nhu cầu của DN Việt với nguồn vốn xanh là rất lớn

Chia sẻ tại phiên hội thảo 2 với chủ đề “Tài chính xanh cho phát triển bền vững" trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á (2024 Vietnam - Asia DX Summit 2024) diễn ra ngày 29/5/2024, bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Ban Chính sách sản phẩm bán buôn, Khối Ngân hàng bán buôn Ngân hàng BIDV cho biết, nhu cầu của Việt Nam đối với các nguồn vốn xanh là rất lớn, nhất là trong bối cảnh nước ta đang chịu nhiều biến động bởi biến đổi khí hậu như nước biển dâng, sụt lún, xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước và hoang mạc hóa…

“Vì vậy, huy động tài chính xanh đang là một trong số các nỗ lực của Việt Nam để thích ứng với biến đổi khí hậu”, bà Huyền cho biết thêm.

z5486850924971_df34d8960dacf964ef963492dc6ee290.jpg
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền: Nhu cầu của Việt Nam đối với các nguồn vốn xanh là rất lớn, nhất là trong bối cảnh nước ta đang chịu nhiều biến động bởi biến đổi khí hậu.

Dù vậy, DN Việt Nam lại đang đứng trước không ít thách thức trong chuyển đổi xanh và bền vững. Đầu tiên, đến từ các quy định xanh ngày càng chặt chẽ của thị trường quốc tế, khi mà một số chính sách liên quan của thị trường EU đã có hiệu lực.

Tiếp theo, đến các quy định mới của Việt Nam về môi trường và xã hội như nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn cấp ngành như đo đạc, kiểm kê, quản lý chất thải, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) cũng sẽ làm tăng gánh nặng chi phí sản xuất kinh doanh để tuân thủ chính sách.

Thách thức thứ ba đến từ việc thiếu nguồn cung tài chính, bởi vì các dự án xanh/bền vững đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian dài với những yêu cầu về hiệu quả tài chính, yêu cầu khắt khe về tiêu chí xanh của dự án, trong khi nguồn vốn chủ yếu đến từ nguồn lực của các ngân hàng thương mại.

Cuối cùng, đó là những khó khăn về năng lực thực hành do thiếu dữ liệu, quy định rõ ràng và nhiều DN chưa thiết lập Kế hoạch ESG cụ thể.

Từ đó, bà Huyền đã đưa ra khuyến nghị cho DN Việt Nam trong lộ trình chuyển đổi hướng tới mục tiêu bền vững: Hiểu rõ và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh; Xây dựng chiến lược và mục tiêu rõ ràng trong phát triển bền vững; Hoàn thiện, minh bạch mô hình tổ chức và hệ thống quản trị ESG; Tăng cường sự minh bạch, báo cáo và công bố thông tin; Đổi mới công nghệ; Hợp tác và tìm kiếm hỗ trợ từ đối tác, tổ chức bên ngoài; Đào tạo và nâng cao nhận thức; Xây dựng mối quan hệ với cộng đồng, các bên liên quan.

Đánh giá về khả năng tiếp cận nguồn tài chính xanh của DN nhỏ và vừa (SME), theo ông Nguyễn Như Hiếu, Giám đốc các dự án fintech - Công ty cổ phần MISA/JETPAY, tài chính xanh tại Việt Nam hiện đang tập trung ở các tổ chức tín dụng lớn, mà chưa có nhiều tổ chức tín dụng nhỏ quan tâm đến danh mục cho vay này.

Chưa kể, các SME còn đang đứng trước không ít rào cản trong triển khai khoản vay xanh tại Việt Nam do: Các quy định, định nghĩa về danh mục, ngành lĩnh vực xanh chưa thống nhất gây khó khăn trong việc đánh giá, giám sát; Cơ chế, chính sách chưa thực sự hỗ trợ phát triển tín dụng xanh; Nhận thức và hiểu biết về đầu tư xanh còn hạn chế; Rủi ro cho ngân hàng khi các dự án xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao.

z5486849471535_f41b2a2baabf122c72e0388df7ec6e92.jpg
Ông Nguyễn Như Hiếu: Các SME còn đang đứng trước không ít rào cản trong triển khai khoản vay xanh tại Việt Nam.

Cần khuyến khích đổi mới và khởi nghiệp xanh

Để góp phần mở rộng tín dụng xanh cho SME, ông Hiếu cho biết, Nền tảng vay vốn MISA Lending đã triển khai chương trình “Tín dụng xanh” với bộ quy trình gồm 4 bước, bao gồm: Sàng lọc, truyền thông chương trình tới các DN xanh; Kết hợp với các đối tác triển khai các gói vay được may đo riêng; DN xanh trải qua quy trình vay vốn được thiết kế riêng; Đánh giá tác động, hiệu quả. Nhờ đó, 115 DN vay vốn xanh thành công với tổng giá trị giải ngân đạt 400 tỷ đồng.

Chương trình đã có những tác động tích cực tới môi trường và nền kinh tế như gia tăng nhu cầu cho sản phẩm xanh thúc đẩy tăng trưởng bền vững, thúc đẩy thêm các hoạt động cho vay, hoạt động tăng trưởng…

“MISA sẽ tiếp tục cam kết đồng hành cùng các đối tác ngân hàng triển khai các giải pháp tài chính cho lĩnh vực xanh hay các dự án do phụ nữ làm chủ để góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế”, ông Hiếu khẳng định.

z5486849477000_9192fbf51b6047fbae8e429043a89a43.jpg
Toàn cảnh phiên hội thảo 2 với chủ đề “Tài chính xanh cho phát triển bền vững".

Từ thực tiễn, bà Huyền đã chia sẻ về các nguồn tài chính xanh tại BIDV, hiện tại, đơn vị này đang có danh mục sản phẩm tài chính xanh đa dạng, như tín dụng xanh, huy động vốn xanh, tài trợ thương mại xanh. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các định chế tài chính đa phương, định chế tài chính thương mại, cơ quan chính phủ, tiên phong về sản phẩm dịch vụ tài chính bền vững để dẫn vốn hiệu quả cho các dự án xanh tại Việt Nam.

“BIDV tiên phong thực thi các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, sẵn sàng đồng hành với cộng đồng DN. Cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các khách hàng DN có thể tiếp cận với các sản phẩm, nguồn vốn tài chính bền vững, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp để DN hiểu rõ về lợi ích và tiềm năng của việc chuyển dịch hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững”, bà Huyền chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, đại diện BIDV cũng đưa ra một số khuyến nghị với chính phủ/ngân hàng nhà nước đối với: Khung pháp lý và chính sách; Triển khai ưu đãi tài chính; Tăng cường hợp tác quốc tế; Phát triển hạ tầng kỹ thuật và công nghệ; Xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá; Khuyến khích đổi mới và khởi nghiệp xanh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhiều thách thức và giải pháp tiếp cận tài chính xanh tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO