Truyền thông

Những động lực chính cho tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam

T.H 14/12/2023 11:40

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng tưởng kinh tế ổn định nhất khu vực Đông Nam Á. Kinh tế tăng trưởng ổn định trong thời gian dài sẽ tạo đà và lực cho phục hồi thuận lợi hơn.

Tăng trưởng kinh tế với những kết quả khả quan

Năm 2023, Việt Nam đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế rất đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng GDP trong 9 tháng năm 2023 đạt 4,24% và có xu hướng tăng dần theo thời gian, Quý III đạt 5,33%, cao nhất so với Quý I và II (tương ứng đạt 3,3% và 4,1%), cao hơn mức đạt được của Trung Quốc (Quý III là 5,2%), Hàn Quốc (Quý III chỉ đạt 1,4%). Với đà tăng trưởng như vậy, dự báo cả năm tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 5,8% năm 2023 (theo ADB dự báo tháng 9/2023), cao nhất khu vực Đông Nam Á (Philipines: 5,7%; Indonesia: 5,0%; Malaysia: 4,5%; Thái Lan: 3,5%...).

Để có được thành quả đó, phải khẳng định, ngành Nông-Lâm-Thủy sản luôn đóng vai trò “cứu cánh” đáng tin cậy trong mọi khó khăn. Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm (VA) trong 9 tháng đạt tới 3,43%, cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011 đến nay và đóng góp 9,16% tăng trưởng chung, cao hơn mức kế hoạch đặt ra đối với ngành Nông nghiệp năm 2023 (3%).

nganh-nong-nghiep-xuat-sieu-17-ty-usd-trong-quy-i2023-20230330094821-1680231862.png
Ngành Nông nghiệp xuất siêu trong Quý I/2023, (Ảnh: Internet)

Trong bối cảnh khó khăn, ngoài việc cố gắng đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể, kinh tế Việt Nam tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Có được kết quả trên, thể hiện sự nỗ lực lớn của Chính phủ, Quốc hội trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ. Trong đó phải kể đến việc chỉ đạo giảm liên tiếp 04 lần lãi suất điều hành, chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; cùng với đó là tập trung chỉ đạo xử lý các ngân hàng yếu kém, các dự án, doanh nghiệp thua lỗ đã kéo dài nhiều năm; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những vấn đề phức tạp phát sinh.

Kinh tế tăng trưởng ổn định trong thời gian dài tạo đà và lực cho phục hồi thuận lợi hơn. Vị thế chính trị và thương mại của Việt Nam ngày càng được quốc tế chú trọng hơn (nâng cấp quan hệ quốc gia với Mỹ, một số FTA mới phát huy hiệu lực). Nhà nước chú trọng hỗ trợ phục hồi kinh tế, một số chính sách hỗ trợ đã được Quốc hội đồng ý kéo dài sang năm 2024. Theo một số chuyên gia dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6%.

Cùng với việc đổi mới công nghệ, chuyển đổi năng lượng và những thay đổi trong chiến lược địa chính trị đã tạo ra những cơ hội lịch sử để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế, thâm nhập các thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, và tăng giá trị của hàng xuất khẩu. Khả năng tận dụng những cơ hội này của Việt Nam sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng duy trì tăng trưởng năng suất ở mức thu nhập cao hơn - nói cách khác là tránh bẫy thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số thị trường yếu tố sản xuất hoạt động còn bất cập như: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động trầm lắng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, có 51 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 123 nghìn tỷ đồng, số lượng này giảm 60,4% so với cùng kỳ năm 2022; Thị trường bất động sản có cơ cấu hàng chưa phù hợp; Thị trường điện căn bản đủ, nhưng thiếu nguồn cung cục bộ theo vùng vào mùa khô, việc phát triển nguồn điện “sạch” như điện gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều... còn chậm.

Khu vực “kinh tế trong nước” vẫn chưa mạnh để hướng ra thị trường quốc tế nhiều hơn, giảm 2,8 điểm % (9 năm); Cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch theo hướng hiện đại; Tăng trưởng kinh tế tuy cao nhưng chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng trưởng cần thực hiện dựa trên 4 điểm chính đó là: tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam; sự bứt phá của hoạt động du lịch; đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.

Đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế mới

Việt Nam là quốc gia nhận thức sớm về các mô hình kinh tế mới. Và rất nhanh chóng, Việt Nam đã có chủ trương với các mục tiêu, các chiến lược phát triển trong trung hạn và dài hạn. Cụ thể: Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ; Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam; Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Đặc biệt là Chủ trương, chính sách của Việt Nam trong phát triển khoa học và công nghệ cao với những nội dung chính: Lấy công nghệ cao là động lực cho tăng trưởng và phát triển, coi việc phát triển công nghệ cao là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là quốc sách hàng đầu; Khoa học công nghệ là ngành thuộc diện được hưởng ưu đãi đầu tư cao nhất (ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư), được ưu đãi cao nhất về các khoản phải nộp, được hỗ trợ thêm về hạ tầng, về đào tạo, tín dụng; Tăng cường các hoạt động ngoại giao cấp cao tới các nước có nền khoa học hiện đại; các Bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Để kinh tế tăng trưởng và phát triển ổn định trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Việt Nam cần: Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung nhiều hơn cho các động lực tăng trưởng kinh tế; Thúc đẩy tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh; Tiếp tục "sự nghiệp" phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; Tăng cường hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh; Thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ…

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những động lực chính cho tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO