Đời sống xã hội

Những lần ngư dân được cứu nạn kịp thời trên biển

Ngọc Anh 26/12/2023 14:56

Trong năm 2023, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã cứu và hỗ trợ được 859 người (839 người Việt Nam, 20 người nước ngoài). Trong đó, riêng ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, tổng số người đã được Trung tâm cứu, hỗ trợ là 273 người, tổng số tàu được cứu và hỗ trợ là 9 tàu.

Tàu SAR thực hiện nhiệm vụ lai dắt tàu bị nạn vào bờ.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam, từ ngày 1/1/2023 đến ngày 12/12/2023, Trung tâm đã trực tiếp tổ chức tìm kiếm cứu nạn; chủ trì, tham gia, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Tổng số thông tin báo nạn thu nhận được là 270 vụ việc, trong đó: báo nạn thật: 241 vụ, chiếm 89,25%; báo nạn giả: 29 vụ, chiếm 10,75%; số lượt điều động phương tiện SAR hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển: 36 lượt điều động.

Tổng số người được cứu và hỗ trợ là 859 người (839 người Việt Nam, 20 người nước ngoài). So với cùng kỳ năm 2022, tổng số vụ việc báo nạn thật tăng 10,5%, tổng số lượt điều động tàu SAR của Trung tâm đi tìm kiếm cứu nạn trên biển giảm 21,7%.

Về hoạt động xử lý thông tin báo nạn tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, tổng số thông tin báo nạn thu nhận là 34 vụ, số lượt điều động phương tiện Trung tâm là 6 lượt. Tổng số người được cứu, hỗ trợ là 273 người, tổng số tàu được cứu và hỗ trợ là 9 tàu.

Dưới đây là những chuyến cứu nạn, cứu hộ gần đây nhất mà Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải Việt Nam đã thực hiện.

Đảo Cù Lao Chàm bị cô lập, tàu SAR 274 kịp thời triển khai cứu nạn đưa 2 bệnh nhân mắc trọng bệnh về đất liền kịp thời

Hồi 17h30 ngày 24/12/2023, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Trung tâm) nhận được thông tin khẩn cấp từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam: Bệnh xá quân dân y Tân Hiệp trên đảo Cù Lao Chàm hiện đang tiếp nhận 2 bệnh nhân tên Trần Văn Cử (sinh năm 1964) và ông Trần Văn Thu (sinh năm 1970) cùng trú tại thôn Bãi Ông xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đang gặp phải các triệu chứng niêm mạc nhợt nhạt, chân tay lạnh, bụng đau dữ dội, nôn, đại tiện ra máu.

Bệnh nhân đảo Cù Lao Chàm được cấp cứu trên tàu SAR.

Các y bác sỹ của bệnh xá chẩn đoán hai bệnh nhân bị xuất huyết đường tiêu hóa, mất máu nhiều chuyển biến nặng nếu không được tiếp cận y tế chuyên khoa kịp thời có thể dẫn đến tử vong nhưng bệnh xá không đủ điều kiện để điều trị.

Đảo Cù Lao Chàm vào thời điểm đó đang bị cô lập do thời tiết khắc nghiệt với gió cấp 7 giật cấp 8, sóng cao 3-4 mét, trời mưa tầm nhìn hạn chế, không có phương tiện có đủ khả năng tiếp cận đảo, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam khẩn thiết yêu cầu Trung tâm có biện pháp hỗ trợ y tế và khẩn cấp đưa bệnh nhân về bờ để cứu chữa.

Trước tình trạng bệnh nguy kịch, đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân Trần Văn Cử và Trần Văn Thu, Trung tâm đã lập tức phối hợp với Trung tâm cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng để cử ê kíp bác sỹ chuyên khoa cùng trang thiết bị đi cùng tàu SAR 274 để thực hiện nhiệm vụ cứu nạn cho bệnh nhân trên đảo Cù Lao Chàm.

Bằng tốc độ, hành trình nhanh nhất, vượt qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lúc 20h20 cùng ngày, tàu SAR 274 đã tiếp cận được đảo Cù Lao Chàm, với sự hỗ trợ của các lực lượng Bộ đội biên phòng, quân y, dân quân đã đưa hai bệnh nhân từ bệnh xá lên tàu SAR 274 để cấp cứu tại chỗ và đưa về bờ cứu chữa.

Hai bệnh nhân được đưa lên tàu SAR 274 trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa, đau bụng dữ dội, niêm mạc nhợt nhạt, chân tay lạnh. Bệnh nhân được các y bác sỹ Trung tâm cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng tận tình cấp cứu trên hành trình đưa về bờ.

Đến 22h04 ngày 24/12/2023, tàu SAR 274 đã đưa cả hai bệnh nhân về đến Đà Nẵng an toàn và bàn giao cho cơ chức năng theo quy định. Nhờ được tiếp cận y tế chuyên khoa kịp thời, các bệnh nhân bước đầu đã vượt qua được cơn nguy kịch, tính mạng được bảo toàn và được bàn giao cho cơ quan chức năng theo quy định. Trung tâm Cấp cứu thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận và chuyển nạn nhân vào bệnh viện địa phương để tiếp tục điều trị.

Cứu nạn tàu cá 39 ngư dân Quảng Ngãi trôi dạt trên khu vực giữa biển Đông

Vào hồi 3h ngày 21/11/2023, tàu cá QNg 90251 TS cùng 39 ngư dân bất ngờ bị hỏng máy, nước tràn vào tàu phần mũi tại vị trí cách Đông Nam mũi Đà Nẵng 275 hải lý (khu vực vùng biển giữa Hoàng Sa và Trường Sa). Thời tiết tại hiện trường có gió Đông Bắc cấp 6,7 giật cấp 8, sóng cao trên 3 mét, biển động.

Cứu nạn tàu cá có 39 ngư dân Quảng Ngãi.

Toàn bộ ngư dân trên tàu đã cố gắng sửa chữa nhưng không khắc phục được sự cố, thuyền trưởng gửi đề nghị cứu nạn khẩn cấp tới Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Trung tâm).

Nhận được thông tin, Trung tâm đã tiến hành phát thông báo hàng hải khẩn cấp, huy động các phương tiện trong khu vực hỗ trợ tàu bị nạn, đồng thời hướng dẫn ngư dân trên tàu thực hiện các biện pháp an toàn, chuẩn bị phao cứu sinh và tư vấn kiểm tra khắc phục sự cố.

Đến rạng sáng ngày 21/11/2023, khu vực tàu bị nạn không có tàu thuyền hỗ trợ; thời tiết chuyển biến xấu, tiềm ẩn nguy cơ chìm phương tiện; các thuyền viên mệt mỏi, hoảng loạn sau nhiều giờ chống chọi với thời tiết xấu, lương thực, nước ngọt trên tàu đã cạn kiệt.

Để đảm bảo an toàn hàng hải và tính mạng của 39 ngư dân trên tàu QNg 90251 TS, Trung tâm đã điều động tàu SAR 412 thường trực tại Đà Nẵng khẩn trương xuất phát, hành trình xuyên đêm vượt sóng to gió lớn thực hiện nhiệm vụ cứu nạn thuyền viên tàu QNg 90251 TS.

Đến 23h21 ngày 21/11/2023, tàu SAR 412 đã tiếp cận được tàu QNg 90251 TS triển khai cứu nạn, tiếp tế thực phẩm, nước ngọt và hỗ trợ sửa chữa tàu.

Vị trí tàu bị nạn cách xa bờ trong điều kiện thời tiết phức tạp, do đó lực lượng cứu nạn thực hiện quy trình nghiệp vụ khép kín, triển khai khẩn trương, kịp thời, hiệu quả, toàn bộ hoạt động tại hiện trường được chỉ huy, điều hành trực tiếp từ Sở Chỉ huy Trung tâm qua hệ thống truyền hình trực tuyến vệ tinh VSAT.

Do thời tiết tại khu vực tàu bị nạn diễn biến ngày càng xấu, để đảm bảo an toàn tính mạng cho 39 thuyền viên trên tàu bị nạn, lực lượng cứu nạn đã tiến hành hỗ trợ đưa tàu QNg 90251 TS cùng 39 ngư dân trên tàu về bờ.

Kịp thời cứu sống thuyền viên tàu Quảng Ngãi bị đột quỵ trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa

Hồi 19h ngày 29/10/2023, tàu cá QNg 98308 TS đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa tại vị trí 15º52’N – 113º12’E (cách đảo Bombay, quần đảo Hoàng Sa khoảng 40 hải lý về phía Đông), thuyền viên Nguyễn Văn Chì bất ngờ bị choáng váng, không cử động được và bất tỉnh.

Tàu SAR 412 lập tức rời cầu thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, trong ảnh là ngư dân đã được đưa lên tàu SAR 412.

Nhận thấy tình hình nguy hiểm của thuyền viên Chì, Thuyền trưởng Huỳnh Văn Định đã liên lạc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam yêu cầu được hỗ trợ khẩn cấp.

Nhận thông tin báo nạn từ tàu QNg 98308 TS lúc 6h30 ngày 30/10/2023, Trung tâm đã yêu cầu tàu lập tức ngưng hành nghề, chuyển hướng hành trình về đất liền, đồng thời phối hợp thông tin với Trung tâm cấp cứu 115 của Thành phố Đà Nẵng để tư vấn y tế cho tàu.

Qua quá trình tư vấn y tế, các y bác sỹ chẩn đoán thuyền viên Chì bị đột quỵ não, tiên lượng nặng, do vậy nạn nhân cần phải được được khẩn trương cấp cứu, nếu chậm trễ có thể xuất huyết não dẫn đến tử vong.

Trước tình trạng nguy kịch của thuyền viên Chì, tàu QNg 98308 TS đang ở quá xa đất liền, tốc độ di chuyển chậm do điều kiện thời tiết bất lợi, lúc 14h30 cùng ngày, Trung tâm đã điều động tàu SAR 412 lập tức rời cầu thực hiện nhiệm vụ cứu nạn thuyền viên tàu QNg 98308 TS. Để kịp thời xử lý ca bệnh nghiêm trọng, Trung tâm đã yêu cầu Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Đà Nẵng cử ê kíp y tế cùng trang thiết bị đi theo tàu SAR 412 để thực hiện nhiệm vụ.

Bằng tốc độ hành trình nhanh nhất, lúc 1h15 ngày 31/10/2023, lực lượng cứu nạn hàng hải đã tiếp cận được tàu QNg 98308 TS, đội ngũ y bác sỹ cùng nhân viên cứu nạn lên tàu QNg 98308 TS thực hiện cấp cứu nạn nhân tại chỗ. Tình trạng bệnh nhân lúc này đã mất ý thức, liệt nửa người và được các y bác sỹ thực hiện cấp cứu để ổn định tình trạng.

Thuyền viên bị nạn nhanh chóng được chuyển lên tàu SAR 412 để được chăm sóc y tế và khẩn trương đưa về đất liền điều trị. Đến 12h ngày 31/10/2023, bệnh nhân Nguyễn Văn Chì của tàu QNg 98308 TS đã được đưa về đến Đà Nẵng an toàn và bàn giao cho cơ quan chức năng, Trung tâm cấp cứu thành phố Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân và đưa vào bệnh viện để điều trị.

Với sự quyết tâm, nỗ lực của lực lượng tìm kiếm cứu nạn và sự tận tình cứu chữa của đội ngũ y bác sỹ, bệnh nhân bước đầu đã vượt qua cơn nguy kịch, bảo toàn được tính mạng .

Đó chỉ là 3 trong số rất nhiều chuyến tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm trong năm 2023. Nhờ đó rất nhiều ngư dân, tàu thuyền của ngư dân đã được cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng./.

Bài liên quan
  • Tìm kiếm cứu nạn, những chiến công thầm lặng
    Không đao to búa lớn, mỗi tuần, mỗi tháng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH vẫn lặng thầm làm công việc cứu giúp người dân bị nạn. Như dưới đây là những chuyện rất mới, vừa xảy ra trong hơn 1 tháng qua.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Những lần ngư dân được cứu nạn kịp thời trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO