Truyền thông

Để lĩnh vực tài chính xanh của Việt Nam bắt nhịp cùng thế giới

P.V 08:24 18/10/2023

Tài chính xanh đang trở thành một xu hướng lớn trên toàn thế giới với sự tham gia của nhiều tổ chức tài chính quốc tế. Tại Việt Nam, thị trường tài chính xanh đang ngày càng phát triển nhanh chóng, bắt nhịp cùng thế giới.

Những bước chuyển mình quan trọng

Tài chính xanh được hiểu là những khoản tín dụng mà ngân hàng cung cấp cho các dự án không gây rủi ro hoặc gắn với bảo vệ môi trường như dự án bền vững với môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp như năng lượng tái tạo, vận tải…

Hiện nay, các ngân hàng tích cực "xanh hóa" dòng vốn đầu tư, phát triển các nguồn lực tài chính vào các lĩnh vực xanh, hạn chế tối đa nguồn vốn vào những dự án gây ảnh hưởng tới môi trường, thúc đẩy khách hàng vay vốn với mục đích sử dụng dự án thân thiện môi trường.

dmhl8529.jpeg
Hiện nay, cả nước có 39/129 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ xanh, đạt hơn 500.524 tỷ đồng.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện có 39/129 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ xanh, đạt hơn 500.524 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,2% dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Dư nợ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (chiếm tỷ trọng 46,7%) và nông nghiệp xanh (chiếm tỷ trọng hơn 31%). Giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng xanh bình quân đạt gần 23%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Giới chuyên gia đánh giá, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, các cơ chế, chính sách đang dần hoàn thiện với từng loại công cụ như trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, cũng như tín dụng xanh. Môi trường pháp lý hiện nay đang tương đối mở với các sản phẩm tài chính xanh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế.

Một số doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu thu hút được nguồn vốn trái phiếu xanh trên thị trường quốc tế, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu mới, bền vững cho nông và lâm nghiệp Việt Nam trong tương lai, hay như việc các tổ chức tín dụng Việt Nam đã chủ động để tiếp cận các nguồn vốn quốc tế cho tín dụng xanh, ban hành các quy định nội bộ về khung tín dụng xanh…

Dữ liệu do Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu khí hậu (CBI) và Ngân hàng HSBC công bố hồi giữa năm 2022 cho thấy, thị trường vốn nợ bền vững tại 6 nền kinh tế lớn nhất khối ASEAN, bao gồm Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong năm 2021. Phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh ở Việt Nam trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng. Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.

Tăng cường hỗ trợ phát triển tín dụng xanh

Quá trình phát triển tín dụng xanh tại nước ta hiện nay vẫn còn một số rào cản. Các quy định, khái niệm, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành lĩnh vực xanh vẫn chưa được thống nhất để có thể áp dụng chung trên cả nước, đã gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

csm_maeching_adobestock_300325308_3bb18b8ed3.jpeg
Tài chính xanh đang trở thành một xu hướng lớn trên toàn thế giới với sự tham gia của nhiều tổ chức tài chính quốc tế.

Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh chủ yếu là nguồn vốn trung và dài hạn, thời gian hoàn vốn lâu, trong khi nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng phần lớn là vốn ngắn hạn.

Nhận thức và năng lực của các tổ chức tín dụng trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế; thiếu đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên sâu, bài bản trong thẩm định, đánh giá và quản lí rủi ro môi trường cũng như báo cáo thông tin trong hoạt động cấp tín dụng, phát hành trái phiếu theo thông lệ quốc tế.

Để xử lý các điểm nghẽn trên, theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới sẽ hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với các mục tiêu tăng trưởng xanh; hoàn thiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi số như hạ tầng số, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển bền vững; đào tạo để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương về ngân hàng xanh, tín dụng xanh và cán bộ thực hiện nghiệp vụ tín dụng xanh của ngân hàng thương mại.

Ngân hàng Nhà nước cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế như tham gia các diễn đàn về tài chính xanh, ngân hàng xanh để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực xây dựng, hoạch định và triển khai chính sách tín dụng xanh, tài chính xanh.

Cùng với đó, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chứng khoán xanh, tín dụng xanh để các chủ thể nhất quán áp dụng, phát triển hạ tầng công nghệ, dữ liệu, thị trường thứ cấp và kể cả phái sinh cho những sản phẩm xanh này về lâu dài.

Để bắt nhịp với xu hướng của thế giới, Việt Nam cần tích cực tham gia các tiêu chuẩn trái phiếu xanh, xã hội, bền vững ASEAN (AGBS; ASBS, ASUS); hướng dẫn về trái phiếu bền vững của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA). Một số thương vụ phát hành trái phiếu xanh trên thị trường quốc tế đến từ các Tập đoàn lớn trong nước như Vinpearl (thuộc Tập đoàn Vingroup), BIM Land, EVNFinance.

Theo Ngân hàng HSBC Việt Nam, việc phát hành trái phiếu xanh, xã hội, bền vững tại thị trường Việt Nam có thể là một điểm cộng cho Việt Nam thu hút các nhà đầu tư quốc tế vốn có sự quan tâm đến phát triển bền vững.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Để lĩnh vực tài chính xanh của Việt Nam bắt nhịp cùng thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO