Chuyển đổi số

Bất bình đẳng số có thể làm trầm trọng bất bình đẳng về xã hội và kinh tế

Trường Thanh 08/12/2023 14:04

Công nghệ số được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày để tạo nên một xã hội số. Khi xã hội số (XHS) ngày càng phát triển thì càng xuất hiện các nguy cơ xã hội, thách thức việc bảo đảm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bao trùm và bền vững trong kỷ nguyên số.

Sáng ngày 8/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam, Tiểu ban UNESCO về KHXH phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy phát triển bao trùm trong xã hội số”.

dsc_7585.jpg
Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo khoa học “Thúc đẩy phát triển bao trùm trong xã hội số” sáng ngày 8/12.

Tham dự Hội thảo có: TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng Tiểu ban KHXH; ông Hoàng Hữu Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Phó Tổng thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện các cơ quan quản lý, đại diện các Tiểu ban UNESCO, các tổ chức quốc tế, cùng đại diện lãnh đạo và chuyên gia của các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và tiến bộ công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH). Công nghệ số đang dần được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày để tạo nên một xã hội số. Khi xã hội số ngày càng phát triển thì càng xuất hiện các nguy cơ xã hội thách thức việc bảo đảm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bao trùm và bền vững trong kỷ nguyên số.

Trong bối cảnh đó, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Tiểu ban UNESCO về KHXH phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy phát triển bao trùm trong xã hội số”.

Hiện thực hóa quá trình thúc đẩy phát triển bao trùm trong chuyển đổi số (CĐS), XHS vào phát triển KT-XH

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhấn mạnh, thế giới đang bước vào kỷ nguyên đầy biến động và thay đổi nhanh chóng, quá trình CĐS diễn ra mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu rộng đến quá trình phát triển của mọi quốc gia trên thế giới. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để Việt Nam vươn lên, thực hiện mục tiêu đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển vào năm 2045.

dsc_7562.jpg
TS. Đặng Xuân Thanh: Việt Nam cần bảo đảm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bao trùm và bền vững, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong kỷ nguyên số hiện nay.

Để thực hiện được mục tiêu đó, Việt Nam cần xây dựng mô hình phát triển phù hợp với xu thế phát triển của CMCN 4.0. Dưới những tác động của của cuộc cách mạng khoa học công nghệ này, Việt Nam cần bảo đảm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bao trùm và bền vững, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong kỷ nguyên số hiện nay.

“Từ góc nhìn của nghiên cứu và tư vấn chính sách, việc đưa ra những chính sách nhằm hiện thực hóa quá trình thúc đẩy phát triển bao trùm trong CĐS, XHS vào phát triển KT-XH là điều rất quan trọng. Chính vì vậy, với vai trò là cơ quan nghiên cứu hàng đầu về KHXH và nhân văn, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều nghiên cứu về phát triển bao trùm cùng những định hướng nghiên cứu về quá trình CĐS, hướng tới XHS”, TS. Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh.

TS. Đặng Xuân Thanh cho biết, tiếp nối các hoạt động khoa học hợp tác với UNESCO, hôm nay, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Tiểu ban KH-XH phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy phát triển bao trùm trong xã hội số” để tìm hiểu, đánh giá các vấn đề KT-XH phát sinh trong quá trình CĐS và hình thành XHS. Từ đó rút ra các hàm ý cho Việt Nam trong việc đề ra các chính sách phát triển công nghệ có lợi cho con người, xây dựng chính sách bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, phân chia của cải công bằng và hạn chế tác động tiêu cực của công nghệ trong XHS".

dsc_7558.jpg
Toàn cảnh Hội thảo.

Đặt con người vào trung tâm của nền kinh tế số (KTS)

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Đặt con người vào trung tâm của một nền KTS nhờ vào tiến trình thúc đẩy XHS được coi là đích tới thành công của quá trình CĐS bao trùm ở mọi quốc gia. Mục tiêu này được đặt ra với Việt Nam trong bối cảnh bất bình đẳng ngày càng gia tăng.

dsc_7590.jpg
TS. Nguyễn Thị Thu Phương: Đặt con người vào trung tâm của một nền KTS nhờ vào tiến trình thúc đẩy XHS được coi là đích tới thành công của quá trình CĐS bao trùm ở mọi quốc gia.

Để đặt con người vào trung tâm CĐS - theo định hướng bao trùm - cần đảm bảo 03 đặc điểm then chốt về sự tham gia, sự thụ hưởng và sự an toàn cho người dân khi tham gia trong không gian mạng và trong XHS.

“Chính phủ cần tăng cường 02 nhóm giải pháp: nhóm chính sách giúp tạo dựng nền KTS (enable the digital eonomy) và nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro bất bình đẳng số giữa các nhóm dân cư (mitigate the digital divide) thông qua chiến lược phát triển năng lực tự học và đẩy mạnh an sinh xã hội thích ứng”, TS. Nguyễn Thị Thu Phương đề nghị.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Phương, CĐS tạo ra sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa thế giới thực và thế giới số, với 03 cấp độ trên thực tiễn là: số hoá thông tin, số hoá quy trình và CĐS. Khi thiếu những giải pháp bổ trợ, quá trình này luôn tiềm ẩn rủi ro về sự minh bạch, sự tham gia, sự cạnh tranh.

“Thông tin được chia sẻ rộng rãi hơn nhưng không đi đôi với tính giải trình của bộ máy, thiếu minh bạch trong quản trị. Tự động hoá gia tăng hiệu quả nhưng lại không đi đôi với tăng cường kỹ năng số của lao động trong doanh nghiệp (DN), kỹ năng số của người dân trong tiếp cận dịch vụ công, và lợi thế gia tăng nhờ quy mô nhưng lại không tăng tính cạnh tranh và động lực đổi mới sáng tạo”, TS. Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ.

TS. Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, sự bùng nổ CĐS ở Việt Nam đã diễn ra với việc vượt bậc trong sử dụng Internet và các dịch vụ dựa trên nền tảng Internet của chính phủ, DN và người dân, từ đó đưa đến các tác động biến đổi trong hoạt động kinh tế và đời sống của toàn bộ các nhóm dân cư.

Việt Nam đã thành điểm sáng khi nỗ lực vận hành mạng 5G, không chỉ thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng Internet mà còn tạo thay đổi đời sống KTS, XHS của người dân. Theo đó sự tồn tại các nền tảng số hoá không những thu hút đầu tư nước ngoài, tạo động lực gia tăng năng suất trong sản xuất, tạo thêm tăng trưởng ở khu vực sản xuất và tiêu dùng, mà còn ở khu vực công.

Việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến cũng có những biến đổi giúp chất lượng dịch vụ tăng cao, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ, từ đó tăng cơ hội giáo dục, cơ hội việc làm cho tất cả các nhóm dân cư đặc biệt giúp ích cho các nhóm dễ bị tổn thương.

Bất bình đẳng số có thể làm trầm trọng các bất bình đẳng về xã hội và kinh tế hiện có

Với tham luận “Công nghệ và bình đẳng: Kiến tạo công bằng xã hội trong XHS”, TS. Hoàng Vũ Linh Chi, Viện Xã hội học cho rằng, bất bình đẳng số có thể làm trầm trọng các bất bình đẳng về xã hội và kinh tế hiện có, vì những người không có quyền truy cập, hoặc kỹ năng đầy đủ ngày càng bị tụt hậu trong thế giới đang nhanh chóng chuyển đổi sang số hóa của mọi khía cạnh cuộc sống.

dsc_7586.jpg
TS. Hoàng Vũ Linh Chi: Bất bình đẳng số có thể làm trầm trọng các bất bình đẳng về xã hội và kinh tế hiện có, vì những người không có quyền truy cập, hoặc kỹ năng đầy đủ ngày càng bị tụt hậu trong thế giới đang nhanh chóng chuyển đổi sang số hóa của mọi khía cạnh cuộc sống.

Lợi ích của công nghệ đối với bình đẳng xã hội trong quản trị công là công nghệ cho phép các chính phủ thu thập, phân tích và giải thích lượng lớn dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả phương diện truyền thông xã hội. Điều này giúp nắm bắt được phạm vi quan điểm rộng hơn, đảm bảo các quyết định xem xét nhu cầu riêng biệt của các nhóm xã hội khác nhau.

Cụ thể, công nghệ giúp quản trị thông tin hiệu quả và lấy cộng đồng/con người làm trong tâm; Cải thiện chất lượng và phạm vi cung cấp dịch vụ công; Kích hoạt tính minh bạch.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì tác động tiêu cực của công nghệ đến bình đẳng xã hội trong quản trị công là: Khoảng cách số, các vấn đề về quyền riêng tư và giám sát, thành kiến trong công nghệ…./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bất bình đẳng số có thể làm trầm trọng bất bình đẳng về xã hội và kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO