Chuyển động ICT

Nikkei: Công ty công nghệ Việt với chiến lược đầu tư TTDL ra thị trường quốc tế

Gia Bách 13/12/2024 08:05

Bài viết trên nhật báo Nikkei nhấn mạnh vào kế hoạch đầu tư 500 triệu USD của CMC nhằm mở rộng mạng lưới trung tâm dữ liệu và hạ tầng công nghệ tại Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, thể hiện tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn ra thị trường quốc tế của CMC.

Nhật báo kinh tế hàng đầu Nhật Bản, Nikkei, vừa đăng tải bài viết về CMC do nhà báo Koji Nozawa, Biên tập viên cao cấp của tờ báo, thực hiện.

anh-1(1).jpg
Nhật báo kinh tế số 1 Nhật Bản Nikkei đăng bài viết về chiến lược của CMC phát triển TTDL ra thị trường quốc tế.

Theo Nikkei, CMC- Tập đoàn CNTT hàng đầu tại Việt Nam, công bố kế hoạch đầu tư 500 triệu USD (khoảng 75 tỷ yên) vào các dự án hạ tầng viễn thông trong 5 năm tới, bao gồm việc mở rộng hệ thống TTDL. Theo đó, CMC sẽ nâng dung lượng TTDL tại Việt Nam lên gấp 10 lần và dành ngân sách tối đa 100 triệu USD để mở rộng sự hiện diện tại thị trường Nhật Bản. CMC hướng tới việc khai thác nhu cầu ngày càng tăng về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) từ các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản.

Tại Việt Nam, CMC hiện đang vận hành ba TTDL tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, tập đoàn dự kiến tăng công suất điện của hệ thống từ mức 10 MW hiện nay lên tối đa 100 MW vào năm 2028. Bên cạnh đó, CMC sẽ xây dựng các TTDL quy mô nhỏ hơn tại Nhật Bản để phục vụ khách hàng địa phương.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC, cho biết tập đoàn dự kiến sử dụng khoảng một nửa trong tổng số 500 triệu USD đầu tư ngay trong năm đầu tiên. Về kế hoạch mở rộng tại Nhật Bản, CMC đang cân nhắc giữa việc xây dựng cơ sở riêng hoặc thuê cơ sở có sẵn. Nếu xây dựng cơ sở riêng, khoản đầu tư sẽ dao động ở mức 100 triệu USD, trong khi lựa chọn thuê cơ sở sẽ tiết kiệm hơn với chi phí khoảng 50 triệu USD.

CMC hiện đã vận hành các TTDL tại một số quốc gia Đông Nam Á và đang lên kế hoạch mở rộng sang các thị trường chiến lược khác, bên cạnh Nhật Bản có Mỹ và châu Âu, trong đó Đức và Anh là những lựa chọn tiềm năng. Song song với việc phát triển TTDL, CMC cũng tập trung đầu tư vào các giải pháp điện toán đám mây và an ninh mạng nhằm nâng cao năng lực hạ tầng số toàn diện.

anh-man-hinh-2024-12-12-luc-18.54.52.png

Theo báo cáo, doanh thu năm 2023 của CMC đạt 319 triệu USD, với lợi nhuận EBITDA đạt 38 triệu USD. Trong kế hoạch 5 năm (2024-2028), CMC đặt mục tiêu nâng doanh thu lên mức 1 tỷ USD và tăng số lượng nhân sự từ hơn 5.000 hiện tại lên trên 10.000 người.

Thị trường Nhật Bản, với nhu cầu mạnh mẽ về TTDL và phát triển phần mềm AI, được xem là một trong những trụ cột tăng trưởng quan trọng của CMC. Ông Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh: “Nhật Bản là thị trường chiến lược trong kế hoạch mở rộng toàn cầu của chúng tôi. CMC đặt mục tiêu đạt doanh thu 200-250 triệu USD từ thị trường này, chiếm khoảng một nửa tổng doanh thu quốc tế vào năm 2028.”

anh-2(1).jpg
Nhà báo Koji Nozawa, Biên tập viên cao cấp báo Nikkei phỏng vấn Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính tại sự kiện CMC AI.X Tokyo, Nhật Bản, ngày 18/9/2024

Mới đây, CMC đã khai trương văn phòng thứ ba tại Nhật Bản nhằm đẩy mạnh cung cấp dịch vụ cho các DN Nhật. Tập đoàn hiện có khoảng 1.000 nhân sự phục vụ thị trường này, bao gồm 100 người làm việc trực tiếp tại Nhật. Đến năm 2028, con số này dự kiến sẽ tăng lên 5.000 người, trong đó khoảng 1.000 nhân sự sẽ làm việc tại Nhật.

Trước tác động của căng thẳng Mỹ - Trung, nhiều DN công nghệ Nhật Bản đang thực hiện chiến lược giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, với kế hoạch chuyển 20.000 nhân sự trong tổng số 50.000 nhân sự hiện có ra khỏi quốc gia này. Ông Nguyễn Trung Chính nhận định: “Đây là cơ hội lớn cho CMC. Nếu có thể tiếp nhận 10-20% trong số này, chúng tôi sẽ đạt được bước tiến đáng kể trong chiến lược mở rộng quy mô nhân sự quốc tế.”

Việt Nam, với vị thế trung lập trong các vấn đề ngoại giao, đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các khoản đầu tư từ các tập đoàn toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất và nhân lực khỏi Trung Quốc. Trong xu thế đó, CMC đang nỗ lực bám đuổi tập đoàn FPT – công ty dẫn đầu ngành IT tại Việt Nam - để mở rộng thị phần và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Thành lập từ năm 1993, CMC đã ghi dấu ấn với sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhiều dự án phát triển phần mềm thành công với các DN Nhật Bản. Năm 2010, tập đoàn chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán. Kể từ năm 2019, CMC tăng cường hợp tác với Samsung SDS, cổ đông lớn nhất, và gần đây đã mở văn phòng mới tại Seoul để thúc đẩy tuyển dụng cả từ Việt Nam và tại Hàn Quốc./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
  • Tân Tổng thống Mỹ thu hồi Sắc lệnh về giảm thiểu rủi ro AI
    Ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thu hồi sắc lệnh hành pháp năm 2023 do cựu Tổng thống Joe Biden ký nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro mà trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra cho người dùng, người lao động và an ninh quốc gia.
  • Giải pháp xây dựng nền tảng ứng dụng AI trong doanh nghiệp
    Nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) kỹ thuật số tích hợp nhiều công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, các giải pháp CNTT điều khiển từ xa và phân tích dữ liệu để cải thiện việc cung cấp dịch vụ CNTT và điện tử viễn thông (ĐTVT).
Đừng bỏ lỡ
Nikkei: Công ty công nghệ Việt với chiến lược đầu tư TTDL ra thị trường quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO