Đời sống xã hội

Nóng chuyện lạm thu đầu năm học

Ngọc Anh 05/10/2023 10:36

Một lớp học ở ngôi trường danh giá bậc nhất thủ đô đã phải hoàn trả lại khoản thu quỹ phụ huynh lên tới 4,5 triệu đồng cho một học kỳ.

Minh hoạ.

Chuyện là ngày 16/9, trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, ban phụ huynh lớp 12 Văn của Trường Trung học phổ thông Chu Văn An đã thu của mỗi phụ huynh học sinh là 4,5 triệu đồng/học kỳ tiền quỹ phụ huynh.

Việc này đã khiến một số phụ huynh bức xúc và chiều ngày 23/9, Ban Giám hiệu Trường Trung học phổ thông Chu Văn An đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 12 Văn trả lại toàn bộ khoản thu này cho từng phụ huynh học sinh, hoàn thành trước trước 12h ngày 24/9.

Sự việc lớp 12 Văn THPT Chu Văn Văn thu quỹ phụ huynh gây bức xúc với số tiền 4,5 triệu cho một học kỳ chỉ là một phần của tảng băng có tên gọi lạm thu đầu năm học mà năm nào cũng tái diễn.

Mới chỉ bắt đầu năm học mới khoảng 1 tháng, hàng loạt trường đã bị xướng tên vì để xảy ra tình trạng lạm thu.

Trường THCS Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) gây xôn xao khi phát ra bản dự kiến chi tiêu với tiền quỹ cha mẹ học sinh lên đến hơn nửa tỉ đồng. Sau khi phụ huynh phản ánh, nhà trường đã phải trả lại toàn bộ kinh phí đã vận động của phụ huynh 14/35 lớp, tổng số tiền là 162.040.000 đồng.

UBND huyện Thanh Trì đã nhanh chóng vào cuộc, xác minh, chỉ đạo phê bình Hiệu trưởng Trường THCS Tứ Hiệp; chấn chỉnh, nhắc nhở Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc tổ chức vận động quỹ Hội cha mẹ học sinh.

Hay tại Trường THCS Nguyễn Trãi (Hải Dương), các khoản thu đầu năm 2023-2024 có tới 16 khoản thu từ học phí cho đến tiền mua bàn, ghế, ti vi, hỗ trợ cơ sở vật chất... Tổng các khoản thu lên đến gần 3,8 triệu đồng/học sinh, gây xôn xao dư luận.

Phòng Giáo dục đào tạo TP. Chí Linh (Hải Dương) đã yêu cầu Trường THCS Nguyễn Trãi trả lại cho phụ huynh một số khoản thu chưa đúng quy định như mua loa đài, bàn ghế, ti vi...

Tương tự, tại Trường tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM), sau vụ việc lớp học 1/2 thu quỹ cha mẹ học sinh hơn 300 triệu đồng gây xôn xao dư luận, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thạnh đã có văn bản phê bình hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Hà, đồng thời chỉ đạo nhà trường phê bình giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2 và hoàn trả số tiền thu - chi sai quy định cho cha mẹ học sinh.

Mặc dù ngành giáo dục các địa phương đã có nhiều văn bản quán triệt, nhưng tình trạng lạm thu vẫn xảy ra, ngày càng lộ liễu và số tiền thu/chi cũng "khủng" hơn.

Dù là vụ việc xảy ra ở đâu, số tiền lạm thu bao nhiêu, thì đều có chung cách giải quyết, đó là: Thành lập đoàn kiểm tra, nghe báo cáo, họp giải trình, trả lại tiền đã thu, nhắc nhở, quán triệt….

Nhiều ý kiến phụ huynh cho rằng, những hình thức xử lý này dường như còn quá nhẹ, không đủ răn đe hay tác động đến các nhà trường, ban giám hiệu, giáo viên để cùng rút kinh nghiệm.

Được biết, việc thu chi các khoản tiền đầu năm học ngoài học phí đều được quy định rõ. Ví dụ, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội đã yêu cầu tuyệt đối không lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.

Cụ thể, ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản như: Bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường; bảo đảm an ninh, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp, trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Việc thu chi các khoản tiền của ban đại diện cha mẹ học sinh phải được thực hiện công khai, dân chủ. Không được quy định mức kinh phí bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Minh hoạ.

Ngay khi vào năm học mới 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các trường trực thuộc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi, trong đó nhấn mạnh yêu cầu công khai, minh bạch các khoản thu, nhất là những khoản thu khác ngoài học phí. Đây chính là một trong những lý do khiến phụ huynh học sinh bức xúc khi vẫn có nơi làm tắt quy trình hay núp dưới danh nghĩa "tự nguyện"...

Để tránh tình trạng lạm thu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, phòng đã họp với hiệu trưởng của tất cả các trường học, quán triệt yêu cầu, đặc biệt quan tâm đến hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, tuyệt đối không để xảy ra việc ban đại diện thu khoản gì mà giáo viên, hiệu trưởng không nắm được. Kế hoạch thu, chi của ban đại diện phải được thống nhất với ban giám hiệu, sau đó mới triển khai ở các lớp trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng.

"Khi ban đại diện cha mẹ học sinh triển khai hoạt động của ban cũng như các khoản thu, chi, giáo viên chủ nhiệm lớp phải ngồi cùng nghe, tránh việc không nắm được nội dung mà ban đại diện cha mẹ học sinh triển khai ở lớp mình", bà Phạm Thị Lệ Hằng cho biết.

Còn theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì, toàn bộ kế hoạch thu, chi của từng lớp, từng trường, ở tất cả các cấp học trên địa bàn đều phải gửi về Ủy ban nhân dân huyện để được phê duyệt trước khi triển khai, tuyệt đối không được tự ý tổ chức thu những khoản ngoài quy định, chưa được phê duyệt.

Năm học này, bên cạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn các nhà trường thực hiện đúng quy định, các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã đều tăng cường công tác giám sát nhằm ngăn chặn tình trạng lạm thu.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã có kế hoạch kiểm tra các trường trực thuộc về công tác thu, chi. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào những khoản thu khác ngoài học phí, bởi đây là vấn đề thường khiến phụ huynh học sinh bức xúc.

Đồng thời, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội cũng đang tăng cường công tác số hóa trong thu, chi trường học, theo đó, sẽ triển khai tập huấn sử dụng phần mềm quản lý các khoản thu không dùng tiền mặt tới các trường học ngay từ đầu năm học 2023-2024.

Trở lại với câu chuyện lạm thu ở Trường THPT Chu Văn An. 4,5 triệu đồng tiền quỹ lớp cho một học kỳ có khi bằng một tháng thu nhập của một gia đình lao động. Nhà có 2 con đi học. Mấy tháng sau lại đến học kỳ 2, lại thu quỹ lớp. Chưa kể tiền học phí, sách vở, quần áo và nhiều thứ khác. Thử hình dung như vậy để thấy gánh nặng của lạm thu.

Nhân danh ban phụ huynh để hợp pháp các khoản thu là việc năm nào cũng được nhắc đến. Có vẻ như những kết quả thanh tra kiểm tra cũng chỉ cho ra những trường hợp nhỏ nhoi. Sự thật tình trạng lạm thu các khoản đóng góp đầu năm, đặc biệt là quỹ phụ huynh như ở các trường đã được phát hiện, xử lý vẫn là phổ biến.

Điều 10 (về kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh) trong Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh đã được quy định đầy đủ. Nhưng rồi vi phạm vẫn xảy ra.

Ban phụ huynh để làm gì? Quỹ phụ huynh nhằm mục đích gì? Theo chúng tôi khởi nguồn của những hình thức này đều mang ý nghĩa tốt đẹp. Ban phụ huynh nếu theo nghĩa tích cực thì là nơi kết nối, hỗ trợ tạo nên mối quan hệ thông suốt giữa thầy cô, nhà trường và gia đình. Ban phụ huynh không phải là mô hình hoạt động để hợp thức hoá những khoản chi tiêu không đúng quy định.

Có một điều khá băn khoăn là lạm thu đầu năm học không phải là câu chuyện mới mẻ. Nó là chuyện mà đầu năm học nào chúng ta cũng phải tốn giấy mực bàn tới. Thậm chí năm học nào rồi cũng có những phản ánh về lạm thu gây bức xúc dư luận. Vậy vì sao chuyện này không khắc phục được? Gốc rễ vấn đề nằm ở đâu trong cái gọi là xã hội hoá giáo dục của ngày hôm nay?

Giáo dục ngày nay có trường công lập và trường tư. Sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội phát triển cũng là không tránh khỏi. Nhưng trong một mặt bằng chung, nhà nước đảm bảo để mọi đứa trẻ đều được tiếp cận tới giáo dục một cách công bằng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • ĐMST mở xã hội mang lại cho 90% doanh nghiệp cơ hội tạo giá trị kinh doanh bền vững
    Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD, hơn 90% các doanh nghiệp cho rằng đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở xã hội mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tạo ra giá trị kinh doanh bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
  • ‏FPT đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc‏
    ‏Mới đây, FPT vừa ký kết thỏa thuận hợp tác ba năm với OutSystems, chính thức trở thành đối tác phân phối và triển khai tại thị trường Hàn Quốc, đảm bảo thời gian ra mắt phần mềm của khách hàng được rút ngắn và tối ưu chi phí.
  • Người giữ bình yên nơi vùng cao
    Huyện Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất tỉnh, chiếm 56,92%, với địa hình rừng núi, giao thông đi lại khó khăn, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa đa dạng chính vì vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các bản làng luôn là nhiệm vụ được các cấp ủy Đảng quan tâm. Do đó, đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín luôn là đội ngũ nòng cốt góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.
  • Tuyên Quang: Kiên trì phương châm “mưa dầm thấm lâu” để nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng DTTS&MN
    Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, góp phần giúp các kiến thức pháp luật về mọi mặt của đời sống ngày một đến gần hơn với người dân (đặc biệt là vùng đồng bào DTTS&MN).
Đừng bỏ lỡ
Nóng chuyện lạm thu đầu năm học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO