Truyền thông

Những “đại thụ” của đồng bào dân tộc ở Tuyên Quang

Ghi chép: Thanh Tùng 28/11/2024 13:58

Những "cây đại thụ" ở bản làng Tuyên Quang là cái tên trìu mến mà người dân thường đặt cho những người có uy tín trong cộng đồng.

Từ nhiều năm nay, người có uy tín (NCUT) là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ là những cây “đại thụ” lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Bằng uy tín của bản thân, NCUT đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.

Giúp đồng bào vững tin vào Đảng, chính quyền

Tết đến Xuân về, không khí rộn ràng bao trùm khắp các bản, làng vùng cao Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Trong câu chuyện vui về sự đổi thay của bản làng, người dân nơi đây còn bày tỏ niềm tự hào về ông Nông Quý Thọ, NCUT dân tộc Dao, thôn Bản Ba 2, xã Trung Hà. Ông được bà con ví như “ngọn đuốc” sáng soi đường chỉ lối cho dân bản thoát khỏi đói nghèo, đến với cuộc sống ấm no và tốt đẹp.

z6077212467224_af1b162feb463b6674ddc47d3907868f.jpg
Ông Nông Quý Thọ tiên phong trồng cam, chanh phát triển kinh tế.

Trong căn nhà gỗ nằm nép mình dưới chân núi, ông Thọ nhấp chén trà đặc, chậm rãi kể cho chúng tôi về chuyện lập làng, xóa đói nghèo của đồng bào Bản Ba 2.

Ông Thọ chia sẻ: “Hơn chục năm về trước, khi ấy thôn Bản Ba (cũ) là nơi sinh sống của 26 hộ gia đình đồng bào dân tộc Dao. Để xây dựng Nhà máy thủy điện, những người dân đã phải di dời về vùng đất mới và đặt tên thôn mới là Bản Ba 2. Nhưng về vùng đất mới, điều kiện canh tác có phần khó khăn hơn, nhiều gia đình muốn bỏ thôn, bản đi đến nơi khác sinh sống”.

Nắm bắt được nguy cơ này, ông Thọ cùng đảng viên trong thôn ra sức khuyên ngăn, tập hợp bà con tìm cách vượt qua khó khăn. Nhận thấy vùng đất mới có đất rừng, đất đồi và ruộng, nhưng bà con chưa biết khai thác để tạo ra sinh kế, ông Thọ cùng cán bộ xã, thôn đi đến từng nhà để tìm hiểu nguyện vọng của bà con rồi tạo điều kiện cho bà con đi học các lớp nông nghiệp ngắn hạn.

“Ở vùng này có núi Cham Chu bao bọc nên mùa Đông vẫn có thể trồng ngô, cây hoa màu..., tôi đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 2.500 m2 ngô vụ Đông và nuôi 4 con trâu. Ngay vụ đầu tiên tôi đã thành công” - ông Thọ nói.

Với mục tiêu “không để đất trống, túi rỗng”, sau khi có được thành công ở vụ Đông, người dân thôn Bản Ba 2 cũng lần lượt làm theo ông Thọ. Giờ đây, tại thôn Bản Ba 2, vụ Đông cũng đã trở thành thu nhập chính của nhiều gia đình.

Ông Thọ bộc bạch: “NCUT không phải là người lãnh đạo, chỉ đạo mà là người vận động, chinh phục trái tim của Nhân dân. Cốt lõi là muốn nói dân nghe thì phải làm cho dân tin cô ạ!”.

Đúng như lời ông nói, ở Bản Ba 2 gia đình ông Thọ là một tấm gương sáng trong lao động sản xuất vươn lên làm giàu.

Bà Ma Thị Lỷ, thôn Bản Ba 2 cho biết: “Tôi học theo ông Thọ trồng cam, đến nay đã có 600 gốc cam 8 năm tuổi, ước tính mỗi năm thu hoạch được 15 - 20 tấn cam, lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng/năm”.

Bằng những nỗ lực của ông Thọ, giờ đây, cuộc sống người dân Bản Ba 2 đã có sự thay đổi rõ rệt. Người dân có thêm những mô hình kinh tế mới, phát triển bền vững. Thu nhập bình quân đầu người trong bản đạt 50 triệu đồng/năm.

Điểm tựa của đồng bào

Đến thôn Bờ Hồ, xã Kháng Nhật (Sơn Dương), người dân đã quen thuộc với hình bóng người “vác tù và hàng tổng” là bà Hoàng Thị Uyên. Bà Uyên được người dân bầu làm NCUT từ năm 2014. Năm 2018, bà được bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ.

z6077212005189_43172c7ff3714843b6996b62b6695d8c.jpg
Bà Hoàng Thị Uyên (đứng giữa) tự nguyện hiến 354 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa.

Bí thư Đảng ủy xã Kháng Nhật Trần Viết Hướng chia sẻ: “Những năm gần đây, nhờ triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đời sống của đại bộ phận đồng bào ở Bờ Hồ đã có nhiều chuyển biến tích cực”. Đến nay, đường giao thông nội thôn cơ bản đã được bê tông hóa, số hộ nghèo của thôn chỉ còn 9% không còn hộ đói. Chỉ vào con đường bê tông sạch sẽ, nhà văn hóa thôn, rồi tuyến đường thắp sáng đều nhờ bà Uyên vận động bà con hiến đất, góp tiền, ngày công xây dựng.

Trong đó, bà Uyên đã nêu gương tự nguyện hiến 354 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa. Noi theo bà Uyên, người dân trong thôn đã đóng góp gần 200 triệu đồng. Đến cuối năm 2020, nhà văn hóa thôn đã xây dựng xong, khang trang, sạch đẹp và đưa vào sử dụng, Nhân dân ai cũng phấn khởi.

Bà Uyên trải lòng: “Tuy khó nhưng mình gương mẫu trước Nhân dân, cố gắng động viên, giúp đỡ thì Nhân dân sẽ đồng thuận và làm theo”.

Sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, bà Uyên đã cùng với tập thể chi bộ vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp như: trồng rừng, chè, nuôi trâu, bò sinh sản... Thấy Nhân dân chưa yên tâm, bản thân bà và các đảng viên trong chi bộ gương mẫu làm trước, sau đó vận động người dân làm theo. Vừa làm mẫu, vừa đến từng hộ vận động người dân, cầm tay chỉ việc. Bà Uyên còn thành lập 3 tổ sản xuất kinh tế, để giúp đỡ nhau trong sản xuất, đặc biệt là các hộ gia đình khó khăn. Từ một xóm nghèo vươn lên, đến nay thu nhập bình quân đầu người thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm.

Bền bỉ lưu giữ giá trị văn hóa

Tết Ất Tỵ năm 2025, ông Lục Văn Bảy, dân tộc Sán Dìu, NCUT ở xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã 70 tuổi. Dù tuổi ngày càng cao nhưng ông Bảy vẫn vẫn miệt mài sưu tầm, truyền dạy nghệ thuật dân gian độc đáo của cha ông cho thế hệ trẻ. Với ông, tình yêu và lòng đam mê câu hát Soọng Cô là niềm tự hào vô bờ bến và cũng là trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.

Ông Bảy chia sẻ, từ thuở nhỏ, những lời ru của bà, của mẹ bằng làn điệu dân ca của dân tộc đã ngấm sâu vào tâm hồn ông. Năm 12 tuổi, ông theo các anh, chị trong làng đến các thôn, bản hát giao duyên.

Sau này, khi thấy người biết nói tiếng dân tộc và hát Soọng Cô thưa dần, mặc dù bận rất nhiều công việc, nhưng ông đã dành thời gian sưu tầm, ghi chép lại các bài hát. Đến nay, ông đã sưu tầm được trên 200 bài hát Soọng Cô. Để mọi người có thể hiểu và hát được các bài hát Soọng Cô, ông đã tỉ mỉ ghi chép lại những bài hát, văn hoá của dân tộc từ chữ Hán cổ rồi dịch sang tiếng Sán Dìu, tiếng Kinh. Tất cả đều được ông cất giữ cẩn thận, là tài liệu quý để ông dạy lại cho các con, các cháu.

z6077212876032_c9916b0dc1e5c013c1bbecf27368a5b0.jpg
Nghệ nhân Ưu tú, người có uy tín Lục Văn Bảy, xã Ninh Lai (Sơn Dương) trao truyền hát Soọng Cô cho thế hệ trẻ.

Năm 2004, ông Bảy viết đơn lên xã xin thành lập Câu lạc bộ hát Soọng Cô ngay tại địa phương và được Chính quyền xã chấp thuận. Tham gia Câu lạc bộ, các thành viên được dạy hát Soọng Cô, dạy đọc chữ, viết chữ của tổ tiên. Đặc biệt, luôn chú trọng đến việc phát triển hội viên mới. Đến nay, Câu lạc bộ đã có trên 100 hội viên, trong đó, người nhiều tuổi nhất là 80 tuổi, người nhỏ tuổi nhất chỉ mới 8 tuổi.

Dẫn chúng tôi đến thăm CLB hát Soọng Cô, ông Bảy tự hào nói: Từ ngày thành lập CLB, thôn xóm nơi đây thêm rộn ràng, náo nức hơn. Việc học tiếng nói tiếng Sán Dìu và hát Soọng Cô là cách làm hiệu quả để bản sắc văn hóa dân tộc không bị mai một; nuôi dưỡng trong thế hệ trẻ tình yêu với những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Từ đó, các em sẽ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống hàng ngày.

Tóc bạc trắng nhưng Nghệ nhân Ưu tú Lục Văn Bảy vẫn say sưa, tâm huyết truyền dạy hát Soọng Cô cho thế hệ trẻ. Với ông, đó luôn là niềm vui, là động lực để ông cùng các thành viên trong CLB tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu trong cộng đồng, để những câu hát Soọng Cô sẽ còn vang mãi.

Ông Thọ, ông Bảy, bà Uyên là 3 trong 1.343 NCUT trong đồng bào DTTS tỉnh Tuyên Quang đã và đang phát huy vai trò trên nhiều lĩnh vực, Có thể nói, trong sự phát triển của vùng đồng bào DTTS tỉnh Tuyên Quang hôm nay, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự vươn lên của mỗi người dân còn có sự đóng góp quan trọng của những NCUT. Họ đã trở thành những “điểm tựa” của bản làng, là những “cây đa, cây đề”, là chỗ dựa vững chắc trong lòng dân bản vùng đồng bào DTTS./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những “đại thụ” của đồng bào dân tộc ở Tuyên Quang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO