Ninh Thuận áp dụng công nghệ số quản lý và thương mại sản phẩm OCOP

Đỗ Thêu| 23/11/2022 09:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Thực hiện kế hoạch số 1363/KH-UBND về thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tăng cường áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Mục tiêu của kế hoạch đề ra giai đoạn 2021 - 2030 là: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 4 - 5%/năm; có ít nhất 3 sản phẩm trong nhóm sản phẩm nông nghiệp đặc thù được xuất khẩu. 

Tỉnh phấn đấu nâng cao thu nhập người dân đến năm 2030 tăng gấp 3 lần so với 2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân ít nhất 1,5%/năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 80%; có ít nhất 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 

Địa phương sẽ tập trung phát triển nền nông nghiệp xanh thích ứng biến đổi khí hậu và phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng đạt 49%.

Đến năm 2050, Ninh thuận sẽ trở thành một trong những tỉnh có nền nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, thân thiện môi trường. Khu vực nông thôn trở thành "nơi đáng sống", văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.

Ninh Thuận thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững - Ảnh 1.

Mô hình trồng bưởi da xanh cho thu nhập cao ở Ninh Thuận

Xác định nông nghiệp là trụ đỡ cho nền kinh tế của tỉnh nên việc đưa ra chỉ tiêu cụ thể trong kế hoạch số 1363/KH-UBND là hết sức cần thiết. Để đạt được các chỉ tiêu trên, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai chương trình một cách đồng bộ, hiệu quả. 

Tỉnh tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu sản phẩm OCOP Việt Nam trên thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu. Ninh Thuận tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cơ cấu lại nông nghiệp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Ninh Thuận thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững - Ảnh 2.

Mô hình nuôi tôm giống được chăm sóc cẩn thận

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Có được kết quả tăng trưởng cao như hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh không ngừng nỗ lực chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa ra những giải pháp tiếp tục cơ cấu theo hướng phát triển kinh tế bền vững thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, gắn với ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng an toàn, các sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP, VietGap… Đặc biệt, thông qua các chương trình khuyến công, khuyến nông hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho các cơ sở sản xuất phát triển ngành nghề chế biến, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước tăng thu nhập cho người dân.

Các ngành, các cấp trong tỉnh mạnh dạn tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển dần từ sản xuất đơn lẻ sang liên kết hợp tác xã, doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết giữa 4 nhà: nhà nông, nhà nước, doanh nghệp và nhà khoa học. 

Ngoài ra, tỉnh luôn chú trọng tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính nhanh gọn, hỗ trợ huy động nguồn vốn… để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp quy mô lớn; khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết, lấy doanh nghiệp là trọng tâm. 

Cùng với đó, tỉnh tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp và mở rộng hình thức cho vay tín chấp để tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao…

Để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền với việc phát trển nền nông nghiệp sạch nhằm gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, đồng thời đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và nước ngoài./.

Bài liên quan
  • Đưa dịch vụ công trực tuyến đến đồng bào dân tộc thiểu số tại Ninh Thuận
    Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Tuy nhiên, tại các khu vực vùng sâu, vùng xa và đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), khả năng tiếp cận và sử dụng DVCTT còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở các tỉnh như Ninh Thuận, nơi tập trung đông đồng bào DTTS.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ninh Thuận áp dụng công nghệ số quản lý và thương mại sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO