Ninh Bình: Gắn trách nhiệm của UBND các cấp với đảm bảo vệ sinh An toàn thực phẩm

Bình Minh| 24/03/2021 10:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Từ 15/4/2021 đến 15/5/2021, Ninh Bình sẽ triển khai tháng cao điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) với nhiều giải pháp đồng bộ được xác định từ tỉnh tới các phường xã, trong đó gắn trách nhiệm của UBND các cấp với việc đảm bảo VSATTP.

Gắn trách nhiệm của UBND các cấp với đảm bảo vệ sinh ATTP - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra VSATTP tại Ninh Bình (baoninhbinh.gov.vn)

Tổ chức chiến dịch truyền thông về ATTP

Theo Kế hoạch số 45/KH-BCĐ của Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Ninh Bình ban hành ngày 22/3/2021 triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" trên địa bàn tỉnh năm 2021, một chiến dịch truyền thông về ATTP sẽ được triển khai từ tỉnh tới các phường, xã.

Cụ thể, tại tỉnh, các sở, ban ngành, tổ chức chính trị, xã hội triển khai tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, tổ chức các tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về An toàn thực phẩm. Trong đó, huy động các cơ quan thông tấn báo chí tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm ATTP; biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; thông tin đến người dân kết quả thanh tra, kiểm tra về ATTP, công khai tên các cơ sở, cá nhân vi phạm hành chính về ATTP, các thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; các tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật, quảng cáo có nội dung phản cảm trên các mạng thông tin điện tử, mạng xã hội.

Các cơ quan chức năng tại tỉnh Ninh Bình cũng sẽ phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức xã hội tổ chức tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông thích hợp (truyền thông trực tiếp thông qua cán bộ y tế, các lực lượng khác,…; truyền thông gián tiếp qua băng zôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp,…) để phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về ATTP, các văn bản quy phạm pháp luật của về ATTP; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định điều kiện vệ sinh ATTP và kiến thức khoa học về ATTP, tác hại của thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; giám sát, hướng dẫn các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tuyên truyền vận động nhân dân trong việc tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn đến các cơ quan chức năng…

Trong khi đó, tại tuyến huyện, xã triển khai các giải pháp để phát huy vai trò của hệ thống loa truyền thanh cấp huyện, xã để tập trung truyền tải thông điệp Tháng hành động; tuyên truyền chính sách, pháp luật, phổ biến các kiến thức về ATTP, đồng thời cảnh báo đến người tiêu dùng những tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm vi phạm các quy định của pháp luật.

Đồng thời, truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ y tế, giáo dục, các ban ngành, đoàn thể với các hình thức dễ tiếp thu như hướng dẫn thực hành cụ thể theo nhóm, nói chuyện, hội thảo, hội diễn, Ngoài ra, triển khai các hình thức truyền thông gián tiếp như treo băng zôn, khẩu hiệu, cấp phát tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về ATTP…

Tổ chức 3 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP

Đi đôi với chiến dịch tuyên truyền, Ninh Bình sẽ triển khai công tác kiểm tra về ATTP trong "Tháng hành động". Theo Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Ninh Bình, tại tỉnh, thành lập 3 Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh trong công tác bảo đảm ATTP của Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP cấp huyện, xã. Quy định trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Tiến hành kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trên địa bàn.

Ngoài ra các Sở Y tế, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Công thương, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tổ chức các đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATTP tiến hành kiểm tra tại cơ sở thực phẩm theo phân cấp quản lý.

Tại tuyến huyện và tuyến xã - Căn cứ kế hoạch triển khai Tháng hành động năm 2021 của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh và các văn bản hướng dẫn của Sở Y tế, các sở, ngành liên quan, UBND huyện (Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP huyện) chỉ đạo Phòng Y tế/Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra trong Tháng hành động tại địa phương và triển khai thực hiện từ tuyến huyện đến tuyến xã.

Đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới

Với nhiều giải pháp đồng bộ từ tuyến tỉnh tới các huyện, thị và xã, phường, tỉnh Ninh Bình quyết tâm thực hiện tháng cao điểm về VSATTP gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATTP. Nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương với các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm ATTP. Đồng thời, phát huy ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP.

Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP trong tình hình bình thường mới, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Ninh Bình tổ chức triển khai "Tháng hành động vì ATTP" tại tỉnh Ninh Bình năm 2021 với chủ đề: "Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới".

Mục tiêu của tỉnh Nình nhằm tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, đầy đủ, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm về ATTP nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực thi pháp luật về ATTP. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, hậu kiểm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn của các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kịp thời xử lý các sự cố mất ATTP.

Theo số liệu báo cáo năm 2020, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra được 7.020 lượt cơ sở, phát hiện 745 cơ sở có vi phạm, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền 391 cơ sở với số tiền phạt là 883.400.000 đồng. Cùng với việc xử phạt hành chính, các đoàn đã kiên quyết xử lý tịch thu và buộc tiêu hủy đối với nhiều sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nguyên nhân chính của những tồn tại trên là ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATTP chưa cao do sự nhận thức yếu kém, chạy theo lợi nhuận và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình: Gắn trách nhiệm của UBND các cấp với đảm bảo vệ sinh An toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO